THỦY CHUNG “NÚI MỘNG GƯƠNG HỒ”

Ngày đăng: 17/05/2020 07:23:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đầu tháng 5/2003, nhân tham dự chương trình ca nhạc “Chín dòng sông hò hẹn” tổ chức tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang), tôi vượt thêm cả trăm cây số nữa để đến Hà Tiên thăm Nữ sĩ Mộng Tuyết “người học trò- người yêu – người bạn văn – người bạn đời” chung thủy của Thi sĩ Đông Hồ…Vượt qua chiếc cầu nổi bập bềnh trên mặt nước Đông Hồ (lúc đó chiếc cầu bê tông đang chuẩn bị khánh thành), tôi nhờ anh xe ôm chở đến Nhà Lưu niệm Đông Hồ. Chẳng nói, chẳng rằng anh này nổ máy xe, chạy cái “rẹt” và thắng cái “kịt” ngay trước Nhà Lưu niệm. Điều đó cho thấy địa chỉ này quá quen thuộc với cánh xe ôm chuyên chở du khách ở vùng non nước hữu tình này.
Tiếp tôi là một chị tuổi khoảng trung niên. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu là đang làm ở báo Thanh Niên, muốn đến đốt nhang cho cụ Đông Hồ và phỏng vấn Nữ sĩ Mộng Tuyết, chị hướng dẫn tôi đến bàn thờ đốt nhang rồi rót nước bảo tôi ngồi đợi chị vào trong thưa lại với nữ sĩ…Trước mặt tôi là cuốn sổ lưu niệm khổ lớn, tôi lần giở những trang cuối và giật mình thấy bút tích của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi lật đật lấy giấy bút chép lại: “Trong lịch sử văn học mỗi nước, thường ghi lại những đôi thi nhân, vừa là người yêu, vừa là bạn thơ, vừa là bạn đời. Trong văn học nước ta suốt một khoảng thời gian dài của thế kỷ 20, đã ghi lại hình ảnh 2 nhà thơ Hà Tiên mà những người yêu văn học cả nước đều biết và quý trọng: Đông Hồ và Mộng Tuyết… Hôm nay tôi từ ngàn dặm xa, tới Nhà Lưu niệm Đông Hồ, bóng dáng nhà thơ chí sĩ vẫn còn đây và tôi còn may được gặp người thân yêu nhất của nhà thơ. Xin chúc chị Mộng Tuyết khỏe, trường thọ.” (Nguyễn Đình Thi 16.3.1994). Tôi chép lại những dòng chữ này trong tâm trạng thật bồi hồi, ngậm ngùi bởi nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng vừa qua đời cách đây gần một tháng (ông mất ngày 18.4.2003). Nếu so về tuổi tác thì nhà văn vẫn còn thua nữ sĩ đến những 10 tuổi, vậy mà người “trẻ” hơn lại “đi” trước…

Cũng mang tâm trạng đầy xúc động như cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi may mắn được ngồi hầu chuyện với một trong những chứng nhân hiếm hoi còn sót lại của nền Văn học Lãng mạn (giai đoạn trước 1945) tại nhà lưu niệm Đông hồ trong khung cảnh thật thơ mộng: Nhà Lưu niệm được xây trên nền cũ của Trí Đức học xá, trông ra cửa biển Đông Hồ, đối diện với ngọn núi Tô Châu sừng sững… Nữ sĩ Mộng Tuyết năm nay đã 90 tuổi (sinh năm 1914), tuy vậy đầu óc của bà vẫn minh mẫn, tinh anh…Nhưng nói đến Mộng Tuyết không thể không nhắc tới Đông Hồ – người bạn thơ, bạn đời của bà.
Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh ngày10.03.1906 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Mồ côi cha mẹ sớm, ông được người bác là Lâm Tấn Đức, một nhà Nho nổi tiếng dạy dỗ. Do tổ tiên mấy đời đều ở ven “Đông Hồ Ấn Nguyệt” (là tựa một bài thơ ca tụng thắng cảnh Đông Hồ trong Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tứ), nên khi bắt đầu sáng tác, ông đã lấy bút hiệu là Đông Hồ. Ông còn có các bút hiệu khác như Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am…
Đông Hồ được biết đến không chỉ là một nhà thơ – một nhà giáo mà còn là một người suốt đời cổ súy về sự phổ biến chữ quốc ngữ (tiếng Việt), dù cho tổ tiên mấy đời của ông và cả các dòng họ khác của cư dân vùng Hà Tiên, đều có nguồn gốc Minh hương (theo Mạc Cửu, từ Trung Quốc sang VN và được chúa Nguyễn phong tước Tổng đốc, cai quản đất Hà Tiên). Cái sự yêu tiếng Việt của Đông Hồ được ông giãi bày như sau: “Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó…”. Chính cái sự trân quý tiếng Việt này đã hun đúc nên một nhà thơ, nhà giáo, nhà yêu nước Đông Hồ.
Từ năm 1923, Đông Hồ đã nổi tiếng với nhiều bài khảo cứu, tùy bút, ký sự đăng trên báo Nam Phong như Thăm đảo Phú Quốc (in năm 1927-không chỉ giới thiệu về đảo Phú Quốc mà còn nhắc nhở, ca ngợi sự tuẫn tiết của anh hùng Nguyễn Trung Trực – nên nhớ trước năm 1945, Pháp vẫn còn đô hộ nước ta), Linh Phượng ký (1927, nếu Nữ sĩ Tương Phố có tác phẩm Giọt lệ thu khóc chồng thì Đông Hồ có Linh Phượng ký khóc vợ , đều là những áng văn hay và cảm động), Hà Tiên Mạc thị sử (1929, một công trình khảo cứu rất công phu về dòng họ Mạc, với các tác phẩm này, Đông Hồ đã trở thành sử gia của dòng họ đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên)… Sau Nam Phong, ông còn viết cho Đông Pháp thời báo, Phụ nữ Tân văn, Việt Dân, Tự Do, Mai ở trong Nam và Văn Học tạp chí, Khai trí Tiến đức tập san, Tri Tân ở tận đất Bắc. Năm 1932, ông đã cho ra mắt tập Thơ Đông Hồ gồm đủ các thể từ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, thập vịnh, hát nói, câu đối, phú, tản văn…
Rồi Phong trào Thơ mới phát triển sôi nổi, chỉ 3 năm sau tập thơ đầu tay Đông Hồ ra đời, ông đã có tập thơ mới Cô gái xuân (1935). Ở tập thơ này, ông đã thoát hẳn cái chất cổ điển trong Thơ Đông Hồ để chuyển theo dòng thơ mới lãng mạn. Hoài Thanh đã cho rằng: “Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng” – (Thi nhân Việt Nam).
Bên cạnh thơ ca, Đông Hồ còn có một khát vọng không lúc nào nguôi. Đó là khát vọng vun đắp, xây dựng tương lai cho “tiếng Việt huy hoàng”. Một khát vọng đã đeo đuổi ông từ lúc tuổi mới mười tám, đôi mươi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Điều này cũng đã được Hoài Thanh ghi nhận trong Thi nhân Việt Nam: “Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam… Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít”(Sđd).
Từ lúc làm giáo viên dạy lớp sơ đẳng ở Hà Tiên, Đông Hồ đã bất mãn với việc học sinh Việt Nam không được học tiếng Việt mà phải học tiếng Pháp, phải tụng những câu như : “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Nên tuy phải dạy theo chương trình, ông vẫn chú trọng đến tiếng Việt và khuyến khích học sinh trau dồi quốc văn.
Chưa bằng lòng với những cố gắng đó của mình, nên vào năm 1926, tức lúc mới tròn hai mươi tuổi, chàng trai trẻ Đông Hồ đã mở thêm Trí Đức học xá, dạy toàn chữ quốc ngữ. Nhiều bài văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông… Trí Đức học xá đã gây được một tiếng vang đáng kể trong nước. Nhưng do bị thực dân Pháp dòm ngó, nghi kỵ, nên năm 1934 Trí Đức học xá rồi cũng phải đóng cửa sau tám năm tồn tại…
Sự nghiệp dạy học dang dở, năm 1935 Đông Hồ bỏ lên Sài Gòn làm báo Sống. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức nhằm tiếp tục công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay của Trí Đức học xá. Nhà văn Bùi Hiển quê tận Nghệ Tĩnh, tác giả của Nằm vạ, cũng đã có lần gửi bài đến nhờ thầy Đông Hồ coi giúp. Cộng tác với báo có các nhà văn yêu nước, tiến bộ như nhà thơ Tản Đà, nhà phê bình Thiếu Sơn, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ … Nhưng vì phải tự bỏ tiền túi ra làm báo nên báo Sống cũng chỉ ra được 30 số rồi phải đóng cửa. Từ giã Sài Gòn, ông lại về Hà Tiên ẩn cư gần 10 năm. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, sau vì lý do sức khỏe phải lên Sài Gòn sinh sống. Ở Sài Gòn, ông ra tiếp tập san Nhân loại – cũng là một tờ báo tiến bộ vào những năm 1950. Ngoài ra còn có Yiễm Yiễm Thư Trang (cơ sở xuất bản của ông ở đường Nguyễn Thái Học).
Tình yêu tiếng Việt còn được ông thể hiện qua nghệ thuật thư pháp. Nhiều người cho Đông Hồ chính là người đã khai sinh ra nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Mỗi lần Tết đến, ông đều tự tay làm những chiếc thiệp xinh xắn với những bài thơ xuân do chính tay ông viết. Những bức trướng tiếng Việt, những tấm thiệp Tết với một nét chữ hoặc rất chân phương, hoặc rất bay bướm để viếng người mất, để tặng bạn bè…Và cũng vì lòng yêu tiếng mẹ đẻ không lúc nào nguôi đó, nên ba mươi năm sau ngày Trí Đức học xá đóng cửa (tức vào năm 1964), Đông Hồ đã nhận lời phụ trách giảng dạy phần Văn học miền Nam cho Đại học Văn Khoa Sài Gòn, mặc dù tuổi đã gần sáu mươi và sức khỏe cũng đã kém.
Trong hồi ức của các sinh viên Văn Khoa thời đó, lớp học do ông phụ trách là lớp học có không khí đậm đà, đặc biệt hơn cả bởi lòng yêu tiếng nói dân tộc đến cháy bỏng nơi ông, bởi tư cách nghiêm cẩn của một nhà Nho bên cạnh phong độ của một thi sĩ tài hoa và niềm thông cảm, đồng điệu sâu sắc giữa thầy và trò.
Nhưng rồi vào ngày 25.3.1969, trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Đại học Văn Khoa Sài Gòn (bây giờ thuộc dãy A trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Đông Hồ đã bất ngờ ngã xuống trong vòng tay của những sinh viên rất mực yêu mến mình lúc đang ngâm dở dang bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang. Các học trò của ông kể lại rằng, khi ngâm đến câu : “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá !
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi ..”
Vì quá xúc động, nhà thơ đã bị đột quỵ. Ông được các sinh viên đưa vào bệnh viện và qua đời lúc 19 giờ cùng ngày, hưởng thọ 63 tuổi.Về việc này, nhà thơ Chiêu Dương viết bài “Cảm thương” , trong đó có câu:
Ai đem tang tóc vào thơ
Ngâm câu “điện ngọc…”, Đông Hồ ra đi…”.
Trên đây là phần nói về cuộc đời và hoạt động của thi sĩ Đông Hồ. Còn bây giờ, xin trở lại với cuộc phỏng vấn giữa người viết và nữ sĩ Mộng Tuyết tại Nhà Lưu niệm Đông Hồ (số 46 đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) vào đầu tháng 5.2003:
• Xin hỏi, vì đâu đưa lại mối lương duyên Đông Hồ – Mộng Tuyết ?
• Tôi tên thật là Thái Thị Úc, sinh ngày 9.1.1914 tại làng Mỹ Đức – là người cùng làng và là học trò anh Đông Hồ ở Trí Đức học xá. 12 tuổi, tôi đã được thầy dạy làm thơ và khuyến khích tôi viết thư cộng tác với các báo. 15 tuổi (1939), tôi được nhóm Tự Lực Văn Đoàn trao giải thưởng văn chương cho tập thơ Phấn hương rừng. Năm 1943, NXB Nguyễn Du (Hà Nội) đã chọn một số tác phẩm của tôi để in chung với các nhà thơ nữ cùng thời: Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ trong tập thơ Hương Xuân… Từ đó, tác phẩm của tôi lần lượt ra mắt bạn đọc khắp cả nước: Hà Tiên thập cảnh (thơ in chung Đông Hồ – Mộng Tuyết), Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử), Gầy hoa cúc, Dưới mái trăng non (tập thơ)…Tất cả sự nghiệp thơ văn của tôi đều có sự đóng góp biên tập, cổ vũ của Đông Hồ – thế nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ là… vợ của thầy, bởi anh ấy chính là… anh rể của tôi. Thực ra, Đông Hồ lập gia đình rất sớm, người vợ đầu tiên tên là Linh Phượng, mất vào khoảng năm 1927, để lại một con gái tên là Lâm Mỹ Tuyên. Sau khi mãn tang vợ, Đông Hồ tục huyền với chị Năm của tôi tên là Thái Nhàn Liên (nên tôi còn có bút danh Thất Tiểu Muội). Anh chị sinh được một cháu gái tên là Lâm Mỹ Diễm (tức Yiễm Yiễm). Chị năm tôi bị bệnh qua đời năm 1946… Sau đó là một khoảng thời gian dài tôi vừa là học trò, vừa là bạn thơ, vừa là “bảo mẫu” cho 2 đứa con của Đông Hồ. Mãi tới những năm đầu thập niên 1950, khi chúng tôi chuyển lên Sài gòn (anh ấy làm Giám độc Tập san Nhân Loại, còn tôi trông coi Yiễm Yiễm thư trang) chúng tôi mới chính thức trở thành… bạn đời của nhau.
• Đã có một tình bạn keo sơn giữa 2 nữ sĩ lão thành: Mộng Tuyết và Anh Thơ. Một người nơi cùng trời (Anh Thơ – Bắc Giang), một người nơi cuối đất (Mộng Tuyết –Hà Tiên). Kể cũng…hy hữu ?
• Vâng, chính là do chúng tôi cùng được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1939. Anh Thơ được giải khuyến khích, còn tôi chỉ được… tấm bằng đem về nhà treo! Sau đó, Anh Thơ viết thư vô Hà Tiên làm quen, rồi chúng tôi trao đổi thư từ qua lại đến khi chia đôi đất nước (1954) mới gián đoạn. Sau năm 1975, chúng tôi mới có dịp gặp mặt nhau. Chị Anh Thơ còn khỏe lắm, mới tháng 9.2002 khi tham dự Trại sáng tác phía Nam, chị ấy có ghé Ha Tiên thăm tôi. Một tình bạn kéo dài hơn 60 năm khiến tôi luôn xúc động và trân trọng…
• Tết nguyên tiêu năm nay được Nhà nước chọn làm “Ngày thơ Việt Nam” (lần đầu tiên). Riêng tỉnh Kiên Giang đã chọn Hà Tiên làm địa điểm tổ chức. Là bậc “trưởng lão-tiên chỉ” của làng thơ Hà Tiên, bà có tham dự ?
• Họ có mời tôi trân trọng, nhưng vì “Đêm thơ” được tổ chức tại khu lăng mộ dòng họ Mạc trên triền núi Bình San, tôi chân yếu không… leo núi được. Nghe nói được tổ chức trang trọng với quy mô cấp tỉnh. Tôi cũng có được vài bài thơ đã từng được đọc trong đêm thơ ấy, đọc nghe rât hào sảng và rất… Hà Tiên:
Tao đàn hương thoảng tràn gác lộng
Thi nhân, danh tướng hội tao phùng
Ngát gió mây bay trùm Thạch Động
Cánh cò bay trắng đất Châu Nham…
Hoặc:
Nam Phố buổi về quên lối cũ
Lộc Trĩ mờ theo những dấu hài
Chỉ thấy Hà Tiên đầy quyến rũ
Thị xã ngập trời mây trắng bay.
• Sức khỏe của bà lúc này thế nào, bà có còn sáng tác ?
• Sức khỏe thì…cũng tàm tạm, có điều chân đã yếu, chỉ quanh quẩn trong nhà lưu niệm, đọc sách báo hoặc đọc kinh Phật (bằng cách soi qua kính lúp). Năm 1988, NXB Trẻ đã ấn hành tập hồi ký Núi Mộng, Gương Hồ (gồm 3 tập) của tôi. Tay tôi giờ cũng đã run nên ít cầm bút, chỉ thỉnh thoảng làm dăm bài thơ hoặc cao hứng xướng họa cùng quý thi hữu ghé thăm.
• Một câu hỏi… khí không phải: Nếu mai đây bà không còn tại thế thì ai sẽ thay bà để hương khói, trông coi Nhà Lưu niệm thi sĩ Đông Hồ ?
• Hiện nay, tạm thời quản lý Nhà Lưu niệm là Thanh Hoa, cháu gọi tôi là bà cô (chính là người phụ nữ mà người viết đã gặp đầu tiên tại đây). Tôi tuy không có con nhưng còn 2 người cháu ngoại và 4 người cháu gọi bằng bà cố, hiện sống ở Paris – Pháp (là con và cháu của các bà Lâm Mỹ Tuyên, Lâm Mỹ Diễm-NV). Chúng đều rất có hiếu và có “gene” làm thơ (cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt). Trong số này có Nguyễn Lâm Thư Khánh Đằng từng đoạt giải “Cây bút mầm non 1996” của NXB Nathan – Pháp (viết bằng Pháp ngữ, lúc 10 tuổi). Chúng vẫn thường tranh thủ về VN để cùng bà cố Mộng Tuyết ngắm cảnh Hà Tiên và làm thơ xướng họa. Chính những người này sẽ tiếp tục trông coi và giữ gìn những di sản văn hóa của Đông Hồ-Mộng Tuyết.
bài và ảnh Hà Đình Nguyên

Hình

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác