DU LỊCH CÙ LAO GIÊNG
Ngày 25/9, nhận lời mời của nhóm cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), nhóm trang nhà gồm My Nguyễn, Phi Rom, Hoa Đăng, Phan Lương, Nguyễn thị Thắm, Tiểu Miêu, Phương Lê, Ngọc Minh và người bạn lớn đã khởi hành đi Lấp Vò (Đồng Tháp) nơi gần nhà anh Kim Thuấn.
Xe đến thị trấn Lấp Vò lúc gần 12 giờ trưa, phía CHS Thoại Ngọc Hầu có hai người ra đón là Trịnh Kim Thuấn và Trần Minh Thuận. hai hướng dẫn viên này đưa đoàn Vĩnh Long đến quán cà phê Quỳnh Anh, cách chợ Lấp Vò khoảng 1.500 mét.
Giao lưu với trang Tống Phước Hiệp
Vừa đến cổng quán, cả đoàn thấy có giàn hoa vàng nên chưa muốn vào quán mà muốn lấy một kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Quán khá thơ mộng, có nhà sàn, có hoa và cây trái khiến cho My Nguyễn, Phi Rom, Hoa Đăng, Ngọc Minh chẳng chịu vào bàn. Phía chủ nhà vào bàn từ lâu, cơm canh sẳn sàng nhưng phải chờ mấy máy Iphon, Canon đóng lại thì mới vào bàn ăn được.
Tại đây, Phương Lan đã nhìn ra anh Thuận là hiệu trưởng Trần Minh Thuận ngày xưa của mình ở trường PTCS Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, năm 1983-84. Phương Lan còn nhớ thầy hiệu trưởng này đàn ghita rất hay , đến nay hơn ba mươi năm mà cô vẫn nhớ. Thầy Thuận lúc bấy giờ cho biết hồi đó thầy có học trường Quốc gia Âm nhạc, không bao lâu thì chuyển qua học sư phạm. Sau đó lập gia đình và mua nhà ở Phường 5, TP.Vĩnh Long, gần quán Windows.
Bữa cơm này cũng đơn giản, món canh chua cá hú và cá long tong kho tộ, chỉ vậy thôi mà cả đoàn ăn hết sức ngon, cạnh tranh với món gà nướng muối ớt ăn bánh mì của My Nguyễn
Lúc bấy giờ là 13.20 giờ, hướng dẫn viên cho đoàn biết, gần đây có Nam Phương Linh Từ một ngôi chùa nguy nga ở miền tây, khá đẹp có thể giới thiệu với đoàn nhưng vì hôm nay thứ hai nơi đây không mở cửa đón khách. Phương án 2 được thiết kế ngay là đưa đoàn qua Nhà thờ Cù Lao Giêng, chùa Phước Thành, chùa Đạo Nằm, Đình thần xã Tấn Mỹ , trên đường về ghé đền thờ Tuyên Trung Hầu – Nguyễn Văn Tuyên và Tòng Sơn cổ tự…….
Đi thăm cù lao Giêng
Từ Lấp Vò đi qua Cù lao Giêng phải đi ngang qua Cái Tàu Thượng, hướng dẫn viên dẫn xe đi con đường nhỏ, cầu chỉ có trọng tải một tấn trong khi xe 16 chỗ đã hơn trọng lượng đó. Khách trên xe đi mà hồi hộp. Xe qua cầu Cái Tàu Thượng nộp hết bốn mươi lăm ngàn đồng tiền phí. Qua cầu là đến địa phận Cù lao Giêng.
Nhà thờ Cù lao Giêng là điểm đến đầu tiên, nghe nói đây là nhà thờ cổ chỉ sau nhà thờ Cái Mơn ở Chợ Lách, được khởi xây năm 1879, xưa nhất của tỉnh An Giang.
Kiến trúc nhà thờ Cù Lao Giêng theo kiểu Pháp xưa, dù nhà thờ Cái Nhum và Cái Mơn có trước nhà thờ này nhưng cũng không có được nét cổ như vầy. Tiếc là đỉnh nhà thờ quá cao, phía trước lại dây điện chằng chịt nên khó lấy ảnh đẹp. Ngoài nhà thờ chính còn có nhà dành cho quý cha cũng khá đẹp, Nguyễn Thị Thắm và My Nguyễn đều có lấy cảnh nơi này.
Điểm kế tiếp là chùa Phước Thành,anh Trịnh Kim Thuấn lại ghé nhà người bạn của anh : thầy giáo Trần Phước Đường nhờ hướng dẫn tiếp. Xe chạy còn cách chùa độ hai cây số thì lại gặp cầu tải trọng 1 tấn, mà đà cầu bằng thép thì gỉ sét nên tài xế không dám qua đành quay lại.
Trên đường quay lại, đoàn ghé đình thần xã Tấn Mỹ, một ngôi đình cổ mới được trùng tu lại năm 2014 nên rất lộng lẫy. Anh Đường cho biết, đình này đại tu với kinh phí 18 tỷ đồng, nên từ trong ra ngoài đều sặc sở. Anh Đường liên hệ với ông từ xin phép được vào đình tham quan. Bên trong đình Tấn Mỹ cũng giống như các đình chùa khác có treo tranh do các họa sĩ vẽ, trong đó các bức tranh theo tích sử việt, nào là Lạc Long Quân với bà Âu Cơ, Thánh Gióng, Nỏ thần Kim Qui,
Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng đạo Vương với trận Bạch Đằng, .vv một hình thức rất hay để nhắc lại lịch sử nước nhà cho bà con nông thôn và cũng để trang hoàng bên trong đình cho đẹp. Ngoài đình có sân rộng, thích hợp cho trẻ vui chơi. Ngọc Minh thấy vậy chụp hình với trẻ thơ.
Ngoài cổng đình có hai con hổ to, trẻ con cưỡi được phải chăng để bảo vệ đình dù bên trong có bức họa kỳ lân vẫn uy nghi và trước đình có hai con rồng sơn mạ vàng óng ánh.
Anh Trần Phước Đường hướng dẫn đoàn đến chùa Thành Hoa tức chùa ông Đạo Nằm. Theo anh Trịnh Kim Thuấn, chùa Thành Hoa được xây dựng vào năm 1953 dưới thời sư tổ là hoà thượng Tịnh Nghiêm trụ trì. Ông quê ở làng Hoà An, Cao Lãnh, Đồng Tháp, được gia đình đưa sang tu tại chùa Phước Thành từ lúc 6 tuổi . Tịnh Nghiêm không sáng tác kinh kệ, không đưa racách thức tu tập mới nhưng việc tu tập của ông khá ly kỳ, từ cách sinh hoạt đến dáng đi, giọng nói đều biểu hiện cốt cách phi phàm. Cách tu luyện của ông kỳ lạ, đó là “nằm”. Trong suốt chín năm tu luyện, ông đều nằm quay mặt vào vách theo tư thế của Đức phật Thích ca, còn được gọi là “Cửu niên diện bích”. Sau khi đắc đạo, ông bắt đầu thuyết pháp và thu hút hơn ngàn người theo đạo. Ngoài việc thuyết pháp, ông còn chủ trương cho chùa tích góp lúa gạo, lúc nào cũng phải đầy bồ lúa nhưng không được bán để người dân có thể vào lấy ăn khi nào cần.
Phía trước chùa có một ao sen khá đẹp, liễu rủ quanh năm như bức tranh thủy mặc do vậy mà My Nguyễn và Thắm Nguyễn đã lựa chọn cảnh này đưa vô an bum của mình.
Chùa đạo nằm hiện nay đang xây cất thêm, mở rộng nơi thờ Phật, xây thêm nhà khách, chuẩn bị cho ngày giỗ sắp đến vào rằm tháng 2 âm lịch. Ngày này có năm đến hang vạn người đến cúng kiến. Đến với chùa Thành Hoa, du khách sẽ được chào đón rất niềm nở và còn được thưởng thức buổi cơm chay thanh đạm tại chùa. Các vị trong đoàn bàn nhau ngày này nếu có duyên sẽ đi đến cúng.
Trên đường về
Theo lịch trình của hướng dẫn viên thì qua cầu Cái Tàu Thượng sẽ ghé miếu thờ Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên và kế tiếp đến Tòng Sơn cổ tự ở xã Mỹ An Hưng A, nơi phát tích Đức Phật thầy Đoàn Minh Huyên nhưng vì trời xế chiều nên tạm dừng chia tay ở đây.
Xe chạy về trên đường ngang qua Sa Đéc, đến buổi ăn chiều Ngọc Minh muốn chiêu đãi mọi người hủ tíu Sa Đéc, nhưng nghe nói hủ tíu Mỹ Ngọc giá rất cao nên mọi người không chịu ăn, đề nghị đổi thành cháo-miến vịt. Quán được chọn là quán cháo Nhựt Hào 2 ở đường Hùng Vương. Ăn ở đây mà My Nguyễn và Ngọc Minh nhắc quán cháo ở Cầu Mới gần nhà anh Gương, ăn ngon hơn.
Đoàn về tới TP.Vĩnh Long lúc phố sá lên đèn. Hẹn chuyến đi kế tiếp.
Lương Minh
h1 Chưa vào quán, chụp hình lưu niệm cái đã
h2 Trần Minh Thuận chào mừng đoàn
h7 tranh Hưng Đạo Vương treo trong đình
h8 ao sen trước chùa Thành Hoa
Đúng là bài viết của một phóng viên nhà báo. Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, anh Lương Minh đã nắm bắt thật nhiều thông tin, chi tiết đặc biệt ở những nơi đoàn đến. Thật ra, nếu đi du lịch biết được nhiều thông tin bổ ích thì mới thấy nơi mình đến là thú vị.
Cù lao Giêng đối với MN thật xa lạ, chưa có một ấn tượng gì. Không ngờ ở vùng đất xa xôi hẻo lánh đó, lại có những công trình mang ý nghĩa lịch sử. Có một thánh đường uy nghiêm với lối kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng chỉ sau nhà thờ Cái Mơn và trước nhà thờ Đức Bà SG. Qua tìm hiểu, MN được biết Cù lao Giêng còn là quê hương của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nơi đây là bối cảnh để ông viết quyển tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu”…
Cảm ơn anh LM có một bài viết hay, giới thiệu một chuyến du lịch ngắn đầy thú vị. Đã có vài bạn hỏi đường đi, MN không nhớ gì cả (vì rất dở việc nhớ đường). Vậy sau này nhóm bạn nào muốn đi cù lao Giêng, anh LM chỉ đường giúp nhé!
Mặc dù không đi theo đoàn tham quan xứ sở Đồng Tháp ,đọc bài của anh Lương Minh thật hay BN cũng hiểu biết thêm nhiều nơi mình chưa đến .Đúng là vui ,đầy ấn tượng được thăm cù lao Giêng ….mong một ngày BN sẽ được đến nơi đó .