Sinh tố Tờ Lờ (3)

Ngày đăng: 12/12/2017 11:44:47 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Kéo sợi điện nối dài và mở chạy chiếc quạt thứ hai đứng ở góc khác. Mô tơ quay êm ru, quét phà phà những luồng gió giảm nóng cho khu vực phòng khách. Xong xuôi, Hai Chích xoa xoa hai bàn tay chờ mọi người chú ý:

– Tui linh cảm câu chuyện của dì Sáu Cần Giuộc có đủ mùi vị cho chủ đề hôm nay. Nhưng để tôn trọng người quá cố, bạn Sáu Bờ-rô có thể chấm dứt tại đây hoặc tiếp tục với cẩn trọng. Nếu bạn Sáu đồng ý kể tiếp thì Hai tui xin nhường lại cho Tám Lớ phỏng vấn bạn để bổ sung các chi tiết cần thiết công việc giấy bút của hắn. Xin mời hai bạn thương lượng về việc có nên sửa đổi tên nhân vật và địa danh.

– Dì Sáu tui mất chưa đầy trăm ngày, một đứa con của dì đã ló mòi muốn chiếm ngự căn nhà đang thờ phượng dì. Đầu tiên chỉ thấy một trên bảy, nhưng tui nghĩ tỷ số sẽ nghiêng về đội bạn trong những trận gay cấn sắp tới.

– Chừng nào tỷ số lên đến 4/7, nghĩa là túc số có thể tin được.

– Ha ha! Vậy thì hôm trước có ‘cờ-líp’ đếm được mấy chục người dân xóm nhào ra đường nhặt thùng bia và lon chai rơi ra từ xe tải bị lật, mặc cho anh tài xế kêu khóc van xin. Đó là hành vi của số đông đúng đắn và ‘tin được’ hả Tám Lớ?

– Tám tui chịu thua Sáu keo nầy.

– Hồi nhỏ, con dì con cậu đồng trang lứa tụi tui thường hay tụ họp về quê ngoại mỗi mùa hè và lễ tết mà thân thiết, lớn lên tản lạc tứ xứ ít gặp nhau. Nhưng ruột rà giữa hai người mẹ mà anh em thân thiết quan tâm. Còn bây giờ thì đèn nhà ai nấy thổi, Sáu Bờ-rô thấy bất bình ngứa miệng chút thôi. Chứ tui không thương ghét hay đụng chạm quyền lợi với các em con của dì Sáu.

– Sáu Bờ-rô ngứa miệng thì tự gãi đi.

– Chồng dì Sáu là trưởng nam của ông bà Hội đồng C, chủ điền giàu nức tiếng trên một vùng Cần Giuộc. Dượng Sáu cưới dì vài năm thì gia nhập khóa sĩ quan bộ binh, dì ở lại nhà làm dâu ông bà hội một thời gian rồi cũng theo dượng sống đời vợ lính. Con cái của dì dượng ngày càng lùm đùm, dì không tiện ở theo trại gia binh trong các hậu cứ của đơn vị. Dì ra ngoài cất nhà gần mặt lộ xóm Mít Nài thuộc phường An Cư, Cần Thơ, nơi rất tiện việc học hành của tụi nhỏ. Lâu lâu dì đi thăm dượng hoặc dượng về phép thăm gia đình.

Tháng ngắn năm dài trôi qua, hết mai vàng đến mai trắng nở trên bâu áo lính dượng Sáu. Vật biết đổi sao biết dời, thì lòng người cũng không thích ở hoài một chỗ. Phần lương phụ cấp của vợ sĩ quan và các con nhỏ, dượng Sáu gởi cho dì rất thất thường nói gì đến phần lương chánh của dượng. Khéo che đậy cở nào thì cũng phải có ngày vỡ lỡ chuyện dượng có gia đình thứ hai rất lâu. Dượng nhập ngủ gần hai mươi năm, bị thương nhiều lần, đủ điều kiện xin giải ngủ vì lý do sức khoẻ. Dượng quyết định ra làm dân và chung sống với người vợ sau và đàn con mới mà bỏ bè vợ con ngày cũ. Khi ván bài lớn đã lật ngửa sau 75, có người cho biết vợ bé của dượng ban đầu đóng vai cô gái quê chạy nạn đến xin chân giúp việc cho dì dượng Sáu lúc còn ở Cần Giuộc. Mục đích cô gái quê là xâm nhập vào nhà dượng Sáu để có cơ hội tiếp cận người em ruột của dượng là một Dân biểu thời đệ nhất Cộng Hòa. Cô ta không thể thanh toán mục tiêu mà kết quả quay ngược thành vợ bé và có bầy con với dượng Sáu.

Năm 1967, hàng xóm khu Đàn Tiên biết hoàn cảnh dì Sáu bị chồng bỏ theo vợ bé. Có người quen thương tình giới thiệu một thiếu nữ trẻ và rất đẹp, tuổi độ hăm mấy, cô tên M đến nhờ dì nuôi mướn một bé lai mới sinh hơn tháng với thù lao rất hậu. Ngày đầu tiên, dì hỏi đứa bé tên gì, thấy cô M dần dừ thì dì cười vừa nói, tại đây thì cô cho tôi gọi nó là “Thằng Mỹ” nghen. Đứa bé con của cô M sinh sau Út Ngọc của dì đúng một năm. Theo giao kết, đứa nhỏ có bệnh thì dì cứ tự bồng đi bác sĩ thuốc men, cô ấy sẽ trả lại tất cả chi phí. Hàng tháng cô ấy đến thăm cháu bé một lần để gởi tiền công cho dì, mỗi lần cô ta đến thăm con là tặng thêm đủ thứ thực phẩm hộp mua trong PX của nhà binh Mỹ, giúp cả nhà dì ăn dư dả. Đâu chừng hơn một năm thì người mẹ gởi con nầy đột nhiên mất tăm dạng. Cô gái tên M chưa từng cho dì biết là con ai và ở đâu, dì chỉ đoán là cô ta là con nhà giàu, có học thức và hiền lương. Dì Sáu hỏi người giới thiệu thì bà ấy nói quen cô M lúc còn đi làm gần phi trường Trà Nóc, bấy giờ bà láng giềng nầy cũng đã nghỉ.

Không một lợi tức mà phải ngồi nhà nuôi hai đứa nhỏ, một là con nuôi một là con ruột, cuộc sống dì Sáu tức thời trở nên chật vật. Sau ngày ban hành luật ‘Người cày có ruộng’, thì lâu lâu dì cũng được hồi sinh nhờ các cậu dì chia đều tiền truất hữu mà chính phủ bồi thường trên số đất trưng thu của các điền chủ để cấp thẳng cho người cày lâu nay thuê mướn.

Dư hương phụ ấm chưa bao nhiêu thì dì Sáu đối mặt khó khăn rất khi những đứa con cùng tựu về sau tháng 4/1975. Dì để những người con trai lớn và thằng con nuôi 8 tuổi ở lại căn nhà tại phường An Cư. Dì dẫn 2 cô gái nhỏ về căn biệt thự nơi quê chồng ở Cần Giuộc, dì lén lút xin những người tá điền cũ của nhà chồng mỗi người san sẻ ít gạo để nuôi nửa gánh con còn lại ở Cần Thơ. Thời gian nầy có cậu con đòi cưới vợ siết tới, dì phải bán căn nhà ở phường Cái Khế để lo hôn sự cho con. Dì nhận thấy đứa con nuôi tóc quăn da sậm nếu ở Cần Thơ thì không lạ mắt lắm, còn dẫn nó về quê thì có sự khác biệt rõ ràng.

Thế rồi bao nhiêu bất hạnh nối nhau trút xuống thân phận dì. Sau một năm trở lại Cần Giuộc, dì bị đuổi khỏi biệt thự thừa hưởng của nhà chồng, cũng là niềm hy vọng cuối cùng vuột khỏi tầm tay. Gặp khó khăn với xã hội, vừa thắt ngặt tài chánh, dì quyết định đem đứa con nuôi trao cho chùa. Dì Sáu có một người chị kế kèo ở chợ Vĩnh Long. Tới lui thăm chị, dì Sáu thường viếng lạy phật và quen biết sư ông trụ trì ngôi chùa trên đường 8 Tháng 3, phường Năm của thị xã Vĩnh Long.

Năm 1976, dì đến chùa trình bày hoàn cảnh và xin sư ông nhận nuôi dùm đứa bé trai lai Mỹ lúc ấy được 9 tuổi. Sư ông đồng ý nhưng thằng bé khóc la thảm thiết, Út Ngọc lúc đó 10 tuổi cũng khóc xin dì đừng bỏ em nó. Lần đó dì dẫn thằng bé về nhà để rồi 3 tháng sau trở lại. Đến chùa lần sau, dì lên chánh điện khấn nguyện Phật trời và các đấng vô vi tha tội cho dì bởi quá nghèo mà phải cho con, cũng như không thể hoàn thành trách nhiệm với mẹ ruột thằng bé. Cô M sống khôn thác thiêng, xin hãy tha lỗi cho dì. Dì để thằng Mỹ ở lại chùa và nói gạt nó: “Má đi đằng nầy một lát rồi trở lại rước con”. Dì dẫn Út Ngọc đi một mạch trở ra cầu Thiềng Đức.

Năm, sáu năm sau dì mới dám ghé ngôi chùa ở phường Năm thị xã Vĩnh Long để thăm thằng Mỹ. Lần buồn thứ nhì trong câu chuyện cho con của dì là khoảng năm tám mấy, sư cụ lúc đó cũng già lắm cho dì biết có người đến xin “Thằng Mỹ” để làm đơn đi diện con lai.

Dì Sáu và Út Ngọc từ giã sư cụ ra về. Đi đến dốc cầu Thiềng Đức, dì nhớ lời sư cụ nói sắp có tài lộc theo quẻ xăm sau khi lễ phật, dì nhín trong số tiền ít ỏi mua một tấm vé số không cần lựa. Như được trời định, tấm vé số đó trúng độc đắc. Được tiền trúng số, dì đủ mua miếng đất cỏ lác mương vũng trong một hẻm nhỏ cận bờ sông ven thị trấn Cần Giuộc.

Dì dựng một căn chòi trên nền tương đối khô ráo của miếng đất vừa mua như cho người ta biết không phải là đất hoang. Miếng đất xa thị trấn, dì vẫn tiếp tục mướn nhà gần thị trấn để tiện mua bán sinh nhai. Không lâu sau ngày mua đất, dì bị tai nạn xe lôi lật đè gãy tay, mà người đạp xe còn nghèo hơn dì. Túng thiếu hoàn túng thiếu, dì về quê ngoại mượn 5 chỉ vàng của một mợ dâu để trị thương và sống qua cơn ‘tọa thực’.

(Còn tiếp)

Một Lúa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác