KHẲNG ĐỊNH THÊM PHONG CÁCH MỘT CÂY BÚT NAM BỘ GIÀU TRỮ LƯỢNG
Sau mấy tập thơ chủ yếu có tính “thù tạc” bày tỏ ơn nghĩa với quê hương và người thân, tập truyện “Kiếp Ba Khía” (NXB Văn hoá-văn nghệ, 2014), có thể xem là “trận đánh” thử nghiệm đầu tiên của Trần Bảo Định (TBĐ) trong “trường văn trận bút” khi vừa lên tuổi 70! Có thể, như tên một tập truyện anh vừa xuất bản đầu năm 2019, TBĐ viết những truyện đầu tiên chỉ là một cách “Chơi thôi mà!”, để có thêm nghị lực và niềm vui vượt qua bạo bệnh. Nhưng “Kiếp Ba Khía” được bà con “đồng hương” đón đọc thích thú, rồi bạn hữu khuyến khích, hai “nguyên tố” quý trong cái “mỏ” giàu trữ lượng của anh là vốn sống và vốn văn hoá đồng thời được “kích hoạt”; từ đó, hơn chục tập truyện và ký của TBĐ liên tiếp được các nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Văn hoá – Văn nghệ, Hội Nhà văn, Đà Nẵng ấn hành: Đời bọ hung (2015), Phận lìm kìm (2016), Chim phương Nam (2017), Đất phương Nam ngày cũ (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện – Dấu chưn lưu dân (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện – Góc khuất dưới chưn đèn (2017), Khói un chiều (2018), Bóng chiều quê (2018), Bông trái quê nhà (2018) và năm 2019 với hai tập “Chơi thôi mà” , “Mưa bình nguyên”và tập “Thương những ngày…” sắp in…
Mặc dù chỉ là một cựu chiến binh, một nhà văn – không thẻ, trong 5 năm qua, có thể nói TBĐ đã lập “kỷ lục” về viết và xuất bản sách. Có lẽ cũng nên nói thêm: trong khi không ít nhà văn in sách chủ yếu để biếu, tặng hoặc “phát hành” theo các “kênh” thân hữu, thì toàn bộ sách TBĐ được đưa ra thị trường, mỗi cuốn đều in từ 1.500 đến 2.000 bản, mà hầu như không hề có chiêu trò PR nào và truyện của anh cũng chẳng hề chiều nịnh thị hiếu tầm thường (như giết-hiếp hay sex…). Chỉ riêng điều này đã chứng tỏ tác phẩm của TBĐ đã đạt đến những giá trị nghệ thuật và nhân văn có sức cuốn hút độc giả.
Trong các bài viết đăng trên báo “Văn nghệ” (Hội Nhà văn Việt Nam”) và “Kiến thức ngày nay” bình luận về một số tập truyện của TBĐ mấy năm trước, tôi có nêu nhận xét: “Có thể nói, TBĐ là một cây bút có đóng góp rất đặc sắc trong dòng “văn học sinh thái” đang ngày càng được chú ý…” . Mới đây, giữa năm 2019, tôi được tin cô giáo Phạm Thị Thanh Thuỷ, vừa bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ “Văn xuôi Trần Bảo Định dưới góc nhìn sinh thái” tại trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn, TP.HCM và đạt 9 điểm. Đây quả là một chủ đề khá bật nổi trong các tác phẩm của TBĐ, nhưng đến nay qua hơn chục tác phẩm – nhất là với 2 tập truyện in năm 2019 (trong đó, có nhiều truyện được giới thiệu trước tiên trên Tạp chí “Sông Hương”) chúng ta có thể thấy rõ những đóng góp khác của anh đối với văn học cả nước cũng rất đáng kể.
Theo tôi, không có chi ngần ngại khi ghi tên Trần Bảo Định tiếp sau Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,Trang Thế Hy, Nguyễn Ngọc Tư… – những nhà văn Nam Bộ tên tuổi, bằng các tác phẩm xuất sắc của mình, đã miêu tả con người và vùng đất mở phía Nam Tổ quốc thật sống động, được nhiều thế hệ bạn đọc truyền tụng. Chưa bàn đến nghệ thuật, chỉ riêng về “đề tài” (thuật ngữ bao gồm tư liệu, sự kiện, bối cảnh câu chuyện, không-thời gian miêu tả…) tác phẩm của TBĐ cung cấp cho bạn đọc một khối lượng kiến thức có thể gọi là “khổng lồ” về vùng đất phía Nam. Chúng ta được thấy hầu như toàn bộ lịch sử và đời sống ở đây, từ thời “mở đất” đến những cuộc chiến đấu anh hùng chống ngoại xâm, từ tên các sông rạch đến quá trình hình thành những đền miếu trên mọi vùng quê, từ các món ăn dân giã đến những câu ca dao và giai thoại, từ rừng đước giữ đất cùng nhiều loại cây cỏ đến nhiều loại chim cò, cua cá… Vào lúc “văn học tư liệu” đang được độc giả quan tâm, đây cũng là một giá trị đáng kể khi bàn đến tác phẩm của TBĐ.
Tất nhiên, nếu chỉ có tư liệu thì TBĐ không thể lôi cuốn được độc giả liên tục với hơn chục cuốn sách. Nói theo chữ của nhà nghiên cứu-dịch giả Phan Ngọc là TBĐ có “mẹo” kể chuyện. Việc nghiên cứu phân tích các thủ pháp, phong cách nghệ thuật (tức là “mẹo”) của TBĐ một cách kỹ lưỡng xin dành cho các sinh viên cao học làm luận văn tiến sĩ. Ở đây, tôi chỉ xin nêu một vấn đề thuộc quan niệm đánh giá tác phẩm hầu như chỉ nhằm vào cái gọi là “trường phái” (hay “chủ nghĩa”) mà nhà văn thực hiện. Nếu như tôi không nhầm thì không ít người cho rằng bây giờ chỉ đáng xem những tác phẩm viết theo “hậu hiện đại” hay “siêu thực” với các thủ pháp “phóng đại” và “giễu nhại”, “huyền ảo”; còn viết theo bút pháp hiện thực “truyền thống”, “cổ điển” đã hết thời rồi, “xưa” rồi! Theo tôi, đây là một cách nghĩ thiên lệch – nếu không muốn nói là sai lạc. Chúng ta đều biết, trong văn học nghệ thuật, sáng tạo, đổi mới là yếu tố “sống còn”, nhưng khác với đồ vật – như mua được chiếc mũ mới, ta có thể bỏ cái mũ cũ đã rách vào thùng rác; còn một bài ca dao hay Truyện Kiều, dù “cũ” vẫn song hành với những tác phẩm sáng tạo mới mẻ của thế kỷ 21! Nói như vậy là tôi vẫn tôn trọng những nhà “cách tân”, nhưng không nghĩ đó là phương pháp độc nhất để tạo ra giá trị. Cũng có thể hình dung, văn học nghệ thuật như một vườn hoa, bạn có thể “sáng tạo” (như lai ghép..) ra loại hoa mới, nhưng không vì thế mà vứt bỏ (hay xem thường) hoa hồng hay hoa mai. Hơn nữa, trong văn học, bút pháp hiện thực cũng luôn đổi mới, tùy khả năng và “tạng” của nhà văn.
Những giải Nobel tặng cho các tác giả viết theo bút pháp hiện thực (như nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexxievich với hai cuốn sách “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” và “Tiếng vọng từ Chernoby”) là một bằng chứng rõ rệt rằng bút pháp mà các nhà “cách tân” cho là lỗi thời vẫn tạo nên tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm của TBĐ, dù không sáng tác theo các trường phái – chủ nghĩa thời thượng, vẫn được bạn đọc đón nhận là bằng chứng bổ sung gần gũi với chúng ta. Với hai cuốn sách vừa xuất bản năm 2019, TBĐ thực sự đã khẳng định được một phong cách, tạo được dấu ấn rõ nét trên văn đàn.
Điều có lẽ được nhiều người công nhận là TBĐ xứng đáng với danh hiệu “Người kể chuyện dân gian hiện đại”. Chỉ cần dùng thao tác “thống kê” mà các nhà nghiên cứu thường sử dụng khảo sát một thủ pháp của TBĐ, như tác giả hay trích dẫn ca dao, là đủ thấy; như trong truyện “Lão Năm Cối Đá” mở đầu tập “Mưa bình nguyên”, TBĐ đã trích dẫn ca dao đến 6 lần!
Chất “dân gian” của TBĐ còn thể hiện ở cách dựng truyện, thường là bắt đầu nêu tên một địa danh, một nhân vật ngộ nghĩnh hoặc kỳ quặc gợi trí tò mò của độc giả (như “Năm Cối Đá”, “Hai Siêu Đất”, “Ông Tư giải quyết”…), rồi dần mở bức màn bí mật như bà dẫn cháu vào xem kho báu ở lâu đài công chúa trong truyện cổ tích. Nhiều truyện của TBĐ còn vận dụng lối nói hài hước, đố tục giảng thanh, tiếu lâm và cả chuyện “sex”, tất nhiên được miêu tả một cách “dân dã”. Ngay từ cuốn truyện đầu tay “Kiếp Ba Khía”, nhà văn Bích Ngân cũng đã nhận xét: “…Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ một cách dân giã, hài hước… giọng văn hóm hỉnh nhưng có chiều sâu triết lý…”
Miêu tả cảnh chị Hai cứu chú Sáu sau khi bị sét đánh bằng cách chuyền “hơi ấm âm dương từ cơ thể đàn bà”, TBĐ viết:
“… Cuống quýt, chị sợ Sáu bị “nhập thổ”… Sáu lạnh co quắp, mặc cái áo sờn vai, rách lưng… Cởi và đổi áo, chị mơ hồ bơi bồng bềnh trong cảm thức giữa tình thương của người chị với em, của người vợ với chồng. bằng ảo giác, chị lờ mờ ranh giới thực và mộng… Và bất ngờ, chị thèm được quyền làm mẹ…” (Truyện “Hai Siêu Đất”)
Truyện “Ông Tư giải quyết” – cái tên rất không… văn chương, vậy mà tác giả dựng lên được một nhân vật độc đáo và cuộc sống cả một làng quê Bình Lập (Tân An) suốt trong hai cuộc kháng chiến rất sinh động. Khi tên Bảy Chôm dắt lính truy tìm Việt Minh là chồng con Út mà nó nghi ông Tư “giải quyết” giúp trốn thoát, ông Tư tủm tỉm cười: “Nếu giải quyết thì qua “giải quyết” con Út, mắc mớ chi giải quyết thằng chồng con Út!”. Tôi tin là bạn đọc cũng sẽ tủm tỉm cười với cái hóm hỉnh dân dã của TBĐ.
Trần Bảo Định còn khéo dồn nén sự kiện, tổ chức không – thời gian nhiều tầng lớp đan xen, nên không ít truyện của ông – mặc dù dung lượng chỉ là một truyện ngắn, nhưng có sức hàm chứa như một tiểu thuyết sử thi. Đọc các truyện “Thầy Tư Lữ – Huyền sử đất phương Nam”, “Đêm quê nhà – Đàm mộng Tố Như” (trong tập “Mưa bình nguyên”) “Chơi thôi mà” (tập truyện cùng tên) … độc giả như được nếm trải, chứng nghiệm cả những thiên lịch sử đầy giông bão, thăng trầm của đất nước với mọi nỗi buồn vui, thao thức khôn nguôi. Làm sao có thể không trăn trở suy ngẫm trước cuộc đời của một nhân tài như Nguyễn Du đã phải “mười năm phong trần nếm trải đói nghèo và cay đắng” vật vã tìm chỗ đứng giữa xu hướng “phò Lê”-Nguyễn Huệ-Gia Long cũng như số phận bà má có con ở hai bên chiến tuyến, ngày đất nước hòa bình thì “anh Hai chẳng biết đã chết trong đám loạn quân hay di tản?…(Truyện “Đêm quê nhà – Đàm mộng Tố Như”).
Không biết là chủ đích của tác giả hay là sự tình cờ thú vị, khi TBĐ đặt truyện “Thương những ngày…” ở cuối tập sách cùng tên sắp xuất bản (có thể xem đây là truyện cuối của bộ truyện 13 cuốn của TBĐ cho đến nay) – một truyện ngắn chứa đựng cả 3 nét đặc sắc của Trần Bảo Định : vừa như một nhà “sinh thái học”, vừa là người kể chuyện dân gian hiện đại và khéo chuyển tải một nội dung “sử thi” trong chục trang giấy. Chỉ với hai nhân vật “bé mọn” ở làng quê có con sông Bảo Định – chứ không phải là tướng tá, chính khách hay đại phu nhân – mà tác giả đã dựng nên một thiên tình sử đậm chất nhân văn, dân dã mà cao thượng. Có cảnh thơ mộng giữa một vùng sông nước “níu sương là đà khói sóng…, ếch nhái đua nhau kêu dậy đất gọi bạn tình”, đêm về khuya vọng tiếng hò tha thiết:
“Thò tay anh bứt cọng ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”
Đôi bạn Sáu Tý và Hai Lan đi bắt ếch, bắt gặp cặp “ếch đực nằm dính khắng trên lưng ếch cái và khi gặp ánh đèn, ếch đực có thể buông bạn tình thoát thân; song nó không làm vậy, thà cùng bị chụp chung số phận với bạn tình, hơn là buông nhau, nhảy trốn! Chạnh lòng, Hai Lan cảm kích! “- Thôi, về anh Sáu!”…Chụp bắt ham, Sáu Tý không thể dừng tay…. “- Bộ anh Sáu không thấy xót thương khi chụp ếch bắt cặp?” .
Tả cảnh tình tứ loài vật và thiên nhiên là khúc nhạc dạo cho vở bi kịch về con người; trước ngày Hai Lan bị ép gả cho Tư Cò, con trai một Cả Dẫn và lại là lính Dân vệ đồn Cây Bần, cô quyết định hiến thân cho người yêu trên chòi vịt, cảnh “sex” khá mùi mẫn, nhưng chuyện đáng phải xảy ra đã không xảy ra vì Sáu Tý nói:
“- Anh không thể lấy cái không thuộc về anh!”
Sáu Tý hôn Hai Lan, nụ hôn vĩnh viễn không là của nhau” .
Rồi chiến tranh, Sáu Tý thành quân giải phóng, 10 năm sau trở về chốn xưa thì mới hay Hai Lan thành phu nhân đồn trưởng Tư Cò, nhưng Tư Cò bị giết, lại bị vu loạn luân với bố chồng là Cả Dẫn, cô tự tử, lấy cái chết để tỏ mình trong sạch… Chuyện tương tự như vậy cũng đã có sách viết, nhưng TBĐ “cao tay” hơn, khi để Sáu Tý gặp bé Chuột, đứa con gái mồ côi của Hai Lan sống cô đơn vì “kẹt giữa hai làn đạn”, ông đã nhận Chuột làm con, mặc dù thủ trưởng can ngăn:
“- Đồng chí có biết làm vậy là mất lập trường và đã mất lập trường, thì không thể…”.
Hai tháng sau, Sáu Tý ra quân!
Chẳng đắn đo, Sáu Tý điềm nhiên làm thủ tục nhận bé Chuột là con gái của anh cho dù, đó là con gái của đối phương – viên đồn trưởng – Với anh, trẻ thơ vô tội và lại càng không nên để chúng dính dáng gì tới máu xương của cuộc chiến! Người lớn vẽ bùa, sao lại bắt tụi nhỏ phải đeo?…”.
Chưa có bài phê bình tác giả nào mà tôi trích nguyên bản dài như thế! Thế mới gọi là dạng “sử thi cô đúc”… Chỉ 7 từ trong câu “Hai tháng sau, Sáu Tý ra quân” có thể viết hàng chục trang vẫn không nhạt. Bao nhiêu là từng trải và trăn trở, đấu tranh với những “quan điểm”, nếp nghĩ quen thuộc mới đi tới quyết định hệ trọng đó. Mặt khác, thái độ sống quyết liệt và phóng khoáng ấy đã thể hiện một tính cách tiêu biểu của người dân Nam Bộ. Ở thời buổi bạn đọc ngại “ôm” những cuốn tiểu thuyết sử thi dày cộp, cách viết cô đúc, nén chặt cả sự kiện và không-thời gian của TBĐ cũng là một đóng góp đáng kể…
Tôi hy vọng sẽ có luận văn tiến sĩ về bộ truyện của Trần Bảo Định, để có thể nghiên cứu sâu hơn những tác phẩm của ông và như thế, một lần nữa, vẻ đẹp, sự phong phú của con người và vùng đất Nam Bộ càng được nhiều người biết đến…
Nguyễn Khắc Phê
Tạp chí Sông Hương – Tháng 12.2019.