VIẾT ĐỂ CHIA SẺ KINH NGHIỆM CHO ĐỜI SAU (1)

Ngày đăng: 5/04/2020 09:47:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tờ mờ sáng, tôi tốc mùng chạy ra vườn, đếm cẩn thận mấy cây dưa leo, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp còn sót lại. Tám cây dưa leo mới nhú một lá thực, bảy cây đậu đũa đã mọc được ba lá, hai cây khổ qua bắt đầu có râu – mai mốt đám cây con này lớn lên sẽ được gọi là dây, có giàn leo đàng hoàng – Cầu trời cho đến ngày đó mỗi thứ vẫn còn ít nhứt một hai đại diện. Lúc mới nẩy mầm, thứ nào cũng trên chục (chục miền tây ngày xưa, 14 hay 16, thậm chí 18 cây đậu bắp). Chăm như con mọn, nưng niu từng cây, chụp hình đồ. Mà cứ sáng ra đếm lại thành một con số nhỏ hơn đầy bí ẩn. Dọn dẹp môi trường, thấy dưới đáy chậu có con gì màu hồng như trùn đất mà đụng tới thì cuộn lại như con cuốn chiếu, không chắc nó là thủ phạm. Nhưng không thấy ốc, sên, sâu, cào cào hay con gì khác có thể cắn đứt ngang thân cây con, nhai luôn cả lá. Thì tóm đại thằng nào đang léng phéng ở hiện trường. Thương nhứt là khổ qua, một bịch hột giống có 10 hột chớ mấy, nẩy mầm trăm phần trăm, cây khỏe lớn nhanh đúng như quảng cáo, giờ còn vỏn vẹn hai cây.


Tin mừng là con số đếm được sáng nay còn nguyên như con số hôm qua. Vô nhà đọc tin cập nhật dịch Covid19 thấy con số ca nhiễm ở VN cũng còn nguyên không đổi! Đọc luôn mấy lời bình dưới bản tin, hết sức đồng cảm với những người đang ghìm chân nín thở khe khẻ bảo nhau: đừng vui sớm, mới là tin sáng nay mà. Hình như thiên hạ dạo này một ngày phải coi tin ba bận mới tin, vì sáng công bố văn bản vầy, trưa giải thích lại, chiều đính chánh. Nhớ hồi trước, hổi con số ca nhiễm mới đang tăng từ hăm mấy, băm mấy, bốn mấy… có người thắc mắc tại sao báo đài đợi tới tối mới công bố con số, có người trả lời : để cho cả nước mất ngủ chơi. Từ khi con số lên trên 200 thì tôi quyết định chỉ đọc mấy cái tin dịch một lần vào buổi sáng thôi, rồi nhảy múa.
Tôi múa Butoh trên nền nhạc Jazz. Sau đó xào bông thiên lý với trứng vịt, ăn với cơm nguội hâm lại, uống nước gừng sả chanh. Ra vườn tưới cây, cũng phải ngày tưới ba bận, trời nóng quá mà. Buổi trưa hàn thử biểu đặt ngoài trời đứng số luôn. Vô nhà chiên bánh hẹ ăn dặm rồi nằm võng đọc sách. Đang đọc cuốn “Nâng Niu” của Lê Giang. Cả cái “thành phố” Thuận An này tôi chưa kiếm ra một tiệm sách hay thư viện, may là trong nhà có vài cuốn được tác giả tặng. Cuốn sách cầm mỏi tay mà chữ nghĩa nhà văn lão thành lấp lánh đa chiều, đọc vài chục trang phải tạm dừng để ghi chép. Hết sách chắc cũng được vài ngàn chữ ghi ngoài lề, nếu đăng lên FB e là mỗi lần qua nhà ba má Năm chơi tới cửa phải đưa đít vô trước.
Ăn cơm chiều xong mở máy tính gõ cóc cóc cho vui cửa vui nhà. Chẳng là tôi có ông chồng như mẹ cô Tấm, hết giao thúng gạo trộn hột mè với bông cỏ nhờ lựa ra, khiến tôi lỡ hết cơ hội nhảy nhót ở các tiệc tùng, lại xúi tôi viết nhật ký hay hồi ký, ghi lại cái thời mắc dịch mình đang sống, hay cái thời tao loạn mình từng trải. Đối với sử gia như ổng thì một nhà văn như tôi “may mắn” sống trong những thời như vậy phải chia sẻ kinh nghiệm cho đời sau (Theo ổng đó là cách nhân loại tồn tại lâu hơn khủng long). Ừ thì viết. Ổng không đọc tiếng Việt, ổng không sao hết. Chỉ tội đồng bào tôi, đã mắc dịch còn bị đọc văn chương phải gió.
Cuối cùng một suy nghĩ trước khi chui vô mùng: ăn ngủ đọc viết làm vườn ca múa … thực ra là giấc mơ thiên đàng của tôi hồi xưa, hồi dầm mưa dãi nắng ngang dọc đất Sài Gòn kiếm ăn từng bữa. Bao năm tôi trăn trở với câu hỏi: sống như thế nào cuộc đời (còn lại) của mình. Ai ngờ câu trả lời ở đây ngay lúc này: cách ly , ở nhà, ăn, ngủ, đọc, viết, làm vườn, ca múa … trong một thế giới đang vật vã giữa ác mộng.

Bài Lý Lan, hình Net

Thuận An

4/4/2020 (1) Tựa do BT đặt. Nguồn từ facebook Lý Lan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác