Sinh tố Tờ Lờ  (2) 

Ngày đăng: 6/12/2017 10:54:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hai Chích tu gần cạn nửa ly cà phê còn lại. Hắn gằn gằn cho thông cổ.

– Bài dự thi dưới chủ đề ‘tham và ác’ của Hai tui vừa xong. Bây giờ tới phiên ai thì xin tự giác.

Thằng Tí vuốt mái tóc đã bạc lai rai. Sẵn tay, nó chấp hai ngón tay chỏ và giữa chĩa thẳng và xếp cong 3 ngón kia như con nít giả làm súng  bắn bằng  miệng.

– Chuyện anh em tranh giành của cải gia tài để rồi kết cuộc là nồi da xáo thịt, anh em không nhìn nhau nữa,  hình như là mô-đen thời thượng trong rất nhiều gia đình. Còn vấn nạn tham ác “ngoài xã hội” như:  lường gạt, giựt dọc,  hãm hại, giết người cướp của xảy ra hàng ngày và mức độ hạ thủ tàn nhẫn cũng rất dễ sợ. Các loại “hình sự” nầy đã đến mức báo động hay chưa thì mình không biết, nhưng hình như  chúng lây  lan như bịnh dịch.  Kể ra không hết đâu Hai Chích ơi. Về đề tài hôm nay,  tao có nhận xét thế nầy:  Hầu như những người hăng hái  tranh giành của cải gia tài cha mẹ, một  là những người sợ vợ, hai là kẻ bất hiếu hạng đầu bảng, thứ ba là do khó khăn tài chánh và các vấn đề khác.

– Bạn Tí nói câu nầy dư mấy tầm rồi. Hồi xưa mình được thầy cô kể truyện “Nhị thập tứ hiếu”. Truyện nêu lên  những tấm gương của những người con dám hy sinh bản thân, chấp nhận thiệt thòi, không nề khó khăn  gian khổ làm bất cứ điều gì để cho cha mẹ vui lòng.  Giả sử bây giờ còn  loại người biết hiếu nghĩa và hy sinh quên mình  như vậy,  thì thử hỏi trên đời có cửa cho sân si,  giành giựt u đầu bể trán để cho cha mẹ đau buồn  hay không?

– Thường thì con cái chờ cha mẹ qua đời mới nổi lên tranh giành.

– Người đạo đức và liêm sĩ, họ càng tôn trọng vong linh người quá cố, danh tiếng gia đình, dòng họ. Cũng như người thượng tôn pháp luật thì họ vẫn đậu xe  chờ đèn xanh dù không có ai tại ngã tư đó giữa đêm khuya.

Sáng đến giờ Sáu Bờ-rô  mới chịu mở miệng:

– ‘Vụ án gia đình’ loại nầy tui làm chứng được. Dì Sáu là em ruột của má tui. Trước 75,  chồng dì  là sĩ quan. Dì có nhà riêng ở Cần Giuộc sống với 7 đứa con, lâu lâu dì đi thăm dượng Sáu lúc đó di chuyển liên tục  nhiều nơi. Những năm trong đoạn cuối  cuộc sống vợ chồng của dì dượng, dượng Sáu sống hẳn với  người vợ bé, bỏ dì  nuôi lớn những đứa con út  trong hoàn cảnh chật vật  nghèo khổ. Những đứa mới lớn nầy có thằng Bảy Khanh làm nghề sửa xe Honda  và sống  bên vợ ở một chợ xã gần Nha Mân. Đầu năm 1989,  Bảy Khanh nghe bà con bên vợ tui  êm trời Minh Hải, nó xuống nhà tui  than thở: “Em nghèo quá, sống bên vợ bị anh em của vợ khinh khi. Anh Sáu biết bà con mình có ai sắp vọt, anh làm ơn gởi cho tụi em đi theo”.  Sáu tui ghi nhớ việc nầy, cũng định có cơ hội là kéo nó đi. Vài tháng sau, vợ chồng Bảy Khanh ăn mặc thật kẻng, cả hai trang bị đủ thứ hàng quý đèo nhau trên chiếc Dream mới cáo màu hạt nhản,  đậu trước sân nhà tui.  Tay nó xách bọc nylon đựng mấy hộp sữa bổ đi thẳng vô nhà tặng dì dượng Ba dùng lấy thảo. Sự thay đổi thần kỳ của thằng Bảy Khanh làm ba má tui vui lắm, riêng tui  á khẩu vì không hiểu phải nói gì. Thằng Bảy Khanh cười tươi như hoa xuân, rộn rả  đánh tan nỗi thắc mắc của cả nhà có 3 thế hệ: “Em mới trúng số tương đương năm mươi mấy cây vàng”

Năm Cua-đinh xẹt vô như chớp:

– Thằng em hồi nẳm mầy nói  nó chiêm bao thấy ông thần tài, phải vụ đó không Sáu Bờ-rô?

Sáu Bờ-rô chưa kịp trả lời  thì thằng Tí bồi thêm:

– Chiêm bao mộng đẹp  gì hấp dẫn vậy, Sáu kể cho anh em nghe chơi.

– Bà xã tui cũng mừng lây với đứa em mà tụi tui nghĩ sắp chạm đáy nghèo túng, bả nói với thằng Bảy Khanh: “hỗm rày bà con trên xóm Bờ Xáng trúng số lia chia, anh Sáu của em  cứ lau chùi tắm rửa tượng ông thần tài, còn dời chỗ thờ tới lui hoài. Chị cằn nhằn, ảnh không mua vé số thì dời ông thần tài chi cho ổng mệt vậy. Sáng ổng đi uống cà phe ngoài xóm, trưa về không biết long sàng ở đâu mà ngự”.  Thằng Bảy Khanh nghiêm trang nói: “Chị đừng trách ảnh. Lúc trước tụi em sửa xe đạp không khá nhưng lúc nào bàn thờ ông thần tài cũng có hoa trái nhang đèn. Bữa nọ em đi  bổ hàng về hơi trể. Trời nhá nhem tối,  vợ em nằm đưa con trên võng treo ngoài căn chòi phía trước nhà.  Thình lình cái đèn ống khói trứng vịt chỗ bàn thờ ông thần tài phựt lửa bừng lên sáng rực rồi cháy leo lét bình thường. Cái đèn phựt thêm hai lần y như vậy, vợ em sợ ma, vội vàng ôm con đi về nhà ông bà ngoại cách nhà tụi em chừng 20 mét. Vợ em thấy em về tới đốt cây đèn lớn trong nhà, nó mới dám bồng con trở về.  Đêm đó em nằm chiêm bao thấy một ông già râu tóc bạc phơ tướng mạo phương phi, ông dặn sáng sớm có ai mang vé số đến mời thì con mua hết. Ông ấy nói rõ ràng bấy nhiêu rồi biến mất.  Sáng hôm đó vừa mở cửa thì gặp ngay  bà già bán vé số chờ sẵn, em kêu bà đếm và mua hết cọc vé gần 280 tấm. Chiều dò trúng độc đắc 26 tấm, mỗi tấm mua được  2 cây vàng bốn con số chín.

– Ê Sáu, theo cái vèo mầy vừa kể, thì người em đó chắc chắn có tên trong sổ giàu sang cấp độ ‘phú gia địch quốc’. Khiến cho  thần tài địa phương  phải chiếu theo ‘thiên văn, địa lý’  mà thi hành răm rắp.  Bây giờ ông em đó ở đâu, Móng Cái hay Cà Mâu?

– Từ dạo ấy, Sáu tui  không  gặp nó, chỉ nghe dì Sáu và anh em bà con nói qua lại. Cho đến khi dì Sáu vừa qua đời hôm trước, chưa 100 ngày mà…

– Xì-tóp dùm bạn Sáu! Hồi sáng tụi mình đồng ý chỉ đưa ra các nét chính, tránh phổ biến chi tiết quá rõ ràng và có tính cách bêu rêu  hay nhục mạ cá nhân. Hai Chích tao đề nghị Sáu mình dừng tại đây. Nhưng để câu chuyện có đầu đuôi, cho xin thêm vài câu hỏi mà không nhất thiết Sáu  phải trả lời. Thứ nhứt, người cháu ông thần tài sau khi trúng số thì  ở đâu và làm ăn thế nào, có giúp hay cho ai những gì đáng kể?

– Bảy Khanh vẫn ở bên vợ. Sau khi trúng số, có nghe nói là Bảy Khanh lên Cần Giuộc tặng quà chung cho má nó và các anh em một cây vàng. Dì Sáu chia 5 người con lớn có gia đình ở riêng, mỗi đứa 1 chỉ. Cây vàng còn lại 5 chỉ gồm phần dì 4 chỉ và giữ luôn chỉ vàng của Út Ngọc đang sống với dì.

– Trong 10 năm cuối đời,  dì Sáu sống như thế nào?

– Các dì con của ngoại đều khéo tay trong môn gia chánh. Dì Sáu có công thức nấu chè đậu trắng rất tuyệt vời. Thời gian còn sức khoẻ, dì sanh sống hàng ngày bằng món chè đậu trắng rồi truyền nghề lại cho Út Ngọc. Với gánh chè, Út Ngọc không thể bảo bọc ấm no dì Sáu và đứa con nhỏ mất cha tới tuổi cần tiền đi học. Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, Út Ngọc chấp nhận lấy người chồng Đài Loan cao tuổi hơn mình như một bước liều mong tìm ra lối thoát. Út Ngọc để lại số tiền cưới cho dì Sáu. Người chồng  Đài Loan  có việc làm ăn riêng và ông ta cho Út Ngọc toàn quyền đi làm và giữ tiền gởi về nuôi mẹ và đứa  con gái nhỏ. Do tình thương còn để lại ở Việt Nam đã giúp Út Ngọc có nghị lực để sống còn nơi đất lạ. Đứa em gái nầy ngoài việc đi làm cho một xưởng nhỏ có tính gia đình. Hàng ngày cô có làm thêm vài món xôi chè bánh ngọt để giao hàng hộp tươi mới cho các tiệm nhỏ trong chu vi tuyến đường từ nhà đến sở làm. Thời biểu của Út Ngọc là tan sở đến nhà là tắm rửa nhanh rồi lo cơm cho chồng. Cơm nước xong là chuẩn bị các thứ cho lượng order 3-4 mặt hàng đã lên lịch quảng cáo của  ngày mai. Lên giường ngủ cũng 11 hoặc 12 giờ để 2 hoặc 3 giờ sáng  là phải dậy để hấp nướng bánh và vô hộp, vô thùng ghi toa. Mọi thứ chất lên xe, nó lái đem giao từ 6 đến 7 giờ sáng phải hoàn tất, rồi đến sở làm.

Sáu Bờ-rô ngưng kể, hắn cầm bình trà rót vô chiếc ly cao, tiếng giọt nước rơi mạnh xuống nghe ròn rọt. Gian phòng khách nhà Hai Chích lặng im như tờ. Năm Cua-đinh là tay bậm trợn nhất mà nghe câu chuyện nầy cũng buồn buồn ngó lơ đãng ra sân, nơi có  những đám hoa mười giờ  nở rộ trong nắng chói chang.

 

(Còn tiếp)

Một Lúa

                                   H1

                                    H2

H3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác