VÒM XANH BỤI NƯỚC..

Ngày đăng: 2/01/2021 09:06:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Quê tôi có rất nhiều vòm xanh. Nó được tạo bởi hàng cây hai bên lề đường. Chúng tìm nhau, che rợp.. tạo nên một cảnh sắc thanh bình, yên ả…chấp chới cánh cò bay.

Ra khỏi nội thành, hàng bằng lăng che tím trước khi đến Đa Lộc. Hàng tre nghiêng vùng Nhị Trường của Cầu Ngang mượt mà xanh. Nhưng, đượm nồng trong tôi, ngọn lửa riu riu cháy, thôi thúc hồi ức về một con đường nhỏ. Nó tách chốn thị thành, bỏ lại sau lưng sự ồn náo.

Cách Trà Vinh chừng năm cây số ngàn, có cổng nhỏ, vắt ngang qua đường mòn, biển đề: Chùa Liên Quang. Từ cổng, xe lôi gắn máy có thể len lách để chở khách đến viếng chùa. Xưa, từ cổng, hai bên là hàng cây duối già.

 

Hàng me, Trà Vinh

Thứ cây hoang được trồng như hàng rào. Duối lá nhỏ, nhám. Trái chín vàng ươm. Nó có trái nhỏ, ăn ngọt nên lũ trẻ thành thị giành nhau hái. Duối cổng chùa Liên Quang to, vượt cao, che kín mặt đường. Nó tạo nên một vùng mát lạnh giữa trời oi bức. Ta có thể đi qua chùa, tiếp theo lối mòn. Hai bên là rừng tre. Có muôn ngàn tre kề sát. Khó mà đi vào rừng này. Có lẽ vì thế, người ta gọi là ấp Truôn? Chữ Truôn không có g. Có thể chữ viết của ngày xưa khác nay, tương tự như Caungan và Cầu Ngang, Canlong và Càng Long?

Bởi với Truôn, tôi đã thử hỏi nhiều người am tường thì nó không xuất từ nguồn Khmer như một số địa danh khác. Viết Truôn riết thành quen, thay vì phải là Truông.

Hơn sáu mươi năm rồi, con đường này vẫn chưa mờ phai trong tôi. Tôi vẫn còn nhớ chuyện xưa, cho rằng mỗi khi đêm về, người ta thấy từng đàn thiên nga trắng, hiện ở ao chùa. Chúng chỉ hiện với người hữu duyên. Chuyện cả xóm nghèo xác xơ, cái xóm chó không sủa, gà không gáy, từ khi giữa rừng hoang dại mọc lên một nấm mồ vô danh! Chỗ ngôi mộ, giờ là chùa Liên Quang. Tương truyền rằng, người dân phải chôn xác chó mực, đổ huyết chó lên ngôi mộ hoang không ai đắp mà ngày càng nổi cao, để chó được sủa, để gà lại gáy.

Mộ vô danh giờ đã có tên: mộ Ông É. Bởi, xung quanh mộ rất nhiều cây é tía, một loài cỏ hoang.

Hàng duối giờ không còn. Đường vào rộng hơn. Rừng tre thành đất thuộc. Nhà cửa khá sạch đẹp. Vậy mà,trong tôi vẫn hoài còn một xóm truông..

Và, vẫn còn một vòm xanh tồn tại giữa lòng phố thị, qua bao năm tháng.. Con đường học trò, trắng như bướm đàn, vòi vọi me xanh. Nó xanh, óng ánh bởi những cơn mưa cuối, chuẩn bị đi vào mùa Tết.

Nếu như có một ngày ngột ngạt, bạn thử về đi lại con đường diễm lệ này, bạn sẽ thấy những thước phim ngày cũ…Những chiếc nón e ấp đưa duyên. Những nụ cười len lén trao nhau. Tiếng guốc khua, tiếng nói cười trong trẻo, trong muốt như những tia nắng ngã xanh màu lá và những tà áo phất, lung linh. Tôi thích nhất là được đi trên con đường này sau cơn mưa. Không phải vì mặt đường sũng nước mà bởi những hạt mưa nhỏ rít còn sót, đọng trên cành lá me, theo gió nhẹ lùa, rơi xuống. Mỏng lắm. Mỏng đến không nhìn thấy được. Như hơi sương và tạo cho chính ta cái sãng khoái của buổi ngược dòng, đi về chốn của hoài niệm. Ta bắt gặp ta đầu đời, và biết đâu đó, lại gặp một ánh mắt trong veo, một mái tóc bay bay, mời gọi…

Con đường xưa. Thời gian. Và, ta thử đi lại một lần. Chút se lạnh của lá chắc chắn sẽ làm ta nao nao như ngày trước. Và cũng biết đâu, lại có những tia nắng xưa, len lỏi.. đậu xuống trên áo thư sinh ngày nào, hoá thành những đóa hoa.. thanh xuân.

Nếu có một ngày ngột ngạt

Em về đi lại đường xưa

Lá me xanh như tóc mướt

Khuây lòng…đường trắng ban trưa.

Đường vòm xây cổng thanh xuân

Nhớ truông tịnh an ngày vắng

Thơ xưa ngân xao quãng lặng

Nhớ anh vời vợi mây Tần.

( thơ ảnh: HB)

Rất may, Trà Vinh vẫn còn đó, một con đường!

27-12-2020

Hồng Băng

H1

H2                           Vũng Tàu

H3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác