NHỚ NGUYỄN BẠCH DƯƠNG
Chiều nay, ngồi lướt web thì Nguyễn Kiều Nhất Hạnh, trưởng nữ Nguyễn Bạch Dương goi cho tôi báo, ngày mai là giỗ của ba con. Mới đó lại tròn năm ! Hôm đi Kon Tum gặp Nhất Hạnh trên đó, cháu dẫn tôi về nhà thắp hương cho anh. Nguyễn Bạch Dương mất ngày 11 tháng 12 năm 2006. Như vậy , năm nay là kỷ niệm lần thứ 11 ngày mất của anh. Tôi quen Nguyễn Bạch Dương năm 1979, lúc anh làm thư ký tòa soạn tạp chí Cửu Long. Tôi chỉ là người yêu văn chương nhưng không có dính dấp gì đến thơ văn cả. Chơi với anh, tôi có điều kiện quen với anh em ờ hội văn nghệ, biết được nhà văn Trúc Phương tác giả Bóng Biển một tác phẩm nổi đình, nổi đám thời đó, biết được nhà thơ Song Hảo, nhà văn Phạm Trung Khâu, Hồng Băng và hầu hết các anh em trong hội.
Khoảng năm 1983, Hội VN Cửu Long có tổ chức trại sáng tác cho các nhà văn, không có tác phẩm lận lưng, tôi cũng được anh giới thiệu để tham gia trại. Đây coi như là lớp học đầu tiên của tôi với nghề viết văn. Nghe được Hoàng Như Mai, Sơn Nam, Anh Đức, Lê Văn Thảo chia sẻ về kinh nghiệm sống và viết, tôi cũng lượm một vài chữ. Chuyến đó, Sơn Nam theo tôi về Cái Mơn để thăm anh Phong Tâm và tình cảm gắn bó nhau cũng nhờ trại sáng tác này.
Ở huyện nhỏ, thiếu sinh hoạt văn nghệ, tôi tổ chức CLB thơ văn trưc thuộc huyện đoàn Chợ Lách, anh cũng qua hỗ trợ cùng vài anh em như Đào Ngọc Chương, Lê Long. Sau này , các anh này đều về TP.HCM và vẫn còn liên hệ tốt với tôi.
Là một thư ký tòa soạn, anh chăm lo cho cộng tác viên rất nhiều, bài vở bạn gửi đến, anh vô sổ và gửi ban biên tập, khi báo ra có bài đăng anh gửi ngay báo biếu và khi có nhuận bút , anh ra bưu điện gửi đến từng tác giả. Quan hệ bè bạn của anh thiết lập từ trước đến nay vẫn y như cũ, trao đổi qua thư từ. Thuở đó làm gì có email, nên anh lãnh lương ra là mua bao thư và tem để dự trữ. Anh nói , tiền lương cuối tháng cạn kiệt, thì bao thư và tem có sẳn để hồi âm kẻo bạn bè trông thư.
Anh không biết uống rượu, nhưng không vì thế làm hạn chế việc giao tế với bạn bè. Bất kỳ anh em văn nghệ nào ngoài tỉnh đến Vĩnh Long kiếm Nguyễn Bạch Dương là được anh đưa về nhà, lo chỗ nghỉ, có lúc anh ở nhà một mình thì dẫn bạn bè ra ăn cơm bụi ngoài đường do vậy mà nhà anh được bạn bè ngoài tỉnh xem như văn phòng hội thứ hai. Anh có cá tính khác người là ghét những ai hay nổ hoặc mượn danh lãnh đạo để hù dọa. Nhà văn, nhà thơ nơi xa đến , xưng chức vụ và hỏi tên chủ tịch hội thì anh để cho lãnh đạo tiếp, còn anh em nào đến thăm anh em thì anh tiếp và lo mọi thứ theo yêu cầu của bạn. Ngoài việc lo ăn ngủ cho khách, anh còn lo cho bạn ở xa đi tham quan. Nhớ có lần nhà báo Hưng Văn tức nhà thơ Võ Chân Cửu về Vĩnh Long tìm anh, anh đưa Hưng Văn về Chợ lách chơi, giới thiệu với mọi người.
Nhắc về anh, nhiều người ở trong hội đều biết anh là đứa con chí hiếu, hơn 60 tuổi mà còn cha lẫn mẹ gần 90 tuổi, hai người này đều mất sau khi anh lìa đời khá lâu. Hình như nếp sống của anh bị ảnh hưởng bởi luân lý của Phật giáo. Ngày xưa anh từng sinh hoạt trong gia đình Phật tử nhiều năm, nghe nói có thời gian anh nương náo chốn cửa thiền.
Cuộc sống của anh khá nghiêm khắc, anh không nhậu nhẹt, không hút thuốc, vậy mà trớ trêu thay anh mắc bệnh ung thư phổi. Những ngày cuối cùng ở Bình Tân (TP.HCM) anh bị ứ nước trong phổi nhiều lần, thế nhưng anh gắng chịu và không kêu la. Anh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11 tháng 12 năm 2006.
Tang lễ của anh được tổ chức tại chùa, đến viếng anh người ta thấy những gì của thế gian trong anh đều được gỡ bỏ. Không còn nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, cũng không là Lê Trung Hiệp, nhà thơ của thiếu nhi mà là Nguyễn Kim Dũng tên trong khai sinh. Bạn bè của anh ở Vĩnh Long, Bến Tre đều đến đưa tiễn đông đảo.
Lương Minh
Ngày giỗ lần thứ 11 của Nguyễn Bạch Dương
Vợ anh Nguyễn bạch Dương đang cúng giỗ cho anh
++++++++++++++++++++++++++++++++
Nguyễn Bạch Dương tên thật là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1944 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, mất ngày 11/12/2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn dùng các bút danh khác là Lê Trung Hiệp, Lê Thị Tư.
Tác phẩm:
– Sau cơn địa chấn (thơ, Tạp chí Biểu Tượng, 1964)
– Hoàng (thơ, Tạp chí Biểu Tượng, 1965)
– Thơ anh và tình em (Hội VHNT Cửu Long, 1987)
– Lặng lẽ vần thơ yêu em (Hội VHNT Cửu Long, 1991)
– Bí mật của bé (thơ thiếu nhi, NXB Đồng Nai, 1996)
– Gió không mùa (NXB Văn Nghệ, 2001)
Bài viết của anh LM đã cho chúng ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Bạch Dương. Ở VL, tôi quen thuộc anh hơn ở bút danh Lê Trung Hiệp, cùng thời với nhà văn Phạm Trung Khâu, nhà thơ Song Hảo…
Cảm ơn anh đã cho bạn bè biết thêm đôi nét về một người tài hoa.(Mỹ Liên)
Tôi nhớ anh Hiệp lúc đó đi xuống Chợ lách đến huyện Đoàn bằng xe đạp. Anh rất vui và hòa đồng với mọi người. Tôi có được tập thơ của anh (Công Quí)
Hiệp là bạn cùng tuổi với tôi hồi học ở Vĩnh Long (trường dạy nghề) vậy mà Hiệp trở thành nhà thơ từ nào tôi không biết. Sau này Hiệp quen LM, về nhà tôi chơi nhưng chẳng nhậu nhẹt gì. Còn tôi đi VL chơi thì được Hiệp dẫn đi uống cà phê gần Bến đò- chợ cá.