TRẦN HỮU HỘI- NGƯỜI PHÁT RA NĂNG LƯỢNG BÌNH AN

Ngày đăng: 9/05/2018 09:08:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Tôi gặp Trần Hữu Hội lần đầu là trong một buổi tối thật buồn: Đêm mà một bạn văn của chúng tôi, nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh (CTNM) vừa nằm xuống và đêm đó anh em Quán Văn đang tổ chức một buổi tưởng niệm đọc thơ văn để sáng hôm đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.   Khi tôi và Elena thắp nhang trước linh cửu và bước ra cửa thì thấy một người đàn ông gầy gò, chống nạng đứng hút thuốc, khép nép sát bức tường. Tôi nhìn anh mỉm cười, hỏi anh là bạn hay là người thân của anh CTNM. Anh đáp “bạn, mà như em!”. Giọng anh thật khẽ khàng, không biết có phải còn e dè với người lạ hay không muốn kinh động cái không gian nhuốm màu tiếc thương của người vừa rời cõi tạm.

 Nói xong anh rít một hơi thuốc thật sảng khoái và tôi nhìn anh, cười lần nữa, và lúc này tôi mới thấy người đàn ông này có khuôn mặt phúc hậu và nụ cười thật hiền. Và tự nhiên trong tôi phát sinh một thiện cảm đặc biệt.

Trò chuyện một lát, biết anh cũng làm thơ và viết văn, câu chuyện của chúng tôi trở nên thân mật và cởi mở. Đúng là văn chương xóa mờ ranh giới và giúp con người vượt qua các rào cản.

 Đang nói chuyện với Hội thì thấy ở góc phía bên trái cửa ra vào xao động. Có mấy người đứng lên và di chuyển. Tôi nhìn ra thì thấy Lê Hữu Khóa, mồ hôi nhễ nhại và khuôn mặt mệt mỏi đang từ taxi bước đến. Khóa là giảng viên trường Đại học Charles-de-Gaules – Lille 3 ở Paris, là người mà một năm trước đó cùng người bạn thân của tôi là BS Thiện đã đứng ra mời và xin visa cho đoàn Quán Văn “cõng văn chương qua đất Pháp”. Khóa vừa tham dự các buổi tọa đàm khoa học ở các trường đại học trong thành phố và tranh thủ đến thắp nhang cho bạn vì sáng hôm sau còn có một cuộc họp, rồi trưa là bay về Paris. Tôi đến chào Khóa và cùng các bạn QV trong đoàn trao đổi một lát, vì sau đó là anh phải vội đi.

Nghi lễ và tưởng niệm cho anh CTNM  xong thì tôi quay lại chỗ Hội. Nói chuyện một lát  thì tôi mời anh đến tham dự các buổi ra mắt Quán Văn tổ chức hàng tháng. Anh vui vẻ nhận lời và khi từ giã anh có tặng tôi 2 bài thơ, nói “anh về đọc cho vui!”.

&

Sau đó tôi và Hội thường gặp nhau ở các buổi ra mắt Quán Văn. Tuy không phải lần nào Hội cũng tham dự được vì anh đi lại khó khăn, có những lần sức khỏe không cho phép nên anh đành ngồi nhà tham dự hàm thụ qua các trang phóng sự ảnh của bạn văn Đặng Châu Long trên Facebook. Gặp nhau không nhiều nhưng anh rất được anh em quý mến. Rồi sau khi anh ra mắt tập truyện đầu tay “Hạt Mầm trót vay” ở café Thủy Trúc thì anh đã trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình Quán Văn. Nhiều lần tôi quan sát anh bắc ghế ngồi gần khán đài để phụ trách âm thanh cho buổi họp và nụ cười hiền lành luôn nở trên môi.

Biết Hội sống trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và sự quý mến của bằng hữu văn nghệ nhưng những lần gặp, trong ánh mắt và nụ cười vui hiền hậu của anh tôi vẫn cảm nhận có một cái gì đó, ẩn khuất mà như có hằn lên những nếp gấp, có lẽ là của nỗi niềm tâm trạng hơn là dấu tích của thời gian.

&

 

Nỗi niềm đó tôi chỉ hiểu khi đọc những trang viết về tuổi trẻ của Hội. Nó chẳng khác của mọi người là bao, vì đó là thân phận, chung, của những người Việt Nam sinh ra trong thế hệ chúng tôi. Chiến tranh. Hợp tan. Chia lìa. Mất mát. Chỉ có điều là Hội nhạy cảm hơn, nên “vết hằn” cũng vì thế mà in sâu. Nhuộm vào trong mắt, như lúc anh đành đoạn chia tay những quyển sách mà mình yêu quý:

“… Mẹ bán luôn đi, con cũng đã đọc những cuốn này rồi.

Bữa cơm trưa có thịt bò nhờ mấy cuốn sách nặng ký, ông thầm nghĩ: bữa ăn gồm: Văn học Nga, Ấn độ, Ả rập, Việt Nam và Mỹ mà không thịnh soạn sao được! Ông cười, gắp miếng thịt bò bỏ vào chén mẹ:

 – Thịt bò ngon quá mẹ ạ, mẹ cùng ăn chứ sao con ăn hết được!…”

Miếng thịt đó chắc đã làm anh nghẹn. Văn chương đổi thịt: “Ông muốn cúi đầu tạ lỗi, tạ lỗi với những ai đã viết, đã dịch, đã bỏ công sức làm nên những cuốn sách!”

Nỗi buồn đó chắc còn có vị cay!

Vị cay và chua chát ấy âm thầm, nhưng dai dẳng kéo dài theo chiếc thập giá đời anh. Hơn 10 năm trước anh bị cắt chân phải vì bệnh “tắc động mạch chi”. Tưởng sẽ yên thân với cái chân trái và cặp nạng nhưng dường như định mệnh chưa cho anh ngơi nghỉ và những ngày gần đây anh thường phải đến bệnh viện cấp cứu. Tình trạng ngộp thở, đau tức vùng ngực xảy ra  thường xuyên và mới đây các bác sĩ còn xác định anh bị suy tim độ III, có “kèm” thêm món quà viêm phế quản!

Khi biết về đoạn đường đời của bạn, tôi không mấy ngạc nhiên khi đọc trong đoản văn Thập giá phận người của anh:“Những năm sống chưa có tai ương nào đến với mình, tôi nhìn cuộc đời của những người xung quanh… mà băn khoăn có hay không định mệnh của một con người. Từ khi cầm bút, băn khoăn ấy vẫn không thôi hiện hữu trong tôi. Những truyện ngắn tôi viết phần nhiều là thể hiện băn khoăn ấy.” 

Và có lẽ vì tai ương đến với anh dồn dập nên anh biết là mình không thể làm gì khác hơn là đón nhận. “…Nếu không chết, thì mọi tai ương đều là hồng ân.” Và dù có thế nào, mệt mỏi, đớn đau nhưng ngày nào còn sống anh sẽ còn cầm lấy bút, vui với mọi người, gia đình và bè bạn: “Tôi vẫn tạ ơn đời, tạ ơn tha nhân…”  Đọc lướt qua, dễ tưởng đó là câu nói bi quan, nhưng ngẫm lại thì đó mới là sức mạnh tinh thần hiện hữu trong anh: đón nhận, nhưng không đầu hàng.  Niềm vui từ gia đình và bằng hữu chính là điểm tựa để anh sống và viết.

Tuy không phải là người theo đạo Phật nhưng những trang viết đầy tính nhân văn của Hội và các câu chuyện anh viết đều ảnh hưởng sâu sắc từ thuyết nhân quả, duyên nghiệp trong Phật giáo.

Thử đọc trong tập truyện “Hạt Mầm Trót Vay” phần lớn các truyện viết đều cách này hay cách khác, luôn có hàm ý để gieo vào lòng người cái chân lý có vay có trả, vừa như nhận định, vừa như nhắc nhở nhẹ nhàng là hãy sống tốt cùng nhau vì không ai thoát khỏi quy luật này. Người đọc dù có lơ đãng cũng dễ nhận ra, là trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không lối thoát vẫn tìm thấy một hạt mầm đang cố vươn lên mà sống.

“Mỗi con người tồn tại trong thế giới này, phải chăng là những hạt mầm, được định mệnh vay mượn từ hư vô, gieo ngẫu nhiên vào trần gian làm nên những số phận buồn đau, hạnh phúc…Rồi một sớm mai kia, bỏ lại sau lưng những hoan lạc, ưu phiền của cõi nhân sinh, trở về đâu đó trong vô cùng.”  (Truyện ngắn: “Số Phận”)

“Văn là người” và đọc những chuyện của anh cứ tưởng như đang ngồi nghe anh nhẩn nha kể chuyện, thỉnh thoảng điểm thêm những nụ cười rất hiền. Ai gặp anh một lần là không thể quên nụ cười ấy. Nó như một nụ hoa tình người nhú lên từ hoang tàn đổ nát, lòng nhân hậu làm lòng ta dịu đi  một lát trong thế giới bất toàn. Ai biết đón nhận, người ấy sẽ bình an. Vì trở lực lớn hơn ta gấp triệu lần. Ta không thể thay đổi được thế giới, mà chỉ có thể thay đổi cách nhìn:

Anh nghĩ ngợi: Khi đã trót mang thân phận con người, ai cũng có một thập giá, thập giá nào cũng nặng như nhau, nhưng tùy vào thái độ tiếp nhận của người phải mang thập tự ấy, sẽ làm cho nó nhẹ bớt đi hay là nặng nề thêm…”(truyện ngắn “ Giáng sinh” )

“…Mọi sự theo duyên mà đến, mọi sự theo duyên mà đi…”

“… Con ạ, Duyên- Nghiệp trùng trùng, chớ băn khoăn. Quá khứ thì đã qua…đừng vọng tưởng sinh phiền lụy. Con và vợ, con của con, chưa đủ duyên nên ly tán, khi đủ duyên ắt sẽ hợp.

(Truyện ngắn: “Duyên-Nghiệp”).

Với một nhân sinh quan như thế, Hội đã truyền được năng lượng bình an đến những người thân, giúp họ an lành, trong một tuyện ngắn viết như tự truyện:

…Thùy vuốt ve phần chân cụt của Thủ qua lớp băng, nói trong nước mắt:

– Ngày mai là Giáng sinh, anh đã không chết, mất một cái chân mà được sống cùng nhau, cùng các con… may mắn lắm rồi anh ạ!

Thủ ôm ngang lưng Thùy:

– Ừ, anh cảm ơn em, cảm ơn em!

Ngoài kia, tiếng còi xe cấp cứu vọng vào phòng, Thủ lại nghĩ và nhận ra rằng:

“Nếu không chết, thì mọi tai ương đều là hồng ân. Vâng, lâu nay anh đã sống chan hòa với tha nhân, từng đón nhận khổ đau và hạnh phúc từ cuộc nhân sinh… bằng tâm hồn của mình chứ không phải bằng đôi chân…” (truyện ngắn “ Giáng Sinh” )

 

Phần lớn những trang văn của Hội đều được viết nhẹ nhàng như kể lại những hoàn cảnh mà anh từng nghe, từng chứng kiến trong thời anh sống. Nguyên mẫu có thể là hình bóng của chính anh hay những người thân, có khi là hình ảnh tổng hợp của những người anh biết, dĩ nhiên những tên tuổi, cá tính và tính cách nhân vật bị hoán đổi, trộn lẫn, để khi đọc chính họ cũng không thể nhận ra mình, mà chỉ thấy… quen quen.

Với cách nhìn của một tâm hồn nhạy cảm, biết yêu vẻ đẹp của ngôn từ, anh cầm lấy bút và viết nên những câu chuyện mà nét chung là hiền lành, nhẹ nhàng, tinh tế. Không đao to búa lớn và bằng câu chữ mộc mạc, anh nhởn nha viết, chia sẻ kỷ niệm buồn vui về mảnh đất quê hương mà anh yêu mến. Giọng kể có lúc thiết tha nhưng cũng có khi chua chát, bất bình về thế sự nhưng không hằn học, dù bản thân đã từng là nạn nhân trực tiếp. Thâm trầm có lẽ là một thứ bản lĩnh mà Hội đã được rèn luyện qua sự từng trải và chiêm nghiệm bản thân.

Hội là người rất yêu văn chương và tôi tin là anh sẽ viết và viết mãi. Mỗi lần thấy bài của anh trên QV tôi thường nhớ đến câu nói của nhà thơ Pablo Neruda: “Với tôi, viết là hít thở. Tôi không thể sống mà không hít thở và tôi không thể sống mà không viết”. Đời đã gian truân, thế mà chừng 10 năm nay anh còn tự nguyện vác thêm cái thánh giá bằng bút để trải lòng và nói lên tâm trạng cùng những suy nghĩ của mình. Viết văn là một nghiệp dĩ, một chọn lựa chứ không bao giờ là một nghề để kiếm ăn, để mua danh, vì dù thế nào thì  vẫn tiếp tục sống chết với ngòi bút và đem tâm hồn mình để làm đẹp cho đời.

Từ khi gia nhập làng văn… tôi có biết và quen một số người mà thời trẻ họ có viết, rồi dừng. Bỏ mấy chục năm không viết. Thời đó dù họ cũng có chút tiếng tăm nhưng theo tôi thì có lẽ họ chưa phải là nhà văn đúng nghĩa. Đơn giản chỉ vì họ đã ném bút rồi chuyển hướng theo một mục đích khác và hoàn toàn quay lưng với văn chương.

Còn Trần Hữu Hội thì không! Anh yêu văn. Yêu cuộc sống. Và anh đã và đang trút hết vào những trang sách toàn bộ tinh lực của mình. Trong các câu chữ của anh, có lúc tôi như nghe thấy hơi thở phập phù của buồng phổi đang yếu dần, nghe thấy cả tiếng đập bồi hồi của con tim bệnh tật… chắc chắn là viết xong mỗi câu chuyện anh phải mệt mỏi như một vận động viên vừa chạy lên một ngọn núi cao.

Nhưng tôi biết và mong anh không dừng lại. Sự sảng khoái và hạnh phúc có lẽ chỉ có của người cầm bút sau khi nhìn những câu chữ của mình hoàn thiện trên trang giấy chính là sức mạnh giúp anh đi tiếp. Châm một điếu thuốc, rít một hơi sảng khoái, nhìn khói bay và lòng lơ lửng lên mây. Thuốc lá có lẽ là điều anh nên tránh, nhưng oái ăm thay nó là chất xúc tác để cảm xúc thăng hoa.

Những tháng gần đây chúng tôi đều thấy sức khỏe Hội yếu dần… Thế nhưng anh vẫn giữ được sức viết, miệt mài và mê mải. Là con tằm tiếp tục nhả tơ.

Tuy không có sức khỏe bạt sơn cử đỉnh, nhưng cây bút trong tay Trần Hữu Hội là phương tiện  để chiến đấu cho khát vọng Chân – Thiện – Mỹ . Trên mỗi câu chữ, mỗi trang văn của Hội đều ít nhiều đều gửi gắm một ước mơ là “Từ đây người biết yêu người” như trong một khúc hát của Văn Cao.

Trương Văn Dân

Chú thích ảnh: Trần Hữu Hội và tác giả

 

 

 

Có 1 bình luận về TRẦN HỮU HỘI- NGƯỜI PHÁT RA NĂNG LƯỢNG BÌNH AN

  1. Luong Minh nói:

    Nhà Văn Trần Hữu Hội vừa mất ngày 7/5/2018, tại Sài Gòn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác