NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Ngày đăng: 29/05/2017 09:16:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Alex Tizon (1959-2017) là người Mỹ gốc Phi Luật Tân, ông theo cha mẹ sang Hoa Kỳ năm lên bốn tuổi, lớn lên và sống tại đó, theo học đại học Oregon và đại học Standford. Ông là nhà văn, nhà báo và nhận được giải thưởng Pulitzer về báo chí. Ông là tác giả của cuốn sách Big Little Man: In Search of My Asian Self, một cuốn hồi ký nói về lịch sử văn hoá, những đề tài liên quan đến những  khám phá về chủng tộc và cá tính con người. Ông qua đời vào tháng 3, 2017.

My Family’s Slave là một trong những hồi ký ngắn của ông được đăng trên tờ báo The Atlantic sau khi ông đã qua đời. Truyện ngắn này đã tạo được tiếng vang và hiện tại đang gây nên sự bàn luận về vấn đề “nô lệ”

                                        NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI
0 nole 1                                  Lola ( Eudocia Tomas Pulido)

Nhúm tro được đựng trong một hộp nhựa màu đen chỉ lớn bằng chừng miếng bánh mì toast, nặng khoảng chưa tới hai kí lô, được bỏ vào trong một túi vải dầy trước khi xếp vào va li, sửa soạn cho chuyến bay xuyên Thái bình Dương đến Manila của tôi vào tháng bảy. Từ đó tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng xe hơi để tới một làng quê, nơi mà tôi sẽ  gởi tất cả những gì còn lại của một người phụ nữ đã sống suốt 56 năm như một người nô lệ trong gia đình tôi.

Người đàn bà này tên là Eudocia Tomas Pulido mà chúng tôi gọi là Lola, cao chừng  1,50 m,  nước da ngăm ngăm. Liên tưởng đầu tiên của tôi là đôi mắt hình hạnh nhân của Lola như đang nhìn vào mắt mình.

Năm Lola 18 tuổi, ông ngoại tôi tặng Lola cho mẹ tôi như một món quà. Khi gia đình tôi sang Hoa Kỳ, Lola cũng đi theo. Không có chữ nào chính xác hơn là chữ “nô lệ” để diễn tả cuộc đời của Lola. Một ngày của Lola bắt đầu trước khi mọi người trong gia đình thức dậy và chỉ chấm dứt sau khi mọi người đã ngủ yên. Lola phải sửa soạn ba bữa cơm mỗi ngày, quét dọn nhà cửa, làm theo lời sai bảo của cha mẹ tôi và chăm sóc chúng tôi, bốn đứa trẻ nhỏ.

Cha mẹ tôi không trả lương cho Lola mà ngược lại còn la mắng thường xuyên. Lola không phải đeo cùm sắt nhưng thực ra cũng giống như bị mang cùm. Nhiều đêm trên đường đi vào phòng tắm, tôi thấy Lola ngủ trong một góc, ngồi sụp xuống giữa một đống quần áo, trong tay còn cầm một cái áo đang gấp dở.

Hàng xóm người Mỹ thường nói, chúng tôi là những người di dân điển hình, một gia đình kiểu mẫu. Cha tôi có bằng đại học về luật, mẹ tôi đang trên đường để trở thành một bác sỹ y khoa, anh em chúng tôi học giỏi và lễ phép. Chúng tôi không bao giờ đề cập đến Lola, chúng tôi không hề tiết lộ gì nhiều hơn ngoài việc cho mọi người biết, chúng tôi là ai và nhất là lũ trẻ chúng tôi muốn sẽ là gì trong tương lai.

Sau khi mẹ tôi mất vì bệnh ung thư máu năm 1999, Lola về ở với tôi tại một tỉnh nhỏ, phía bắc của Seattle. Lúc đó tôi đã lập gia đình, có nghề nghiệp, có một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, giấc mộng tại Mỹ đã thành sự thật….và tôi sở hữu một nô lệ !

Khi nhận hành lý ở Manila, tôi mở va li để kiểm soát xem hộp tro của Lola có còn đó không. Ra khỏi phi trường tôi hít thở một mùi quen thuộc, một mùi trộn lẫn giữa sự mệt nhọc và rác rưởi, của biển cả, của trái chín và mồ hôi.

Vào buổi sáng sớm hôm sau, tôi tìm được một người tài xế hoà nhã, tuổi trung niên tên là Doods, chúng tôi lên đường bằng chiếc xe chở hàng của anh ta, lách lượn theo dòng xe cộ tấp nập. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh xe cộ dầy đặc trên đường, vô số xe hơi, xe gắn máy, xe jeep chở hành khách. Mọi người cuốn lượn cùng dòng xe cộ và đi lại trên vệ đường như đi trong những dòng sông lớn màu nâu. Những người bán dạo chân đất chạy dọc theo các xe để bán rong thuốc lá, kẹo ho và những gói đậu phọng luộc. Trẻ ăn mày dán mặt vào cửa xe.

Doods và tôi trực chỉ đến nơi mà câu chuyện về Lola bắt đầu, ở phía bắc, trung tâm của  đồng bằng: vùng Tarlac là xứ sở của lúa gạo, quê hương của trung uý chuyên hút sì gà, Tomas Asuncion, ông ngoại tôi.

Theo truyền thuyết của gia đình thì trung uý Tom là một người đàn ông tiêu biểu có pha chút lạ thường và bí ẩn. Ông sở hữu rất nhiều đất đai nhưng lại không có nhiều tiền, các bà vợ thứ hoặc tình nhân của ông đều được ông xây nhà cho ở riêng biệt trên khu đất của ông. Vợ chính của ông qua đời trong khi sanh ra mẹ tôi, người con duy nhất của ông. Mẹ tôi được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi hàng loạt “utusans”, “những người nhận lệnh” ( nô lệ)

Vấn đề nô lệ được coi như đã có truyền thống trên các đảo ở đây, trước khi người Tây Ban Nha đến, người đảo này bắt người đảo kia về làm nô lệ. Những người nô lệ thường là người bị bắt, những tội phạm hoặc con nợ. Có rất nhiều loại nô lệ khác nhau, từ những chiến sỹ được hưởng quyền tự do nhờ giá trị của người giúp việc mà họ xem như là của riêng của họ để có thể mua, bán hoặc đổi chác những người này.

Những nô lệ ở cấp cao có quyền sở hữu nô lệ ở cấp thấp hơn và những nô lệ ở cấp thấp hơn có quyền sở hữu nô lệ ở cấp thấp nhất. Một số người chọn làm đày tớ cho người khác cũng chỉ vì muốn được sống sót: dùng sức lao động của mình để đánh đổi lấy miếng ăn, chỗ ở và sự che chở của chủ nhân.

Khi người Tây Ban Nha tới vào năm 1500, họ nô lệ hoá toàn dân trên đảo, sau đó đem nô lệ Phi Châu và nô lệ da đỏ đến. Khi Vương quốc Tây Ban Nha bắt đầu bãi bỏ nô lệ  trong nước cũng như tại các thuộc địa thì tại nhiều vùng quá xa xôi ở Phi Luật Tân, cơ quan có thẩm quyền cũng không thể nhắm mắt làm ngơ nhưng truyền thống nô lệ vẫn được duy trì bằng cách trá hình, cả sau khi Phi Luật Tân ở dưới quyền kiểm soát của Mỹ năm 1898 cũng thế.

Ngày nay, ngay những người nghèo vẫn sở hữu những người được gọi là utusans, katongs, người giúp việc hay kasambahays, người ở đợ, nếu trong xã hội vẫn có những người nghèo khổ hơn mình. Hố sâu ngăn cách quá rộng !

Trung uý Tom sở hữu ba gia đình utusan sống trên phần đất của ông. Vào mùa xuân năm 1943, thời gian Phi Luật Tân đang bị quân Nhật chiếm đóng, ông đem về nhà một cô gái từ dưới làng. Cô gái này là con của một gia đình nông dân có họ hàng xa với ông; thấy cô ta nghèo, thất học, có vẻ dễ bảo, thêm nữa cô ta đang khổ sở vì bị cha mẹ ép buộc phải kết hôn với một trại chủ nuôi heo gấp đôi tuổi, tuyệt vọng nhưng không biết phải làm sao và đi đâu. Ông trung uý khôn ngoan này bèn đề nghị sẽ nuôi và cho cô ta ăn ở trong nhà để cô ta chăm sóc con gái của ông vừa đúng 12 tuổi.

Lola đồng ý mà không biết là đây là một quyết định cho cả cuộc đời của mình. “Đây là món quà của ba cho con”, trung uý Tom nói.

“Con không muốn nhận cô ta”,  mẹ tôi trả lời dù biết là bà không có sự chọn lựa. Trung uý Tom lên đường đánh quân Nhật để mẹ tôi lại với Lola trong căn nhà kẽo kẹt tại miền quê. Lola lo chăm sóc mẹ tôi, lo cho ăn, cho mặc. Khi đi chợ Lola cầm dù che nắng cho mẹ tôi. Buổi tối sau khi đã lo xong mọi việc trong nhà như cho chó ăn, quét sàn, xếp quần áo đã giặt bằng tay ở sông Camiling, Lola ngồi bên cạnh giường để quạt cho mẹ tôi ngủ.

Một hôm, trong những ngày được nghỉ phép về thăm nhà, trung uý Tom biết được mẹ tôi đã nói dối ông về việc dính lứu tới một thanh niên mà bà không được phép giao tiếp. Ông nổi giận, ra lệnh cho con gái mình phải ra đứng cạnh bàn ăn. Mẹ tôi co rúm người cùng Lola trong góc phòng rồi với giọng run rẩy, bà xin với ba của bà cho Lola chịu thế hình phạt dùm bà. Lola nhìn bà một cách khẩn cầu rồi bước tới bàn ăn mà không nói một lời, tay vịn chắc vào thành bàn. Tom giơ thắt lưng lên và quất mười hai lần, mỗi lần quất ông nhấn mạnh một chữ, CON.KHÔNG. ĐƯỢC. NÓI. DỐI. CHA; CON. KHÔNG. ĐƯỢC. NÓI. DỐI. CHA, trong khi Lola không rên la một tiếng.

Sau này khi mẹ tôi kể lại câu chuyện, bà có vẻ thú vị vì sự tàn bạo và trong giọng của bà có ý như muốn nói “con có tin là mẹ đã làm như vậy không “. Khi tôi nhắc đến chuyện này, Lola bảo tôi kể lại xem mẹ tôi đã nói những gì. Lola chăm chú nghe, đưa mắt nhìn xuống rồi ngẩng lên nhìn tôi thật buồn và nói “Phải rồi, đúng như vậy”.

Bẩy năm sau, 1950 mẹ tôi lập gia đình với cha tôi và dọn lên ở Manila, đem theo Lola. Trung uý Tom bị ma quỷ ám và đã dùng súng bắn vào thái dương của mình. Mẹ tôi dường như không bao giờ đề cập đến chuyện này. Mẹ tôi thừa hưởng bản tính của trung uý Tom- bất thường, kênh kiệu, yếu đuối và học nằm lòng những bài học của cha mình, trong đó có việc giữ đúng ngôi vị của một “bà chủ”. Phải biết đóng vai người ra lệnh, phải giữ cho người dưới quyền của mình luôn biết chỗ đứng của họ để mọi việc tốt cả cho họ và êm đẹp cho toàn thể gia đình.

Họ có thể khóc lóc, kêu ca nhưng trong thâm tâm họ sẽ nhớ ơn, và sẽ thương yêu chủ họ vì người chủ đã thực hiện những gì mà Chúa muốn họ được nhận.
0 nole 2                                               Lola và Arthur. 

Anh tôi, Arthur được sinh ra vào năm 1951, tôi là kế tiếp, sau đó là ba bé em được sinh ra trong khoảng thời gian ngắn.

Cha mẹ tôi mong đợi Lola cũng tận tuỵ với chúng tôi như Lola đã tận tuỵ với ông bà. Trong khi Lola chăm sóc chúng tôi, ông bà tiếp tục đi học và đạt được bằng cấp cao hơn, thuộc vào nhóm người có thật nhiều bằng cấp nhưng lại không có công ăn, việc làm. Thế rồi, một biến chuyển lớn xảy ra, cha tôi nhận được công việc phân tích về thương mại trong bộ ngoại giao, lương bổng tuy ít ỏi nhưng chỗ làm ở Hoa Kỳ, nơi mà cả cha lẫn mẹ tôi lâu nay đều mơ ước được đến, nơi mà những gì ông bà mong muốn sẽ trở thành sự thật.

Cha tôi được phép mang theo gia đình và một người giúp việc. Biết là cả hai vợ chồng  sẽ phải đi làm nên cha mẹ tôi cần có Lola để lo cho chúng tôi và trông nom nhà cửa. Mẹ tôi cho Lola biết tin, bà bối rối khi thấy Lola không chịu chấp thuận liền. Nhiều năm về sau, Lola nói với tôi là khi được tin, Lola kinh hãi vì phải đi xa quá và có thể cha mẹ tôi sẽ không cho Lola về thăm nhà. Cuối cùng cha tôi thuyết phục được Lola với lời hứa là ở Hoa Kỳ mọi việc sẽ đổi khác, khi ông bà đã ổn định, Lola sẽ được trả lương để có tiền gởi về cho cha mẹ hoặc bà con ở trong làng. Cha mẹ của Lola sống trong một căn lều nền đất, Lola có thể xây cho cha mẹ một căn nhà đúc bê tông và thay đổi cuộc sống cho cha mẹ mình mãi mãi. Cứ tưởng tượng xem !

Vào ngày 12 tháng 5 năm 1964, chúng tôi đến Los Angeles, tất cả vật tuỳ thân của gia đình tôi nằm trong những thùng các tông buộc bằng dây, lúc đó Lola đã ở với mẹ tôi được 21 năm.

Đối với tôi, Lola gần gũi hơn với cha mẹ tôi, tôi thấy mặt Lola đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng và cuối cùng trước khi ngủ. Khi còn bé, tôi đã gọi tên Lola mà tôi phát âm là “Oh-ah” thật lâu, trước khi tôi học để gọi hai tiếng Mẹ và Cha. Tôi không chịu ngủ nếu Lola không bồng tôi hay ít nhất là phải ở bên cạnh tôi.

Khi đến Hoa Kỳ tôi mới lên bốn, quá nhỏ để biết chỗ đứng của Lola trong gia đình tôi nhưng khi các anh em và tôi lớn lên ở bên này bờ đại dương, chúng tôi nhìn thế giới chung quanh bằng cặp mắt khác. Bước nhảy qua đại dương đã đem đến bước nhảy trong lương tâm mà cha mẹ chúng tôi không thể hoặc không muốn thực hiện.

Lola chẳng bao giờ nhận được tiền lương, Lola có hỏi cha mẹ tôi vài lần khi mẹ Lola ngã bệnh. Sau này hỏi ra tôi mới biết là bà bị bệnh kiết lỵ và gia đình của Lola không có tiền để mua thuốc cho bà uống. “Pwede ba?” Lola nói với cha mẹ tôi,  ” Có thể cho tôi tiền được không”, mẹ thở dài. Cha trả lời bằng thổ ngữ Tagalog “Làm sao mà có thể hỏi như vậy được. Cô không thấy chúng tôi khổ như thế nào à. Cô không biết xấu hổ hay sao?”.

Cha mẹ tôi đã mượn tiền cho gia đình sang Hoa Kỳ, sau đó lại phải mượn thêm để lo việc ở lại đây. Cha tôi được thuyên chuyển từ toà lãnh sự chính ở Los Angeles sang toà lãnh sự của Phi Luật Tân ở Seattle với số lương 5.600 dollar mỗi năm. Ông phải làm thêm việc thứ hai là dọn dẹp các xe trailer và việc thứ ba là đi thu nợ. Mẹ tôi làm chuyên viên cho vài phòng thí nghiệm y khoa. Chúng tôi rất ít khi thấy mặt cha mẹ và nếu có gặp thì hai người đều mỏi mệt và cáu kỉnh

0 nole 3                                                     Lola và gia đình tác giả tại Hoa kỳ.

Mẹ về đến nhà là mắng nhiếc Lola đã không lau chùi nhà cửa cho thật sạch hoặc không chịu ra lấy thơ đem vào, ” tôi đã nói là tôi muốn thấy thơ từ nằm ở đây khi tôi về đến nhà” bà nói bằng thổ ngữ Tagalog với giọng cay độc “có gì khó đâu, đứa ngu đần nhất cũng nhớ”. Rồi tới lượt cha, khi ông về đến nhà, mỗi lần ông lên giọng, mọi người trong nhà đều sợ xoăn người lại. Đôi khi cha mẹ tôi cùng hành Lola cho đến khi Lola phải bật khóc,  hình như đó là mục đích của ông bà.

Sự việc xảy ra làm tôi hoang mang, cha mẹ tôi đối xử rất tốt với anh chị em chúng tôi và chúng tôi rất yêu thương cha mẹ. Nhưng sao vừa mới tỏ tình cảm thương yêu với chúng tôi rồi lập tức quay qua tàn nhẫn với Lola. Dạo ấy tôi đã 11 hay 12 tuổi nên tôi bắt đầu thấy rõ hoàn cảnh của Lola. Anh Arthur hơn tôi tám tuổi nên đã nhìn thấy từ lâu. Chính anh đã cho tôi hiểu danh từ “nô lệ” liên quan đến Lola. Trước khi được Arthur giải thích, tôi cứ nghĩ Lola là một thành viên kém may mắn trong gia đình, tôi ghét cha mẹ tôi khi ông bà la mắng Lola nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ những chuyện xảy ra như thế là thiếu luân lý.

Arthur nói “Em có thấy ai bị đối xử và phải sống một cuộc sống giống như Lola hay không?”. Anh ta tổng kết cuộc đời thực sự của Lola : “Không có lương, làm việc cực nhọc suốt cả ngày, bị mắng nhiếc vì ngồi lâu hoặc buồn ngủ sớm. Bị đánh vì dám nói lại, mặc toàn đồ cũ, đồ thừa. Ăn đồ thừa, đồ còn dư lại một mình trong bếp. Ít khi được ra khỏi nhà. Không có bạn bè, không có thú vui giải trí ở ngoài gia đình. Không có chỗ ở riêng.”

Chỗ ngủ của Lola trong các căn nhà mà chúng tôi đã ở thường là một cái ghế dài hoặc là ở chỗ chứa vật dụng hay một góc trong phòng ngủ của các em gái. Lola thường ngủ lọt thỏm giữa những đống quần áo đã giặt.

Chúng tôi không thấy ở đâu có trường hợp giống như Lola ngoại trừ những nhân vật đóng vai nô lệ trong truyền hình và trong phim. Tôi còn nhớ, khi xem phim Cao Bồi mang tên “Người đã bắn chết Liberty Valance” có tài tử John Wayne đóng vai Tom Doniphon, một trại chủ bắn súng giỏi, thường ra lệnh cho người hầu của mình là Pompey bằng cách quát nạt. Ông ta gọi Pompey là “thằng bồi”, ” nhặt cái này lên Pompey. Pompey, chạy đi kiếm bác sỹ ngay. Làm việc đi Pompey!”, dễ bảo và vâng lời, Pompey gọi ông ta là “ông chủ Tom”. Hai người có mối liên lạc thật phức tạp, Tom cấm Pompey đến trường nhưng lại mở đường cho Pompey vào uống rượu tại quán rượu chỉ dành cho người da trắng. Gần hết phim thì Pompey cứu chủ mình khỏi bị chết cháy. Thấy rõ ràng là Pompey vừa quý mà vừa sợ Tom và anh ta đã đau buồn vì cái chết của Tom. Tất cả những điều này bao gồm trong câu truyện xoay quanh sự tranh tài  giữa Tom và kẻ xấu xa Liberty Valance.

( còn tiếp)

Nguyên tác: My Family’s Slave của Alex Tizon

Dịch thuật  : Lê-Thân Hồng-Khanh

Có 6 bình luận về NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI

  1. Lyhuong nói:

    Cảm ơn Cô đã cho em  được đọc những tác phẩm hay.Em kính chúc Thầy ,Cô luôn vui khỏe.

  2. Hoành Châu nói:

    Cô Lê Thân Hồng Khanh  dịch  từ nguyên tác  của ALEX  Tizon  ~  NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI    được  cô dịch thật rõ ràng ,  rành mạch ,,các tình tiết   trong truyện  rất  hấp dẫn. Qua bài này ta hiểu rõ hơn  về tình đời , tình người  dành cho cho cuộc  đời người  làm nô lệ ,,,  Cảm ơn cô đã chọn đoạn hồi ký hay này để phổ biến  cùng  anh chị  em .
    Em Hòanh Châu (Gia đình C  )

  3. VÕ THỊ LÀI nói:

    Cô kính yêu  ! Bài dịch của Cô thật hay, thật cảm động , rất là tội nghiệp cho cô Lola. Đọc bài Cô chúng em hiểu thêm về cuộc sống của người Nô Lệ , thật buồn khi họ cũng là con người như chúng ta nhưng lại bị phân biệt và đối xử tồi tệ . Em đợi xem tiếp để kỳ sau ,cám ơn Cô nhiều .

  4. Phạm thị Trí nói:

    Khanh à…Đọc truyện nầy, tim ta cứ đập mạnh theo từng tình tiết câu chuyện…Ở đời sao có người độc ác với con người như thế…cũng may là chế độ nô lệ đẵ không còn..Giờ đây lại nổi lên tầng lớp osin, đôi khi nó còn làm chủ lại người chủ…Ta đang chờ đọc tiếp đây bạn ơi !

    • Phạm thị Trí nói:

      Nói thêm nhen…Canada có rất nhiều dân Phi qua làm care giver, chăm sóc người già, hoặc giữ trẻ, chăm sóc nhà cửa…Họ rất tận tâm, có tình…Người Việt mình, những gia đình khá gỉa thường thích mướn Phi , chăm sóc cha mẹ già của họ …hơn là mướn Việt nam.. Họ vừa làm ban ngày, tối đi học thêm ( đa số họ đã có trình độ học vấn ở Phi ) sau 3 năm , họ có thể xin thường trú , chấm dứt hợp đồng osin.. và bắt đầu cuộc sống mới.

  5. Diệp Bích Ngọc nói:

    Cô kính mến! Em đọc bài dịch thuật của cô thặt hay ,hồi hộp ,hấp dẫn từng đoạn …Xã hội thời đó thấp hèn nhất kiếp người làm nô lệ ,lúc nào bị đối đối xử tàn ác …thật tội nghiệp . Em kính chúc cô và gia đình luôn vui ,khỏe ,thật hạnh phúc .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác