VĨNH-LONG – NHƠN-VẬT CHÍ: SÁCH CẦN ĐỌC

Ngày đăng: 8/10/2020 06:07:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

1 Gần hai chục năm tui mất mảng ký ức từ thời trung học , không phải do tuổi già mà do tai nạn giao thông . Tui quên nhiều cái thuở còn mặc áo dài trắng xa xưa. Lâu dần , tui không có nhu cầu cần nhớ mà truy tìm ngày hôm qua đâu rồi .Trong thời buổi chạy theo cơm áo gạo tiền , tui phải lo chen lấn vào đời để khẳng định bản thân , để có chổ đứng trong một xã hội mới mà nhân thân tui không hề có dù ô che chắn ! Cho đến một ngày , người xưa Vĩnh Long gọi cửa , rồi vô thức hồi đáp như tiếng nói của trái tim . Cửa quá khứ mở ra , tui dần nhớ lại chuyện cũ mịt mờ . Rồi một lần về thăm trường Tống Phước Hiệp chỉ thấy trường Lưu văn Liệt thay thế cả xác lẫn hồn , tui mới bàng hoàng chợt tỉnh . Bữa nay , cẩm quyển sách ‘ Vĩnh-long Nhơn-vật chí ‘ trên tay, mà lòng tui rưng rức với mặc cảm tội lỗi của kẻ quên mầt cội nguồn, tui là người Vĩnh long có tâm địa phủ phàng chăng? Quyển sách cổ xuất bản từ 1925 như sự khai quật di chỉ tiền nhân để lại . Di chỉ của cổ nhân gởi cho những con người đương đại của Vĩnh long như một kho tàng vô giá. Nhưng buồn thay , người càng đương đại càng xa dần quá khứ , như tui đã từng ở trong một quá khứ của chính mính ; trong đó , ít nhớ , nhiều quên .

2. Tui đọc một hơi gần sáng đã xong quyển sách. Thấp thoáng trong từng trang sách với văn phong từ đầu thế kỷ 20 , bóng dáng tiền nhân ẩn hiện . Tui nhận ra khuôn mặt cụ Phan Thanh Giản , Quốc công Tống Phước Hiệp và những bậc tiền hiền đóng góp công lao không nhỏ cho Văn Thánh Miếu thân quen .Chân dung vợ chồng Quan phủ Trần Đình Bão rõ nét hơn từ tấm hình chụp tận đầu thế kỷ 20. Cầm quyển sách lên phòng thờ , đặt trên bàn thờ tổ tiên trang trọng đảnh lễ 3 lạy cho vơi bớt mặc cảm trong lòng , như một lời sám hối, là rằng tui có lỗi ; là rằng tui đã quên những điều lẽ ra phải nhớ mà luôn nhớ những việc lẽ ra cần quên cho đời thanh thản .

Hình như trong máu tui đang chảy ngược một dòng trở về quá khứ của một Vĩnh long xưa , Vĩnh long từ thời cụ Phan Thanh Giản.

Quyển sách dày ngót nghét trăm trang chia hai phần : Chính sử , nói về quan lộ của hai bậc cựu thần như Quốc công Tống Phước Hiệp , cụ Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và thượng thư Nguyễn Đăng Tam . Phần Ngoại sử phong phú ghi chép lại công đức của những danh nhân hào kiệt, những bậc nữ lưu đất Vĩnh một lòng xây dựng và trùng tu giữ gìn quê cha đất tổ.

Đọc những lá thư qua lại giữa các ngài Thượng thư Nguyễn Đăng Tam, Phan Thanh Kỹ , tri huyện Hòa Vang ( Quãng Nam, là chắt cụ Phan) , ông Lê văn Bền phó chủ tịch Hội Vĩnh Long tương tế. Mới thấy con đường phát triển chữ Quốc Ngữ để có chữ Việt đẹp và chuẩn mực như bây giờ . Văn phong người xưa từ 1925 đậm sâu phong cách nho gia trong thời kỳ giao thoa cùng Tây học . Những câu viết bằng chữ Quốc Ngữ đầu thế kỷ 20 trang trọng như thế nầy đây .

” Kính thăm huynh-ông và quí quyến được khương thái, tôi và gia quyến tôi ngoài nầy đều an hão ” ” Huynh-ông được thơ nầy , xin điển giây thép ra cho tôi rỏ , kẻo trông và sợ mất ‘

Hay là

” Tôi rất phục tình cho sự lập cuốn ‘” Vĩnh long nhơn vật chí ” để chăm non việc nghiên cứu. Thật là may mắng cho ta ngày nay , còn người lo việc trước sau, vậy mới rất thâm thúy , rất vẽ vang cho người bổn tĩnh ” (nguyên văn )

Những hạt sạn coi như lỗi chính tả so với chữ Việt đương đại , với tui lại là những hạt ngọc lấp lánh giá trị của thời gian. Các cụ dùng những chữ như ‘ đờn bà ‘ ‘ bổn tỉnh ‘ Bính Thình’ ..’ cụ Phan Thanh Giãng ‘ ‘ buỗi thiên tai đại hạng ‘ ‘ Văn Xương Cát ‘ vua Khãi Định’ ‘ ân thưỡng ‘ ‘ mãng nguyện ‘ ‘ kết quả’ ‘ cữ chĩ ‘… và còn nhiều nữa , nhiều nữa …phản ảnh một nếp văn học xưa đang dần chuyển mùa đương đại mà các cụ là lực lượng tiên phong . Đó là giai đoạn chữ Quốc ngữ chưa mượt mà bóng bẩy mà phải cần nhiều người tâm huyết từ người yêu chữ Việt , chăm sóc nâng niu để có ‘ tiếng nước tôi ‘ đẹp đẽ như bây giờ .

Thương cuộc đời cụ Phan Thanh Giản mãi sống xa nhà từ khi nhận ấn làm quan cho tới khi tuẩn tiết vì ba tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp. Ông mất ngày mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867) thì năm sau ông bị đoạt hết tước hàm , tên cụ nơi bia Tiến sĩ bị đục bỏ. Năm Đồng Khánh nguyên niên (1885) cụ được xá tội, phục lại tước hàm, lập bia Tiến sĩ khắc tên cụ lại .

Bia mộ đề câu

” LƯƠNG KHÊ PHAN LÃO NÔNG CHI MỘ”

Đọc bức thư nặng nợ nước tình nhà cụ gởi cho hiền thê tại xứ Ba Tri khi cụ còn ở ngoài kinh đô xa thẵm thấy thương cho ông quan thật sự nặng lòng với đất nước .

Cụ viết như vầy

“Từ thuở vương xe mối chỉ hồng

Lòng nầy ghi tạc có non sông

Đường mây cưỡi tớ ham dung rủi

Trường liễu thương ai chịu lạnh lùng

Ơn nước nợ trai đành nỗi phận

Cha già nhà khó cậy nhau cùng ;

Mấy lời dặn nhũ khi dời bước

Rằng nhớ rằng quên lòng hỏi lòng.”

( Kỳ-nội thơ )

Khí tiết người xưa cao ngút trời xanh . Một cái chết mãi được tiếc thương , và ông Đồ Chiểu đã thương khóc cụ Phan

“Lịch sữ tam triều độc khiết chân

Vì công thùy táng nhất phương vân

Long -hồ uỗng phụ thơ sanh lão

Phụng cát không vi học sĩ thần

Bĩnh-tiết tần lao sanh Phú -Bật

Tận trung hà tận tữ trương Tuần

Hữu thiên Lục -Tĩnh tồn vong sự

Nam đắc thung dung tựu nghĩa nhân

(Nguyễn Đình Chiểu)

( nguyên văn , những chữ : sữ , tữ với dấu ngã )

“Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh long , lập tại làng Long Hồ , năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức 17 (1864) ngày mồng mười tháng mười một Annam.”

( nguyên văn)

Văn Xương Các cách Văn Thánh Miếu vài chục bước chân , cảnh quang bây giờ đâu khác cảnh quang được tả từ đầu thập niên 1920 :

” …nơi nầy có cái nét thiệt là cổ , thiệt là bền rộng , thiệt là mát mẻ , có cái vẻ vĩ đại mà thái bình , thái bình mà oai nghiêm. Nhìn cột kèo hởi còn chắc chắn , móng tường còn bền chặt , người người lui tới ra vào không có mấy , nhưng thiên hạ chưa hẳng là vô tình hết , mà không còn một ai ngó đến .”

( trích nguyên văn trang IV)

Văn xương Các là nơi thờ cụ Kinh Lược Phan và những Công Tuần Nam Trung. Chổ đó , học trò trường Tống ai cũng từng qua , đã từng ghé lại đền Văn xương Các tưởng nhớ tiền hiền , đọc bài vị của cụ mà ghi lòng khắc dạ , nguyện cầu mình cũng chữ tốt thơ hay , kinh lược tài ba .

” Lễ bộ Thượng thơ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, lãnh Vĩnh long , An Hà tam tỉnh Kinh lược Phan Thanh Giản chi vị ”

Tui trích dẫn chính xác từ sách cổ câu sau :

” QUAN TRIỀU NAM KHÂM MẠNG ĐẠI THẦN MẦNG VĨNH-LONG CÓ VĂN THÁNH, CÓ ĐẾN YẾT MIẾU VÀ LƯU TẶNG MỘT CÂU LIỄN NHƯ VẦY :

” Xuân thu hà đẳng càng khôn, đao tại ngũ kinh song nhật nguyệt”

“Châu tứ biệt thành vỏ trụ, đồ qua Lục-Tĩnh nhứt cung tường ”

Con đường mát rượi dẫn vào Miếu thờ là nơi bao dấu chân để lại , bao tấm hình lấy bối cảnh nơi đây , tình và thơ, hiện tại , quá khứ quyện vào nhau lai láng tâm hồn của người dân đất Long Hồ .

Sách dẫn tui qua miếu thờ cụ Tống Quốc Công tại làng Long Châu , Châu Thành Vĩnh long., thiệt là một nơi linh ứng , hồi xưa tui vẫn nghe người ta hay nói ” Tới miểu quan Quốc Công mà thề ‘ khi người ta có việc bất bình , không tin nhau mà không muốn đưa nhau ra chốn công đường.

Miểu Quốc công cũng là nơi những gánh hát bội, cải lương đến biểu diễn . Nhớ lần ganh hát Kim Chưởng về Miếu Quốc Công hát thả giàn vào năm thân mẫu bà bầu Kim Chưởng qua đời tại xã Tân Hòa – Mỹ Thuận . Lần đầu tiên tui đi coi hát cải lương mà không tốn tiền mua vé mà không phải coi cọp như …bấy nay, lần đầu tiên tui coi ‘ sầu nữ ‘ Út Bạch Lan hát trên sân khẩu trong vở cải lương ‘ Thuyền ra cửa biển’

3. Quyển sách cổ kéo quá khứ bừng dậy đùng đùng làm tâm hồn tui choáng váng. Bao nhiêu thế hệ đã qua , đã chìm vào ký ức và thế hệ của tui cũng vào buổi hoàng hôn, không khéo cũng mòn mỏi ngủ quên. Cổ nhân đã không còn mà cố nhân cũng mong gì gặp lại. Còn chăng trong đêm nay tĩnh lặng chỉ có tui trải lòng trên trang sách cổ , tưởng tiếc người xưa và hoài niệm cho tui một chút tình thời áo trắng dưới mái trường mang tên Quốc công họ Tống , trường Tống Phước Hiệp đã-không-còn.Tui nhớ sân trường đầy hoa phượng , tui nhớ con đường dẫn vào phòng Khánh Tiết trải thảm hoa vàng rực mỗi trưa mỗi chiều mưa khi trống trường tan học. Ở đó , tui thường chần chờ không vội lấy xe về mà cứ nan nán chút thêm , chút nữa để nhìn ‘ người ấy ‘ ra về. Nhớ lại làm chi , không biết , chỉ đễ tiếc cái thưở mơ mộng của mình với một người đã thầm gọi ‘ cố nhân ‘ . Vậy đó , mà tui vẫn mơ gặp lại người ta trong sân trường TPH đã-không-còn ; tui sẽ ôm một cái, và hôn , dù chỉ gặp trong giấc mộng hoàng hôn.

Ngày 8/10/2020

NGUYỄN NGỌC HẠNH

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác