Con gà trống Gaulois
Một Lúa tui quê quán Vãng Long nên không có vụ thứ một. Ở xứ tui, đứa con đầu lòng rớt ra thì được người ta gọi thằng hai hoặc là con hai tuỳ theo như sự ra hiệu của bà đỡ đẻ. Biệt danh Một Lúa tui có được chỉ là do người tặng lúc nói chuyện gieo trồng ruộng rẩy, chớ trong gia đình, tui là người con thứ tám. Mấy đứa cháu gọi tui chú tám cậu tám nghe dễ cảm làm sao, anh em thì kêu thằng tám, anh tám cũng đậm đà thân mật. Chỉ có bà xả tui hổm nay ăn trúng cái chi mà hay phang tui ba chữ chát lè “bỏ qua đi tám”, sốc hàng, xóc cổ.
Phải chi tui hở ra là tám thì có bị rầy cũng cam. Đàng này tui nghe lời bả 114 phần trăm mà còn bị quở. Bả cứ dặn miết, ông có muốn nói cái gì cũng phải đánh lưỡi 7 lần rưỡi trở lên. Như câu chuyện nhà thờ con gà mà không có con gà tui nghe hổm nay, đâu dám ý cò, ý kiến.
Ai mới nghe danh nhà thờ Ba Chuông, nhà thờ Con Gà hay nhà thờ Kiếng, cứ nghĩ rằng một tôn giáo thờ mặt trời, thờ sông núi hay vân vân của một số sắc dân thiểu số nào đó. Khi biết ra những nhà thờ đó phụng thờ Thiên Chúa, mới hiểu dân mình hay thiệt, lấy cảnh, lấy hình đặt tên cho vật thì vô phương lầm lẫn. Bởi vậy cũng có những cái tên cần những cái tên khác kèm theo cho không lẫn lộn nên sinh ra lắm nhiêu khê. Như ấp quê tui phải gọi là ấp Năm Mỹ Lộc, để bà con không lầm phía bên Hậu Lộc. Thằng Út con bà Tư ở xóm trên trùng tên với cả hai má con người xóm dưới nên bà con kêu tên thằng nhỏ vừa đính kèm tên cha mẹ lại phải chú thích địa danh cho chắc ăn, chắc cú. Biến cải cái tên mới đầu đơn giản, vì muốn cho rõ ràng phân biệt nên máng thêm phụ tùng dài như toa xe lửa.
Trở lại chuyện con gà Gô-loa hổm nay đậu trên nóc nhà thờ tự nhiên bay mất. Hồi đó mình cũng là một tay mê xem đá banh trên màn ảnh nhỏ. Lúc mà Michel Platini còn làm vua trên sân cỏ, đội tuyển Pháp tiêu biểu cho trường phái bóng đá lừng danh một thời trên đấu trường quốc tế. Lối chuyền banh dài thọc sâu hay bất ngờ lật cánh, bọc đuôi hậu vệ. Khai thác chiến thuật chuyền xa chạy nhanh xé nát tuyến phòng vệ đối phương hoặc những cú dứt điểm chính xác từ xa, khiến cho thủ môn đối phương tréo giò hoặc ngơ ngác vào lưới của mình nhặt bóng. Không biết có phải nhờ tài năng hay nhờ vào hồn thiêng sông núi, cứ mỗi lần đội Pháp ra sân, thì trên khán đài cũng thấy một vài con trống sắc lông điều được khán giả ôm theo cổ võ đội nhà. Khiến cho mấy đội thua quê độ, yêu cầu FIFA và Ủy hội Quốc tế Olympic ngăn cấm ôm gà vô khán đài cho nước. Họ cho rằng biểu hiện dị đoan cá biệt, tác dụng lung lạc tâm lý đối phương và đánh mất sự trong sáng tinh thần thể thao quốc tế.
Từ lâu Một Lúa tui thắc mắc sự tích con gà may mắn nước Pháp. Tình cờ nghe người nhắc đến, khiến cho ký ức có dịp trào dâng. Lối xóm hiện tại của tui có một ông gốc Pháp. Ổng là cựu lính Sư đoàn 9 cơ động Huê Kỳ đóng ở Đồng Tâm, Mỹ Tho suốt 6 năm nên tiếng Việt dách lầu. Tui hỏi ổng, tui ở Mỹ lâu hơn mấy lần thời gian ông đi lính ở VN mà sao tiếng Anh còn dở ẹt. Ổng nói nếu bỏ ra ngoài vụ “Tà tà bóng ngã về tây” hay là ngựa ô chó mực mà văn chương nước nào cũng có. Kể trình độ bình thường cở tụi mình thì tụi tao cám ơn tiếng Việt rất là dễ học. Như dê đực, dê cái, dê con, chỉ cần thuộc tên danh từ mới rồi áp đặt nhóm tỉnh từ biết sẵn. Còn tiếng Mỹ của tụi tao, ngựa đực, ngựa cái, ngựa con, ngựa bà, mỗi chữ viết khác nhau xa lắc, mầy không thuộc bài thì đừng hòng đoán chữ.
Nói chuyện với ổng bằng tiếng ta nên không sợ hiểu lầm và mỏi tay mỏi cổ. Ổng bùi ngùi kể lể chuyện xưa. Thời đất nước tao chưa có Napoleon đại đế, các đế quốc chung quanh, thằng nào cũng muốn nuốt chửng nước Pháp xinh đẹp màu mỡ phì nhiêu. Trong cuộc chiến dằng dai chống tụi xâm lăng Đức quốc. Quân tao cố thủ thành Gô-loa, một thành trì quan trọng, quyết định cho vận mạng toàn nước Pháp. Vì bị bao vây quá lâu nên quân dân trong thành cạn dần lương thực. Họ phải mổ thịt tất cả con vật gì ăn được để sống sót qua ngày. Dĩ nhiên những con vật nhỏ bé như gà vịt ngỗng bồ câu, chuột thỏ cùng chung số phận, hy sinh đem thân đóng góp cho tổ quốc, giống nòi. Ngay cả ngựa chiến cũng không thoát chết dưới tay sát thủ là người bạn chiến đấu vào sanh ra tử của mình. Chỉ duy nhất một chú gà trống tơ được vị tướng thủ thành ban ơn sống sót để làm công việc tự ngàn xưa là gáy sáng. Vì lúc đó Thuỵ Sĩ chưa biết chế tạo đồng hồ, nên chú gà nầy có nhiệm vụ đánh thức quân binh trong thành thức dậy, sẵn sàng cho một ngày dài chiến đấu gian nguy.
Khuya hôm đó cũng như mọi bữa, quan quân lục tục cà phê cơm nước, cung tên gươm dáo nai nịt xong xuôi, chờ hoài mà không thấy hừng đông rạng sáng. Viên phó tướng tức giận trèo lên mặt thành xem con gà ngủ chỗ nào, định bụng sáng nay xử tử con gà nấu cháo, vừa răn đe thị chúng để làm gương vì tội làm sai quân lệnh. Trong lúc lục lạo mấy lổ châu mai, quan tao giật mình khi thấy những bóng đen lúc nhúc dưới chân thành. Thì ra tụi Đức định đánh úp thành, sữ dụng khinh binh cảm tử, dùng thang trèo lên mặt thành lúc quân tao còn say ngủ. Trái với lệ thường hổm nay là mặt đất tỏ rõ chúng mới bày binh, bố trận.
Chúng không ngờ con gà linh tánh, kêu lính thức dậy trước đó một canh. Kết quả là quân công thành đại bại, quân tao thừa thắng xông ra, đuổi đám tàn quân chạy không kịp nhổ trại cuốn cờ.
Trong đoàn quân chiến thắng kéo về Paris để nhận khao quân tưởng thưởng. Dân chúng hai bên đường trầm trồ một anh lính quân phục chỉnh tề, hai tay ôm chú gà anh hùng sắc lông và mồng mào đỏ chót, cả hai oai vệ theo sau toán quân kỳ. Từ đó
dân tao có tục lệ xem những chú trống tơ như là một biểu hiệu may mắn, chiến thắng và kỳ diệu, hình tượng của nó thường đặt ở nơi cao nhất.
Nghe xong câu chuyện của ông Henry, người bạn già lối xóm. Một Lúa muốn xin ông cho phép được đưa chuyện nầy lên trang mạng nên muốn biết thành Gaulois nó ở chỗ nào.
– Ông nội tao di dân qua New York hồi còn nhỏ xíu, tao bây giờ gần 70 mà thăm cố quốc có một lần, đâu như bà con của mầy về VN như đi chợ, làm sao tao biết Gaulois ở đâu. Mầy cũng biết dân tộc nào cũng có dã sử, đó là lời truyền miệng dân gian không tang không chứng. Thôi thì để chắc ăn tránh không rắc rối, mầy yêu cầu chủ biên để bài vào trang giả sử, có nghĩa là sử dỏm đó anh bạn Một Lúa ơi.
Không hiểu Henry nghĩ sao giọng chùng nhỏ lại.
– Tao còn nghe ông bà tao nói, con gà trên đầu thành đêm đó nó nhớ vợ và mấy con mái tơ bị hầm trong nồi súp khoai tây nên ngứa giò, ngứa cánh, ngứa miệng buồn tình gáy ẩu. Vụ nầy nghe qua cho biết chớ đừng kể lại cho mấy thằng Tây mê bóng đá.
Bài và ảnh Một Lúa
Ảnh : ở South Carolina
Đọc bài Con gà trống Gaulois của MỘT Lúa hấp dẫn tuyệt vời !
Gởi anh Phong Tâm,
Cám ơn huynh trưởng quá lời khen
Vinh hạnh đàn em, phận dế mèn
Văn chương thôn dã, chòm cây dại
Đường Văn cao rộng, ráng mon men
<đọt cóc kèn>
Đáp lễ Một Lúa,
Khiêm dữ chỗ nầy mới đáng khen
Tiếng Gà trống gáy phải đâu Mèn
Đồng xanh “Một Lúa” trêu thiên hạ
Thử hỏi đời sao chẳng dậy men
< leng keng leng keng>
Kính anh Phong Tâm,
Huynh trưởng đức tài mới đáng khen
Thân em khuya khoắt cánh dế mèn
Đồng khô hoang vắng le te gáy
Đời chẳng còn say, ủ chi men
<teng beng>
Đọc hết bài của anh Tám Điển , tui mới kết được 1 câu của Henry :
Tao còn nghe ông bà tao nói, con gà trên đầu thành đêm đó nó nhớ vợ và mấy con mái tơ bị hầm trong nồi súp khoai tây nên ngứa giò, ngứa cánh, ngứa miệng buồn tình gáy ẩu. Vụ nầy nghe qua cho biết chớ đừng kể lại cho mấy thằng Tây mê bóng đá.
Cảm ơn anh “Một Lúa” đã viết bài cho “Hai Xị” đọc thấy mê !
Hồi nhỏ tui có nghe kể 1 câu chuyện về Gà gáy. Có một con chim se sẽ ở chung khu vườn với 1 con gà trống. Nó thấy người chủ rất cưng chú Gà trống này vì nhờ tiếng gáy của chú mà ông bà chủ thức dậy rất đúng giờ để đi bán cho kip phiên chợ sáng.(Không biết chú gà trống này có bà con với chú Gà trong câu chuyện của ông bạn Pháp của anh Một Lúa không?) Con chim se sẽ thắc mắc tại sao chú Gà trống có thể gáy rất đúng giờ mỗi ngày như thế? Đem thắc mắc hỏi chú Gà trống:”Anh Gà ơi, làm thế nào hàng ngày anh có thể thức dậy đánh thức ông bà chủ đúng giờ như vậy, bộ trong người anh có”đồng hồ sinh học hả”?”.Chú Gà thật thà trả lời:”Chẳng giấu gì anh, cứ mỗi khi trời sắp chuyển sang ngày mới thì có sương sớm rơi xuống, nên hể tui nghe trên đầu ươn ướt mát lạnh (vì sương)là tui thức dậy mà gáy”. À, thì ra thế! Qua ngày hôm sau,con chim se sẽ canh lúc trời vừa tối khoảng 9-10 giờ, trong lúc chú Gà đang “trao tráo” mắt ngũ, thì nó lén bay đến “ị” lên đầu chú gà trống 1 bãi. Nghe mát mát lạnh lạnh trên đầu.chú gà bật choàng tỉnh và cất tiếng gáy Ò ó O. Ông Bà chủ lật đật thức dậy lo chuẩn bị hàng hóa ra chợ bán.Lúc ra đến chợ vắng hoe không thấy bóng người. Ông chủ tức giận nghĩ chắc con gà này “lão”quá rồi nên không còn gáy chính xác nữa. Thế là hai ông bà bắt ngay con gà đem ……nấu rô-ti chén sạch. Đó là Gà Rô-ti , có họ hàng gần với Gà Gô-Loa ớ cái xứ Pháp xa xôi .
Úi cha ! “bà” KIỀU OANH nầy “nhiều chuyện” dễ sợ, đứng chỗ hóc nào cũng có thể tưởng tượng ra chuyện, trang nầy mà vắng bả vài ngày chắc buồn chết luôn,CẢ LẦN thấy tui nói trúng hôn ?
Gởi Kiều Oanh,
Nữ hoàng, nữ sĩ, nữ tiên cô
Cám ơn chuyện kể, chú gà cồ
Rảnh rổì viết lên dăm chuyện nhỏ
Đôi vần thơ thẩn, tiếu ngạo show
Hô…hô
Một Lúa ơi đừng khách sáo nha .
Sá chi chuyện kể mấy chú gà
Nghe anh tui ráng ..moi tim óc
Ngặt nổi moi hoài chẳng chịu ra.
Ha ha ..
KO oi….con ga lo..a gu ben ta thi co ba con voi ga loa go iii..xi quen.goloa ko.?
Chào mọi người,
Cám ơn phuonglien, Kiều Oanh, và hai anh Phong Tâm và Lần đọc và cho bình luận.
Quý vị chú ý khi kêu món gà trong nhà hàng Pháp
– Gà rô-ti là gà nướng nguyên con
– Gà gô-loa là gà chặt miếng nấu súp với khoai tây nguyên củ.
Chúc các bạn một bữa ăn tối bên bè bạn và người thân, thật tuyệt vời.
Một Lúa