DI SẢN GỐM BÀU TRÚC

Ngày đăng: 26/07/2019 08:20:07 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nghệ thuật làm gốm độc đáo của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cuối năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”; đồng thời xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

                    Sản phẩm gốm Bàu Trúc trưng bày phục vụ du khách tham quan, mua sắm

Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc cho biết,  tương truyền vợ chồng ngài Pokong Chanh là người cùng thời với vua Pokong Garai (1151- 1205) là vị tổ nghề gốm được dân làng lập đền phụng thờ. Nghề làm gốm Bàu Trúc có lịch sử khoảng 800 năm, là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Kỹ thuật làm gốm của làng Bàu Trúc trải qua nhiều công đoạn, đất sét được lấy từ cánh đồng Tanu Lanh chở về đập nhỏ, đào hố ủ đất qua một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất đã ủ trộn với cát mịn theo tỉ lệ 7 phần đất, 3 phần cát lấy từ Sông Quao rồi nhào nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng 4-6 giờ cho khô ráo rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng và sử dụng các dụng cụ đơn giản như chiếc lược, vỏ ốc biển, nắp chai, chiếc dao nhỏ để trang trí hoa văn có đường nét đặc trưng văn hóa biển. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian 5- 10 ngày được 100- 200 sản phẩm đưa vào lò nung hoặc nung lộ thiên bằng củi, rơm rạ. Sau khi nung 7-8 giờ, gốm chín cho sắc màu đỏ au nguyên thủy của đất sét làng Bàu Trúc. Chỉ với đôi bàn tay khéo léo của người thợ “tự xoay” để tạo ra sản phẩm từ gốm truyền thống như nồi, niêu, ấm, lò đun than, khuôn làm bánh xèo, khuôn bánh căn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, được sự hướng dẫn của họa sỹ Sĩ Hoàng, các nghệ nhân làng Bàu Trúc sản xuất  gốm mỹ nghệ với trên 300 loại sản phẩm khác nhau như mô hình tháp Chăm, tượng linh vật, đèn trang trí, bình cắm hoa, bình nước phong thủy, tượng thần Shiva… Sản phẩm gốm Bàu Trúc mang tính độc bản cao, trang trí rất ít hoa văn; sự thô mộc của đất nung không tráng men và đường nét, hình khối cân đối hài hòa tạo nên nét đẹp quyến rũ riêng có của gốm Chăm. Sản phẩm gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc phục vụ nhu cầu trang trí của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Làng Bàu Trúc hiện có 1 HTX, 4 Công ty TNHH, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ thu hút 500 lao động tham gia sản xuất gốm. Doanh thu từ nghề gốm trên 10 tỷ đồng/năm, người lao động có thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm gốm kết hợp sản xuất nông nghiệp giúp nhiều gia đình xây dựng được nhà ở khang trang, nuôi con học hành thành đạt. Đồng bào Chăm làng Bàu Trúc rất phấn khởi với hy vọng nghề gốm truyền thống gặt hái nhiều thành công trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh Thái Sơn Ngọc 

 

                           Nghệ nhân Đàng Xem tạc phù điêu thần Shiva trên bình gốm

Công đoạn làm láng và phơi gốm trước khi đưa vô lò nung(ảnh trên)Phụ nữ làng Bàu Trúc nhào đất nguyên liệu chế tác gốm (ảnh dưới)

Bình gốm Chăm đưa vô lò nung chín cho sắc màu đỏ au nguyên thủy của đất sét 

 

 

                                               Du khách thích thú trải nghiệm chế tác gốm Bàu Trúc

                        Thiếu nữ Chăm 12-15 tuổi bắt đầu học nghề làm gốm,

                                                                 Mẹ truyền nghề cho con

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác