CỐ VUI TRONG MÙA DỊCH
Tôi là thằng sợ chết nhất nhưng cứng đầu. Nghe lệnh cách ly là ở nhà răm rắp. Sáng đi vô đi ra, trưa nằm đọc tin trên mạng , gọi điện người này, chat với người kia, bệnh ham đi của tôi bị dừng lại một cách tuyệt đối. Nếu như mấy tháng trước, tuần nào cũng đi xa, ngày nào cũng ra quán cà phê thì lúc này đành thúc thủ! Những người bạn ghiền ngồi quán như tôi thấy vậy liền tạo một nhóm trên face book để cà phê trực tuyến với nhau, hẹn mỗi sáng lúc tám giờ là uống cà phê giao ban. Nhìn trên màn hình, những gương mặt thân thương lần lượt xuất hiện, nào là nhà thơ Dung Thị Vân, Vương Hoài Uyên, Nguyên Tâm, Nhà văn Nguyễn Hải Hà, Đoàn thị Phú Yên, Đoàn thị Kim Liên, Quang Bửu, Kiều Phương… Mỗi người ngồi trước màn hình đem ly cà phê hay ly nước cam ra khoe, xong nói chuyện tầm phào như hôm nay trong nước có bao nhiêu ca mắc bệnh, bao nhiêu ca đã khỏi. Những chuyện thời sự khôi hài trên mạng cũng được nhắc đến nhưng không đào sâu, cười cho quên nỗi đau.
Uống cà phê trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, chứ còn bệnh ghiền quán cà phê thì phải đến tận quán mới trị được. Lệnh của nhà nước cấm tụ tập quá mươi người, có quán lớn dù buôn bán được cũng không dại gì mở cửa, lỡ nhà chức trách bắt được lập biên bản thì bị phạt nhiều triệu đồng, tiền lời không đủ đóng phạt. Hơn nữa , những nhân viên phục vụ tại quán thường ở quê, về nhà chưa kịp lên lấy ai đâu mà phục vụ khách. Có nhiều quán tận dụng thời gian “cách ly” để chỉnh trang lại quán, sửa lại mặt bằng đầu tư xây dựng thêm để khi hết dịch bệnh thì chạy đua với các quán lớn. Các quán cóc ít khách thì không ngại, họ mở cửa cho những thằng ghiền quán như tôi ngồi nhâm nhi, nhìn giọt cà phê chảy chầm chậm xuống cốc.
Chưa có lệnh bỏ “cách ly xã hội” thì có anh bạn phóng viên rủ đi một vòng miền Tây, từ Gò Công qua Bến Tre, đi Đồng Tháp và ra Hà Tiên. Đường quốc lộ vắng tanh, quán ăn cũng vắng, đi đường mà có cảm giác thượng đế ưu đãi cho ta, để mình ta hưởng thụ, vì không bị kẹt xe, không phải chờ đợi. Đến khách sạn nào cũng lưa thưa nên giá cả của ngày chủ nhật lúc đó còn thấp hơn ngày thường!
Về Sài Gòn được hai ngày là có bạn rủ đi Đà Lạt, dịch thì dịch nhưng không cấm di chuyển thì ta cứ đi. Chuyến đi này cũng không khác gì chuyến đi Hà Tiên, đường vắng, khách sạn vắng dù đang trong ngày nghỉ. Đến xứ sương mù đi lên đồi thông thì sợ gì covid, không khí mát lạnh, người thưa phù hợp với tiêu chuẩn cách ly. Tối buồn muốn đi phòng trà, nhưng phòng trà không có ca sĩ hát vì khách ít quá nào đủ sở hụi để trình diễn, cuối cùng tìm đến quán cà phê ngồi nhìn trăng sao!
Tôi có chứng bệnh huyết áp cao, tháng nào cũng đi bệnh viện tái khám để lấy thuốc uống. Vào đến cổng bệnh viện là phải khai trình có đi du lịch đến những đâu, nước nào? Trời hỡi, đi du lịch trong nước còn “đeo càng” bạn bè đi chơi, chứ nước ngoài thì làm sao có cửa! Rửa tay bằng xà phòng, mặt phải đeo khẩu trang, vào ngồi chờ khám bệnh cũng phải ngồi cách nhau một ghế chứ không được ngồi cạnh nhau sợ lây nhiễm. Người bệnh bao tử, đau thận đến đây tâm hồn cũng dao động đừng nói chi đến những người bệnh cảm sốt ho, căn bệnh bà con với Covy thì có nhiều lo lắng hơn.
Mấy tháng trước , tôi có bản thảo một tập ký dự định sẽ ra vào đầu tháng 6, ấy vậy mà giấy phép có trễ, nhà in thiếu người làm nên in xong muộn. Ngày lấy sách về cũng là ngày có lệnh giản cách đợt II, đành chở sách về nhà chờ tình hình dịch bệnh bay đi hết mới tính ngày ra mắt sách. Ngày nào cũng có người bệnh ở Đà Nẵng, riêng Sài Gòn thì cũng có những tin đồn nhưng chưa đến nổi phải cách ly. Mời bạn bè uống cà phê để tặng sách, có người từ chối chờ hết dịch sẽ đến, thế là mời ăn sáng, qua tới tăng hai mới giao được 3 quyển sách, coi như lễ ra mắt sách mini đầu tiên ở Tân Phú.
Thấy có người nhận sách và giới thiệu trên phây, những bạn học cùng trường và vài bạn văn nghệ xúi nên có buổi ăn sáng và cà phê ở nhà hàng quận 5 để nhận sách. Họ còn khuyến cáo nên mời khoảng mươi người cho an toàn và hợp lệ. May là hôm đó có 12 người đến, phát hành được một chục rưỡi do có người không dám đi nhờ nhận sách dùm. Buổi cà phê cũng trò chuyện vui vẻ, mấy chị, mấy cô cũng lựa cảnh chụp hình để nuôi phây, vì cả tháng nay không ai đi xa hay có sự kiện gì xứng đáng để quăng ảnh lên mạng!
Những đồng nghiệp bỏ qua những đợt cà phê vui vẻ, lần này khiếu nại sao không mời họ đi? Trời ạ, như vầy thì oan cho tôi quá. Chị quản trang TPH-VL, người tổ chức các buổi tiệc trà phát hành sách có gọi nhưng khách mời đều có lý do chính đáng. Có người ngày trước nhận lời , sáng hôm sau cáo lỗi. Thì thôi, ai cũng phải giữ gìn sức khỏe, phải giữ lấy thân mình, ham vui chi rồi lỡ mang mầm bệnh về nhà làm khổ vợ con! Quan điểm của tôi thì trái lại, cố gắng giữ vệ sinh chung đến mức tối đa, giữ khoảng cách an toàn, còn làm việc ngoài đường thì phải thực hiện, dù lưỡi hái thần chết giơ cao trên đầu! Ai có biết thời gian nào là hết dịch mà chờ. Cũng như đợt một, Bộ Y tế tuyên bố khống chế được dịch thì không bao lâu Đà Nẵng lâm vào cảnh bị cách ly toàn thành?
Nếu như ở miền Trung là mối lo ngại dịch bệnh thì các tỉnh ĐBSCL vẫn yên tĩnh. Xe đò, quán xá vẫn hoạt động bình thường. Đứa em gái tôi-Lương Nguyệt Hồng nhắn, anh đem sách ế về Vĩnh Long em bán hộ cho. Như người chết đuối gặp được phao, tôi đồng ý ngay mà không cần suy nghĩ.
Mùa dịch thì sự gặp gỡ cũng ít người thôi , nhất là không gian phải rộng rãi thoáng mát. Nguyệt Hồng chọn cho tôi quán cà phê Nâu ở Phạm Thái Bường thành phố Vĩnh Long để gặp mặt bạn bè. Cô ấy không phải là nhà tổ chức chuyên nghiệp nhưng cũng chọn cho tôi một phòng riêng để gặp gỡ anh em ở Hội văn nghệ tỉnh, một phòng rộng khác cho các bạn học cùng trường, có nhờ một cô bạn học trường Tống Phước Hiệp xưa đứng ra tiếp khách, còn Nguyệt Hồng thì đón các học viên lớp Yoga của cô. Tổng cộng ba nơi cũng hơn bốn chục người. Ở Vĩnh Long thì không khí phòng dịch không căng thẳng như ở Sài Gòn, nhưng không phải người dân không ý thức. Có nhiều người viện cớ mình cảm ho đi đến nơi sợ bà con lo ngại nên không đến, nhưng cuối cùng nghe ở quán đông vui nên cũng chạy lại dự 15 phút, có mặt rồi về để khỏi ân hận! Tôi vui mừng bởi bạn đã vì mình mà đến nhưng nghĩ rằng phải chăng vi rút chỉ đến với người ở lâu, còn người đến một phút Cô Vy đeo bám theo không kịp?
Cuối cùng là việc phát hành sách cho khách, tặng sách cho bạn bè coi như tạm xong tuy phải tốn nhiều công sức và chi phí. Nếu tính quy mô thì đây chỉ là những trận du kích ra mắt sách lẻ tẻ nhưng cộng lại số người nhận sách thì không thua một tác giả lớn nào. Nói chung là nhờ bạn bè thương, chứ mình là cái thá gì mà mọi người phải vượt hiểm nguy để để chung vui với tôi trong mùa đại dịch. Nhớ lại, tôi nghĩ mình hơi liều mạng, nhưng phải như thế thôi chứ ai biết bao giờ người đẹp Cô Vy chịu rời bỏ quả đất này ra đi vĩnh viễn (?)
9/9/2020
Lương Minh