24 giờ ở thành phố hoa (bài 1)
Nhận lời mời của nhóm Sa Đéc trong tim, tôi đi chuyến xe chiều đến Sa Đéc. Dự trù đến nơi lúc sáu giờ chiều nhưng xe chạy chậm nên đến giờ hẹn các chị đã gọi hỏi thăm tới tấp. Xe mới tới Nha Mân, có nghĩa là còn một khoảng xa mới tới, ít nhất là ba mươi phút, sợ mọi người chờ, tôi nhắn thôi thì các chị tới trước đi. Điểm hẹn là cà phê L’ Amour (chuyện tình) đối diện với chùa Hải Huệ. Khi đưa địa chỉ quán chị Du không nói cụ thể số nhà, đường, chỉ nói quán cà phê ngang chùa Hải Huệ, khiến xe Phú trung chuyển ở Sa Đéc không biết đâu mà lần. Đến khi hỏi lại chị thì biết trên đường Lý Thường Kiệt, tài xế nói gần kế bên , anh vui lòng thả bộ qua đó chưa đầy 300 mét. Trời đêm, đèn đường thành phố chiếu sáng, ở góc đường Hùng Vương, Lý Thuờng Kiệt có xe bán bánh tiêu, bánh bao chiên. Bụng đói nhưng nhìn bánh chiên tự nhiên ngán, thôi thì đến điểm hẹn rồi tính sau.
L’ Amour là một quán cà phê theo phong cách quán ở phố, thiết kế trang trọng, trước cửa đèn led trắng chiếu sáng khiến người cách xa hàng trăm mét cũng thấy rõ. Phía trước quán là cửa kính và vách kính giúp ánh sáng bên trong quán tỏa ra ngoài. Chị Du đại diện nhóm dẫn chúng tôi lên lầu, nơi có trình diễn văn nghệ vào tối nay. Phòng tối, mỗi bàn để một cây nến với ánh sáng lung linh trong rất thơ mộng. Các bàn đều có những nhóm thanh niên chiếm cứ, họ đến đây uống cà phê và nghe nhạc, các bạn trẻ cũng tranh thủ chụp ảnh truớc khi chương trình ca nhạc bắt đầu. Cô Nguyễn Nguyệt Tuyết Hạnh, chủ quán cho biết, tiền thuê ban nhạc hàng đêm không rẻ nhưng với khách vào những đêm thứ bảy, chủ nhật quán vẫn không phụ thu.
Sau khi chào hỏi, chụp ảnh và giới thiệu cho biết lẫn nhau, chị Nguyễn Thị Huệ mời khách xuống tầng dưới, nơi yên ắng, phù hợp với người đứng tuổi. Em Minh Tâm, thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm đã mua bánh bao, bánh tiêu mời khách. Tôi mặc dù thấy bánh chiên ngán, nhưng đói quá và nhờ có ly trà nóng nên cũng ăn một cách nhiệt tình. Chị Huệ và chị Du gốc giáo viên, cựu học sinh trung học Sa Đéc, lớn hơn tôi vài tuổi nhưng tính tình vui vẻ trẻ trung, nhờ vậy mà hòa đồng với các em nhỏ tuổi hơn như Minh Tâm, Diệp Tuyền … Diệp Tuyền là một thành viên quê Sa Đéc nhưng hiện tại sống tại phường 5, Vĩnh Long. Cô này không hiểu sao không thích bạn bè Vĩnh Long lại qua Sa đéc vui chơi đến nổi lối xóm nghi ngờ là có bồ ở Sa Đéc!
Tuyết Hạnh tiêu biểu cho lớp doanh nhân ở thành phố này, cô đầu tư vào quán nhưng giao cho con gái quản lý, còn mình thì đi làm từ thiện ở các chùa, các địa phương khốn khó.
Nghe tin có bạn Sài Gòn xuống chơi, chị Huệ kêu Nguyễn Phi Mã Sơn một thành viên, giỏi về thiết kế, mỹ thuật lại chơi. Mã Sơn cũng không xa lại gì với mình, Sơn là em thứ chín của Kiều Phương, trước đây có gặp vài lần. Mã Sơn cùng với bà xã đến theo lệnh triệu tập của mấy chị. Sơn là người am hiểu nhiều về lịch sử địa phương, trường học, quán sá, trước đây anh đã từng làm quản trị trang “Tôi là dân sa đéc”, nhưng giờ thì lo làm ăn, bỏ qua cái thú của mình. Hiện tại, anh lãnh đồ may về nhà làm gia công cho một công ty ở Sài Gòn, dưới anh cũng có bà con địa phương cộng tác.
Ngồi bàn chuyện tên gọi từng thời kỳ của trường Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, các cô giáo nói rất rôm rã vì đã sống nhiều năm trên mảnh đất này. Tuy không phải là lão làng nhưng họ cũng tương đương với tuổi cổ lai hy, tôi nghĩ nếu có viết về Sa Đéc thì đây là những trang tự điển sống về vùng đất Sa Giang này.
Từ giả nhóm lúc hơn mười giờ đêm, vì đã nhận lời sáng mai đi ăn hủ tíu Sa Đéc với các chị. Mã Sơn đề nghị nên tập trung tại quán cà phê Nghệ Sĩ rồi từ đó hãy đến quán hủ tíu. Nghe có lý vì như thế tôi biết thêm một quán cà phê nổi tiếng trong thành phố này.
Ra khỏi quán tôi lội bộ , tự dưng nhớ lời ca : “Bước lang thang qua từng vỉa hè/ Biết đêm nay đi về nơi đâu . . .” Về đâu thì về , phải tìm cái gì bỏ bụng . Qua khu chợ, có nhiều quán vĩa hè còn bán, tôi ngồi ăn tô bánh canh lòng gà. Đói quá, lùa vô chứ thực ra không thấy thích lắm, có lẽ để sáng mai thưởng thức hủ tíu Sa Đéc, món đặc sản mà ai cũng quảng cáo.
Bài và ảnh Lương Minh
h5