ALEX TIZON- CHÀNG TRAI CHÂU Á
Chắc quý vị chưa quên nhà văn Alex Tizon với truyện ngắn “My Family’s Slave” được dịch lại và đăng trên trang nhà cách đây không lâu. Hôm nay tôi xin giới thiệu một đoản văn nữa của tác giả được trích trong quyển “Big Little Man: In Search of My Asian self”. Đây là cuốn sách tự thuật nói về chính tác giả, một thanh niên di dân gốc Á Châu thuộc thế hệ thứ nhất lớn lên tại Hoa Kỳ, kể lại những huyền thoại văn hoá liên quan đến giòng giống, giới tính, đặc biệt là mẫu người Á Châu, phụ nữ cũng như nam giới tiêu biểu, ở miền Tây Hoa Kỳ. Năm 2011 cuốn sách này đã được giải thưởng J. Athony Lukas Book Prize Work-In-Progress Award dưới sự bảo trợ của Columbia University và Niemand Foundation của đại học Harvard.
Hình 1 : Theo chiều kim đồng hồ
– Alex Tizon khi còn nhỏ
– Hình gia đình (Alex ngồi bìa trái)
– Vợ chồng Alex & Melissa
– Hình gia đình Alex (vợ và hai con gái)
– Gia đình Alex và Lola
– Sinh viên Alex tại Eugene
– Hình giữa : Alex Tizon
CHÀNG SINH VIÊN GỐC Á CHÂU
Tôi đến ở tại Eugene, tiểu bang Oregon vì một lý do thật là nhỏ nhoi. Gia đình tôi rời Bronx ( New York) vào mùa hè năm 1974 vì cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi tan vỡ và chúng tôi lại một lần nữa thực hiện cuộc hành trình dọn nhà xuyên lục địa, một chuyến đi đầy căng thẳng khiến mọi người đều mong muốn được đến đích một cách an bình và rồi sẽ bén rễ ở nơi này.
Chúng tôi ở hai năm tại địa đầu của tỉnh Umatilla, ngay lối vào tỉnh có tấm bảng đề như sau: “DÂN SỐ 750. LÀM ƠN LÁI XE CẨN THẬN”
Hình 2: Umatilla.
Cha mẹ tôi mới chấm dứt hai mươi lăm năm chung sống, để lại trong chúng tôi một sự thương tổn đến tận cùng, bơ vơ, lạc lõng trong một thế giới lạ lùng đầy cả những bụi ngãi đắng và xương rồng.
Tâm trí của chúng tôi nát tan nhiều hơn sự hiểu biết của mình, cái thế giới quen thuộc của chúng tôi đã biến mất, chúng tôi trở nên lơ mơ, bay bổng trong nhiều tháng như những mảnh rác vụn trong không gian với cảm giác bị bỏ rơi hoàn toàn.
Cha tôi, người đã đưa chúng tôi sang Hoa Kỳ viết cho chúng tôi một lá thư thật dài với lời xin lỗi về sự thất bại trong cuộc sống vợ chồng của ông và nguyện thề sẽ thương yêu chúng tôi mãi mãi, rồi ông bỏ chúng tôi ra đi để làm lại cuộc đời mới.
Mẹ tôi đưa chúng tôi đến vùng viễn tây, thủ đô Salem, nơi mà tôi tốt nghiệp bậc trung học, trong một lớp toàn là người xa lạ. Tôi nghe lóm được câu chuyện giữa những người lạ này về trường đại học Oregon, một nơi với khuôn viên đầy lá xanh, nép mình trong một thung lũng nằm giữa Thái Bình Dương và Cascade Mountains. Một đại học giỏi và cấp tiến, nơi mà giới trẻ tới học để trở thành ký giả hoặc những hoạt động viên trong nhiều lãnh vực, những cô sinh viên trẻ trung, trong trắng rũ bỏ được hết những e dè, ngại ngùng để chạy nhảy một cách hoang dại xuyên qua các cánh rừng.
Nghe như vậy tôi cảm thấy thích thú nên việc chọn trường đại học của tôi từ lúc bắt đầu rồi đi đến quyết định chỉ kéo dài khoảng hai mươi phút. Eugene nằm ở phía Nam và cách nơi chúng tôi ở khoảng một tiếng đồng hồ lái xe.
Hình 3 : Eugene
Tiền trợ cấp mà tôi nhận được cộng thêm 100 dollars hàng tháng của người mẹ đau khổ của tôi đã giúp cho tôi được hưởng tự do. Thế rồi tôi lái xe về phương nam trên xa lộ xuyên tiểu bang số năm mà trong đầu không hề biết một chút gì vềkhoa mình sẽ học và việc học sẽ đưa mình đến đâu.
Tôi mới mười bảy tuổi, thân hình có dài ra, râu tóc mọc thêm và luôn luôn bị ám ảnh bởi những đòi hỏi lẫn lo âu mới.
Tôi không còn là một thiếu niên nhưng cũng chưa hẳn là một thanh niên đã trưởng thành, nhất là những biểu hiện trong hình dạng cũng như khuôn mặt của tôi.
Người đàn ông trưởng thành phải ra sao, dáng vẻ như thế nào? Tôi không tìm ra được câu trả lời, một phần vì tôi không hề có một gương mặt đàn ông nào tiêu biểu để mà noi theo.
Anh tôi còn phải lo chuyện riêng của anh ta. Cha tôi tuy sống với gia đình trong những năm cuối mà hầu như mất dạng. Ông đắm chìm trong cuộc sống riêng tư của ông, một cuộc sống mà chúng tôi không hề được biết đến. Dù còn ở trong gia đình nhưng hồn của ông đã để ở nơi khác từ lâu trước khi ông quyết định bỏ đi vĩnh viễn.
Mười hai năm học đã tạo trong tôi một ý tưởng là những người như tôi chỉ được dùng để đóng vai trò phụ trong một vở kịch của người đời, điều này càng làm tôi hoảng sợ thêm.
Hình 4: University of Oregon
Ở trường, tôi luôn là người Á Châu duy nhất trong lớp. Cũng có những sinh viên Đài Loan, Nhật Bản, Phi Luật Tân và vài tá người đến từ Hạ Uy Di nhưng trong một khuôn viên đại học với khoảng 20.000 sinh viên và trong một thành phố với 100.000 người dân thì số sinh viên Á Châu cũng giống như những cái chấm nhỏ trong vùng biển trắng bao la.
Tôi thấy chán khi nhận thức được những người chung quanh tôi đều biết rõ cách thức tổ chức mọi việc, biết rõ những ai có liên quan hoặc không có liên quan đến sự việc. Nhận ra được sự hiểu biết của họ tôi lại càng cảm thấy như mình bị bỏ quên, lạc lõng ngay cả với chính bản thân của mình.
Đó là một cảm giác như bị tan vỡ đi để chuyển sang một trạng thái rõ ràng khác của con người, một cái bóng trong một cái bóng.
Phương cách tôi dùng để đương đầu là thực hiện những hành động trái ngược với cảm xúc của mình. Nói chuyện lớn hơn là giọng nói yếu ớt bẩm sinh. Đi đứng, nói năng cũng như có hành động “lớn lối” hơn là chiều cao 1,70m và sức nặng 75,3kg của tôi.
Tạo cho mình nhiều sắc thái hơn là bản chất xám xịt sẵn có, đó là tất cả dự định của tôi. Tôi tham dự lớp cử tạ, cảm thấy thích nên theo đuổi nhiều năm. Trên tấm thân mảnh khảnh của tôi nhờ đó đã có những lớp bắp thịt. Tôi tập đấu vật với các bạn đồng học, học được kỹ thuật kẹp cổ để có thể làm đối thủ ngất xỉu. Tôi gia nhập lớp Karate để sửa đổi cho lối đấu có hiệu quả tốt hơn, học cách đấm xuyên qua chứ không phải chỉ đụng đến mục tiêu.
Có lần một người bạn ở cùng khu đại học xá đã thách tôi đấm xuyên qua bức tường. Tôi không chần chờ mà thực hiện ngay lập tức, dùng tất cả kỹ thuật đã được huấn luyện để đấm vào tường. Rầm…..
– “Chúa ơi, có sao không!?” hắn ta hỏi.
– “Dĩ nhiên là không” tôi nói như thể tôi làm việc này hàng ngày.
Tôi cười như một tên ngốc và ngày hôm sau tôi phải tới bệnh viện. Tấm hình quang tuyến cho thấy, hai khớp xương ngón tay bị gãy, cổ tay bị hư hại.
Sự che đậy của tôi đã đến một giới hạn khiến tôi quên mất đi đó chỉ là một lớp mặt nạ. Trong lứa tuổi 20 rồi đến đầu lứa tuổi 30 nhiều khi tôi tưởng như mình mạnh mẽ lắm, khoẻ như vâm và hung tợn.
Đôi lúc tôi có cảm giác ngọn lửa của cha tôi đang ở trong tôi nên ngứa ngáy, mong có người khiêu khích để đập cho họ một trận nên thân. Chuyện này cũng có xảy ra vài lần và tôi đã quật ngã được những tên lớn xác hơn tôi. Xét lại thì thấy là tôi quả thật may mắn, chưa bao giờ tôi phải đương đầu với những đối thủ thực sự nguy hiểm. Vẻ ngang tàng, ngạo nghễ của tôi cũng có thể làm tôi mất mạng như chơi.
Tôi biết nhiều về kỹ thuật nhưng xương của tôi không to và dầy, đầu gối của tôi thì mềm bở như miếng bánh ngọt uống trà. Chỉ cần đập nhẹ vào một bên đầu gối là tôi sẽ ngã quỵ. Lý do chính khiến tôi không thể thực sự dùng hết sức mạnh là vì tôi không muốn làm người khác bị trọng thương. Tôi có thể làm cho đối phương ngã xuống nhưng tôi không có bản năng giết người như cha tôi, móc mắt hoặc xoáy mạnh vào khí quản của đối phương.
Tôi được các bạn sinh viên trong cư xá nể nang, vài cô gái cũng có vẻ có cảm tình với tôi nhưng hầu hết chỉ muốn giữ ở “tình bạn”.
Đối với người khác phái, tôi là người bạn tốt vì tôi biết lắng nghe, thực sự quan tâm đến họ. Tôi thích mọi thứ nơi người phụ nữ, hình thể cũng như màu sắc của họ. Tôi yêu dáng vóc, nụ cười, dáng đi, sự mềm mại, làn da, mái tóc, ngón tay, ngón chân, cần cổ, làn môi, làn mi, tiếng nói, âm hưởng……
Không gì làm tôi sinh động hơn là có phụ nữ ở bên cạnh và cũng không có gì để một ngày của tôi được lôi cuốn hơn. Trong khoảnh khắc tôi cảm thấy mạnh mẽ, là lính canh phòng, là người bảo vệ, là người giúp vui, là người hát dạo thời cổ xưa. Nếu là thi sĩ, tôi sẽ chỉ viết về phụ nữ và chỉ có phụ nữ mới có thể khiến tôi trở thành thi sĩ. Theo thiển ý của tôi giữa hai phái thì phái nữ bao giờ cũng trội hơn, tuy nhiên tình cảm của tôi dành cho họ không được đáp lại. Tôi có cảm tưởng họ không nhìn thấy tôi, nếu có thì họ không nhìn thẳng vào tôi mà dường như lại nhìn xuyên qua tôi.
Hình 5: Alex khi còn là sinh viên tại Eugene
Cuối cùng tôi nghiệm ra là ở những nơi mà người ta tìm kiếm, săn đuổi nhau như ở quán rượu, hộp đêm, tiệm sách, siêu thị, công viên, trên bờ biển, trong các cuộc đấu bóng, trong các hoạt động xã hội thì sự lựa chọn giữa những người khác phái xảy ra rất nhanh chóng, theo bản năng, thu hẹp vào vài ứng viên trong một khoảnh khắc cố định. Tôi chưa từng thực hiên được điều này. Chưa lần nào trong suốt những năm ở đại học mà ánh mắt của tôi gặp được ánh mắt của một người khác phái một cách kỳ diệu trong phòng học như đã xảy ra trong phim hay xảy đến với các bạn da trắng, da đen của tôi.
Không phải là tôi thiếu cố gắng, tôi là Mr Laser Eyes (người đàn ông với đôi mắt hồng ngoại tuyến) mà vì tôi không thoát ra khỏi được mãnh lực của lời nguyền.
Những mẫu đối thoại với các bạn nam hoặc nữ, Á châu, trắng và đen lại càng làm tôi hoảng sợ hơn, xác nhận thêm sự ngờ vực là tôi đang thuộc vào nhóm người không được ai ưa chuộng.
Một mặt, lý do mà tôi không được phụ nữ ưa chuộng có thể được giải thích một cách đơn giản là vì tôi thuộc vào nhóm người không được ai ưa chuộng. Mặt khác, điều này dường như giết chết tôi. Giữa hai khoảng thời gian từ dậy thì cho đến khi lập gia đình không có một vấn đề nào có thể làm cho vết cắt hằn sâu hơn là sự việc này. Nó thấm vào tuỷ, chấm dứt mọi sự trao đổi. Đó chẳng phải là cảm giác chua chát vì bị xỉ nhục. Tôi cũng phải chấp nhận mà đáp ứng để đương đầu tuỳ theo bản chất của sự việc. Đây chừng như là một tuyên ngôn, một điều quy định vô tư. Chẳng khác gì khi một nhân viên phát tiền ở ngân hàng báo cho bạn biết là bạn không còn đủ tiền ở trong ngân khoản. Đó không phải là việc để đôi co, để châm chọc!
Hình 6: Một số sinh viên gốc Á Châu tại trường đại học.
Một cô bạn Mỹ gốc Hoa đã cho tôi biết, tại sao cô ta không hẹn hò với các chàng trai Á châu
– “Có một cái gì đó nơi các anh chàng Á châu này”
– “Bạn đã có lần hẹn hò với một người Á châu nào chưa, hãy nói thật đi, có bao giờ chưa?”
– “Họ có vẻ xa cách, lạnh lùng”. Christopher nói điều này với tôi nhiều lần
-” Họ cần phải uống thêm nhiều sữa tươi hơn nữa”. Cô bạn Jenny người da đen của tôi nói.
– “Khó mà biết được những chuyện gì xảy ra đàng sau những cặp mắt ti hí này” Jeff, một chàng da trắng thường quả quyết là mình có dòng máu da đỏ Navajo, hãnh diện vì sự cấp tiến của mình, nói.
Tôi đã được Mỹ hoá và được tẩy trắng đến nỗi các bạn học của tôi hầu như quên mất đi tôi là người Á châu. Cũng vì lý do này mà họ đã nói với tôi những điều ở trên một cách thoải mái. Họ coi tôi như họ.
-“Bạn không phải là người Á châu, bạn là Alex” Leny giải thích.
– ” Ôi thôi, tôi không nghĩ là bạn thuộc nhóm người thiểu số”, Christopher thường đùa như thế.
Trong khoảng thời gian đó, tôi cô đơn nên rất biết ơn được làm thành viên của nhóm.
Cảm thấy dễ chịu khi được thuộc vào một nơi nào đó. Điều này giúp vui thêm cho ảo tưởng là tôi không giống các anh chàng Á châu khác đang ôm đống sách trên tay, với vẻ cô đơn trong khuôn viên của đại học. Tuy vậy, khi tôi rời khỏi nhóm bạn bè của tôi, tôi lại nhanh chóng trở thành một thanh niên Á châu tầm thường. Đến bây giờ tôi mới nhận ra được là tôi đã thấm vào cái mặc cảm tự mình ghét mình sâu như thế nào, thấm sâu đến nỗi tôi không còn nhìn thấy là những kẻ bị lưu đầy quanh tôi cũng có cảm giác lạc lõng như tôi. Những người nặng ký, người nhút nhát, người vụng về, người chậm hiểu, người quá thông minh, người nghèo, người tàn tật, người bị chấn thương tinh thần, người tự lưu đầy, những người chọn môn chính là triết, hầu hết mọi người trong nhóm học viết văn, toàn thể phân khoa toán. Vì thương cảm, chúng tôi có thể lập ra một tập thể gồm những người bất hạnh, giúp đỡ lẫn nhau để trở thành những viên kim cương lóng lánh. Tuy thế tôi không dành chỗ cho họ trong tâm trí của mình. Họ tạo ra quá nhiều nếp nhăn không thuận lợi cho tấm mền tự thương cảm mà tôi đang khoác trên người.
Kim, một người bạn Đại Hàn cũng là một nếp nhăn khác. Anh ta chẳng hề phù hợp với mặc cảm tự ty đã kể của tôi. Tôi gặp anh ta trong phòng tập thể dục ở Mc Arthur Court khi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất, anh ta học trên tôi nhiều năm. Anh sinh ra ở Đại Hàn nhưng lớn lên tại Hoa Kỳ, nói tiếng Anh tuyệt hảo và nghe đâu là một ngôi sao lực sĩ nổi tiếng tại một trường trung học nào đó ở miền trung tây. Nhìn anh thấy toàn là bắp thịt và xương hàm, cao ráo với hai vai rộng và cặp mông tròn lẵn như mông của các cầu thủ. Có lẽ anh là sinh viên Á Châu đầu tiên và duy nhất làm người mẫu cho cuộc thi Oregon Ducks trên báo của đại học, tờ Daily Emerald. Mỗi lần tôi đến phòng tập thể dục Kim đều tiến tới phía tôi, giơ tay để bắt tay tôi thật chặt với nụ cười nở rộng trên khuôn mặt rạng rỡ.
– ” Khoẻ không bạn?” anh nói.
Chừng như anh muốn xác định với tất cả các sinh viên Á Châu, nam cũng như nữ là họ được đón chào và có người bảo vệ khi họ tới tập thể dục trong một căn phòng vang dội âm thanh của kim khí bị va chạm hoà lẫn với tiếng thở hổn hển của các sinh viên trắng cũng như đen kinh khiếp.
Chỉ có một cách duy nhất để thoát ra khỏi dấu hằn về thể loại Á Châu của chúng tôi là phải có gì vượt trội trong lãnh vực nào đó. Trong lãnh vực vóc dáng thì Kim là một ngoại lệ, đó là chưa kể đến tài ăn nói khéo léo lẫn việc tạo được thiện cảm nơi mọi người của anh. Trong khuôn viên đại học cũng có vài người như anh. Những sinh viên Á Châu nổi bật này thường toả ra một vẻ tự tin thầm lặng. Số đông những kẻ tầm thường như chúng tôi thì chỉ biết lấy làm ngạc nhiên để rồi lại lê bước trở về phòng của mình trong cư xá sinh viên. Dù tôi có có hổn hển hàng vạn ngàn lần trong phòng tập thể dục thì tôi cũng vẫn không thể biến thành Kim.
Tôi biết nhiều sinh viên Á Châu như Cho. Trong khuôn viên đại học, anh tự giới thiệu mình là Joe. Tôi nghe đâu đó từ bạn bè và biết được tên thật của anh là Cho nên để chọc tức, tôi luôn gọi anh là Cho.
Hình 7: Tiệc thân hữu (Frat Party) tại đại học .
Cho là người Mỹ gốc Tàu ở Honolulu. Một đêm tôi gặp anh ta đứng một mình bên quầy rượu trong một bữa tiệc thân hữu ở tầng hầm. Trông anh ta như cách biệt hẳn với khung cảnh của buổi tiệc. Tiếng nhạc ầm ĩ, các thân hình uốn nảy, tiếng reo hò, sàn xi măng dính nhớp vì bia. Một quả cầu bằng pha lê chiếu những vệt ánh sáng luân phiên trên mặt mọi người. Trong phòng này Cho là người duy nhất có nét mặt ủ rũ. Tôi cũng có cảm giác giống như Cho nhưng tôi lại không dám biểu lộ. Ngoài tôi ra, anh là người Á Châu khác duy nhất ở đây. Tóc anh ta dài, đen bóng như lụa, rẽ ngôi giữa, hai má tròn đầy và cặp mắt như được bọc thép. Anh ta cầm trong tay một ly bia một cách ơ thờ.
– “Anh trông coi quầy rượu hả?” tôi hỏi.
– “Chỉ có bia thôi” anh ta nói một cách ngắn gọn. Tóc anh ta bay phất phơ khi anh lắc đầu. Chúng tôi trao đổi đôi câu vài phút trước khi anh quay đi và nói
– “Tôi không chống đối gì anh nhưng tôi phải đi ra ngoài”
Anh bỏ đi, tiến ngay đến cầu thang, mái tóc đong đưa phía sau lưng.
Cũng đêm khuya đó tôi gặp anh ta cùng với vài người bạn đang rời khỏi 7-Eleven.
– “Lại anh nữa!” Anh ta nói. Nơi đây anh thành con người khác, buông thả, ồn ào.
Anh nói “Trong buổi tiệc có nhiều tên hợm hĩnh quá”
Cuối cùng bốn chúng tôi kết thúc bằng cách nốc bia tại một quán rượu; bốn ly trở thành tám ly rồi mười hai ly, cuối cùng thêm một ly cối với khoai tây chiên. Sau khi bạn của Cho từ giã chỉ còn lại Cho và tôi để rồi bao nhiêu bực bội chồng chất trong lòng được dịp tuôn tràn. Anh ta cũng có tính ma mãnh giống tôi nhưng có sự khác biệt là anh ta dám nói ra.
– “Có một nàng tuyệt đẹp trong phòng của bạn thân của tôi tại cư xá”. Anh ta nói trong khi tay cầm một miếng khoai chiên dùng như một chiếc que để chỉ chỏ. Anh ta đong đưa trên ghế.
– “Tóc nâu, mắt to, mông đẹp” tôi đang suy nghĩ.
– “Phải rồi, tôi thích như thế đó, tôi nói với bạn tôi, Brah, tại sao không giới thiệu cô ấy cho tôi”
Hắn ta nói “Joe, bạn ơi, bạn biết không, việc này tôi sẽ làm nhưng khó có thể thực hiện được”, tôi nói “Tại sao?”.
Hắn kéo tôi ra sảnh và nói “Cô ta chỉ hẹn hò với các anh chàng da đen”.
Tôi bảo “Rồi sao”.
Hắn ta nói “Tôi muốn nói là cô ta chỉ hẹn hò và đi chơi với các anh chàng da đen mà thôi”.
“Đáng tiếc quá bạn ơi” tôi đang suy nghĩ.
“Cái quái gì vậy! Sao bạn quen với các cô nàng chỉ hẹn hò với các chàng da trắng, các cô nàng chỉ hẹn hò với các chàng da đen còn những nàng chỉ hẹn hò với các chàng Á Châu thì đâu mất rồi, họ ở đâu?”.
Cho lúc lắc miếng khoai tây chiên trước khi nhét vào miệng. “Họ là cái quái gì”
Ngoài đường hai thanh niên đi xe gắn máy chạy vụt qua, chỉ một chút xíu nữa là đụng phải người đi xe đạp không đèn đang đi ngược chiều. Cả hai bên đều ngoái đầu lại để nhìn nhau. Ở góc phố đối diện, một người phụ nữ đơn độc trong tấm áo choàng đang đổ rác trong thùng vào chiếc xe lớn có bánh xe và đẩy bằng tay.
Bóng tối che khuất khuôn mặt của bà ta. Bà ta di chuyển một cách cẩn thận, chậm rãi trong bóng tối. Tôi tự hỏi không biết suốt buổi chiều, có ai bắt chuyện hoặc nói chuyện với bà ta không, hay là bà ta đã trải qua những buổi tối trong một thế giới im lặng đầy bóng đen.
– “Á Châu” tôi nói.
– “Cái gì?”
– “Có lẽ có nhiều cô nàng như vậy ở Á Châu”
Cho nghiêng đầu sang một bên
– “Điều đó có giúp ích được gì cho tôi đâu, khốn kiếp! ”
Hình 8: Alex và cuốn truyện Big Little Man.
– Nguyên bản: Asian Boy trong cuốn sách “Big Little Man: In Search of My Asian self” của Alex Tizon
– Dịch thuật: Lê-Thân Hồng-Khanh
– Hình ảnh: Nguồn net
Cô kính mến ! Qua bài viết của Cô về ”Chàng Trai Châu Á – ALEX TIZON , em đọc và nhận thấy người Châu Á cũng rất thông minh và tài giỏi ,điển hình là ALEX – TIZON anh đã vượt qua số phận đễ trở thành một nhà văn nổi tiến .Rất càm ơn Cô đã cho chúng em mở thêm tầm hiểu biết ,kính chúc Cô vui khỏe .
Kính chào cô Hồng Khanh,
Cảm ơn cô ra công sức dịch thuật những bài hay. Đọc một lần chưa cmt nổi. Xem như em nhá “Like” trên fb.