Đinh Công Tâm- Độc giả “độc” thời hiện đại

Ngày đăng: 26/06/2017 12:02:41 Sáng/ ý kiến phản hồi (8)

Du khách và anh em văn nghệ đi thăm khu di tích nhà văn Sơn Nam ở Tiền Giang đều thấy bức chân dung lớn treo trong ngôi nhà này như một ảnh lãnh tụ được ghi chú là nhà giáo Đinh Công Tâm. Ông giáo Tâm là ai ? Nhà văn hay nhà nghiên cứu, bà con hay bạn bè với Sơn Nam ? Câu hỏi mà bạn bè tôi thường nêu, sẳn dịp đây xin được nói thêm về nhân vật này. Những năm 2000, sáng chủ nhật tôi thường đến Thư viện Gò Vấp để uống cà phê và trò chuyện với nhà văn Sơn Nam, tôi được quen với các độc giả và bạn bè thân thiết của Sơn Nam, trong đó có nhà giáo Đinh Công Tâm. Anh Tâm được Sơn Nam giới thiệu là giáo viên về hưu và là một người có kinh doanh bất động sản chút chút ở Bình Tân. Anh Tâm không làm nghề văn, nghề báo nhưng  rất mê lối viết văn của Sơn Nam. Anh cho biết năm  1962 khi tập truyện Hương rừng Cà Mau ra đời, anh mê nhất là truyện “Tình nghĩa giáo khoa thư” truyện kể lại  một phái viên của tờ báo ở Sài Thành đi đòi tiền báo một nông dân nghèo ở quê, miệt khỉ ho cò gáy. Anh nông dân đăng ký báo dài hạn này tên Tư Có, độc giả duy nhất của tờ báo ở miền sông Hậu, anh cũng là người có chút chữ nghĩa; nông sản thì có nhưng tiền bạc thì lại thiếu. Tư Có hiếu khách như những người dân quê miền Nam, khách đến nhà rượu thịt mồi màng đầy đủ, trò chuyện với anh phái viên rất là tâm đắc. Hai người đồng chạng tuổi, cùng đi học tiểu học một thời kỳ nên dù ở hai nơi xa thẳm nhưng cùng học sách giáo khoa thư. Sách giáo khoa này không có gì cao siêu, do Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, chứa đựng những bài học làm người, văn chương trong sách dễ đọc và làm cho học sinh khó quên. Thế nên khi Tư Có nhắc đến chuyện nào trong sách Giáo khoa, thầy phái viên cũng nhớ liền bài học ấy. Một sự đồng cảm giữa hai người qua kỷ niệm thời đi học. Thế nên sau một đêm trò chuyện (ngủ không được vì nhà lạ)  người phái viên trở về tòa báo với hai bàn tay không, tiền báo thu không được còn tốn thêm chi phí đi đường gấp đôi số tiền báo của cả năm! Câu chuyện có tình, lại vui nên anh Tâm có cảm tình với tác giả Sơn Nam. Từ đó những  truyện nào của Sơn Nam anh đều mua để đọc và sưu tập thành một tủ sách Sơn Nam.

Đinh Công Tâm theo đạo Tin lành, sáng chủ nhật anh đi nhà thờ trên đường Phan Đăng Lưu, tan lễ anh chạy về Thư viện Gò Vấp. Ở đó có những người bạn đa số lớn tuổi gồm giáo viên, bác sĩ, phóng viên quay quần bên Sơn Nam để uống cà phê và nói chuyện đời. Từ nhà ra nhà thờ hơn mười lăm cây số, anh đi ngang sạp báo nào cũng lật từng tờ xem có bài viết của Sơn Nam để mua, nhờ vậy mà bài của Sơn Nam đăng trên báo Công An thành phố, tác giả gửi bài chưa biết có đăng không thì độc giả Tâm đã biết trước rồi.  Buổi trưa, trước khi về nhà ở Bình Hưng Hòa (Bình Tân) anh ghé qua mấy tiệm sách cũ trên đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận) để lùng sụt báo cũ. Báo nào có bài của Sơn Nam anh đều thu gom, bài của các phóng viên khác viết về Sơn Nam anh cũng đưa vào giỏ. Có hôm tôi thấy anh khoe với tôi một bài báo do Sơn Nam viết, được dán trong miếng carton trông rất ngộ nghĩnh. Thông thường các tờ báo đăng bài không theo diện tích hình dạng cố định, thậm chí đăng trang 2 hai cột, tiếp theo trang 4 một cột rưỡi, anh cắt lấy bài báo rồi tự mình “dàn trang” lại , dán vào một tờ giấy cứng rồi ép ny lon trong rất lịch sự. Công việc này nếu không phải là tác giả thì khó có ai tỉ mỉ để làm. Sơn Nam nhìn thấy cũng ngưỡng mộ người bạn già này. Anh tâm sự, đi lùng các chỗ bán báo cũ, lọc ra từng tờ trong xấp báo dày cộm, thấy được bài viết về Sơn Nam, nổi vui sướng của anh lên đến tột cùng, niềm vui giống như nhà nông đi cày gặp được báu vật ở dưới ruộng.

Có lẽ trên thế gian này, không ai có tư liệu về Sơn Nam hơn Đinh Công Tâm, nhất là về mặt chuyên môn. Một quản thủ thư viện phụ trách về một tác giả thì tìm tư liệu về tác giả đó dễ dàng hơn và đầy đủ hơn. Bởi vậy đã có hai nghiên cứu sinh bằng thạc sĩ về đề tài nhà Nam bộ học đã đến nhà anh mượn tư liệu để thực hiện. Với sự đam mê sưu tập gần nửa thế kỷ, cộng với sự giao tiếp với Sơn Nam trong thời gian cuối đời của nhà văn nên anh Tâm cũng được Sơn Nam hổ trợ  và viết lời tựa để xuất bản cuốn “Kể chuyện lịch sử nước nhà” xuất bản lần 1 năm 2005 và được NXB Trẻ tái bản nhiều lần những năm sau đó

. Sau khi Sơn Nam (SN) mất, anh là người thường được xuất hiện tại các cuộc hội thảo về Sơn Nam bên cạnh các nhà văn, nghệ sĩ  thân hữu có giao du thân tình với SN. Những sách vở của SN xuất bản trước 1975 được trưng bày trong nhà lưu niệm, một phần là do anh tặng. Năm 2012, kỷ niệm 50 năm xuất bản cuốn “Hương rừng Cà Mau” anh đã tặng cho Nhà xuất bản Trẻ quyển sách này do NXB Phù Sa in lần đầu năm 1962, góp phần cho việc tái bản sách này.

Trong buổi kỷ niệm này, các nhà văn và chị Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc nhà XB Trẻ đặt ra câu hỏi: Ai có thể thay thế Sơn Nam viết về văn học văn minh miệt vườn, dường như có người nói là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Do đó có người nói Đinh Công Tâm hướng về “thần tượng văn học mới”, Nguyễn Ngọc Tư. Thế nhưng anh khẳng định khi Sơn Nam cho anh biết về tài năng của Nguyễn Ngọc Tư (năm 2002) thì anh đã mua tiểu thuyết và tạp văn của nhà văn nữ này. Năm  2008, nhà văn Nguyễn Trọng Tín có đề nghị  đưa anh đi Cà Mau về quê Tín chơi và cũng để hội ngộ cùng Nguyễn Ngọc Tư nhưng chưa đi được thì nay sức khỏe không cho phép anh đi xa; con mắt anh giờ cũng kém nên việc sưu tập cũng bị gián đoạn. Có một người bạn trẻ ở Vũng Tàu tên Hoàng Dũng cũng có sở thích giống anh, tình nguyện nối bước làm kẻ sưu tập chuyên về Nguyễn Ngọc Tư, anh đã chuyển giao sách vở báo chí về Ngọc Tư cho người bạn trẻ đó.

IMG_1896                      Đinh Công Tâm và Lương Minh

Với hơn nửa thế kỷ sống và gìn giữ tác phẩm của một tác giả là một chuyện lạ. Khi bắt đầu thực hiện công việc sưu tập tác phẩm của Sơn Nam, anh đâu nghĩ đến về sau sẽ được gì. Cũng như nhân vật Tư Có trong câu chuyện  Tình nghĩa giáo khoa thư, ông và Sơn Nam cũng có mối giao tình qua văn chương, qua con người , hàng tuần gặp bạn uống cà phê, đọc tác phẩm của bạn lấy làm niềm vui. Cái chơi của ông thuộc dạng “quý phái” không phải ai cũng làm được, nhờ vậy mà người đời còn biết được đầy đủ những gì về ông già Nam bộ, biết được cuộc sống của người dân vùng đất mới khai hoang này.

bài và ảnh Lương Minh

Bài đăng trong Quán văn số 46

(Phát hành ngày 25/6/2017)

Có 8 bình luận về Đinh Công Tâm- Độc giả “độc” thời hiện đại

  1. Neang Phi Rom nói:

    Bài viết thật hay về giá trị của một con người đáng được nể trọng và khâm phục.

  2. Hoành Châu nói:

    Đinh Công Tâm ~ Độc giả ” độc ” thời hiện đại  có lẽ bao hàm hai ý :
    1/  Công sức  lâu dài và kiên trì  của một  cá nhân bỏ ra tìm tư liệu về một nhà văn mà mình yêu thích  quả là ĐỘC    đáo !!
    2/Âm thầm  dò tìm một cách   đơn  ĐỘC   tuy  vất  vả  nhưng  lại  lắm vinh quang  và tự hào   với việc  mình  quyết đeo đuổi  !
    Hoành Châu ( Gia đình C  )

    • Luong Minh nói:

      Tôi có anh bạn nhà thơ, trước đây mỗi khi anh có bài đăng báo thì anh thông báo cho bạn gái là cô giáo hâm mộ thơ của anh mua và cô ta lưu trữ giùm. Anh nói, đề phòng mai sau có mất đi thì cũng còn một chỗ để tìm. Tôi không biết bây giờ cô ta còn giữ các tác phẩm của anh không, vì anh đã mất cách nay 8 năm.
      Một tác giả mà có 1 độc giả trung thành như vậy là niềm hạnh phúc

      • Hoành Châu nói:

        Đúng vậy ! Có người lặng lẽ ra đi  thì sao ? Chỉ ĐỘC  một người lại đặc biệt nữa là chắc mau  đến suối vàng Hihi  !
        Hoành Châu (Gia đình C  )

  3. Phong Tâm nói:

    Có một sở thích với niềm đam mê như nhà giáo Đinh Công Tâm vừa kể trên, ở thời đại nầy thật quá hiếm. Ngoài anh, tìm ra người thứ hai không dễ gì ta gặp được. Rất khâm phục!

  4. NHA nói:

    Đọc bài này và các phản hồi xong tôi bỗng nhiên nghĩ đến thằng bạn của tôi, dù làm thơ cho vui, lặng lẽ ra đi không rõ nó có độc giã nào ái mộ sưu tầm và lưu trử bài của nó không ?

    • luong minh nói:

      Theo tôi biết nhà thơ Phú Thạnh được ông bạn thiếu thời ở quê sưu tầm và lưu trữ đầy đủ. Anh NHA đừng có no

      • NHA nói:

        LM ơi,

        Thằng bạn thiếu thời đương nhiên đã làm nhưng NHA “no” về mục có hay không có một  “độc giã nào ái mộ” làm việc đó đấy mà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác