MÓN NGON MÃ LAI-LAKSA (Lạc xá)
Gia đình chúng tôi có chín anh chị em, ba trai, sáu gái. Ở Việt Nam ngày xưa trong thế hệ của chúng tôi, một gia đình đông con như vậy là chuyện thường tình bởi vì theo phong tục tập quán của chúng ta thì gia đình đông con là gia đình có phước phần. Con cái là niềm vui, là bảo hiểm tuổi già của cha mẹ, tuy nhiên nuôi được đàn con cho ăn học, lớn khôn cũng không phải là chuyện dễ dàng, bao nhiêu công lao khó nhọc cha mẹ đã phải trải qua mà không bao giờ than vãn hoặc kể lể.
Chúng tôi may mắn vì cha mẹ chúng tôi đều tạo cơ hội đồng đều, khuyến khích chúng tôi trau dồi học vấn dù là trai hay gái.
Ba tôi thường nhắc nhở con cái nên cố học, theo ông, việc học là khó khăn nhất vì vậy nếu học hành thông suốt thì sau này làm gì cũng dễ dàng kể cả việc tề gia nội trợ.
Được thể, cộng thêm tính lười nên đám con gái chúng tôi chỉ chuyên tâm vào việc học, ít để ý hoặc vào phụ trong bếp. Trong sáu chị em lúc bấy giờ, ngoại trừ hai em gái áp út và út còn quá nhỏ, trong bốn chị em lớn thì chỉ có cô em gái kế tôi là thích nấu ăn, nấu giỏi nên là ngôi sao sáng trong gia đình.
Từ khi ở ngoại quốc mọi việc lại thay đổi hẳn, chị em chúng tôi trở nên thích nấu nướng, thích vào bếp.
Có thể đúng như người xưa nói “thời thế tạo anh hùng” mà trong trường hợp của chúng tôi được diễn dịch là “thời thế tạo nên những đầu bếp đam mê”.
Cũng dễ hiểu, thứ nhất là lúc đó chúng tôi đã có gia đình riêng, thứ nhì là chúng tôi đều có “tâm hồn ăn uống”. Thích ăn ngon nhưng trong tình trạng kinh tế eo hẹp ở giai đoạn đầu đang phải vật lộn vì miếng cơm, manh áo thì làm sao mà thường xuyên mua thức ăn ở ngoài hoặc đi ăn tiệm được. Thôi thì chịu khó tập tành chuyện bếp núc để cả gia đình đều được ăn vừa ngon, vừa rẻ.
Sáu chị em gái vừa tập nấu ăn vừa trao đổi kiến thức cũng như công thức với nhau nên theo thời gian, chị em chúng tôi đều có một số vốn bếp núc, kẻ nhiều, người ít tuỳ theo mức độ đam mê của mỗi người.
Riêng cô em Út, nhỏ nhất trong nhà, được chiều chuộng, hơn nữa có tính “khoan thai” nên mỗi khi gia đình họp mặt, cô Út đều được các chị cho miễn vào bếp. Cũng vì lý do đó mà tài năng bếp núc của em đã bị các chị dìm mất từ trong trứng nước. Tuy vậy cô em út cũng đâu có chịu thua, cũng cố vươn lên để cho các chị phải “lé” mắt với một số món ăn. Một trong những đặc sản của cô Út là món Lạc xá, món ăn Mã Lai mà cô thường làm để đãi chị em hoặc khách khứa.
Tôi cũng đã được nếm món Lạc Xá của cô em út, món ăn ngon, lạ miệng nhưng theo khẩu vị của tôi thì vì nhiều nước cốt dừa nên mau ngán, những ai thích nước cốt dừa chắc chắn sẽ hài lòng vì món Lạc Xá này.
Laksa (tên Nam Dương) là một món ăn nước rất phổ thông trong ẩm thực của người Mã Lai gốc Trung Hoa. Laksa gồm có bún, mì sợi, thịt gà, tôm hoặc cá, được chan nước lèo là một loại nước sốt cà ry cay nấu với nước cốt dừa hoặc loại nước lèo không có nước cốt dừa nhưng có vị chua vì được nấu với me. Món Laksa rất phổ biến tại Mã Lai, Singapore, Nam Dương và Thái Lan.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Laksa. Hoặc là phát xuất từ những người di dân Trung hoa định cư tại vùng bờ biển phía đông kết hợp với cách nấu nướng của cư dân tại đó, hoặc là như người Mã Lai tin tưởng, món Laksa là do người di dân Trung hoa đem đến Malacca. Tại Singapore người ta lại cho là món ăn này được chế biến ra từ việc kết hợp cách nấu của di dân Trung Hoa ở Mã Lai với cư dân Singapore.
Món Laksa được biến đổi tuỳ theo từng vùng, từng miền nên khó mà xác định xuất xứ chính xác. Cũng vì thế mà có rất nhiều loại Laksa. Ở đây Bếp Ấm chỉ xin được giới thiệu món Laksa cà ry nấu với nước cốt dừa và thịt gà cùng tôm tươi.
CÀ RY LẠC XÁ (LAKSA) THỊT GÀ VÀ TÔM TƯƠI
(4 phần ăn)
I/ VẬT LIỆU
a/ Hỗn hợp gia vị
– 2 quả ớt đỏ xắt miếng
– 6 nhánh tỏi đập dập
– 1 muỗng cà phê gừng xắt miếng
– 1 muỗng canh sả bằm
– 3 củ hành ta lớn hoặc 1 củ hành tây nhỏ xắt hột lựu
– 2 muỗng canh ngò tươi xắt nhỏ
– 2 muỗng canh nghệ tươi xắt nhỏ, có thể thay bằng nghệ bột
– 1 muỗng canh tôm khô ngâm trong nước sôi 10 phút, sau đó chắt cạn nước
– 1 muỗng canh nước mắm
– 1 muỗng cà phê mắm ruốc
– 2 muỗng canh dầu ăn
b/ Nước lèo cà ry
– 600ml nước dùng (lèo) gà
– 400g thịt đùi hoặc ức gà xắt miếng chừng 3cm
– 100g tôm tươi to, lột vỏ, bỏ đầu
– 400 ml nước cốt dừa, có thể dùng nước cốt dừa đóng hộp
– 1 chén tàu hủ xắt miếng chiên vàng
– một muỗng cà phê đường
– nước cốt chanh
-100g mì trứng khô
– 100g bún tàu khô
c/ Rau giá ăn kèm
– giá
– ngò
– rau răm
– hành phi
– tương ớt, ớt tươi
– chanh miếng
II/ CÁCH LÀM
– Miến (bún tàu) và mì đem luộc và để ráo
– Bỏ tất cả gia vị (phần a/) vào máy xay cho thật nhuyễn.
– Cho 2 muỗng canh dầu vào nồi đun nóng với lửa trung bình, cho tất cả hỗn hợp gia vị vào xào cho đến khi có mùi thơm và ngả sang màu đậm, nên quấy luôn tay để không bị bén.
– Cho nước dùng gà và đường vào, nấu cho sôi lên rồi đổ thịt gà vào nấu riu riu chừng 5 phút.
– Đổ nước cốt dừa
– Cho tôm tươi, tàu hủ chiên vào nấu khoảng 5 phút cho tất cả nóng lên, cho nước cốt chanh vào, nêm nếm lại cho vừa ăn.
Hình 3: Thành quả
Cho mì và miến vào trong tô, múc thịt gà, tôm, đậu hủ để lên trên, đổ nước cà ry vào ngập tô, cho giá, ngò cùng rau răm thái nhỏ và hành phi vào tô, ăn nóng.
Lê-Thân Hồng-Khanh
Tài liệu tham khảo và hình ảnh: nguồn net
Nhiều người nói với tôi, đọc bài trong Bếp ấm do cô Hồng Khanh viết được thưởng thức hai phần: Văn nói về món ăn và cách thức làm tỉ mỉ món đó. Chưa nói đến món ăn lạ và độc đáo, ít người biết.
Sách dạy nấu ăn hay học gia chánh hiện nay trong các hiệu sách rất nhiều, nhưng viết theo kiểu trang nhà -Bếp Ấm thì không có. Chính vì đọc “bài văn mẫu” như vầy mà anh chị em ngại mình viết không đạt. Điều lo sợ đó không phải vô lý, nhưng không vì khó mà Bếp Ấm hạ chuẩn xuống cho dễ viết, mà là chúng ta cố noi theo để có những bài viết đọc thích thú, thực hành được món ăn cho gia đình. Mong rằng, cô Hồng Khanh dành thời gian viết để hàng tuần độc giả trang nhà có món ăn mới.
Chúng em mừng Bếp trưởng tiếp tục nhóm lửa Bếp Ấm.