TẾT VỀ , NHỚ NHÀ THƠ LA QUỐC TIẾN
Năm đó, nhà thơ Trần Quốc Toàn gặp tôi ở Vĩnh Long có khoe, vừa mới đi chơi với La Quốc Tiến ở Mỹ Tho nhân dịp Bế Kiến Quốc vô Nam. Có lẽ anh muốn khoe câu chuyện cuộc gặp gỡ ba người trong làng văn nghệ đều có tên mang chữ Quốc (?) Anh còn đưa tôi xem tấm hình ba người chụp chung với nhau rất vui vẻ. Thế rồi tôi gặp La Quốc Tiến cùng với những người bạn của anh là Xuân Trường, Nguyễn Chi, Võ Tấn Cường và đặc biệt là bác Nguyễn Văn Quý, một thầy giáo già
sưu tập sách mà tôi rất quý ở tại một đêm thơ. Xuân Trường sau về Bắc làm biên tập cho tờ báo ở Hà Nội, Nguyễn Chi thì mất sớm, chỉ còn Võ Tấn Cường ở Mỹ Tho.
Sau khi sinh hoạt thơ văn kết thúc cả nhóm kéo nhau bia bọt để có chất men đọc thơ tiếp, tôi tửu lượng kém được cho qua ba vòng để có sức ngồi nghe “Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng”. bài thơ có câu: gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su/những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật/sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng…Ôi, sao mà chua chát và rất thật !
Thơ của La Quốc Tiến dạo ấy xem như có gai góc ít được báo nào đăng, cho đến khi anh đoạt giải nhì cuộc thi thơ do báo Văn Nghệ,(Hội nhà văn Việt Nam) và năm 2000 anh được giải nhất thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long (bài Nợ Bút Nghiên) ì việc e dè thơ anh đã giảm đi nhiều.
Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt Về già, tai lại còn bị điếc
Nhưng mỗi khi muốn viết Người đều bảo: "Hãy để ta tự tay mài mực Các con múc cho thầy gáo nước Ta cần rửa và lau mặt
Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình" Cụ Đồ gọi đó là chút nợ bút nghiên
(Nợ Bút Nghiên)
Nhà anh gần bến phà Rạch Miễu, mỗi lần từ Bến Tre đi Sài Gòn ngang qua nhà anh tôi đều ghé để nói chuyện tào lao vài chục phút, nhưng chuyến về của tôi thì mới hẹn La Quốc Tiến bù khú ở quán bia bình dân nào đó. Có lúc có Võ Tấn Cường vì anh này làm ở Đài Phát thanh trong thành phố Mỹ Tho. Chuyện văn chương, chuyện trong làng không cần giải thích người ta cũng biết mấy tay văn nghệ bàn chuyện gì. Thế nhưng, đâu phải dễ để nhậu với Tiến, có lúc phải chờ anh chở vợ ra chợ, có lúc phải chờ anh lấy bánh kẹo ở Bến Tre về giao bạn hàng ở huyện Cai Lậy, trông bận bịu như vậy nhưng vẫn sắp xếp thời gian ngồi được với bạn bè. Những chuyến tôi gấp đi thì ra phía sau nhà anh , khoảng không gian chừng ba mét vuông làm hoa viên bé tí, ở đó có bàn trà đá vài khóm hoa để ngắm.
Uống trà với anh không hấp dẫn bằng uống rượu vì có chất men thì bao nhiêu cái tình và nổi sầu mới thoát ra hết và người nghe mới đã, nhưng thời gian không cho phép tôi ngồi lại lâu!!
Biết bà xã La Quốc Tiến hành nghề bán bánh kẹo, anh là người chuyên chỡ nhưng trực tiếp thanh toán tiền ở các lò bánh nên cứ mỗi độ xuân về , mùa bánh trung thu tôi đều khai thác giá cả thị trường bánh kẹo ở Tiền giang bằng điện thoại bổ sung cho các bài viết nặng về thị trường trên báo Thị Trường Chủ Nhật, Tài Chính cũng
nhờ có tư liệu ở Tiền Giang mà bài baì tôi được sử dụng trên báo Cần Thơ (trang ĐBSCL).
Chuyện giá cả thì ai cũng có thể cung cấp được, nhưng chuyện mua bán, hiệu nào ngon, hiệu nào dỡ thì chỉ có người trong nghề mới biết. Anh cho tôi biết loại bánh nào được tiêu thụ nhiều, thí dụ như bánh in không nhưn, hay nhưn mè đen xay chỉ sản xuất vào dịp tết, nhà nhà mua để cúng trên bàn thờ trông đẹp mắt nhờ bao bì đỏ thẳm và bánh để lâu không hư ( thời đó chưa có bánh hộp nước ngoài nhiều như bây giờ); loại mứt nào bán chạy vì ngon hay nhờ giá mềm nên được người dùng ưa chuộng. Những thông tin mà anh kể còn có những nhận xét của khách hàng, của
người bán. Anh còn cho biết lò bánh nào đang ăn nên làm ra, họ giữ chân bạn hàng bằng cách nào ? Những chi tiết đó nếu không phải người trong nghề khó mà nhận ra được.
Biết anh ngày xưa là sĩ quan thiết giáp của Nam triều qua bài viết “hai nhà thơ lính tăng hai bên gặp nhau sau cuộc chiến” trên báo, nói về nhà thơ Hữu Thỉnh gặp La Quốc Tiến trong một tiệc nhậu ở Bến Tre mới nhìn ra nhau lúc đó cùng ở trên một chiến trường. Tôi nghĩ nếu anh ngày xưa ở thiết giáp thì anh cũng là huynh trưởng (đàn anh) của tôi, nào ngờ khi nói chuyện với nhà văn Đoàn Xuân Thu (Úc) thì biết thêm anh là SVSQ cùng khóa 4/42 với tôi. Chuyện này lẽ ra nên biết sớm thì tôi với anh thông cảm nhau hơn, có thêm nhiều kỷ niệm được kể ra hơn ! Hôm nọ, gặp anh Từ Hoài Tấn ở Sài Gòn cho biết, nhà thơ Trần Hữu Dũng ở báo Văn nghệ TPHCM, bạn chí cốt với La Quốc Tiến định ra tập thơ cho Tiến, nhưng chưa biết thực hiện đến đâu rồi? Tôi nghĩ, nếu bạn bè làm được việc này thì là một việc rất hay bởi ngoài tác phẩm hay, La Quốc Tiến là người có nhiều tình cảm với bạn bè.
Chỉ còn một tháng nữa là tới Tết, tuy không còn viết báo nữa nhưng cứ gió Tết về là tôi nhớ đến anh- một nhà thơ sinh bất phùng thời, lăn lộn chốn thương trường để mưu sinh.
Lương Minh