SỰ LIÊN HỆ ĐỜI SỐNG GIỮA TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

Ngày đăng: 31/05/2019 11:14:56 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Hồi còn nhỏ, đọc tác phẩm nào tôi thường có thói quen liên tưởng đến tác giả của nó. Tôi mơ tưởng tới tác giả, chung quanh những chi tiết như đời sống, vóc dáng, hoàn cảnh, vân vân. Nói tóm, tùy theo tác phẩm đã đọc, tôi vẽ ra trong trí một mẫu người riêng của mình, cho đó là tác giả. Nếu tác phẩm có tính cách tự thuật có nhân vật xưng “Tôi”, là tôi liền nghĩ ngay đó là hình ảnh của tác giả chứ không chạy đàng nào cả. Tôi cho việc tìm kiếm ra hình ảnh của tác giả, qua tác phẩm, là một chuyện thích thú, cần thiết. Tôi còn nhớ, hồi ấy, tôi đã trộm “mơ tưởng” tới một thi sĩ mà về sau, là bạn (bạn trai) thân thiết của tôi. Tôi cũng đã không ngớt ngạc nhiên, sau này, khi kiểm điểm lại những tác giả mà thuở trước tôi đã “trộm nhớ”, đã vẽ với tuyệt diệu về họ…Nhắc lại chuyện của mình, tôi nhớ tới chuyện của … một cô gái Pháp: Cô ta đọc văn Chateaubrian, mơ tưởng một hình ảnh đẹp. Ngày nọ đi dạo quanh công viên với cô bạn sinh viên khác, thấy một gã đàn ông lem nhem, áo quần xốc xếch bên cạnh có con chó xù nằm ngước mỏ nhìn lên. Cô ta cười, vẻ khinh bỉ. Cô bạn liền nói: “Ấy chết, sao chị lại cười ông Chateaubrian?”
Cách đây ba năm, một độc giả gởi thư hỏi tôi: “Trong các truyện ông viết, đời sống của ông, con người thực của ông, có trong đó bao nhiêu phần trăm?”
Ở bài này, tôi xin chia sẻ đầy đủ hơn, về những câu hỏi đại cương như thế, về tác giả và tác phẩm. Tôi gọi là “Sự liên hệ đời sống giữa Tác giá và Tác phẩm ”.
Tại sao phải tìm hiểu tác giả?
Việc tìm hiểu tác giả của nhiều người bắt đầu từ sự tò mò. Bị ảnh hưởng, kích động bởi những gì họ viết. Muốn biết thêm cho vui. Coi thử “ông đó, người ấy” ra sao. Thứ đến, như cô sinh viên Pháp, yêu mến tác giả qua tác phẩm. Nuôi dưỡng một hình ảnh, hay tìm biết để thỏa mãn trạng thái tình cảm riêng tư. Không chú ý tới những trường hợp lẻ loi, riêng biệt như thế, tôi nêu lên vài sự lợi ích, cần thiết khi phải tìm hiểu thêm tác giả, song song với tác phẩm của họ. Việc sơ đẳng nhất, đọc một tác phẩm, chúng ta phải biết của ai? (Đại khái như phần tiểu sử trong một bài soạn giảng văn). Tác phẩm đã được tác giả viết trong thời gian nào, bối cảnh nào của đời sống?. Biết về tác giả như thế, tạm đủ, để đọc tác phẩm của họ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về tác giả không phải chỉ có thể, và chấm dứt ở đó. Chúng ta còn phải biết thêm đến những chi tiết như: Hoàn cảnh sáng tác nên tác phẩm, đời sống tác giả, tâm tình riêng tư, những quan niệm về các vấn đề liên quan tới cuộc đời ( như tôn giáo, xã hội, gia thế… ). Biết đủ và rõ ràng như thế, khi đọc những gì họ viết, chúng ta dễ theo dõi, thấu đáo trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm. Sự đọc như thế, rất ích lợi, bởi vì chúng ta còn có một sự thông cảm sâu xa, ngoài những hàng chữ. Ở trong hay ở trên những bày tỏ bằng ngôn từ. Chúng ta cũng nhận thấy, việc đọc thơ rất cần đến tiến trình nhận thức như trên.
Chúng ta cần phải rung cảm, cùng với tác giả, ở mỗi giòng Thơ. Có vài trường hợp, việc tìm hiểu tác giả cặn kẻ như trên, là một việc bắt buộc. Phải có. Mới hiểu nỗi, hiểu hết tác phẩm. Ví dụ như trường hợp Samuel Beckett, nếu không biết bản chất thầm lặng, có khi ngồi lầm lì đủ ba ngày từ sáng tới tối, dù là ngồi với bạn bè thân tình thì sẽ không hiểu hết sự im lặng trong tác phẩm của ông. Không theo dõi dược tiến trình tư tưởng mà ông đã suy nghĩ, gởi gắm trong tac phẩm có tên là “Sans”.
Những tác giả ảnh hưởng trọn vẹn trong tác phẩm:
Thực ra, sự phân chia từng loại tác giả như thế không được ổn cho lắm. Thế nào là “ảnh hưởng trọn vẹn” ? Chữ “trọn vẹn” tôi đã dùng ở đây, có nghĩa tác giả thổ lộ, bộc bạch đời sống, tâm sự, hoàn cảnh của mình vào tác phẩm nhiều hơn hết. Bàng bạc khắp mọi nơi. Không hẳn là trăm phần trăm, nếu đem so sánh được. Như thế, sự phân chia, để dễ theo dõi. Để người nghe có những cái mốc, một thứ tự lớp lang nào đó, mà nhớ.
Trong những tác giả loại trên, tôi có thể kể tới cụ Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ, một nhà ái quốc miền Nam. Phải hiểu được cuộc đời, tâm tính của Cụ, chúng ta mới thấy những tác phẩm như “Dương Từ Hà Mậu” và “Lục Vân Tiên” là một phản ảnh trọn vẹn cuộc sống, tâm hồn, quan niệm về đời sống, hoàn cảnh của cụ. Qua hai tác phẩm đó, chúng ta thấy rõ hình dáng cụ, biết tấm lòng nhân nghĩa, sự trung kiên với tình người và nhất là với Quê Hương, Vân Tiên gặp cảnh gia biến và quốc biến, cũng giống như cụ Nguyễn Đình Chiểu, Vân Tiên đã mù mắt vì khóc thương mẹ, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã mù mắt vì cảnh gia biến, lận đận, khó khổ. Suốt trong tác phẩm LVT, NĐC đã luôn luôn bày tỏ tấm lòng, cá tính của cụ, đối với đời sống, danh vọng, với sự thiện, ác. Đời sống của cụ là một đời sống mẫu mực, can cường, tình nghĩa đầy đủ, thì các nhân vật ( như Vân Tiên, lão tiều phu, Tử Trực, tên tiểu đồng, người bán quán, ngư ông, Nguyệt Nga… ) là một hạng người, dầu ở hoàn cảnh nào, cũng giữ trọn tấm lòng thanh bạch, thủy chung đối với tình người. Tác phẩm Dương Từ Hà Mậu. đã cho ta thấy rõ ràng hơn hết, thái độ và cách tranh đấu của cụ với thực dân Pháp, cho dầu là cụ đã bị mù lòa.
Tác giả kế tiếp tôi muốn nói đến là thi sĩ Tản Đà: Con người ông, cá tính của ông đã ảnh hưởng, có nói, hầu hết trong những bài thơ ông viết. Tôi thử tóm tắt một vài tính chất trong con người Tản Đà: 1) Thích ăn ngon, 2) Ghiền rượu, 3) Sống nhiều với mộng, 4) Đa tình, 5) Thích lang bạt giang hồ.
Trong thơ ông, vấn đề… rượu thịt, ăn nhậu chúng ta gặp nhiều quá cỡ, tôi đọc một vài câu:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say, đất cũng lăng quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười.
Hay:
Đương trưa qua một cánh đồng
Em đi mua rượu cho chồng em xơi
Chồng hư mang tiếng mang tai
Tiếng tai thiếp chịu, hơn ai không chồng?
Theo sự tiết lộ của ông Phạm Văn Diêu, Tản Đà khi ở … tuổi cập kê, đã yêu một cô gái Hàng Bồ, dầu chỉ yêu một cách hết sức sương khói. Tuy vậy, nhà thơ Tản Đà của chúng ta đã nuôi giữ cái vóc dáng ấy trong tâm hồn, để sau này, viết… một mạch mấy bài thơ “thơ cho người tình không quen biết”. Chưa hết, cô gái đẹp Hàng Bồ đã “giúp” Tản Đà… nặn ra một cô Chu Kiều Oanh, người yêu lí tưởng, tri kỷ, để gởi gắm tâm tình… Sau Chu Kiều Oanh, còn có Vân Anh. Đến sau này, khi đã thành danh, nhân một bửa đi xem hát, Tản Đà lại … mê một cô đầu hát, tên là Liên. Cô nàng chỉ đóng vai thị tì, gia nô, hay kỷ nữ mà thôi. Nghĩa là một vai phụ, rất thấp thoáng. Về nhà, Tản Đà viết ngay vở hát, có tựa là Tây Thi đem cho diễn. Đến lúc đưa vỡ tuồng cho đạo diễn, Tản Đà một mực đòi hỏi phải để cô Liên đóng vai chính – vai Tây Thi. Thuyết phục Tản Đà không được, nễ lời, đạo diễn đành cho cô đào phụ… lên đào chính. Cô Liên lên sân khấu là một Tây Thi rực rỡ, vỡ tuồng thành công. Từ đó, rạp Lý Thắng (Hà Nội) có thêm một cô đào chính, trẻ, đẹp.
Để tạm kết thúc ở tiểu đoạn này, tôi xin nhắc nhớ thêm tới trường hợp “Giọt Lệ Thu” của Tương Phố: Ở đây, chúng ta thấy bà Tương Phố đã… đem hết chuyện tình riêng tư của mình mà kể, không thiếu một chi tiết nào. Nguyên nhân chuyện tình đó như thế này: Năm 18 tuổi, Tương Phố lên Hà Nội học ở trường Nữ Sư phạm. Tại đây, bà gặp ông Thái Văn Du, người Huế, ra học ở trường thuốc. Cả hai yêu nhau, đã sống chung, được ba năm. Tiếp đó, Ông Du được đưa qua học thêm về thuốc ở Pháp. Ở Pháp, vì thời tiết không hạp, ông bị bệnh thổ huyết trầm trọng, phải trở về nước. Ông được đưa về Huế chứ không ra Hà Nội. Vài năm sau, ông Du chết. Bà Tương Phố vẫn không được thấy mặt người yêu cũ. Thế là bà dùng thơ văn để tâm sự, mong giải bớt nỗi sầu. Tác phẩm “ Giọt Lệ Thu ” được đăng ở tạp chí Nam Phong, sau được bà Jeane Duclos Sulesse dịch ra Pháp văn.
Tôi đọc một đoạn: “(…)Than ôi, anh đi chẳng lại, đã đành rằng duyên kia dang dỡ, nhưng ngày xanh quãng vắng em chờ đợi ai? ”
Ngày xuân luống tiếc xuân dài
Oanh đưa liễu đón duyên ai đi về
Vui xuân đôi lứa đề huề
Sầu xuân nay tỉnh tê mệ một người
Xuân xanh nay đã phai rồi
Đời xuân thôi cũng là đời bỏ đi.(…)
Những tác giả gởi gắm một phần đời sống vào tác phẩm:
Giống như ở tiểu đoạn trên, ở đây sự phân chia cũng chỉ để giúp có một khái niệm, từng giai đoạn, từng thứ hạng, cho dễ hướng dẫn nhận thức của mình, về đề tài nêu trên. Khi tạm phân chia những tác giả “gởi gắm một phần” đời sống vào tác phẩm, tôi nhận thấy cũng chưa được chính xác. Nhưng với văn chương nghệ thuật, có sự phân chia, phân tích, sắp xếp nào mà hoàn toàn? Nghĩ thế tôi chỉ cần chú trọng tới cái mục đích, cái nắm giữ then cốt chung quanh vấn đề “sự liên hệ Tác giả – Tác phẩm” mà thôi.
Tôi xin nói tới Nguyễn Bính trước hết ở đây: Nguyễn Bính sinh năm 1916 tại làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Học tới lớp Ba, ở nhà không được đến trường, nhờ cha chỉ dạy thêm. Năm 13 tuổi đã làm thơ, năm 22 tuổi đã làm được khoản 1.000 bài thơ ngắn và dài. Nguyễn Bính chính thức gia nhập vào làng văn thơ năm 1935, được giải khuyến khích về thơ do Tự Lực Văn Đoàn tặng. Ở đây, tôi đề cập tới tác phẩm “Lỡ Bước Sang Ngang” xuất bản năm 1940 – một tác phẩm trong gần 17 tác phầm cả thơ, kịch và truyện của Ông. Lỡ Bước Sang Ngang.là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bính. Khi sáng tác tập thơ bày, Nguyễn Bính đã yêu một người con gái, mà Nguyễn Bính gọi là chị Trúc. Chúng ta, qua tập L. B. S. N. thường nghe Nguyễn Bính gọi tên Chị Trúc tương tư, sầu nhớ, khóc lóc và uất hận. Theo lời kể lại của Vũ Bằng khi được tiếp xúc với người anh con chú bác của Nguyễn Bính là ông Trúc Đường, thì “chị Trúc” trong L.B.S.N là vợ của Trúc Đường – chị dâu của Nguyễn Bính. Trúc Đường có kể rằng, lúc Nguyễn Bính yêu có thú thực với ông, nhưng vì biết bản tính Nguyễn Bính lãng mạn, yêu là để yêu, mơ mộng, làm thơ vậy thôi, nên không cản. Theo ông, mà nếu có cản, có thể Nguyễn Bính sẽ tự vẫn. Tôi trích một vài câu:
“ Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thể chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tính đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tin đi hết máu, cái duyên không về… ”
Về tác phẩm “Hương cố nhân”, theo chính lời của Nguyễn Bính thuật cho Mộng Tuyết nghe những ngày lưu lạc vào Nam, đã được ông sáng tác bởi… “nhờ một cô gái tên Hương”. Chúng ta kiểm chứng lại trong tác phẩm:
“ Mơ có năm năm đã vội tàn
Có nàng đan mãi áo len đan
Có nàng áo đỏ đi qua đấy
Hương được ba ngày Hương chửa tan
Mà Hương đượm mãi ở hồn tôi
Tôi biết là tôi yêu mất rồi
Tôi biết từ đây tôi khổ lắm
Chiều nay gió lạnh đấy nàng ơi …
Thêm một ví dụ về con người lãng mạn, mơ mộng của Nguyễn Bính, mà bạn bè đồng thời với ông lúc trước kể lại: Nhân một buổi đi hút Nguyễn Bính mê cô đội đèn tên là Ngọ. Chừng về tới nhà, cho… cô Ngọ có tên là Uyên, tương tư, thương nhớ lu bù. Nguyễn Bình lại cho cô Ngọ này … theo đạo Thiên Chúa, làm thơ xin chúa cho cưới nhau:
“ Lạy Chúa con xin Chúa một giờ
Mười hai giờ Ngọ của tình xưa
Hai đứa con đây: Uyên và Bính
Thường hẹn hò nhau những buổi trưa
… Chuông Ngọ từng hồi chuông Ngọ đổ
Từng hồi chuông Ngọ đổ chơi vơi
Con nghe chuông đổ rồi con khóc
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi … ”
Như vậy, qua tác phẩm của Nguyễn Bính, chúng ta thấy được cá tính con người của Bính đã thể hiện trong những gì ông viết: Mơ mộng, khao khát tình yêu, cô độc, yếu đuối, ủy mị… rất giống Nguyễn Bính ngoài đời. Chúng ta cũng dễ hiểu khi đã biết qua những điều trên về tính chất tương tư của ông: Yêu lung tung, yêu không suy nghĩ, thì dĩ nhiên phải thất vọng tương tư. Chúng ta được nghe Nguyễn Bính , nói tới tương tư khá nhiều trong thi phẩm:
“ Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hay:
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết, ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, khách giang hồ gặp nhau… ”.
Chúng ta có thể kể tới những tác giả như Thạch Lam, Vũ Hoàng Chương (trong mười cuốn, có đến 6 cuốn nói tới “Vân – Mây” ), Võ Hồng với “Những cánh chim bay ” (…). Đó là những tác giả đã bộc lộ rõ ràng, tâm tính, cùng đời sống của mình qua tác phẩm.


Những tác giả không phản ánh đời sống riêng trong tác phẩm:
Tôi dùng chữ “không phản ánh đời sống” có nghĩa là không để chút hình ảnh cuộc sống riêng, cá tính đặc biệt của mình, tỏ lộ trong những gì đã viết. Tác giả đại diện cho “loại” này, Vũ Trọng Phụng là một trường hợp điển hình. Tôi tóm tắt vài chi tiết về con người của Vũ Trọng Phụng, cùng cá tính của ông: Vũ Trọng Phụng được sinh ra trong một gia đình rất nghèo, bảy tháng đã mồ côi cha (cha Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh lao). Vì thế Vũ Trọng Phụng ít học, lớn làm thư ký cho một nhà đèn.Sống quê mùa, mẫu mực và khó nhọc. Một mình phải chạy lo nuôi mẹ, và các em nên rất vất vả, tthôn, có khi đói khát. Tính tình của ông được hầu hết những bạn hữu kính phục vì đạo đức, tự chế, chí hiếu, khuôn phép. Nói tới Vũ Trọng Phụng ta phải hình dung tới một thanh thiếu niên gầy ốm, xanh xao, như bệnh hoạn. Vũ Trọng Phụng còn được có đức tính bình dị, trầm lặng, bình tĩnh. Tuy vậy, chúng ta hãy nhớ lại những gì ông đã viết coi coi thử có giống ông chút nào không: từ Cạm Bẫy Người, Kỷ Nghệ Lấy Tây, Giông Tố đến Số Đỏ hay Người Tù Được Tha (…) chúng ta chỉ thấy đó là một mẫu người có đầy đủ tính chất xấu xa, nguy hiểm: ăn chơi, lỏi đời, gian xảo, láu lỉnh, nham hiểu, sành thạo, vân vân. Độc giả của ông lúc đó (những năm 1929 – 1940) đã hình dung ông như thế. Và họ lờm tởm, có khi chỉ trích, sợ hãi ông. Nhưng nhờ đâu Vũ Trọng Phụng đã viết được những tác phẩm tả chân giá trị, vẽ lại được cái xã hội giao thời xấu xa ấy trong những tác phẩm của ông khi ông là một người nghèo, đôn hậu, mẫu mực? Sau đây là những tiết lộ: Khi viết phóng sự “Cạm Bẫy Người” Vũ Trọng Phụng đã chỉ nghe người anh họ là ông Trương Tạo (làm vàng) thuật lại những cách đánh bạc bịp, đàng điếm, ăn chơi nơi chốn giang hồ. Viết “Kỷ Nghệ Lấy Tây” ông đã nhờ Nguyễn Như Hoàn cung cấp tài liệu, Vũ Trọng Phụng chỉ được … đi chơi cho biết một buổi mà thôi. Ngô Tất Tố đã kể chuyện đời sống thôn dã và thảm trạng ở đó cho Vũ Trọng Phụng nghe có một tối, ông viết nên “Giông Tố”. Rồi “Số Đỏ” cũng chỉ được … nghe, và thấy. Đến cuốn “Người Tù Được Tha” cũng do người bà con là ông Nguyễn Triệu Luật thuật cho nghe về cảnh tù tội, nhà giam, vân vân. Chỉ có một Tác phẩm có chút hơi hướm, con người Vũ Trọng Phụng là cuốn “Lấy Nhau Vì Tình” nhưng không phải là tác phẩm đáng kể của ông.
Một người như Vũ Trọng Phụng sống khổ nhọc, chết đi trong đói khổ (Vũ Trọng Phụng đã nói trước ngày ông chết với bạn hữu tới thăm ông: Giá một ngày tôi có một miếng bít tết để ăn, thì không đến nổi chết sớm ) bệnh hoạn (vì bệnh lao); mà những nhân vật ông dựng nên toàn là hạng nhà giàu, ăn chơi, cờ bạc, đàng điếm, gian đối, mưu mẹo, vân vân. Xét như vậy, Vũ Trọng Phụng đã không gởi gấm, để lại cái gì của mình trong những công trình đã tạo dựng hay sao? Xin đáp: Có. Rất nhiều. Hỏi: Những gì? Đáp: Ông đã để lại niềm uất hận của mình, đã thổi vào tác phẩm những ước vọng, khao khát, đồng thời đã nói lên được nổi ưu tư, lo lắng, xót xa cho vận nước trong buổi giao thời. Ở trong những tính chất đó, chúng ta thấy được một hoài bảo xây dựng mạnh mẽ ở những tác phẩm của ông nữa.
Đi đến một kết luận tổng quát:
Đến đây, qua ba loại tác giả vừa trình bày, chúng ta đều thấy rằng, với cách này hay cách khác; Tác giả bao giờ cũng để lại “cái gì là của mình ” trong những tác phẩm của họ. Nếu không dễ thấy như “Giọt Lệ Thu” của Tương Phố, thì cũng bàng bạc, ẩn hiện như “Lỡ Bước Sang Ngang” của Nguyễn Bính hoặc, sau cùng là ẩn kín sau những hàng chữ, thoát ra ngoài có phạm vi giới hạn của tác phẩm với những trang sách như Vũ Trọng Phụng đã là mình, trong tác phẩm với nổi xót xa, phẫn uất, khát vọng. Tôi đã trả lời khá đầy đủ về câu hỏi định lượng khó khăn: “Sự liên hệ giữa Tác giả và Tác phẩm có thể tính tới bao nhiêu phần trăm?”

MANG VIÊN LONG
(Trích bài nói chuyện với học sinh tại Trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương ngày 21/10/1973 )

                                                                  Mang Viên Long ( ngồi thứ hai từ trái qua)

Có 2 bình luận về SỰ LIÊN HỆ ĐỜI SỐNG GIỮA TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

  1. Luong Minh nói:

    Cám ơn anh Lê Viết Yên đã giúp chúng tôi bài viêt này

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết phân tích quá chính xác . Đúng thế tác phẩm thường phản ánh ít nhiều , tâm tư , tình cảm , nguyện vọng, lý tưởng  của tác giả nhất là những tác phẩm đầu tay ,,,còn những tác phẩm về sau ,,ta phải xem kỹ mới thấy vài nhân vật thể hiện ít nhiều  tâm tư tác giả ,,Cảm ơn  cây viết   Mang Viên Long
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  ( Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác