Phụ nữ trong cộng đồng các cư sĩ Phật giáo  

Ngày đăng: 9/03/2020 09:55:12 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Vào buổi ban đầu, Đức Phật lịch sử đã chấp nhận phụ nữ được quy y Tam Bảo để gia nhập Tăng đoàn như là một nữ cư sĩ tại gia ( phiên âm. ưu-bà-di). Theo lời dạy của Đức Phật, nam cư sĩ và nữ cư sĩ có một sự bình đẳng: Về giới luật: nam nữ cư sĩ đều có giới luật như nhau: Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập giới.
-Về việc nghe Phật Pháp: nam nữ cư sĩ đều cùng nhau nghe các buổi thuyết Pháp của Đức Phật hay của các giảng sư. Phụ nữ và đàn ông đều có khả năng hiểu biết, học hỏi giáo lý như nhau.
-Về sự giác ngộ: nam nữ cư sĩ đều bình đẳng trong việc tu tập và đều có thể giác ngộ.

Quan niệm bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông là một quan niệm cách mạng xã hội vĩ đại dưới thời Đức Phật lịch sử còn tại thế.

Nước Trung Hoa, trước khi Phật giáo được truyền vào, hầu hết dân chúng đều theo Khổng giáo. Khổng tử quan niệm “Nam Nữ hữu biệt” (Nam Nữ phải có sự phân biệt). Thậm chí thư phòng của nhà Nho phụ nữ cũng không được bước vào. Khổng giáo quan niệm “Nam Nữ thọ thọ bất thân” (Trai Gái tránh đụng chạm vì dễ sanh họa) nên buộc người phụ nữ phải cấm cung không được tiếp xúc với phái Nam, và không được xuất hiện trước công chúng.

    Phật giáo du nhập vào nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Phật giáo đã chuyển tải quan niệm bình đẳng giữa Nam giới và Nữ giới. Phật giáo đã phá vỡ bức màn ngăn cách việc phụ nữ tiếp xúc với Nam giới. Phật giáo đã thay đổi trật tự xã hội của Nho giáo: Phật giáo đã thay đổi quan niệm về giới tính của Nho giáo trong quan niệm “trọng Nam khinh Nữ”.

Chùa Bạch Mã, một ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa, được xây cất vào năm 68 sau Công nguyên dưới thời Hán Minh Đế. Tiếp theo đó có nhiều ngôi chùa khác được thành lập. Giờ đây, phụ nữ có lý do chính đáng để xuất hiện trước công chúng vào những lúc đi chùa, lễ Phật; mà trước đây phụ nữ phải sống cách biệt với xã hội theo quan niệm của Khổng giáo. Trong ngày sóc và ngày vọng mỗi tháng, các bà, các cô sang trọng, diễm lệ đến chùa; chùa là nơi hội họp của tất cả “người đẹp” trong vùng, bà nào, cô nào cũng trang điểm lộng lẫy. Các bà các cô đã vận động quyên góp tiền để xây thêm chùa. Có khi các bà Hoàng Thái Hậu vô chùa tu để tịnh dưỡng tuổi già. Các bà, các cô đã hộ trì Phật Pháp.

Ngày nay, số lượng chùa Phật ở Trung Hoa còn nhiều hơn các Khổng miếu vô số kể. Ở Việt Nam, chùa chiền cũng đã được thành lập rất nhiều.

Văn Thành Công Chúa (623 – 680) thời Đường Thái Tông được Vua Đường gả cho vua Tây Tạng là Tuy Tán Cán Bố. Khi qua Tây Tạng, bà được Vua Đường cho đem theo bức tượng Phật Thích-ca Mâu-ni bằng vàng, 360 quyển Kinh điển Phật giáo và nhiều của cải quý giá, đây là của hồi môn của công chúa. Vua Tây Tạng đã cho xây ngôi chùa đầu tiên ở Tây Tạng là chùa Đại Chiêu để thờ tượng Phật bằng vàng này. Như vậy Công Chúa Văn Thành là một Nữ cư sĩ đã đem đạo Phật vào xứ Tây Tạng.

Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên (624 – 705) lên ngôi lập nên nhà Chu, trị vì từ năm 690 đến năm 705,  truyền thống Khổng giáo không cho phép một phụ nữ được lên ngôi Hoàng Đế nên bà bị quần thần chống đối. Ngoài việc ổn định đất nước, phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt bà còn phát triển Phật giáo nhất là Mật tông. Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đã cử đặc sứ sang Ấn độ thỉnh Kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Sanskrit, rồi thỉnh cầu Đại sư Siksananda sang Trung Hoa làm chủ trì việc dịch thuật.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm  Tàu dịch là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đây là bộ kinh dài nhất và rất cao siêu trong Đại Tạng Kinh của Phật giáo Phát triển/ Đại thừa.

Sau khi Kinh Hoa Nghiêm được dịch xong, Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã đọc suốt toàn bộ Kinh, Vua đã hiểu ý nghĩa thâm sâu và vi diệu của Phật Pháp chứa đựng trong Kinh, nên Vua đã viết lời Khai Kinh Kệ  cho Kinh Hoa Nghiêm này. Từ đó các Đại sư đã dùng lời Khai Kinh Kệ này cho tất cả các Kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa, sau này ở Việt Nam, trước khi bắt đầu đọc tụng bài Kinh.

Nguyên tác chữ Hán:   

开经偈

 

无上甚深微妙法,

百千万劫难遭遇;

我今见闻得受持,

愿解如来真实义

[则天 (唐)]

 

Phiên Âm Hán Việt:

        Khai Kinh kệ

Vô thượng thậm thâm(1) vi diệu(2) pháp,(3)
Bá thiên(4) vạn kiếp(5) nan tao ngộ(6);
Ngã kim kiến văn(7) đắc thọ trì(8),
Nguyện giải Như Lai(9) chân thực nghĩa(10).

Võ Tắc Thiên]

 

Chú thích:

1.Vô thượng thậm thâm:  -Vô thượng: không có (một loại kiến thức nào) cao siêu hơn (lời Phật dạy trong kinh).
thậm thâm: rất sâu đậm. –thậm: rất, nhiều lắm; –thâm: bề sâu, sâu đậm.


2.Vi diệu:
mầu nhiệm, tinh xảo; ý chỉ tính cao siêu (của Phật Pháp), không dễ dàng  hiểu  (Phật Pháp).

               -Vi: nhỏ bé, tinh xảo.
Diệu: thần kỳ, tuyệt vời, tuyệt diệu.


3.Pháp:
lời dạy của Đức Phật Thích-ca.

4.Bá thiên: : trăm; thiên: ngàn.

5.Vạn kiếpvạn: 10 ngàn; kiếp : số kiếp, đời kiếp, gọi đầy đủ là “kiếp-ba” (Srt. Kalpa) gồm có tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp. Như vậy, kiếp có nghĩa là một khoảng thời gian rất dài.

Bá thiên vạn kiếp: trăm nghìn vạn kiếp, ý chỉ một khoảng thời gian dài đăng đẳng.

  1. Nan tao ngộ: nan: khó khăn; tao ngộ: gặp lại; nan tao ngộ: khó khăn để gặp lại. Ý chỉ cơ hội để nghe lại Phật Pháp thì khó khăn, không dễ gì có dịp được nghe thấy lại.
  2. Kiến văn: kiến: thấy; văn: nghe.
  3. 8. Đắc thọ trì: đắc: được, phàm việc gì cầu mà được gọi là đắc; thọ: thu nhận, vâng theo; trì:  gìn giữ (giáo lý của Đức Phật); có nghĩa là nhận lãnh và gìn giữ (những lời dạy của Đức Phật).

9.Như Lai: Đức Phật Thích-ca, Đức Thế Tôn.

10.Chân thực nghĩa: ý nghĩa chân thực, ý nghĩa thâm sâu và vi diệu (lời dạy của Phật).

 

Dịch nghĩa:

 

Lời Khai Kinh Kệ

  Phật Pháp thì thâm sâu, mầu nhiệm chẳng có điều gì hơn được.
Trăm nghìn muôn kiếp khó có dịp gặp lại (Phật Pháp).
Con nay nghe, thấy (Phật Pháp) nên nắm chắc giữ gìn.

Nguyện hiểu ý nghĩa chân thực (lời dạy) của Đức Phật Thích-ca.

(Võ Tắc Thiên, đời Đường)

 

Dịch thơ 1:

Lời Khai Kinh Kệ

Phật Pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,

Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu.
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

(Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch)

Dịch thơ 2:

Lời Khai Kinh kệ

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,

Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.

Nay con nghe, thấy, vâng gìn giữ,

Nguyện hiểu nghĩa chơn Đức Thế Tôn.

(Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)

Hoàng đế Võ Tắc Thiên là một Nữ cư sĩ đã đóng góp tích cực cho việc hoằng dương Phật Pháp.

 

Ngày nay có rất nhiều Nữ cư sĩ đã dấn thân đóng góp xây dựng nên nhiều ngôi chùa. Từ việc công quả như chăm lo nấu nướng, quét dọn, săn sóc Tăng Ni chúng đến quản trị kinh tế tài chánh cho chùa. Các người Nữ cư sĩ còn ra ngoài xã hội làm các công tác từ thiện và thuyết giảng Phật Pháp . . .

Tóm lại, Phụ nữ trong cộng đồng cư sĩ Phật giáo là những vị hộ pháp. Họ đã có nhiều đóng góp tích cực và hộ trì Tam Bảo.

 

Toronto, 17 December 2019.

GS. Nguyễn Vĩnh Thượng

 

         Tài liệu tham khảo chính yếu:

-Nancy J. Barnes, Women in Buddhism in Today’s Women in World Religions, edited by Arvind Sharma, USA: State University of New York Press, 1994.

– Nguyễn Vĩnh Thượng, Bài viết: Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, 2015.

-Nguyễn Vĩnh Thượng, Đạo đức Phật giáo, 2019.

-Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Hoa, Saigon: Vạn Hạnh, 1965.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác