NHỮNG CỘNG TÁC VIÊN ĐẶC BIỆT TRONG SAVOUR VIET NAM số 3
Trong 18 năm làm biên tập, tôi có cơ hội làm việc với một số cộng tác viên “kỳ lạ”. Người thì ở bên kia Nam bán cầu, hợp tác với nhau hai ba năm mới gặp mặt nhau được một lần, mà đâu chừng cũng chưa đầy hai lần nửa tiếng. Người ở rất gần bên mình mà hiếm khi nào gặp mặt, chỉ giao dịch online! Nhưng ở đây tôi muốn nói tới các bạn cộng tác viên “vãng lai”, lâu lâu mới góp mặt một lần. Vậy mà vẫn rất quý nhau, tình cảm thân thiết.
Hồi làm ở tạp chí cũ, tôi vẫn giữ nguyên đề xuất tòa soạn gửi báo biếu thường xuyên cho các cộng tác viên không thường xuyên này, dù những số báo đó, họ không tham gia cộng tác. Với những người cùng làm công việc sáng tạo, cái tình quý mến nhau là chính. Thật cảm kích khi tòa soạn cần thông tin hoặc hình ảnh về sự kiện đang diễn ra tại thành phố của họ, họ sẵn lòng thực hiện ngay. Mặt khác, tác phẩm không thể đong đo bằng số lượng, mà bằng chất lượng và tâm huyết của họ đã gửi gắm trong bài viết hoặc bộ ảnh. Vì thế, sự hiện diện của họ trên một số báo nào đó trở nên thật đặc biệt.
Một trong những người như thế là nhà thơ, nhà báo Lý Đợi. Trong Savour Vietnam số 03, chúng ta sẽ có dịp tái ngộ với nhà thơ Lý Đợi qua bài viết về hành trình triệu đô của tranh Việt khi tìm lối ra thị trường quốc tế tại những sàn đấu giá danh tiếng. Người thứ hai, Phạm Tấn Đức, sẽ để lại dấu ấn của một chàng hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong bài tư vấn du lịch Sapa vào mùa thu. Hình ảnh minh họa trong bài này là của Danny, bút danh của Dennis, một cây bút tự do người Pháp, cũng là người quen đã lâu của tôi.
Cây bút lão thành Lương Minh sau hơn mười năm gặp lại lần này xuất hiện với bài tạp văn về thú chơi sách của người Sài Gòn xưa. Nhà báo Đức Liên sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về Havana, thành phố di sản của thế giới, sau chuyến đi đầy kỷ niệm một năm trước đây của anh tới Cuba, đảo quốc được mệnh danh viên ngọc của vùng Caribe. Trong khi đó, Nguyễn Hải Linh mang đến những cảm xúc mới mẻ về vùng đất ở Nam Á – Sri Lanka – rất ít du khách Việt đặt chân tới.
Trong mỗi kỳ tạp chí, phần hình ảnh vô cùng quan trọng. Để chạy một ký sự ảnh (photo essay), tôi thường trao đổi nhiều lần với cộng tác viên nhiếp ảnh về chủ đề của số báo hoặc tính độc đáo của bộ ảnh. Rất may mắn, Savour Vietnam kỳ này được đầu tư tới hai ký sự ảnh, bộ nào cũng độc đáo, đáng xem. Tôi muốn dành lời giới thiệu trân trọng đối với bộ ảnh về nghệ thuật truyền thống hát bội của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Semere. Anh đã kỳ công tìm hiểu, tiếp cận và mời các diễn viên xuất sắc đến từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM làm mẫu. Vượt trên cả một shooting, bộ ảnh là sự tôn vinh những nghệ sĩ đã sống chết với nghề trong nỗ lực giữ gìn môn nghệ thuật lâu đời này.
Ký sự ảnh thứ hai là những góc nhìn lát cắt về vẻ đẹp kỳ vĩ mà lãng mạn của cung đường mang tên Hạnh Phúc tại vùng cao Đông Bắc của tổ quốc. Vẫn bằng ngôn ngữ hình ảnh đã thành phong cách của mình, nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận mang lại cho độc giả của Savour Vietnam cái nhìn mê đắm về thiên nhiên, những di sản và con người nơi địa đầu tổ quốc.
Và sau nữa, chứ chưa phải là sau hết, câu chuyện trang bìa sẽ là khám phá thú vị về hành trình những tinh hoa ẩm thực ba miền đất nước đã đi vào các khách sạn năm sao như thế nào, qua bài viết thú vị của cây bút trẻ Bảo Khuyên. Tất cả đều có trong Savour Vietnam s
TRẦN THƯỞNG
Cảm ơn tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm làm tạp chí, giữ chân cộng tác viên phương xa, thông tin thú vị bổ ích và ngạc nhiên hơn khi biết chú là cựu học sinh cùa trường Tống Phước Hiệp, cha cháu cũng từng học trường này.