SÀI GÒN ĐÊM TRỞ GIÓ cuả Nguyễn An Bình
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG 1
CÓ MỘT SÀI GÒN KHÔNG QUÊN TRONG BÀI THƠ “SÀI GÒN ĐÊM TRỞ GIÓ”
Năm 2016 khi còn ở Cần Thơ, tình cờ quen được nhạc sĩ Hoài Yên ở Sài Gòn người có ca khúc “Đường tím bằng lăng” được nhiều ca sĩ ưa thích chọn hát trong nhiều chương trình ca nhạc trên các đài truyền hình. Từ cái duyên văn nghệ đó anh đã phổ một loạt bài thơ của tôi và cho ra mắt album ca khúc “CÒN MỘT CHÚT MƯA BAY” cả hai dạng VCD và DVD. Khi phát hành album anh có nhờ tôi viết lời giới thiệu về một bài thơ đã gợi cho tôi nhiều ấn tượng nhất để minh họa cho album ca khúc. Tôi đã chọn bài thơ “Sài Gòn đêm trở gió” để viết:
“Những năm gần đây tôi có dịp trở lại Sài Gòn nhiều lần. Khi thì lên dự buổi ra mắt của các bạn thơ, tập san…theo lời mời của các bạn văn nghệ sĩ quen biết, khi thì thăm đứa con lớn đang bước đầu lập nghiệp ở Sài Gòn còn nhiều khốn khó hoặc tiễn đứa con út ở phi trường ra nước ngoài học tập, khi thì lên họp mặt cùng các bạn thân quen không thể từ chối được nhưng vì hoàn cảnh gia đình tôi không ở chơi lâu được, đa phần khuya đi và chiều tối lại vội vã đón xe về Cần Thơ, ít khi tôi ở lại Sài Gòn nên có nhiều đêm lên tới Sài Gòn mà vùng đất nầy vẫn chưa kịp sáng, khi thì ngồi lay lất ở bến xe khách Lê Hồng Phong lúc một hai giờ sáng để chờ chuyến xe sớm xuôi về Cần Thơ, những lúc ấy tôi cảm nhận hình như không gian và thời gian Sài Gòn sống chậm lại, cái se lạnh của nửa đêm về sáng nhất là những ngày trở gió, tiếng lá rơi xào xạc nghe rõ mồn một, bóng người bán hàng rong, anh tài xế xe ôm… những mảnh đời mưu sinh về đêm cô độc làm tôi chạnh lòng, những hình dáng ấy đổ bóng xuống mặt đường sao mà thấy liêu xiêu đến thế khi những giọt mưa khuya càng làm cho lòng mình cảm thấy trống vắng và cô đơn biết chừng nào. Những câu thơ chợt nẩy lên trong đầu tôi lúc đó:
Sài Gòn đêm trở gió
Liêu xiêu bóng ai về
Bùi ngùi cơn mưa nhỏ
Rớt từng giọt lê thê.
Sài Gòn của tôi những năm tuổi trẻ có rất nhiều kỷ niệm. Sài Gòn từng là chứng nhân cho một tình yêu văn nghệ của tôi và một bạn thơ nữ. Tôi quen người bạn thơ ấy trên báo văn nghệ năm 1972, cách đây đúng 44 năm. Vì cùng yêu thích văn chương nên chúng tôi cũng rất dễ đồng cảm với nhau. Những năm sau ngày giải phóng, tôi và người bạn ấy lại vào sư phạm ở hai nơi khác nhau và trôi nổi qua những năm tháng khốn khổ của thời bao cấp. Bạn bỏ việc trở về Sài Gòn để mưu sinh, chúng tôi mất liên lạc từ đó.
Lao xao tàn me lạnh
Tiếng chim nghe lạc loài
Ngày xưa em qua đó
Hương một thời chưa phai.
Mãi đến những năm gần đây chúng tôi mới gặp lại nhau trên mảnh đất Sài Gòn nầy. Cám ơn Sài Gòn đã cho tôi niềm vui và nỗi buồn, thời gian dù làm cho tuổi trẻ trôi đi nhưng tình yêu văn nghệ ngày nào vẫn làm cho chúng tôi gần nhau và hiểu nhau nhiều hơn.
Thời gian là giọt lệ
Để cuộc tình phôi pha
Ngọn đèn đêm mờ tỏ
Sao thấu tình đôi ta?
Cám ơn nhạc sĩ Hoài Yên đã cảm nhận được những xúc cảm trong bài thơ “Sài Gòn đêm trở gió” đã viết lên ca khúc đầy yêu thương nầy, mong được các bạn yêu thơ nhạc đón nhận như một món quà của một người mới nhập cư về Sài Gòn sống những ngày còn lại của cuộc nhân sinh ngắn ngủi.
Nguyễn An Bình ( 21/10/2016 )”
Các bạn có thể nghe lại ca khúc “Sài Gòn đêm trở gió” thơ Nguyễn An Bình nhạc Hoài Yên với tiếng hát Khánh Duy(giải nhất tiếng hát truyền hình Tp HCM của nhiều năm trước) ở đường link sau:
https://www.youtube.com/watch?v=B-r-TXX-Evk
Năm 2020 nhạc sĩ Đỗ Phan Kỳ Anh tình cờ nghe được ca khúc nầy và có liên hệ và xin tôi bài thơ để phổ nhạc, anh có đề nghị với tôi cùng hợp tác đê thực hiện ca khúc nầy theo một giai điệu khác nhưng tôi phải từ chối vì với ca khúc do nhạc sĩ Hoài Yên sáng tác theo tôi đã quá đủ rồi thực hiện thêm một MV khác không cần thiết vừa tốn kém và cũng chưa chắc đã đem lại hiệu quả nào đó. Cũng nói thật lòng tất cả những ca khúc phổ từ thơ tôi và được các ca sĩ khác đều do các nhạc sĩ đồng cảm và phần lớn nhờ ca sĩ hát một cách vô tư trong sáng không vướng vấp một chút gì tiền bạc trong đó và cũng có thể coi đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong quá trình làm thơ của mình.
Nguyễn An Bình
***XIN MỜI BẤM ĐƯỜNG DẪN ĐỂ THƯỞNG THỨC YOUTUBE