Chuyến về Phan Rang với Quán Văn

Ngày đăng: 8/06/2018 05:48:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Cái xứ nắng như rang mà gió như phan đó đâu có xa lạ gì với bọn mình phải không? Xưa mình không ít lần đến Phan Rang, lên xuống Ga Tháp Chàm, thăm cụm tháp Po Klong Garai, rồi có khi từ đó qua ngã Đa Nhim leo đèo Ngoạn Mục về Đà Lạt; rồi cũng đã nhiều lần ghé Ninh Chữ tắm biển, ăn bánh căn, gặp Võ Tấn Khanh, Phan Hữu Ngọc… nhưng chưa lần nào đến Vĩnh Hy, Núi Chúa… cách thành phố Phan Rang gần 40km về hướng Đông Bắc. Lần này Nguyên Minh và các bạn Quán Văn rủ đi Phan Rang, Vĩnh Hy một chuyến, thăm lại “cái nôi” xưa của một thời Gió Mai, Ý Thức ronéo, tiền thân của Ý Thức bán nguyệt san Văn học nghệ thuật ở Saigon sau này, và, có sự nối tiếp đến Quán Văn hôm nay.

Nhắc “cái nôi” thì không thể quên nhóm bạn Ngy Hữu, Nguyên Minh, Lữ Kiều… những cậu học trò mê văn chương, làm báo viết tay, rồi từ đó mà tiến lên ronéo, typo, offset… Phải công nhận cái máu mê làm văn làm báo này của ‘đám nhóc’ thời đó thiệt đáng nể. Hãy đọc một đoạn Lữ Kiều viết trên Văn Chương Việt 2010:

Vậy mà đã 35 năm qua, tưởng như đã quên tờ báo mà nhóm Gió Mai thời 1968 thực hiện. Làm sao không bồi hồi cảm động. Như thể gặp lại người bạn cũ thâm giao. Bạn thì không hề thay đổi, còn ta thì quá đỗi hư hao…

Vậy thì tôi viết về số báo này, như một cột mốc của cuộc sống, chứng nhân của một thời, với tất cả vui buồn, sum họp và chia ly của nó.

Tờ Gió Mai số 4 do Ngy Hữu chủ trương, thực hiện ruột ở Phan Rang tại Roneo Nguyễn của Nguyên Minh, stencil do Ngy Hữu và Nguyên Minh ngồi gõ trên cái máy chữ xách tay Brother của Ngy Hữu và Olympia của Nguyên Minh. Làm sao quên được.

(…) Bìa Gió Mai 4 in màu xanh lá cây. Tôi phải nhờ Mỹ Hiệp Ronéo ở đường Trần Quý Cáp Sài Gòn thực hiện. In roneo mà tưởng như in Typô. Thuở ấy, Mỹ Hiệp Ronéo là tiệm quay ronéo tân tiến nhất, chuyên in bài học cho sinh viên y khoa, mà lúc bấy giờ tôi, Nguyên Thạnh Nguyễn Mậu Hưng và Đỗ Nghê là sinh viên năm cuối, sắp ra trường! 100 trang báo, khổ 20×30, bao nhiêu công phu gõ máy đánh chữ của Ngy Hữu và Nguyên Minh, nhất là phần canh chữ cho ngay mỗi cuối hàng bên phải: thuở đó, làm một tờ báo đẹp về hình thức trong điều kiện thiếu thốn phương tiện vẫn là nỗi đam mê và hãnh diện của Nguyên Minh.

(…)”

(Lữ Kiều: Gió Mai, một thời hoang dại).

Lần này về Phan Rang ngoài các bạn Quán Văn còn có Hồ Sĩ Bình, Phan Trang Hy, Trần Thị Trúc Hạ từ Đà Nẵng và Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Huế. Nhóm trong Nam ra có Hoàng Kim Oanh, Đoàn Đình Thạch, Nguyên Cẩn, Vũ Trọng Quang, Lương Minh, Hiếu Tân (Hiếu Tân từ Vũng Tàu), và có bạn tận Long Xuyên xa xôi… .  Riêng nhóm U80 của Ý Thức xưa thì có Nguyên Minh, Đỗ Nghê, Châu Văn Thuận, Lữ Kiều, Lê Ký Thương. Quả là bốn biển một nhà. Cái sự văn chương từ ngàn xưa vốn “thốn tâm thiên cổ” là vậy. Chưa gặp chưa biết mà đã quen nhau từ lâu! Phải khen Ngô Thị Mỹ Lệ, người “điều phối” và thiết kế chương trình vừa làm việc vừa du ngoạn cho anh chị em rất giỏi.

Hồ Sĩ Bình người phụ trách Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN ở miền Trung, người đã giúp Quán Văn thực hiện các số báo gần đây vừa gặp mình đã kêu: Tôi đọc thơ anh Đỗ Nghê từ trước 75, lúc anh Hoàng Đăng Nhuận mang tập Thơ Đỗ Nghê từ Đà Lạt về Huế, khoảng năm 1974 chi đó, biết anh từ đó rồi!

Đúng vậy. Tập Thơ Đỗ Nghê (1973) là do Lữ Kiều, Trần Hữu Lục, Nguyễn Sông Ba… thực hiện từ Đà Lạt với tranh bìa của Nguyễn Trung, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận trình bày, và… Hoàng Khởi Phong mang từ Đà Lạt về cho Đỗ Nghê lúc đó đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng Saigon. Thì ra Hồ Sĩ Bình đã biết nhau từ đó nên Quán Văn 55 kỳ này đăng nguyên vẹn lại bài thơ Tâm sự Lạc Long Quân không bôi xóa chữ nào!… Mình nói cảm ơn bạn, vì thú thực, khi nghe có Hồ Sĩ Bình về dự kỳ này, mình cứ ngỡ sẽ gặp một ông quan lăm lăm cây viết nhọn gạch gạch xóa xóa…

Chỉ có 3 ngày ngắn ngủi ở Phan Rang, Vĩnh Hy nhưng bè bạn đã sống với nhau như một gia đình lớn, chân tình và ấm áp. Cảm ơn Quán Văn, cảm ơn Nguyên Minh, Mỹ Lệ… và tất cả.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

h1                                                    BS Đỗ Hồng Ngọc (thứ 2 từ phải qua)

h2                                                                           Nhà văn Lữ Kiều

h3                                                       Tác giả ăn xoài  trên núi lồ ồ (ảnh LM)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác