NHỤC THÂN!
“Thầy Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu…Những con người chẳng cần lưu danh thiên cổ, chẳng màng tôn vinh, phục hồi hay chà đạp, hạ bệ… Tất cả ngôn từ đó, xa xỉ và xa lạ… Cái họ cần, họ màng tới, là mong ai có trọng trách đối với nước đừng làm nhục nước!” (Trần Bảo Định)
”Lá cờ ba sắc (cờ Pháp) không thể phất phới bay trên một thành lũy mà ở đó Phan Thanh Giản còn sống…” (Trích thư gửi Tổng đốc An Giang, Tổng đốc Hà Tiên của Chánh sứ Phan Thanh Giản)
”…Minh tinh chín chữ lòng son tạc!”
( ”Thơ điếu Phan Thanh Giản”, Nguyễn Đình Chiểu )
1.
Ba Tri vùng đất nghèo ven biển thuộc tỉnh Bến Tre; vùng đất nuôi dưỡng, đùm bọc những danh sĩ yêu nước ở Nam Kỳ đến tị địa lúc sống cũng như khi chết (1); vùng đất đã sản sinh đứa con hàn sĩ Phan Thanh Giản đã làm rạng rỡ quê nghèo Bảo Thạnh: vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ!
Người Ba Tri hãnh diện về đứa con từ thời niên thiếu đã toát lên phẩm chất làm người, biết đặt chữ hiếu trên hạnh phúc của tự do riêng mình. Chàng thiếu niên ấy, là Phan Thanh Giản, đã ”đệ đơn lên Hiệp trấn Lương ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù” lúc cha lâm vào vòng lao lý (2), thì chẳng thể ”Phan, Lâm mãi quốc…”. Một sự ”lộng giả thành chân” của kẻ bề trên nào đó, trù úm rồi úp chụp cho cái gọi là câu ca dân gian? Mấy ai tin? Nhất là, người làng ông. Người làng không hiểu lòng dạ đứa con của mình thì ai hiểu? Từ cổ chí kim, có những kẻ đi làm quan triều đình hoặc làm thượng quan xứ người thì được, nhưng đến lúc trở về làng làm dân thì chắc gì dân chẳng đuổi đi; bởi họ sợ lây nhục làng nước!? Phan Thanh Giản thì không, dân làng Bảo Thạnh ôm đứa con của họ vào lòng, khi đứa con đó tuyệt thực mười bảy ngày và dùng chén thuốc độc tuẫn tiết. Nếu hiểu tuẫn tiết theo nghĩa vì nghĩa lớn, thì họ Phan chỉ mong dùng cái chết của mình để thức tỉnh Tự Đức trước cái nhục nước, cái họa mất nước!
Bởi vậy, lịnh phán sau nghị án kết tội Phan Thanh Giản của vua Tự Đức: ”Xét phải tội chết, chưa đủ che được tội…Truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi mãi cái án trảm giam hậu”đã lộ rõ chân tướng ” được của ta, mất của người” núp dưới vỏ bọc ”chủ hòa” nếu không muốn nói là ”hèn nhát” của vua Tự Đức trước quân thù xâm lược đất nước. Tự Đức cay nghiệt bề tôi bao nhiêu, người Nam Kỳ và dân Ba Tri càng thương cảm, tiếc nhớ Phan Thanh Giản bấy nhiêu!
*
Những ngày cuối tháng sáu (3), mưa tầm tả thành Vĩnh Long. Bầu trời đầy mây ám khói đèn. Phan Thanh Giản đóng kín thư phòng, nhịn ăn nhịn uống…
– Thưa cha! Con…
Lời thưa rụt rè và rất khẽ của đứa con bị người cha ngăn lại bằng cái khoác tay. Không gian buổi chiều im ắng, tiếng côn trùng hòa điệu theo giọng ễnh ương buồn vọng về lê thê!
– Cha đã quyết, con đừng nói thêm lời nào nữa!
Lòng ông lúc nầy ngổn ngang trăm mối, ông nhớ da diết người thầy khai tâm: Nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi; sư dạy ông đạo lý làm người, cầm tay ông dẫn đường nét chữ đứng thẳng của kẻ sĩ cầm bút. Rồi, ông nhớ thầy Võ Trường Toản, nhớ cụ Đồ Chiểu đang sống ở quê nhà, thương Dương Bình Tâm người dũng sĩ đánh đồn Chợ Rẫy, khâm phục Nguyễn Văn Lịch đốt tiểu hạm Espérance, tiếc Trương Định ”mãnh hổ nan địch quần hồ”đành tự sát(4)…Ông không thể quên những ánh mắt rực lửa của đồng bào Nam Kỳ căm thù giặc Pháp và những nụ cười khinh bỉ triều đình Tự Đức bỏ rơi họ, trong đó có ông.
Đánh! Với ông, việc ấy chẳng chi do dự và hệ trọng. Ông sẵn sàng trả cân đai áo mão về cùng dân chống giặc Pháp như bao đấng anh hùng và nghĩa sĩ Nam Kỳ đã làm, nhưng rồi tránh sao khỏi thảm cảnh đầu rơi máu đổ của đồng bào. Nghĩ đến đó, ông quyết định trao thành cho giặc với điều kiện giặc không được sát hại đồng bào (5) Ông chấp nhận thà nhục thân cứu dân lành thoát cơn lửa đỏ, cũng như thà ”Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”(6)
Phan Liêm khom người khêu ngọn bạch lạp, bóng hai cha con in vào bức tường lạnh lẽo trong sự chết cận kề. Hơi thở người cha mòn dần…mòn dần, theo tiếng kèn tây của quân thù bên kia thành Vĩnh Long. Đêm trời đất không thể tăm tối hơn vận nước đang bước vào tăm tối! Ông nắm tay đứa con trai thứ ba của mình (7), bàn tay lạnh và run. Nhớ ngày mẹ nó mất, ông vắng nhà vì đang tòng sự tại kinh thành Huế, một tay nó và anh em lo liệu tang gia. Thương vợ cả đời lam lũ thay chồng gánh việc nhà nuôi con, đến phút lâm chung chẳng thấy mặt chồng. Người sĩ phu già nhỏ những hạt nước mắt rơi ướt đẫm bóng đêm.
Đột nhiên, ông từ từ ngồi dậy. Có lẽ, đó là năng lượng tiềm tàng cuối cùng của một đời người, như ngọn đèn phụt sáng trước lúc tắt. Ông ôm con vào lòng, Phan Liêm áp sát tai và ghi vào trái tim mình từng lời cha dặn dò, dạy bảo.
Trời chưa kịp rạng đông, ông thủ lễ trọn đạo quân thần rồi ung dung uống cạn chén độc dược…(8), ”Trời đất từ rày mặc gió thu”! ( Nguyễn Đình Chiểu )
2.
Những cánh cò đáp đồng chiều Bảo Thạnh, báo hiệu ngày sắp tàn!
Bà Phan Thanh Giản nhủ danh Trần Thị Hoạch, người làng quen miệng gọi bà Ba. Chẳng hiểu cô bác xóm giềng gọi bà Ba là gọi thứ hay gọi tên. Vì, bà là vợ thứ ba của ông, sau khi hai người vợ trước vắng số mãn phần; hoặc đó là, cái tên Ba hồi nhỏ của ông. Bà Ba vốn xuất thân con quan Án sát Quảng Trị, gốc làng La Chử nổi tiếng đất hiếu học thuộc Hương Trà. Lúc nhàn rỗi, bà thường nói: ”Không vì là đất hiếu học, cưu mang sĩ tử mà mang tên La Chữ! Làng quê La Chử gánh nội hàm dải lụa băng cánh đồng lúa chạy về giủ nước sông Hương?!
Người cùng thời ở quê ông, thường nói vui: ”Phan tiên sinh lấy vợ ba là để dễ mần việc nước”. Có lẽ đúng chớ chẳng sai. Bà Ba theo chồng vô Nam và quá giang đò về Bảo Thạnh thay chồng phụng dưỡng cha già, nuôi một nách ba con nhỏ. Dù ”lạ nước lạ cái” và dẫu nhiều lúc ”thân đơn gối chiếc” bà chưa hề hé môi than, nói chi đến chuyện thở. Bà sống chan hòa và nhơn đức với người thân bên chồng, với lối xóm.
Mỗi lần nghe tiếng chim vịt kêu chiều, bà quặn lòng nhớ cố hương, bà đứt ruột thương cha mẹ, ngong ngóng đợi tin chồng. Trên bốn mươi năm chồng đi làm quan, được bao lần chồng quay về nhà? Có lẽ, lần chồng về ở nhà lâu nhất là lần về chịu tang cha (1843). Chẳng tự nhiên Phan tiên sinh thốt lên:
”Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng nầy tạc dạ có non sông
Đường mây cười tớ ham dong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng”
(”Ký Nội”, Phan Thanh Giản)
Bà nhứt mực nghe lời chồng. Vì bà hiểu, Phan Thanh Giản người sống đạo đức, thanh liêm; người đi từ đói nghèo, lao khổ để làm nên sự rạng rỡ của kẻ sĩ đất Nam Kỳ lục tỉnh; người biết phải làm gì để tỏ rỏ tấm lòng trung quân ái quốc, thương dân. Vả lại, thời thơ ấu của chồng bà nương nhờ cửa Phật dưới sự dạy dỗ của một nhà sư; lớn lên theo việc đèn sách với nhiều bậc túc nho…nó hun đúc ở Phan Thanh giản có cái tâm Từ Bi, có cái lẽ sống Nhân-Trí-Dũng. Làm vợ một người như vậy, đáng lắm chớ!
Cho nên, ngày đó bà yên tâm và vui nhận những lời chồng cậy nhờ, căn dặn trước lúc xa nhau:
”Ơn nước nợ trai đành lỗi bận
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hởi lòng!”
(”Ký Nội”, Phan Thanh Giản)
Đã từng là tiểu thơ sống trong nhung lụa nhà quan, bà hiểu ít nhiều cái lẽ: ”Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”; có nghĩa, quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn. Chồng bà làm sao thoát khỏi! Nhiều đêm chong đèn ngồi vá áo cho con, lòng bà lo lắng lắm!
Và rồi, sự lo lắng của bà chẳng sai: Phan Thanh Giản trải qua bảy lần ngả nghiêng ngả ngửa ở chốn quan trường, tới chết thân cũng chẳng yên!
3.
Nhục thân Phan Thanh Giản chẳng cản được nhục nước và cái chết của ông, không làm vua Tự Đức tỉnh giấc mộng cầu hòa với bầy sói đang lên cơn đói, bọn triều thần bảo thủ sợ mất đặc quyền đặc lợi cố che mắt Hoàng thượng. Một bộ phận không nhỏ thuộc hoàng thân quốc thích, lo ngày mai chẳng là quốc thích hoàng thân khi vua vì dân vì nước, nên cố sức cản ngăn việc canh tân xứ sở. Chính lũ chúng chớ không phải bọn ngoại bang và cũng chẳng phải ai khác: ”Thà nhục nước, thậm chí mất nước; vẫn còn hơn sức mẽ hoặc mất đặc quyền đặc lợi riêng mình, dòng tộc và đám thân hữu”!
Chúng rỉa xác ông, chúng soi trái tim ông máu vẫn còn tươi rói thương dân thương nước đi đến pháp trường nhận án ”trảm quyết”. Song, triều Nguyễn không thiếu những vị vua có tấm lòng. Năm 1886, vua Đồng Khánh đã ban chiếu chỉ:”Khai phục nguyên hàm…tên được khắc lại bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế…” Viết về Phan Thanh Giản, cụ Nguyễn Đình Chiểu hạ bút, rằng:”Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” (Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong).
Những năm sáu mươi thế kỷ trước, ”Hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây, được Trần Huy Liệu đem ra bàn luận và đã kết tội ông là kẻ bán nước”?(9). Và có lẽ, từ cái kết luận đó, tên ông đã bị xóa ở các nơi từng trang trọng tôn vinh và thờ phụng.
Với ông, đứa con đất Bảo Thạnh xứ Ba Tri chẳng coi việc đó ra chi, vì hơn trăm năm trước, ông đã chấp nhận nhục thân.
Nếu có xót và đau là dân quê ông, dân Nam Bộ; những người đồng cảm và tiếc thương ông!
Tưởng rằng, chuyện về ông đến đây đã khép lại trong tiếng đồng vọng thực hư của định mệnh. Song, cũng như triều Nguyễn, thời đại trí tuệ và nhân văn, đất nước không thiếu những người có tấm lòng hiệp tâm cùng vượt qua rào cản hẹp hòi, đố kỵ để đi đến kết luận:”Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông”.(10). Và, đã được giới thẩm quyền chấp thuận.
*
”Trải qua một cuộc bể dâu” (Kiều – Nguyễn Du), đất Ba Tri hội tụ những người con ưu tú bậc nhứtt Gia Định và về sau, là Nam Kỳ Lục tỉnh: Thầy Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu…Những con người chẳng cần lưu danh thiên cổ, chẳng màng tôn vinh, phục hồi hay chà đạp, hạ bệ… Tất cả ngôn từ đó, xa xỉ và xa lạ… Cái họ cần, họ màng tới, là mong ai có trọng trách đối với nước đừng làm nhục nước!
Phan Thanh Giản tự cái tên ông, đã phảng phất hương thơm tình đất tình người Nam Bộ. ‘’Dù ai nói ngã nói nghiêng…’’ thì ông vẫn mãi là ông, không thể khác!(11).
Trần Bảo Định
……………………..
(1) Nguyễn Đình Chiểu, mộ thầy Võ Trường Toản ( do Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông…dời từ Gia Định về )
(2) Năm 1815, Phan Thanh Ngạn (cha Phan Thanh Giản) đi tù ( ”Chuyên khảo về Phan Thanh Giản”, Tập san Sử Địa, Sài Gòn)
(3) Ngày 20.6.1867, Pháp chiếm Vĩnh Long.
(4) Đêm 3 rạng 4. 7.1860, Dương Bình Tâm cùng nghĩa quân đánh chiếm đồn Chợ Rẫy. Trưa ngày 10.12.1861, Nguyễn Văn Lịch tức Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa binh đốt tàu chiến Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Đêm 19 rạng ngày 20.8.1864, Trương Định bị giặc Pháp vây do tên Huỳnh Công Tấn chỉ điểm, ông bị thương và tự sát tại Ao Dinh (Gò Công)
(5) Từ 20.6 đến 24.6.1867, Pháp chiếm trọn 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
(6) Trích ”Lá sớ gửi vua Tự Đức” trước khi tuẫn tiết.
(7) Cụ Phan Thanh Giản và bà Trần Thị Hoạch (tự Cúc) có 3 người con: Phan Hương, Phan Liêm, Phan Tôn.
(8) Ngày 4.8.1867 (Cụ Phan thọ 72 tuổi)
(9) Trần Huy Liệu: ”Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 55, trang 18-19, tháng 10 năm 1963.
(10) Cục Di Sản và Viện Sử Học 2008.
(11) ”…Tôi khẳng định rằng, Phan Thanh giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch đáng để lại gương soi cho hậu thế.”( trích ”Những suy nghĩ sau hai cuộc Hội nghị về nhân vật Phan Thanh Giản” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
h1 Mộ cụ Phan ở Ba Tri (Bến Tre)
h2 Di tích thành vĩnh Long