Cứ đọc sách như trẻ con

Ngày đăng: 3/05/2018 11:16:10 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Người mua sách khác với người đọc sách, điều này không nói chắc ai cũng hiểu.
Theo ngu ý của mình, kiến thức tiép nhận qua quá trình đọc không theo kiểu này thì kiểu khác. Có những cuốn sách mình đọc xong không cần phải nắm toàn bộ nội dung hay hiểu thấu đáo cặn kẽ, mà có thể chỉ nhớ một chi tiết, ấn tượng một hình ảnh nhỏ trong sách, một thuật ngữ hay một khái niệm cũng đã là đọc rồi. Như con gái mình nó đã biết đọc chữ đâu, nhưng mà nó có rất nhiều sách đủ các thứ tiếng, ngoài tiếng Việt và tiếng Anh thông dụng ra thì nó còn có cả sách tiếng Pháp, tiếng Trung và có một cuốn tiếng Hàn do bạn hàng xóm người Hàn Quốc cho, và nó rất thích. Đương nhiên nó không đọc từng chữ để hiểu mà qua việc lật tới lật lui đọc cuốn sách. Bằng cách nhìn đó nó nhận biết được kiểu chữ, tiếng Anh tiếng Việt tiếng Pháp thì cơ bản viết giống nhau nè, tiếng Trung tiếng Hàn thì thuộc loại chữ tượng hình nè, và vài năm nữa lớn hơn, từ những điều con nắm được qua việc đã từng đọc sách như thế, con muốn hiểu thì phải đi học ngôn ngữ đó để mà đọc hiểu, vượt lên một bậc so với mức độ nhận biết lúc trước.
Nói đến chúng ta, có những lúc ta phải đối mặt với những cuốn sách mở ra đã thấy chóng mặt, đọc một câu thì có đến nửa số từ vựng ta không hiểu nghĩa, và cấu trúc ngữ pháp thì như ma trận, đương nhiên dễ gây nản, nhưng nếu chấp nhận những điều khó khăn đó để đọc nốt cuốn sách, thì tự nhiên bộ não sẽ ghi lại những thuật ngữ hết sức bí ẩn đó, cất vào một chỗ, đến lúc nào đó khi ta gặp phải nó trong cuộc sống, công việc, ngay lập tức những từ ngữ khái niệm đó sẽ hiện ra, và lúc đó, ta đi tìm sách để tra cứu lại, khi đó mới là lúc chúng ta đọc sách thực sự. Như khi đọc cuốn sách “Truyền thông phát triển trong nền kinh tế nối kết” này, mình thu nhận được về “nền kinh tế nối kết”, “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “truyền thông phát triển”… nó sẽ trở thành vốn từ để mình tiếp nhận những kiến thức khác một cách dễ dàng hơn.
Mình giới thiệu sách cho một cô bạn, nó la oai oái “toàn sách kén người đọc thế này, sếp tao cũng không hiểu chứ đừng nói tao”, mình bảo “ai cần hiểu ngay, bây giờ đọc, năm mười năm nữa hiểu cũng chưa muộn, như tao đọc cuốn ‘nếm sakê ở Kobenhvn’ cũng của tác giả này đúng 1 năm trước, mãi bây giờ tao mới hiểu được nó sơ sơ vài ý”, và hiểu ra rồi thì cứ âm thầm vui sướng …
Hồi đó, đọc xong cứ nghĩ là mình hiểu, đem sách ra phân tích một cách khí thế theo đúng quy trình phân tích một tác phẩm văn học chuẩn cho chính … tác giả cuốn sách nghe, dùng lí luận văn học hẳn hoi để phân tích rất hăng. Nghĩa là bới tung cuộc đời và sự nghiệp của tác giả lên để coi là ông tác giả này ăn cái giống gì mà viết hay thế, xong thì khai thác triệt để về mặt thể loại, nào là tác phẩm đã đi đúng thể loại chưa, có gì bứt phá đặc sắc trong nghệ thuật không. Sau đó mới gạch chân luận điểm, dẫn chứng cho nó hùng hồn khi mổ xẻ nội dung (lại còn chụp hình lại minh họa cho nó sinh động đúng thời đại smartphone). Dĩ nhiên cuối cùng, mình không quên khái quát thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Haha bệnh kinh niên rồi, cứ cái gì cũng phải có thông điệp chứ không chứa đựng thông điệp gì thì coi như… bỏ đi. Vì có bao giờ nghĩ đến chuyện tác giả có muốn gửi gắm cái gì không, hay điều tác giả muốn gửi gắm có đúng như chúng ta “tưởng tượng” không? Mình từng là nạn nhân và cũng từng là thủ phạm của cái lỗi suy diễn nội dung tác phẩm giáo điều hời hợt đó nên khi đọc xong cuốn sách thì mình liền túm cái váy lại thành thông điệp của tác giả xong xuôi là … hết luôn, chẳng rút ra cho bản thân được bài học gì, ứng dụng gì sau khi đọc sách ngòai mấy câu nghe sáo rỗng kinh điển: sách hay, đáng đọc và… suy ngẫm, hì hì
Mình có một chị bạn có tư duy đọc sách y như … con mình, nói vậy là  rất khâm phục chị. Có lần mình thấy chị ngồi đọc một văn bản chính trị gì đó dài ngoằng toàn thuật ngữ trên trời, mình bèn cảm thán “chị đọc mấy cái đó làm gì cho nhức đầu”, chị trả lời đơn giản “Chị không có giới hạn cho việc đọc” (nghĩa là cứ có chữ là đọc)
Trẻ con thì nó cứ cầm cuốn sách lên và đọc thôi, chẳng hỏi nhiều, những người lớn thì khác, cầm cuốn sách là phân tích ghê lắm. Sách của ai? thể loại gì? Dày hay mỏng…
Hãy cứ đọc sách như một đứa trẻ con.

Lạc Yên

                                         Hinh minh họa

Có 1 bình luận về Cứ đọc sách như trẻ con

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Mình cũng mê sách, vớ lấy sách là đọc, từng tuổi này vẫn có những loại sách, những vấn đề sách bàn tới, mình hiểu loáng thoáng, nhưng đúng như Lạc Yên nói, đọc riết nó sáng ra một ít, thấy vui.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác