KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI

Ngày đăng: 26/04/2020 05:24:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Hoàn cảnh  lớn lên của tôi có rất nhiều nghịch cảnh khó khăn. Ngày ấy, cha mẹ tôi không có đất để cày cấy, trồng cây hay để cất một cái nhà để ở, gia đình phải nương tựa vào mãnh vườn của cô tôi. Cô tôi cho cha mẹ tôi che một mái lá nhỏ, trên miếng đất võn vẹn hai mươi mét vuông. Chung quanh nhà là ruộng nước mênh mông, giáp với vàm Xẻo Trầu, làng Phú Hựu

Mỗi khi chiều xuống, ba tôi thường đem cần câu cắm, ra đồng cắm xuống mương  trong ruộng lúa, để sáng mai thức dậy, ba tôi lại lặn lội xuống ruộng nước, nâng những cây câu cắm đó lên xem cá có cắn câu không?

Những con cá trê, cá rô, cá lóc bắt được, ba đưa cho mẹ đem ra chợ bán. Ngày nào có nhiều cá thì mẹ để dành một ít để lại nhà ăn, mẹ làm thức ăn,và ngày đó là tôi và cả gia đình có một bửa ăn thịnh soạn.

Hình ảnh đó nhắc nhớ tôi trong ký ức tuổi thơ..!

Quê tôi có những dòng sông uốn lượn quanh co, con đò ngang ghi dấu chân những người dân qua sông hằng ngày. Những cây cầu khỉ nối liền bờ mương, dẫn tôi và các em tôi đến trường ngày hai buổi. Những con đường đất rợp bóng cây xanh, dẫn đến bờ sông, đó là nơi có nhà nội tôi. Vào mùa nước nổi, tôi thường theo nội chống xuồng ra đồng hái bông điên điển, bắt cá hái rau..và tôi không làm sao quên được nồi cơm nóng với cá rô kho bầu, mà nội tôi cho tôi ăn mỗi mùa tát mương bắt cá, Ôi nó ngon tuyệt làm sao..!

Nơi đó, anh Bách (anh tôi) đã cho tôi những ngày rong chơi thú vị, cùng chiếc xuồng ba lá để tôi tập bơi, chiếc xuồng quay mòng mòng trên con rạch nhỏ. Hồi ấy, tôi được anh cho bơi ra sông lớn là tôi rất mãn nguyện hài lòng, tự hào là mình bơi giỏi lắm rồi!

Ô hay rồi một ngày kia, quê tôi trở thành một vùng quê không yên lành, tiếng súng tiếng đạn cài xé. Chiều nào cả gia đình cũng phải dắt nhau ra phố chợ Cái Tàu Hạ để ngủ nhờ ở nhà cô , đề phòng đạn lạc. Nhà cô tôi có một hầm tránh đạn (trản xê) do ba tôi làm. Tối nào cũng có tiếng đạn, tiếng bom rơi trong vàm Xẻo Lò đì đùng, mọi người ai ai cũng sợ, cuộc sống thiếu yên bình , êm ả.

Một ngày xuân năm 1967, gia đình tôi phải di dời hẳn ra chợ Cái Tàu Hạ ở nhờ trong ngôi nhà của cô tôi. Từ lúc đó ba tôi lên Sài Gòn làm trong nhà hàng Continantal của người Pháp, vùng đất quê tôi đã trở thành một vùng “da beo” giữa quốc gia và vùng cách mạng, nên không còn yên ấm nữa.

Mẹ cho tôi ra tỉnh học, không còn đi mỗi ngày cùng các bạn ở Cái Tàu Hạ xuống Vĩnh Long nữa, bởi lẽ ngày nào con đường quốc lộ cũng bi đắp mô, đặt mìn..

Cứ nghe ba bảo, chiến cuộc đang sôi động, ở tỉnh con cứ lo học, đừng bê tha chểnh mãn việc học hành. Có cái chữ thì mai sau con sẽ không khổ như ba mẹ.

Tôi đậu tú tài hai khóa 1973, ba tôi vẫn còn làm phụ bếp trong nhà hàng, mẹ tôi ở quê, ngày hai buổi làm bánh qui, xôi vò bỏ mối cho những người nghèo dọc theo Bắc Mỹ Thuận bán cho khách bộ hành ngược xuôi đi từ Sài gòn về lục tỉnh.

Năm này cũng là năm đánh dấu một bước ngoặc lớn trong đời sống của tôi, việc tiếp tục vào đại học thật sự quá khó khăn cho một người có hoàn cảnh như tôi, nghịch cảnh chồng nghịch cảnh, nhiều lúc tôi có tư tưởng phó thác thân mình cho trời đất.

–0oo0–

May mắn bất ngờ là tôi được gia đình người chú họ chịu cưu mang, cho tôi ở trọ đi hoc tiếp lên Đại học. Chú Út của tôi là xếp bếp  nơi ba tôi làm bồi trong nhà hàng đó. Hằng ngày sau buổi đến trường, tôi phải phụ việc trong nhà chú thím, ngoài việc giặt giủ bếp núc, tôi phải phụ thím tôi mua bán than củi, gạo. Điều đó thật sự là niềm vui trong khúc quanh tìm cách mưu sinh trong tương lai.

Tờ mờ sáng khi tiếng xe xích lô máy nổ lạch bạch dưới đường, tiếng rao bánh vò của bác Toản ở xóm nhà chú tôi vang lại, thì chú tôi đã đi làm.Tôi tất bật cho công việc bếp núc trong nhà và cũng để chuẩn bị rời khỏi nhà đến trường học.

Chú tôi thường bảo: “Ráng học nha con, gia đình trông vào tương lai của con đó. Là thư ký, cán sự hay giáo sư , con sẽ không khổ cực như chú và ba của con. Lấy tri thức làm của cải cho mình là hay hơn tất cả, con nhớ lời chú dặn nha..!”

Ở tuổi mười tám, tôi ốm o gầy còm, mặc chiếc áo dài trắng bằng vải lụa, trông tôi thật quá mõng manh, khô đét.

Vất vã trong ngoài cho việc học, tôi phải tim kiếm một công việc nữa để có tiền bổ sung cho việc mua sách vở nghiên cứu học tập.

Những ngày tháng ấy tuy có cực nhọc, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chú thím, những người đã cưu mang bồi đấp cho tôi nghị lực sống, chiến đấu trong học tập cho ước mơ thời tuổi trẻ.

-oo0oo-

Giai đoạn quân dội Mỹ rút khỏi miền Nam, nhà hàng Continantal nơi ba và chú tôi làm việc, trở nên ế ẩm, ông chủ người Pháp đã trở về  Pháp. Quyền quản lý, trông coi việc kinh doanh của nhà hàng, ông để lại cho bà vợ Việt. Mọi thứ bắt đầu cho một sự kiện thay đổi lớn của đất nước .

Năm 1974, nhà hàng đóng cửa, ba tôi thất nghiệp, phải   trở về quê và ngày ấy là ngày đánh dấu ước mơ của tôi bị gục ngã. Bởi ba  tôi nhất quyết buộc tôi phải bỏ học về quê nhà cùng ông ấy. Không hiểu nguyên nhân, không hiểu sự việc, tôi chỉ biết ba mẹ tôi không có đủ tiền cho tôi tiếp tục đi học  ở Sài Gòn.

–0oo0–

Về quê nhà được hai tháng, tôi thấy buồn làm sao!

Sau bốn tháng nghỉ xả hơi , tôi mở lớp dạy thêm cho các em học sinh cấp hai ở quận nhà trước là tìm nguồn vui, sau để kiếm thêm tiền phụ giúp ba mẹ.

Hồi ấy, khi mặt trời ngã bóng bên kia sông ,tôi thường ngồi trên sàn nhà nội, hai chân thả xuống nước, đong đưa qua lại nhìn đám lục bình xanh điểm nhiều cành hoa tím. Gió thoảng qua , chùm lục bình chao đảo trong giòng nước lăn tăn và mặt trời bị che nửa bởi vầng mây. Tôi thẩn thờ để hồn lắng nghe cái lặng lẻ trên dòng sông.Tôi nghĩ, rồi tương lai mình sẽ ra sao đây? Ở lại quê nhà hay làm trái ý ba ,trốn lên Sài Gòn tự lực cánh sinh.(?)

Một thời gian sau đó, tôi quyết định một mình trở lên Sài Gòn học. Ngoài việc ghi danh học trường Luật, tôi học thêm ở trường dạy đánh máy trên đường Cao Thắng, quận ba, với mong muốn biết đánh máy có thể xin việc làm kiếm tiền, trang trải cho việc ăn học của mình. Ở trong nhà chú lúc này cũng có nhiều điều ngang trái, chú cũng bị thất nghiệp như ba, nên chú thường hay cáu gắt…Buổi sáng, tôi phải tất bật hơn, lo cho các em con chú đi học. Ở được một tuần tôi bị lung lay tư tưởng, lại muốn quay về quê nhà.

Sáng thứ hai, của một tuần sau đó, tôi nhận được thư của ba tôi .Trong thư ông nói ba không muốn cản trở việc học của tôi, ông nói trước khi đem tôi về quê, ba tôi cũng buồn lắm, ông có ý gởi cho tôi thi vào một trường cán sự điều dưỡng, nhưng người ba tôi muốn gởi , họ đòi ba một khoản tiền cám ơn lớn quá, ba không có khả năng! Đọc thư, một lần nữa lòng tôi buồn vô hạn. Ba tôi cho biết ông đồng ý cho tôi tự lực cánh sinh để tự lập theo ý muốn. Trong đầu tôi nhiều có nhiều suy nghĩ đan xen, tiếp tục ở lại hay là về. Ôi thôi buồn rã rượi!

Một năm sau, tôi đã đến được bên bờ mong đợi. Ngày đi làm thêm trong một xưởng sản xuất hoa vải, đêm đi học. Nửa năm trôi qua, tôi dần dà bước đi trong niềm hy vọng mong manh .

Rồi tháng tư 1975, các doanh nghiệp ở Sài Gòn làm ăn không ổn định, tôi trở về quê nhà và biết chắc rằng việc học hành của mình sẽ dỡ dang, gia đình tôi đang rơi vào cảnh khó khăn.

Tháng mười hai năm 75, chú tôi trở vê thăm quê và ông cho tôi biết : “Cháu nên hiểu rằng, chú và gia đình chú cũng không thể lao động cực nhọc trên cánh đồng quê nhà vì chú từ trẻ đã ra thành thị sinh sống, do đó khi công việc của chú ổn định thì bằng mọi cách chú sẽ giúp tôi về Sài Gòn ở gia đình chú để tìm việc.” Tôi chưa có suy nghĩ gì ngoài ý tưởng là phải được lên Sài gòn để làm việc, còn việc gì thì tôi không có nghĩ ra.!

–0o0–

Tôi quay trở lại trường theo lời kêu gọi sinh viên đăng ký lại ngành học theo chính sách mới của nhà nước. Tôi hỏi ý của ba và tôi quyết định đăng ký học lại ở trường sư phạm. Hai năm sau đó, tôi về dạy học ở Trà Vinh…Cần Thơ..Bạc Liêu..và cuối cùng là  một trường trung học ở Tiền Giang. Tổng cộng thời gian đi dạy học là sáu năm. Bắt nhịp cho cuộc sống mới trên các vùng nông thôn lục tỉnh, tôi yêu cuộc sống dân dã, thích chăm sóc học trò trong nguồn sống mộc mạc, chân chất.

Hồi đó, sau những giờ dạy học, tôi thường lang thang trên cánh đồng quạnh vắng, ưa ngắm áng mây trôi, nhìn màu phượng đỏ, và  bóng mình chơ vơ giữa chiều tắt nắng với sức quyến rũ lạ thường. Cảnh vật in sâu vào tâm hồn yêu mến miền quê của tôi. Tôi để hồn lắng nghe cái lặng lẽ trên cánh đồng có tiếng chim xao xác trên cao, bóng chim đơn xoải cánh hoặc bầy cò trắng bay về tổ trong buổi chiều.

Tôi bước đi, tà áo trắng phất phơ trong gió, lúc đó nhớ lại khúc quanh của cuộc đời , tuổi thơ và tuổi thanh xuân của tôi là thế đó ! Thời gian trôi không thể quay lại..!

Mùa Covid 19 nhớ về cuộc đời.

    Bài và ảnh Ngọc Anh

                                                   Tác giả Phạm Ngọc Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác