GIẤC ĐỜI, BÌNH THƯỜNG NHƯ CỎ MỌN
Tôi đã chuẩn bị sẵn trong túi xách một quyển sách khi cùng Hạnh qua nhà cháu Vinh bên rừng lá thấp. Hôm nay, cũng như những lần trước, nhiệm vụ tôi chỉ chở Hạnh qua và ngồi im xem Hạnh nấu nồi tương. Lần này thì tôi quyết chỉ ngồi im để đọc sách. Ngoài đường im vắng. Con đường lớn nội bộ buổi trưa như đang chìm trong cơn ngái ngủ, và tôi cũng đang miên man dõi theo từng trang sách. Một quyển sách khác với những quyển sách bình thường, dù nó có nhan đề NGƯỜI THƯỜNG của Nguyễn Hồng Cúc mà tôi vừa nhận được hôm chúa nhật 22/11/2020.
Bố cục của 179 trang viết thật khác thường, gồm13 tản văn 6 bài thơ và một bài ký 75 trang Lên núi viết luận án. Trong bài ký Lên núi viết luận án là tổng hợp của 23 ngày sống trên chùa, gồm những trang viết ghi lại từng ngày, những bài viết ngắn về những trải nghiệm, ghi chú cảm nhận trong thời gian đó.
Tôi đọc một mạch và nghiệm ra đúng là Người Thường, bình thường. Cái thường đó đi suốt một mạch xuyên qua toàn thể văn và thơ, ngọai trừ truyện ngắn Ngoảnh Mặt. Có lẽ bởi văn phong năm 1971 đã quá xa với Nguyễn Hồng Cúc thế kỷ 21. Những đấu tranh, những khát vọng hòa bình, những hoài bão đã chỉ còn là hoài niệm. Bây giờ đơn giản hơn. Không cần đến những bất thường bởi quá nhiều chai sần trong thế cuộc. Bây giờ là cõi vô thường. Cứ an ủi thế để bình thường. Để che dấu những niềm trăn trở trong tâm
« Ta chạy trốn
Con người
Ẩn trong căn nhà nhỏ
Ngỡ yên thân
Nhưng không
Họ đến gõ cửa
Lôi ra
Chứng kiến
Sự hèn hạ của lòng người
(Nguyễn Hồng Cúc, Chạy trốn) »
Truyện Người Thường được đặt tên cho quyển sách, và theo tôi, cũng xứng với tên. Truyện không dài, chỉ 12 trang sách, nhưng đã làm lao xao tôi bởi viết về cái chết của một nhân vật quá thường.
Nguyễn Hồng Cúc khai mào bằng mấy câu :
« Có những cài chết người khác tiếc nuối
Có những người nằm xuống người ta dè bĩu chê cười
Có những kẻ mất đi….Ừ nhỉ thôi cũng được
Tôi muốn viết về cái chết thôi cũng được đó »
Cái chết thôi cũng được đó là ai ? Đó là một ông già vào chùa tu năm 89 tuổi, có pháp hiệu Thiên Thọ, chết năm 98 tuổi, cũng đáng là thiên thọ, chỉ hiềm ông là một người tầm thường dị thường : Đi tu nhưng thèm ăn mặn, thích ăn mặn nhưng bao tử lại không tiêu nên cả đời tu mãi thèm thịt cá, khô cá thiều, lạp xưởng. vịt muối…và thêm bao thói tật kèm theo : thích hút thuốc, mâu thuẩn với các con, ham bài bạc, chẳng ai sống nổi. Con trai ông ở nước ngoài thường xuyên gởi tiền cấp dưỡng. Trong một phút bốc đồng (hay giận vì không sống nổi với ai), ông bảo con trai xây cho cái am trong chùa để ông tu. Thế là ông tu. Sư trụ trì muốn ông tu. Nhưng ông thích sống như ở nhà dưỡng lão. 89 tuổi rồi, nên sư trụ trì miễn hết cho ông luật đạo. Các tín hữu phật tử đến chùa gọi ông là sư ông, sư cụ. Những người làm công quả thì cứ gọi ông là ông cốc. Ông cốc thích mua vé số mơ trúng số sẽ cúng xây chùa, nhưng đến chết cũng chưa chạm ngõ thần tài.
Sư trụ trì bảo con gái ông đọc tiểu sử về ông. Cô chỉ nhớ lại những trận đòn roi, những trận chửi rủa khi ông thua bạc. Có thể nào nói theo kiểu Quốc văn giáo khoa thư ? « Vừa nhắm mắt, để sư ông này nghĩ rằng cô đang hồi tưởng, cô chậm rãi nói: Ba con là một người thường, một người thường thường, sống có trách nhiệm, nuôi vợ nuôi con, có một nghề nghiệp để sống….đó không phải là một anh hùng, hay một vĩ nhân biết hy sinh cho quốc gia đại sự cứu người…là một người thường, bình thường, không ám hại ai, không thù oán ai, không có ý giết hại người này, người kia… ». Đám tang ông, con trai nước ngoài về cúng chùa, miễn phúng điếu, 12 xe hơi đưa, 50 xe gắn máy tiễn. Thiên hạ đánh số đề, mua vé số cầu may….Nguyễn Hồng Cúc muốn nói về một đám tang thường thường của một người bình thường mà Lev Tolstoi đã viết trong Tự Thú:
« Tôi đã từng là kẻ thông dâm và một kẻ lừa đảo. Nói dối, trộm cắp, bừa bãi và lang chạ đủ kiểu, rượu chè, bạo động, sát nhân – không có tội ác nào mà tôi không phạm phải, mặc dù thế, tôi được ca ngợi, và những đồng nghiệp của tôi đã, và vẫn đang thực sự xem tôi là một người tương đối đạo đức »
Tôi thích những quan sát bình thường trong cõi tầm thường ấy. Chính trong lời nhận xét về cha mình, người con gái ít ra cũng ngăn mình không nói ra những điều bình thường mà cô chịu đựng bấy lâu, hoặc sáo rỗng tôn vinh những điều không thật.
Có một ai đó nói, « cõi sống này không dễ sống cùng, trừ phi chúng ta mở to mắt và quan sát kỹ những điều ta thấy » Điều tầm thường này có bình thường không ?
« Họ đã trân tráo nhìn chúng ta
Khi mình hôn nhau
Hãy bịt mắt họ đi anh
Những đứa con của trần gian
Tò mò và điên dại”
(Nguyễn Hồng Cúc, Nhật hoa)
Khi con người bình thường không còn có thể tự diễn đạt trạng thái sống của mình, ta thường mơ để tự thỏa mình.:
“Mây trắng bay qua
Khe khẽ nói với núi
Có những tuổi trẻ
Đóng băng trong xe
Vì đi tìm cuộc sống
Màu băng đá làm trắng thêm mây
Núi rơi lệ
(Nguyễn Hồng Cúc, Núi khóc)”
Và nói cùng đá núi một niềm mong:
“Nàng mang một mầm trạng nguyên lên núi
Hy vọng núi sẽ có ước mơ
Nàng ngồi tỉ tê với đá
Cầu xin đá nứt để nàng gieo hạt
Nàng sẽ tưới bằng nước mắt
Những giọt nước mắt long lanh như thủy tinh
Hy vọng trạng nguyên sẽ nẩy mầm trong đá
Trăm năm
(Nguyễn Hồng Cúc, Núi yêu)”
Hãy nói cho tôi biết, điều gì tầm thường trong cuộc đời? Mỗi một thân phận đời đều có một thang bậc giá trị ngang nhau. Có khác chăng là những điều bí ẩn núp đàng sau câu chuyện. Như Washington từng nói “Không dân tộc nào có thể thịnh vượng nếu nó không biết rằng cày ruộng cũng có phẩm giá như làm một bài thơ”
Ánh sao lẻ loi dù băng cũng có riêng sự uy nghi của nó. Trong nỗi chết độc hành cũng gượng báo cho đời bằng vệt sáng cuối cùng gởi lại cho những ai biết dõi theo. Dẫu cuối cùng cũng tan biến hút hư không.
ĐẶNG CHÂU LONG
25-11-2020
Tác giả Nguyễn Hồng Cúc