ƯỚC MƠ
1.Càng già, tui càng mắc cái bệnh …khoe càng dữ. Tui khoe những cái tui đã từng trãi nghiệm như sự xác nhận tui đã tồn tại trên đời, bất kể cái đó có tốt hay xấu theo chuẩn mực của xã hội. Già rồi thì cứ lấy quá khứ để khoe y như nhãn hiệu cầu chứng thì có chi xấu hổ ? Như cái lòng say mê hội họa của tui tới giờ là có thật đó thôi ; dù tui mê hội họa từ nhỏ nhưng tới giờ tui chỉ vẽ được 10 con giun trong vòng một phút . Ấy vậy chớ , khi có dịp đua đòi đi phòng triển lãm xem tranh lập thể của danh họa Picasso ,tui vẫn tỏ ra có kiến thức à nghen .Tui biết gật đầu chắc lưỡi thán phục danh họa cũng như thiên hạ đã làm , mặc cho mình dốt đặc cán mai !. Dù gì cũng giữ được thể diện con nhà ăn nhiều hơn học nên tui cũng biết vài chiêu tán thán long bào của đức vua khi ổng đang ở trần đi vòng vòng ngoài phố !
2. Lòng say mê hội họa của tui bắt đầu từ thầy TÔ QUANG VĨNH khi tui vừa là học sinh đậu kỳ thi tuyển cam go vào đệ thất năm xưa.Thầy Vĩnh nhỏ người, tóc hớt cao đinh đinh theo cách nói bây giờ. Mỗi tuần thầy dạy lớp tui …1 tiết mà tui cứ thấy thầy đi dạy sáng chiều ; chắc cả trường TPH hồi đó chỉ có mình thầy dạy vẽ ? Bởi vì cả nhà chị em tui , đứa nào cũng học vẽ với thầy.
Thật ra tiết học của thầy là tiết hồn nhiên tự quản , có phần xô lệch về sự giải trí quá sức và thư giãn hết mình . Tiết học của thầy vừa vui vừa lộn xộn, chỉ gần cuối tiết , khi thầy cho học trò xem tác phẩm nghệ thuật thì cả lớp mới tập trung mà kêu lên những tiếng ” Ồ! ” hay ” WOW ! ” thán phục nói chẳng nên lời .
Thầy Vĩnh là thầy đầu tiên cho tụi tui xem tranh Bùi Xuân Phái qua những bức hình sưu tầm từ báo. Thầy cũng giới thiệu về Picasso và trường phái lập thể của ông. Qua những bài nói chuyện của thầy về cuộc đời các họa sĩ , tui thích hội họa ,chớ không phải do thầy vẽ giỏi hay tui có tiềm năng hội họa gì hết. Nhìn ông thầy Vĩnh nhỏ người , vác cái giá vẽ to đùng đi tới đi lui mà tui thương thầy hết sức. Tui nhớ những âm thanh cụp cụp đều đều theo bước chân của thầy khi thầy leo từng nấc thang thang gỗ thiệt cao lên lớp học . Tín hiệu đó làm cả lớp biết điều, lập tức lặng he vì…’ thầy vô’ ..Đỉnh cao của sự nghiệp học vẽ với thầy là một tác phẩm phối cảnh thầy cho về nhà vẽ trước , nộp sau. Tui cũng bỏ nhiều công sức với mấy cây bút chì chuốc đi chuốc lại , cũng hài lòng dữ lắm. Vậy mà khi thầy trả lại bài , thầy đã không cho điểm nào , còn phê ‘ ánh sáng ngược, vẽ lại’
Người thứ hai truyền nhiều cảm hứng cho tui yêu thích cây bút lông, hộp màu nước , đó là anh LTT . Tui quen ảnh từ cái cơ duyên làm báo trong cái làng Báo Chí nổi cồm cộm ở trường. Anh là kẻ tài hoa, trong mắt tui cái gì anh cũng có thể biến nó thành tác phẩm. Giờ thì tui cứ nhận đại tui với anh thân nhau như là …tri kỷ cũng chẳng có gì xấu cọp , xấu beo .Thiệt tình, giờ không đánh cũng khai, tui quả mến cái tài hoa của ảnh, từ đó chắc cũng sinh cái tâm địa mến người mang lỡ cái tài hoa tui thích . Tui thấy tác phẩm nào ảnh vẽ cũng đẹp thần sầu nên luôn thiệt tình khen ngợi . Chắc ảnh cũng thích tui khen nên cũng nhiệt tình trổ tài cho tui khen tiếp ? Tui thích coi ảnh vẽ, ảnh thích vẽ cho tui coi. Nói chung tụi tui cũng có phần thích qua thích lại ! Nào ngay, tui biết ơn anh trong thời gian thực hiện cái Giai phẩm xuân TPH năm đó và cũng biết ơn đời đã cho chúng tui có dịp cùng chung say mê một thứ : hội họa , và đã có dịp làm việc với nhau. Hết mùa làm báo thì mạnh ai nấy trở lại lớp của mình. Mỗi lần thoáng thấy anh trong sân trường, chưa kịp hê lên một tiếng để chào thì anh đã lủi đâu mất tiêu trong cái rừng áo trắng của học trò trường Tống. Quay lại chỉ thấy còn mình tui đang dẫn xe đạp ra về, hồn bổng liêu xiêu. Rồi tui cứ liêu xiêu như vậy những lúc ra chơi hay tan học cho tới khi anh đậu Tú tài hai , anh ra trường thì tui cũng hết chuyện liêu xiêu.
Cháu ngoại là nhân vật đương thời tiếp hơi cho tui nguồn cảm hứng về hội họa .Cháu học vẽ từ hồi 3 tuổi , tới giờ nội lực khá cao, bao năm trời tui vẫn đón đưa cháu tới trường nghệ thuật ,cùng cháu nuôi dưỡng ước mơ..Cháu cũng đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố , và cũng không ít lần bị knocked out …. ở những cuộc thi cấp quốc gia hay khu vực. Những lúc cháu ôm tác phẩm dự thi về nhà không giải thưởng, nhìn bản mặt cháu tiêu điều như bản mặt ba của cháu vừa thua …vé số !. Tui chỉ an ủi cháu bằng kinh nghiệm chính mình ” Hồi nhỏ bà thi đâu rớt đó ,mà vẫn hãnh diện đó con !”
Cháu ngạc nhiên hỏi tui sao mà kỳ vậy .? Tui giải thích với cháu rằng ” Thi thì phải có kẻ đậu người rớt . Rớt cũng là sự cần thiết quan trọng của kỳ thi. Vì mình không rớt người đậu đâu có sướng ! ”
Dù không vui vì chuyện thi đua ăn thua không như ý, cháu cũng không quên biểu lộ sự đồng cảm nhuộm màu từ bi đối với bà ” tội nghiệp bà quá, bà thi đâu rớt đó ! Con còn đỡ hơn bà !”
3. Tui nhớ lắm một thời đầy ắp ước mơ mà tới giờ ước mơ vẫn còn là mơ ước.Trong những ngày trốn dịch ở nhà, nhìn cháu vẽ cái nọ cái kia , bổng tui thèm thực hiện ước mơ của mình hết sức . Tui định đi học lại từ đầu cho có bài bản đàng hoàng chứ không chỉ là sự ba hoa kiến thức để lấp liếm cái dốt đặc của mình . Hỏng lẽ qua dịch tui sẽ cùng đi học với cháu ở trung tâm hội họa Global Art ? Vậy là , lần tới không phải tui chở cháu đi học mà đi học cùng cháu ! Hơi sĩ diện ở chổ ….cháu đã lên level sáng tác , còn tui sẽ học ở cái lớp cơ bản : tô màu ! Việc nầy có cần suy nghĩ lại không ta ? Dù gì điều đó cũng đâu có ăn thua gì đến cái sự nhục quốc thể hén ta ?
25/4/2020
bài và ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh
Lớp 12C(NK73)