Giai Thoại Văn Chương : Thi Thánh ĐỖ PHỦ
Ngày đăng: 22/07/2020 09:51:27 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)
ĐỖ PHỦ 杜甫 (712-770) tự là Tử Mỹ 子美, hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão 少陵野老, Đỗ Lăng Dã Khách 杜陵野客, Đỗ Lăng Bố Y 杜陵布. Ông là thi nhân hiện thực của đời Đường, thơ ông thường miêu tả lại những cảnh sống thực tế của xã hội lúc đương thời. Ông từng giữ chức Tả Thập Di, Kiểm Hiệu Công Bộ Viên Ngoại Lang, sau ẩn cư nơi thảo đường của xứ Thành Đô, nên người đời còn gọi ông là Đỗ Thập Di 杜拾遺, Đỗ Công Bộ 杜工部, Đỗ Thiếu Lăng 杜少陵, Đỗ Thảo Đường 杜草堂. Chưa có thi nhân nào có tên tự và ngoại hiệu nhiều như ông cả !
Thi Thánh Đỗ Phủ 杜甫 nổi danh cùng thời với Thi Tiên Lý Bạch 李白, được người đời xưng tụng là “Đại Lý Đỗ 大李杜”(Lý Đỗ lớn) để phân biệt với cặp “Tiểu Lý Đỗ 小李杜”(Lý Đỗ nhỏ) là Lý Thương Ẩn 李商隱 và Đỗ Mục 杜牧 ở buổi tàn Đường. Riêng Đỗ Phủ còn được người đời sau gọi là Lão Đỗ 老杜 để phân biệt với Đỗ Mục là Tiểu Đỗ 小杜. Ông để lại khoảng 1500 bài thơ trong “Đỗ Công Bộ Tập”. Sau đây là những bài thơ tiêu biểu nhất của ông.
1. Bài thơ XUÂN VỌNG :
Năm Chí Đức thứ 2 ( 757 ) đời Đường, Đỗ Phủ bị kẹt lại trong thành Tràng An đã lọt vào tay loạn tướng An Lộc Sơn. Thi nhân nhìn cảnh xuân với tâm tình của một con dân mất nước, núi sông vẫn như cũ, nhưng nước đã mất nhà đã tan, xuân về nhưng cả thành Tràng An đều đượm vẻ thê lương, xúc cảnh sanh tình tạo nên lời thơ cảm khái và bi thương qua bài Ngũ ngôn Luật Thi sau đây…
春望 XUÂN VỌNG
國破山河在, Quốc phá sơn hà tại,
城春草木深。 Thành xuân thảo mộc thâm.
感時花濺淚, Cảm thời hoa tiễn lê,
恨別鳥驚心。 Hận biệt điểu kinh tâm.
烽火連三月, Phong hỏa liên tam nguyệt,
家書抵萬金。 Gia thư để vạn kim.
白頭搔更短, Bach. đầu tao cánh đoản,
渾欲不勝簪。 Hồn dục bất thắng trâm.
杜甫 Đỗ Phủ
CHÚ THÍCH :
1. Quốc Phá 國破 : trong Thành ngữ ” Quốc Phá Gia Vong “, tương đương với câu nói ” Nước mất nhà tan ” của ta.
2. Thâm 深 : là Sâu, là Đậm, Ở đây nghĩa là Xanh om tươi tốt.
3. Tiễn 濺 : là Ép cho tuôn trào ra. Tiễn Lệ là ứa lệ, là rơi lệ.
4. Phong Hỏa 烽火 : Đài cao dùng đốt lửa để báo hiệu quân địch tấn công. Ở đây chỉ Chiến Tranh.
5. Để 抵 : là Đáng giá, Có giá trị như…
6. Tao 搔 : là gãi. Ở đây có nghĩa là dùng các ngón tay để gom tóc lại.
7. Hồn Dục 渾欲 : là Gần như, là Hầu như.
8. Bất Thắng 不勝 : Ở đây không có nghĩa là Thua ( không thắng ), mà là Không Thể.
9. Trâm 簪 : Danh Từ là Cây Trâm. Ở đây là Động Từ, nên có nghĩa là Cài Trâm.
10. Vọng 望 : là Hy Vọng. Ở đây là Trông Ngóng, Mong chờ.
DỊCH NGHĨA :
XUÂN MONG CHỜ
Nước đã mất, nhưng núi sông thì hãy còn trơ đó , thành Trường An vào xuân cây cỏ vẫn xanh om tươi tốt ( vì cỏ cây đâu biết hờn mất nước ). Lòng đầy xúc cảm vì thời cuộc, nên trông hoa nở cũng khiến lệ rơi,Hận vì chiến tranh cách biệt, nên nghe tiếng chim kêu cũng kinh hãi trong lòng. Chinh chiến tràn lan suốt ba tháng nay, tin nhà đều bặt, nên nhận được thơ nhà thấy quý giá như được ngàn vàng. Tuổi già tóc bạc, vuốt thấy đã rụng và ngắn lại nhiều, hầu như không còn búi được để cài trâm nữa !
… Riêng câu 3 và 4 có thể giải là :
Cảm thương về thời cuộc đão điên, nên hoa cũng ứa lệ.
Ly hận của sự biệt ly, làm cho chim cũng cảm thấy kinh hoàng….
Hiểu như trên , lại làm cho ta nhớ đến bài thơ ” GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG ” của Nhà thơ THẾ LỮ…
” Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nổ rang.
Rủ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang !
và….
Em đứng nghiêng mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo : ” HOA KIA KHÓC HỘ NGƯỜI ! “
………………………… ………..
DIỄN NÔM :
Nước mất núi sông còn đó,
Vào xuân hoa cỏ xanh rì.
Đau xót hoa còn rướm lệ,
Kinh hoàng chim sợ phân ly.
Khói lửa mịt mờ ba tháng,
Thư nhà vàng bạc khó bì.
Tóc bạc bơ phờ năm tháng,
Trâm cài chẳng được còn chi !
Lục bát :
Nước mất nhưng núi sông còn,
Thành xuân cây cỏ xanh rờn khắp nơi.
Khi buồn hoa cũng lệ rơi,
Kinh hoàng ly biệt chim trời bay cao.
Lửa binh ba tháng lao đao,
Thư nhà nhận được mừng nào cho cân.
Bạc đầu tóc lại rụng dần,
Lưa thưa khó búi chẳng cần cài trâm !
Đỗ Chiêu Đức
2. Bài thơ TUYỆT CÚ ngũ ngôn :
絕句 TUYỆT CÚ
江碧鳥逾白, Giang bích thủy du bạch,
山青花欲燃。 Sơn thanh hoa dục nhiên.
今春看又過, Kim xuân khan hựu quá,
何日是歸年. Hà nhật thị qui niên ?!
杜甫 Đỗ Phủ
CHÚ THÍCH :
* Bài thơ nầy được Thi Thánh Đỗ Phủ làm vào mùa xuân năm Quảng Đức thứ hai đời Đường Đại Tôn (764). Lúc nầy ông đang tạm cư ở Thành Đô, cuộc sống tạm ổn định, mặc dù xa quê nhưng trong lòng cũng tạm thoải mái bớt day dứt, nên lời thơ cũng nhẹ nhàng gợi cảm hơn.
– BÍCH 碧 : là BIẾC. Ta thường hiểu là XANH thì mới BIẾC. Thật sự BÍCH là chỉ cái sắc ÓNG ÁNH, như Cẩm Thạch ” Lên Nước ” thì gọi là BÍCH, bất cứ nó ửng lên màu gì đều là BIẾC cả !.
– DU 逾 :là Càng hơn, là Vượt quá.
– DỤC 欲 :là Muốn, là Giống Như.
– NHIÊN 燃 :là Cháy, Ở đây có nghĩa là Rực Rỡ.
– QUÁ 過 :là Qua, là Đi Qua.
– HÀ 何 :Nghi Vấn Từ, có nghĩa là GÌ, NÀO, SAO… Như : HÀ SỰ là Việc gì ?, HÀ NHÂN là Người Nào?, HÀ CỐ là Cớ Sao ?. Trong câu thơ HÀ NHẬT là Ngày Nào ?
DỊCH NGHĨA :
Nước của dòng sông càng xanh biếc thì những cánh chim bay lượn trên sông càng trắng hơn thêm, núi càng xanh hơn thì muôn hoa càng như rực rở hơn lên như muốn bốc cháy. Trước mắt ta mùa xuân lại sắp đi qua nữa rồi, không biết là đến năm nào mới có được ngày quay trở lại quê hương đây ?!.
DIỄN NÔM :
TUYỆT CÚ
Nước biếc chim càng trắng,
Núi xanh hoa rực hương.
Nay nhìn xuân lại hết,
Biết thuở nào hồi hương ?!
Thất ngôn :
Trắng xóa cánh chim làn nước biếc,
Núi xanh hoa rực lửa khoe hương.
Mắt trông xuân lại qua lần nữa,
Biết đến năm nào về cố hương ?!
Đỗ Chiêu Đức
3. Bài thơ KHIỂN HOÀI :
遣懷 KHIỂN HOÀI
愁眼看霜露, Sầu nhãn khan sương lộ,
寒城菊自花。 Hàn thành cúc tự hoa.
天風隨斷柳, Thiên phong tùy đoạn liễu,
客淚墮清笳。 Khách lệ trụy thanh già.
水淨樓陰直, Thủy tịnh lâu âm trực,
山昏塞日斜。 Sơn hôn tái nhật tà.
夜來歸鳥盡, Dạ lai quy điểu tận,
啼殺後棲鴉。 Đề sát hậu thê nha.
杜甫 Đỗ Phủ.
* Chú Thích :
– GIÀ 笳 : là một loại nhạc cụ của người Hồ, được cuốn bằng lá sậy, thổi lên nghe réo rắt như tiếng tiêu của ta vây.
– Lâu Âm 樓陰 : Chỉ cáo bóng của lâu đài in dưới nước.
– Sơn Hôn 山昏 : Núi về chiều, khi hoàng hôn xuống.
– Tái Nhật 塞日 : Mặt trời của vùng biên tái.
– Đề Sát 啼殺 :(Tiếng quạ) Kêu buồn muốn chết người. Ý nói kêu rất thảm thiết.
* Dịch Nghĩa :
Mắt buồn nhìn sương mù đong thành những hạt móc, trời trở lạnh trong thành nên cúc cũng tự nở hoa ( đây là cảnh vào thu ). Vì vào thu cho nên những nhành liễu đã rụng hết lá và có những cành khô còn gãy đoạn theo gió thu se sắt, như dòng lệ của khách chảy dài khi những tiếng còi trong trẻo vút lên cao. Mặt nước hồ thu trong veo phẵng lặng soi bóng những lâu đài ngã bóng đứng lặng yên dưới nước. Mặt trời đã nghiêng bóng soi lên vùng biên tái của rừng núi lúc hoàng hôn. Đêm đã xuống dần, chim đã bay hết về tổ rồi, chỉ còn nghe tiếng quạ kêu sương thảm thiết ở lại sau….
* Diễn Nôm :
Khiển Hoài
Mắt sầu nhìn sương xuống,
Thành lạnh cúc đơm hoa.
Gió trời làm gãy liễu,
Lệ khách rơi tù và.
Nước trong bóng lầu thẳng,
Núi chiều ánh nắng tà.
Đêm đến chim về tổ,
Tiếng qụa buồn thiết tha !
Lục bát :
Buồn trông sương xuống mênh mang,
Vào thu thành lạnh cúc vàng nở hoa.
Gió thu rít gãy liễu tà,
Lệ tuôn réo rắt tiếng già bên sông.
Lâu đài im bóng nước trong,
Chiều về biên tái núi rừng thâm u,
Muôn chim mõi cánh mịt mù,
Lẻ loi tiếng quạ kêu thu não nùng !
Đỗ Chiêu Đức
4. Bài thơ LỮ DẠ THƯ HOÀI :
旅夜書懷 LỮ DẠ THƯ HOÀI
細草微風岸, Tế thảo vi phong ngạn,
危檣獨夜舟。 Nguy tường độc dạ chu.
星垂平野闊, Tinh thùy bình dã khoát,
月湧大江流。 Nguyệt dũng đại giang lưu.
名豈文章著? Danh khởi văn chương trứ ?
官應老病休。 Quan ưng lão bệnh hưu.
飄飄何所似? Phiêu phiêu hà sở tự ?
天地一沙鷗。 Thiên địa nhất sa âu.
杜甫 Đỗ Phủ.
* Chú Thích :
Tháng Tư Vĩnh Thái nguyên niên (765), Nghiêm Võ tạ thế, Đỗ Phủ mất nơi nương tựa. Tháng 5, Mới dắt díu gia quyến xuống thuyền rời khỏi Thành Đô sau 5 năm định cư nơi đất Thục, xuôi về đông, phiêu bạc trên Miên Giang Trường Giang một giải. Khoảng sau Trung Thu năm đó, lại tiếp tục đi xuống Vân An ( Nay là Vân Dương ). Chính trên đường đi nầy, ông sáng tác bài ” Lữ Dạ Thư Hoài ” ( Viết về những hoài cảm của mình trên bước lữ hành ), để nói lên cái cảm khái của một đời phiêu bạc, có tài nhưng lại chẳng gặp thời !
* Dịch Nghĩa :
HOÀI CẢM ĐÊM LỮ HÀNH.
Gió hiu hiu thổi lên đám cỏ non bên bờ sông, đêm xuống, thuyền đậu bến, ta ngồi dưới cột buồm cao cao nhìn bầu trời đầy sao lắp lánh, nên cảm thấy cánh đồng trước mắt như mênh mông hơn. Bóng trăng dường như từ trong nước chiếu ra lắp lánh theo dòng. Văn chương có phải làm nên được tiếng tăm chăng ? Quan trường thì vì bệnh tật mà phải cáo hưu. Một đời phiêu bạc khắp nơi với mục đích gì đây ? Chỉ còn lại cảm giác cô đơn như cánh hãi âu cô độc trong trời đất mênh mông mà thôi !
Lấy cột buồm cao cao so sánh với thân lẻ loi cô độc của mình, lấy bầu trời cao với trăng sao để thấy sự nhỏ nhoi của con người, lại lấy cánh đồng mênh mông để giải bày uẩn khúc ở nội tâm. 4 câu đầu là ” LỮ DẠ “, lấy cảnh để ngụ tình. 4 câu sau là ” THƯ HOÀI “, nói lên cái hoài bảo và cảm xúc của mình, không ngờ là nhờ văn chương mà được nổi tiếng, trong khi chính trường thì vì bệnh tật, già cả mà phải bị từ quan, thương cảm cho tấm thân phải phiêu bạc khắp nơi không nơi nương tựa, lời thơ bi thiết như tiếng thở dài !…
* Diễn Nôm :
LỮ DẠ THƯ HOÀI
Vi vút gió đùa cỏ dại,
Cao cao buồm trống cột không.
Sao trời như chùn xuống thấp,
Nước trăng lắp lánh về đông.
Văn chương làm nên danh giá ?
Lão bệnh quan trường hết mong,
Phiêu bạt phương trời ai biết ?
Hải âu, trời biển mênh mông !
Lục bát :
Gió hiu lay động cỏ bờ,
Cột buồm cao ngất bơ vơ thân gầy.
Đồng không sao ngỡ gần đây,
Ánh trăng lắp loáng trôi đầy dòng sông.
Văn chương có tiếng như không,
Thân già bệnh tật hết mong quan trường.
Bôn ba phiêu bạt bốn phương,
Đất trời cao rộng vô thường cánh chim !
Đỗ Chiêu Đức
5. Bài thơ MỘ QUY :
Công Nguyên 768 (Năm Đại Lịch thứ 3 vua Đường Đại Tông), lúc bấy giờ Đỗ Phủ đã 57 tuổi, đang ở Hồ Bắc. Trước đó, khi ở Quỳ Châu ông rất chú trọng đến Luật thơ và đã làm rất nhiều bài thơ Niêm Luật thật nghiêm cẩn, như 8 bài Thu Hứng….Đồng thời cũng trong thời gian nầy, ông có ý nghĩ muốn bức phá sự trói buộc của Niêm Luật, nên mới muốn thử làm ra một thể thơ mới. Một hôm, ông làm ra một bài thơ Phi Cổ Phi Luật (không phải Cổ Thi mà cũng không phải Luật Thi) có tựa là ” SẦU ” , phía dưới ghi chú là ” Cường hí vi Ngô Thể ” (Đùa rằng đây là thơ NGÔ THỂ). Tiếp đó , ông lại làm thêm 17, 18 bài như thế nữa, và vì thế mà trong Đường Thi lại thêm một thể loại : Thơ NGÔ THỂ.
“MỘ QUY”《暮歸》chính là thơ Ngô Thể được Đỗ Phủ làm khi đang ở Hồ Bắc.
暮歸 MỘ QUY
霜黄碧梧白鶴棲, Sương hoàng bích ngô bạch hạc thê,
城上擊柝複烏啼。 Thành thượng kích thác phục ô đề.
客子入門月皎皎, Khách tử nhập môn nguyệt giảo giảo,
誰家搗練風淒淒。 Thùy gia đão luyện phong thê thê.
南渡桂水闕舟楫, Nam độ Quế Thủy khuyết chu tiếp,
北歸秦川多鼓鼙。 Bắc quy Tần Xuyên đa cổ bề.
年過半百不稱意, Niên quá bán bách bất xứng ý,
明日看雲還杖藜。 Minh nhựt khan vân hoàn trượng lê.
杜甫 Đỗ Phủ.
* Chú Thích :
– Hoàng 黄 : Còn đọc là HUỲNH, màu vàng, ở đây là Động Từ, nê có nghĩa là Làm Cho Vàng, Nhuộm Vàng.
– Thác 柝: là Cái Mõ Canh, nên Kích Thác : Gõ Mõ Canh .
– Nguyệt Giảo Giảo 月皎皎 : là Trăng sáng vằng vặc.
– Đão Luyện 搗練 : Dùng chày để đập cho tơ mềm ra để giặt cho thành lụa, chuẩn bị may áo mùa đông.
– Phong Thê Thê 風淒淒 : Gió hắt hiu.
– Tiếp 楫 : là Mái Chèo. Khuyết Chu Tiếp : là Thiếu Mái Chèo của Thuyền. Không phải là thuyền không có mái chèo, mà là không có TIỀN để thuê một thuyền chèo.
– Cổ Bề 鼓鼙 : là Trống trận. Đa Cổ Bề : Nhiều trống trận. Có nghĩa : Có nhiều trận đánh nhau với quân Thổ Phồn.
– Trượng Lê 杖藜 : Chống gậy Lê. Lê là một loại thảo mộc, có thân cứng và dẽo như Cây Mây, nên dùng làm gậy cho chắc và nhẹ.
* Dịch Nghĩa :
CHIỀU VỀ ( Nhà Trọ )
Bạch Hạc đậu trên cành ngô đồng đã vàng lá vì sương thu lạnh lẽo, trên thành tiếng mõ đã bắt đầu điểm canh lẫn với tiếng quạ kêu sương. Khách trở về nhà trọ, vào cửa trong lúc ánh trăng đã vằng vặc ngoài trời, trong khi đó tiếng chày giặc lụa của nhà ai còn vang vang trong gió thu hiu hắt. Ta muốn xuôi Nam qua dòng Quế Thủy nhưng lại không đủ sức thuê thuyền, muốn trở về đất Bắc ở Tần Xuyên thì giặc giã chiến tranh, trống trận nổi lên liên miên không dứt. Quá nửa đời người không có chuyện gì xứng ý toại lòng cả ! Thôi thì, ngày mai lại phải chống gậy mà ngắm mây trời xa xa để thương nhớ về cố hương mà thôi !
* Diễn Nôm :
CHIỀU VỀ
Hạc trắng đậu cành ngô vàng sương lạnh,
Quạ đen kêu tiếng mõ báo canh tàn.
Khách vào nhà đón trăng sáng miên man,
Tiếng chày giặt lẫn gió buồn thê thiết.
Muốn về nam không tiền xuôi Quế Thủy,
Bắc Tần Xuyên giục giã trống quân vang.
Quá năm mươi còn lưu lạc chưa an ,
Ngày mai lại gậy lê nhìn mây trắng !
Lục bát :
Sương vàng hạc trắng ngô xanh,
Qụa kêu lẫn tiếng cầm canh trên thành.
Khách về trăng sáng long lanh,
Tiếng chày đập vải gió lành lạnh thêm.
Xuôi nam Quế Thủy không tiền,
Ngược bắc chiến cuộc liên miên đất Tần.
Đời người quá nửa long đong,
Gậy lê mai lại ngóng trông quê nhà !
Đỗ Chiêu Đức
6. Hai bài thơ KHÚC GIANG :
Xuất xứ của câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hi 人生七十古來稀”.
Đôi hàng giới thiệu về 2 bài thơ KHÚC GIANG của Đỗ Phủ như sau :
Khúc Giang còn gọi là Khúc Giang Trì, nằm ở phía đông cầu Chu Tước phía nam của thành Trường An, là khu danh thắng nổi tiếng của thành Trường An đời Đường, được xây dựng từ thời Hán Vũ Đế và được trùng tu lại vào năm Khai nguyên của vua Đường Huyền Tông, Nước hồ trong vắt, hoa cỏ uốn quanh, phía nam có Tử Vân Lâu, Phù Dung uyển, phía tây có Hạnh Viên và Từ Ân Tự, là nơi du ngoạn nổi tiếng đương thời.Thắng cảnh Khúc giang cùng thạnh suy với giang san nhà Đường. Hai bài thơ Khúc Giang của Đỗ Phủ được làm vào cuối xuân năm Càn Nguyên nguyên niên ( 758 ) . Ông đã đem toàn bộ tâm tư của mình ký thác vào cảnh vật nầy để viết lên những ưu tư về đổi thay của thời cuộc.
Theo tài liệu thống kê, thì vào đời Đường, tuổi thọ trung bình của con người ta lúc bấy giờ chỉ vào khoảng 40- 45, cho nên Đỗ Phủ mới hạ câu ” Nhân sanh thất thập cổ lai hy ” bất hủ, để đời cho đến hiện nay, hễ nhắc đến tuổi ” Cổ lai hy “, ” Cổ lai “, hay ” Cổ hy ” là người ta biết ngay là đã thọ được 70 tuổi rồi !
曲 江 KHÚC GIANG
其一 Kỳ nhất.
一片花飛減卻春, Nhất phiến phi hoa giảm khước xuân,
風飄萬點正愁人。 Phong phiêu vạn điểm chánh sầu nhân.
且看欲盡花經眼, Thả khan dục tận hoa kinh nhãn,
莫厭傷多酒入唇。 Mạc yếm thương đa tửu nhập thần .
江上小堂巢翡翠, Giang thượng tiểu đường xào phỉ thúy,
苑邊高塚臥麒麟。 Uyển biên cao trủng ngọa kỳ lân.
細推物理須行樂, Tế suy vật lý tu hành lạc,
何用浮名絆此身? Hà dụng phù danh bạn thử thân ?.
其二 Kỳ nhị.
朝回日日典春衣, Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
每日江頭盡醉歸。 Mỗi nhật giang đầu tận túy quy.
酒債尋常行處有, Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
人生七十古來稀。 NHÂN SANH THẤT THẬP CỔ LAI HY.
穿花蛺蝶深深見, Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến (hiện),
點水蜻蜓款款飛。 Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi.
傳語風光共流轉, Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
暫時相賞莫相違。 Tạm thời tương thưởng mạc tương vi .
杜甫 Đỗ Phủ.
* GHI CHÚ :
(1) 减却春:Giảm khước xuân :Xuân sắc bị giảm đi.
(2) 万点:Vạn điểm : Chỉ muôn ngàn hoa rụng, rụng rất nhiều.
(3) 且: Thả : là Liên từ, có nghĩa là Hãy.经眼:Kinh nhãn : ngang qua trước mắt.
(4) 伤:Thương : là thương cảm, xúc động. 巢翡翠:Xào Phỉ Thúy : Là Chim Phỉ Thúy làm ổ. Chữ XÀO là Cái Ổ, ở đây là Động từ : nghĩa là Làm ổ.
(5) 苑:Uyển : Là Vườn hoa( Vườn trồng toàn hoa Phù Dung cạnh bên Khúc giang ) 冢 : Chủng : Gò đất cao, ở đây chỉ các phần mộ xưa.
(6) 细推 Tế suy : Là Suy luận cho cặn kẽ, tới nơi tới chốn.
(7) 物理:Vật lý : Cái Lý lẻ của sự vật, sự việc.
(8) 浮名: Phù danh : Là Hư danh.
(9) 朝回: Triều hồi : Là Đi chầu Vua về.典:Điển : Cầm cố.
(10) 债 : Trái : là Nợ. Tửu trái : là Nợ Rượu chè ( Chớ không phải Nợ Cơm áo ).行处:Hành xứ : là Khắp nơi.
( 11) 蛱蝶: Giáp Điệp : Các loài bướm nhỏ thường bay lượn, tìm hút nhụy trong các khóm hoa .
(12) 蜻蜓: Thanh Đình : Con Chuồn Chuồn.
(13) 風光: Phong Quang : Quang cảnh của mùa xuân.共流转 Cộng Lưu Chuyển : Cùng qua lại, chuyển động, Có nghĩa là cùng
thưởng ngoạn cảnh trí đẹp đẽ.
(14) 相赏: Tương Thưởng : Cùng Thưởng ngoạn. 莫 Mạc : là Đừng. 相违: Tương Vi : Cùng để lở mất.( Cái gì đó… ).
* DỊCH NGHĨA :
Bài 1.
Chỉ vỏn vẹn một cánh hoa bay mà thôi, mùa xuân cũng đã bị giảm mất đi rồi, huống hồ, gió thổi làm cho muôn ngàn cánh hoa cùng bay phất phơ một lúc, làm cho lòng người tiếc xuân buồn muốn thúi ruột, khi mắt trông xuân sắp tàn, ngàn hoa rơi rụng trước mắt. Thôi cũng đừng sầu thương quá mà hãy cùng mềm môi với chén rượu nầy. Hãy nhìn cảnh trí trước mắt, họa đường lộng lẫy ngày xưa, thì nay chim phỉ thúy đã làm tổ trên rường, và những gò nổng phần mộ ngày nào uy nghi, nghiêm cẩn thì nay tượng kỳ lân đã ngã đỗ nằm cạnh bên. Nên suy cho cùng về lý lẽ thịnh suy tiêu trưởng của sự vật, sự việc trên đời, thì ta nên hành lạc, vui chơi thoải mái, chớ… sao lại vì những cái hư danh không đâu mà trói buộc tấm thân nầy ?!
Bài 2.
Từ giả buổi chầu vua đi ra là đi cầm ngay chiếc áo mùa xuân ( để mua rượu uống ). Mỗi ngày đều say khước từ đầu sông Khúc giang đi về. Nợ rượu chè thì nơi nào cũng có được. Nhưng , người đời sống đến 70 mươi tuổi thì xưa nay rất hiếm. Hãy nhì xem kìa, đàn bướm nhỏ đang bay lượn trong khóm hoa, và lủ chuồn chuồn đang lượn bay đùa giởn trên mặt nước. Cảnh trí đẹp là thế, sao không bảo nhau mà cùng thưởng ngoạn, đừng bỏ lở mất những giờ khắc quý giá, mà phí cả cuộc đời !
* DIỄN NÔM : Bài 1.
Một cánh hoa rơi xuân hết sang,
Muôn ngàn hoa tạ báo xuân tàn.
Mắt trông hoa rụng lòng tê tái,
Môi nhắp rượu nồng dạ xốn xang.
Phỉ Thúy chọn rường xây tổ ấm ,
Kỳ lân gò nổng ngã nghiêng tàn.
Suy cho cặn kẽ nên hành lạc,
Sao để hư danh trói buộc ràng ?.
Lục bát :
Hoa rơi một cánh xuân tàn,
Đau lòng hoa rụng muôn ngàn xót xa.
Hoa bay trước mắt la đà,
Rượu mềm môi đắng lòng già tiếc thương.
Tổ êm phỉ thúy chọn rường,
Gò cao nghiêng ngã bên vườn kỳ lân.
Ăn chơi, suy kỹ, cân phân,
Hư danh trói buộc tấm thân ích gì ?.
Bài 2.
Tan chầu cầm quách áo xuân hồng,
Say khướt trở về với bến sông.
Nợ rượu khắp nơi đều có được,
Người đời bảy chục hiếm xưa không.
Kìa đàn bướm nhỏ vờn hoa dại,
Nọ lũ chuồn chuồn bởn nước trong.
Cảnh đẹp khuyên ai cùng tận hưởng,
Hoa tàn cảnh tạ khỏi hoài công !
Lục bát :
Tan chầu cầm quách áo xuân,
Mỗi ngày túy lúy đầu sông đi về.
Khắp nơi nợ rượu bề bề ,
Người đời bảy chục hiếm hề xưa nay.
Hãy xem đàn bướm lượn bay,
Chuồn chuồn giởn nước khoan thai bay về.
Thiên nhiên cảnh trí bốn bề,
Sao không thưởng ngoạn còn chê chỗ nào ?!
Đỗ Chiêu Đức