ĂN MỪNG NHÀ MỚI

Ngày đăng: 13/03/2017 10:43:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

HENRY DAVID THOREAU  (1817-1862)
Tôi được biết đến HENRY DAVID THOREAU khi học ban văn chương sinh ngữ tại trường Gia Long. Thầy Đỗ Khánh Hoan cho chúng tôi làm quen với tác giả qua bài viết “Solitude” một đoạn văn ngắn mà ông đã viết trong thời gian ông ở ẩn tại Walden Pond. Càng ngưỡng mộ hơn khi tôi được biết, ông đã bỏ tất cả để sống thử nghiệm cô đơn một mình trong rừng.
Ông đã sống ở Walden Pond thuộc vùng Concord, tiểu bang Massachusetts suốt thời gian hai năm, hai tháng trong căn nhà ông tự xây lấy cạnh ao Walden,trên phần đất của bạn ông, nhà văn và nhà thơ nổi tiếng Emerson. Sống hoà hợp với thiên nhiên, tự tay canh tác, trồng trọt, quan sát thế giới cây cỏ, thú vật quanh ông bằng những nhận xét tinh tế và dùng làm tài liệu để viết về đời sống của ông trong khoảng thời gian này trong cuốn sách có tựa đề “Walden”. Mặc dầu khi đương thời sách không nổi tiếng nhưng những trải nghiệm của ông đã thúc đẩy được một số giới trẻ cũng muốn đi tìm một cuộc sống yên bình nơi hoang dã, xa lánh khỏi cuộc đời vội vã vì bị kỹ nghệ hoá và những đổi thay, biến chuyển quá nhanh chóng.
Sau khi ông mất, em gái  cùng bạn bè của ông đã tiếp tục xuất bản tác phẩm của ông và nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả về quan niệm cũng như những trải nghiệm sống của ông.
Sách của ông được xuất bản nhiều như Civil Disobedient, Life Without Principle, Paradise (to be) Regained, The Maine Woods, A Week on the Concord….
Ở đây tôi xin được dịch một đoạn ngắn ở chương thứ XIII của cuốn sách Walden, được in vào năm 1854 để giới thiệu với bạn đọc một chút đời sống của Thoreau trong một khung cảnh thiên nhiên với thú vật cũng như cây trái, thảo mộc hoàn toàn khác hẳn với phong cảnh hoang dã ở quê hương Việt Nam chúng ta.

                           WALDEN 
Tác giả: Henry David Thoreau
Tập XIII: HOUSE WARMING-ĂN MỪNG NHÀ MỚi

Vào tháng mười tôi đi thu nhặt nho ở những cánh đồng gần sông, hái thật nhiều nhưng không phải chỉ để ăn mà chính là vì vẻ đẹp và mùi thơm của những chùm nho này. Cũng tại nơi đây, mặc dù không thu hoạch nhưng tôi lại thích ngắm những trái cranberry,
những viên ngọc như bằng sáp có ánh ngọc trai màu đỏ, là món trang sức cho đám cỏ trong cánh đồng.
Nông dân hái trái bằng cái cào thô kệch, để lại một khoảng trống trơ trụi trên cánh đồng cỏ bằng phẳng như những anh đồ tể cào lưỡi của các con bò rừng ra khỏi đám cỏ mà không thèm để ý gì đến những cây cành tả tơi, rũ rượi. Họ đong trái bằng những cái giạ, định giá tiền và đem bán thứ trái làm hư hỏng những cánh đồng cỏ này tại Boston và New York để làm mứt, để thoả mãn khẩu vị của những kẻ yêu thiên nhiên ở những nơi này. Những trái barberry lóng lánh nhưng với tôi, đó chỉ là món ăn bằng mắt mà thôi; tôi hái một ít trái táo hoang mà chủ nhân cũng như khách bộ hành đã bỏ quên, gọi là để dự trữ.
0 an 1Hình 1/ Barberry ( trên), Cranberry (dưới)

Khi hạt dẻ chín, tôi để dành nửa giạ cho mùa đông. Thật là thích thú mỗi khi đến mùa được đi ruồng trong những cánh rừng hạt dẻ mênh mông của vùng Lincoln với một cái bị trên vai và một cái que ở trong tay dùng để tách vỏ đầy gai của quả hạt dẻ bởi vì không phải lúc nào cũng chờ cho sương muối đến, những cánh rừng này hiện nay đang ngủ yên ở phía dưới nơi đường rầy xe lửa.

0 an 2Hình 2/ Cây, trái và hạt dẻ
Giữa đám lá lay động, tiếng kêu chí choé của các chú sóc đỏ và tiếng chim giẻ cùi (jay bird), tôi lấy trộm của chúng những trái hạt dẻ mà chúng đã  ăn đi một nửa, những trái hạt dẻ mà chúng đã chọn để ăn thường là những trái có nhiều hột dầy và chắc; đôi khi tôi leo lên và rung cả cây. Phía sau nhà có nhiều cây hạt dẻ và một cây thật lớn che rợp cả căn nhà, vào mùa hoa nở, hương thơm lừng cả một vùng, sóc và chim giẻ cùi ăn gần hết trái của cây này. Chim giẻ cùi thường đến từng đàn vào buổi sáng sớm tách hạt dẻ từ trong quả để ăn, trước khi những quả này rơi rụng xuống đất.
0 an 3     Hình3/ Sóc đỏ-Jay bird
Tôi nhường những cây này cho chúng và đi vào sâu trong những cánh rừng xa toàn là cây hạt dẻ. Những hạt dẻ này có thể ăn để thay thế cho bánh mì;  có lẽ ngoài hạt dẻ ra người ta cũng sẽ tìm ra được nhiều thứ khác để dùng thay thế.

Một hôm nhân lúc đào trùn câu cá, tôi tìm thấy một loại hạt dẻ đất, đeo vào những sợi dây, đó là một loại khoai tây của thổ dân, một loại trái cây kỳ diệu mà tôi bắt đầu nghi ngờ là không hiểu tôi đã đào được và ăn trong thời thơ ấu lần nào chưa, mặc dù tôi đã bảo là không mơ gì đến loại trái cây này. Từ lâu nay tôi thường nhìn thấy những bông hoa kỳ lạ có màu đỏ như nhung dựa vào những thân cây khác nhưng tôi không biết, đó có phải cùng loại này hay không. Việc trồng trọt, canh tác hiện nay hầu như đã huỷ diệt loại hạt dẻ đất này. Chúng có vị ngòn ngọt, giống như vị của loại khoai tây bị thấm sương muối và theo tôi, nếu luộc thì có vị ngon hơn là nướng. Loại củ này giống như một lời hứa mơ hồ của thiên nhiên mà trong một khoảng thời gian nào đó ở tương lai, thiên nhiên sẽ dùng để nuôi sống và dinh dưỡng đám con của mình tại đây.
0 an 4Hình 4/ Cây, hoa, củ hạt dẻ đất

Ngày nay với những đàn gia súc mập béo, những cánh đồng ngũ cốc lượn sóng, loại củ khiêm nhường này, một thời là biểu tượng bộ lạc của dân da đỏ, đã bị quên lãng hoàn toàn, hoặc chỉ còn được nhớ như những dây leo có hoa mà thôi; hãy để thiên nhiên hoang dã ngự trị ở nơi đây một lần nữa khi những hạt giống non mềm và hiếm có của Anh quốc có thể sẽ biến mất đi vì vô số nguy cơ. Không có sự coi sóc của con người, một con quạ sẽ lấy đến tận hạt ngũ cốc cuối cùng để đem trở lại cánh đồng rộng lớn của đấng Tối Cao của dân da đỏ ở phía Tây Nam. Làm như thế để những hạt dẻ đất hầu như đã bị huỷ diệt có thể sống lại và nẩy nở, bất kể sương muối lẫn khung cảnh hoang dã. Đó là sản phẩm của địa phương, tiếp giữ được sự quan trọng và giá trị xa xưa của món ăn kiêng dành cho một bộ lạc chuyên về săn bắn. Một vài người da đỏ Ceres hoặc Minerva là những người đã tìm kiếm ra và là những người đã cống hiến những hạt dẻ đất này; một khi thơ phú bắt đầu ngự trị ở đây thì lá và những dây hạt dẻ này sẽ được dùng để làm biểu tượng trong các tác phẩm nghệ thuật.

Vào ngày mùng một tháng chín, tôi đã thấy hai ba cây phong đổi sang màu đỏ thắm ở phía bên kia của ao, ở phía dưới là những thân màu trắng của ba cây dương, chia ra ở mũi đất nhô sát gần mặt nước. À, màu sắc có thể kể ra biết bao nhiêu câu truyện, dần dần tuần này đến tuần khác trôi qua, sắc thái của mỗi cây bắt đầu hiện rõ khi chúng tự ngắm nhìn mình qua tấm gương phẳng lặng phản chiếu của nước ao. Mỗi sáng, ông quản lý phòng tranh sẽ thay thế những bức tranh cũ trên tường bằng một vài tấm tranh mới mẻ, nổi bật hơn nữa bởi những màu sắc hài hoà, rực rỡ.
Vào tháng mười hàng ngàn con ong vò vẽ đã bay đến chốn ở của tôi để làm nơi trú ngụ mùa đông của chúng. Chúng đậu ở phía trong cửa sổ hoặc ở trên phía tường cao, đôi khi gây khó khăn cho khách tới thăm muốn bước vào nhà. Mỗi sáng khi chúng bị tê cóng vì lạnh, tôi quét chúng ra khỏi nhà và cũng không phải bận tâm nhiều để đuổi chúng đi. Tôi thấy thích thú khi chúng chọn nhà tôi làm nơi trú ẩn yêu thích của chúng. Chúng không quấy nhiễu tôi nhiều  mặc dầu chúng đậu cả trên giường ngủ của tôi, và rồi từ từ chúng biến mất vào những kẻ hở, đường nứt mà tôi không biết ở đâu để tránh mùa đông và cái lạnh khủng khiếp, không thể diễn tả được.

Vào tháng mười một, cũng giống như các con ong vò vẽ, trước khi bước vào nơi trú ngụ mùa đông của mình, tôi cần đến phía Đông Bắc của Walden, nơi mà mặt trời phản chiếu, dội lại từ những rừng thông và những bờ đá, trông như là phía ao đó có ánh lửa.  Được sưởi ấm bằng ánh mặt trời bao giờ cũng thích thú và toàn thiện hơn là bằng ngọn lửa nhân tạo. Tôi tự sưởi ấm bằng những mảnh than hồng yên bình còn lại trong đám tro tàn mà mùa hè, giống như người thợ săn lên đường ra đi, đã để lại.

Khi tôi muốn xây lò sưởi, tôi học nghề thợ hồ, những viên gạch mà tôi dùng là những viên gạch cũ nên cần phải có cái bay để làm sạch những viên gạch này, cũng vì đó tôi biết được nhiều hơn về phẩm chất của cả gạch lẫn bay.
Những mảng hồ bám vào gạch đã cũ năm chục năm, người ta nói nó sẽ càng ngày càng cứng hơn, tuy vậy những điều thiên hạ thích đề cập và hay nhắc đến cũng không biết là đúng hay sai. Những điều này sẽ theo thời gian mà càng ngày càng cứng chắc và càng dính chặt hơn, đến nỗi chúng ta nếu muốn làm sạch phải dùng cái bay để gạt phăng nó đi nhiều lần cho mất hết sự ngu dốt lẫn hợm hĩnh của lời nói.
Rất nhiều làng mạc của vùng Mesopolitamia đã được xây dựng bằng loại gạch cũ có phẩm lượng rất tốt được thu nhặt từ những nơi hoang phế Babylon, lớp hồ trên gạch xưa hơn và dĩ nhiên là sẽ cứng hơn nhiều, tuy nhiên tôi thực sự mang ấn tượng mạnh bởi sự cứng chắc một cách kỳ lạ như một loại thép đã chịu được bao nhiêu là cú đòn dữ dội mà vẫn không bị hao mòn gì cả.
0 an 5Hình 5/ Lò sưởi, trong nhà, trên mái nhà
Mặc dù tôi không đọc tên Nebuchadnezza trên các miếng gạch nhưng đó là những miếng gạch đã dùng làm lò sưởi nên tôi cố chọn ra một số viên gạch để sang một bên hầu tiết kiệm được cả công việc lẫn sự hoang phí. Tôi lấp đầy những khoảng trống giữa những viên gạch nơi làm lò sưởi bằng những viên đá nhặt từ bờ ao, tôi cũng trộn hồ bằng cát lấy ở đó. Tôi lần lữa với việc xây lò sưởi, coi như đó là phần chứa đầy sức sống nhất trong căn nhà.
Chính ra tôi đã cố ý làm việc như thế, dù là đã bắt đầu xây đáy của  lò vào buổi sáng, một hàng gạch cao lên được hơn năm cm so với mặt đất và sẽ được dùng để tôi gối đầu vào ban đêm nhờ đó tôi không còn bị cứng cần cổ như tôi thường bị trước đó. Tôi cho một thi sĩ đến ở trọ hai tuần lễ vào khoảng thời gian này nên cũng vì lý do kể trên, tôi phải dùng chỗ này làm phòng ngủ. Anh bạn có đem theo con dao của anh ta mặc dù tôi có tới hai con dao, chúng tôi thường mài chúng bằng cách đâm chúng xuống đất. Anh ta chia việc nấu nướng với tôi. Tôi vừa ý khi thấy công trình của mình cứ vươn lên cao một cách vững chắc và vuông vắn theo từng bậc một, điều này phản ảnh tiến trình thực hiện, nếu chậm chạp thì phải tính là công việc sẽ kéo ra một thời gian dài. Ở một giới hạn nào đó, lò sưởi là một kiến trúc riêng biệt, được bắt đầu xây dựng từ dưới đất lên, xuyên qua nhà để nhô lên trên trời. Ngay cả sau khi nhà bị cháy, đôi khi lò sưởi vẫn còn đó, chứng tỏ thật rõ ràng sự quan trọng và cá biệt của lò sưởi.
Mùa hè đã chấm dứt, bây giờ đang là tháng mười một…….

Lê-Thân Hồng-Khanh
Trích dịch một đoạn trong cuốn sách Walden tập XIII (House Warming) của Henry David Thoreau.
Hình ảnh: nguồn Net

 

Có 3 bình luận về ĂN MỪNG NHÀ MỚI

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Những chuyện đời thường nhưng khi lọc qua lăng kính của một nhà văn, thể hiện qua những dòng chữ, thì trở nên bức tranh đẹp và sống động…Đọc bài nầy , lại nhớ thầy Đỗ Khánh Hoan và những án văn chương của văn học Anh Mỹ mà thầy đã cố gắng đưa vào tâm hồn của những cô bé chọn ban văn chương hả Khanh.

  2. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn  bài dịch của cô Lê Thân Hồng Khanh  cùng vị thầy yêu kính Đỗ Khánh Hoan  đã nhóm ngọn lửa yêu thương  cho các học sinh của  mình tìm đến thiên  nhiên !! Nguyên tác SOLITUDE của Henry David  Thoreau  thật kỳ thú .  Càng  đọc càng thấy tình cảm yêu mến người viết tăng lên , một  con người độc đáo  khó tìm trong thế giới văn minh vật chất . Thật vô cùng thích thú cảnh quan thiên nhiên qua ngòi bút của tác giả ,  cảm giác buồn vui  một mình  là một sự duyên dáng dành cho người đọc  ,, mặc nhiên  chấp nhận   thử  nghiệm  cuộc sống  đơn độc nơi hoang dã   của ông ,,,Thật hạnh phúc dành cho người đọc không có óc phiêu lưu mạo hiểm  .  Chúc Cô được vạn an .                                             Hoành Châu (Gia đình C  )

  3. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Một bài dịch công phu, mạch lạc, kèm hình ảnh minh họa thật sinh động, đã cho người đọc hình dung được một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên đầy lạc quan và ấn tượng, của nhà văn Henry David Thoreau. Qua lời giới thiệu của Cô về tác giả này, em càng thêm ngưỡng mộ. Xin cảm ơn Cô đã cung cấp thêm cho em kiến thức và một bài dịch thật hay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác