LỚP CHỦ NHIỆM botay.com
Tình cờ tôi thấy xấp giấy màu dùng để cắt chữ. Hình như đó là phần còn lại của xấp giấy màu tôi và các em học sinh lớp chủ nhiệm đã dùng để cắt khẩu hiệu và trang trí lớp học cách đây gần 40 năm.
Tốt nghiệp sư phạm, tôi được phân công đến dạy tại một trường cấp 3 ven nội ô. Khi bạn dạy một trường nội thành, bạn hy vọng sẽ có những học sinh văn minh, lịch sự, còn nếu dạy trường ngoại thành, bạn hy vọng sẽ có những học sinh chân chất, thật thà. Tôi dạytrường ven nội, khá nhiều học sinh của tôi có những tính chất của cả hai vùng nội và ngoại thành, nhưng là những điều tiêu cực.
Trong suốt cuộc đời làm giáo viên chủ nhiệm chưa có lớp tôi làm chủ nhiệm nào “hành hạ” tôi bằng lớp 11P4 năm đó. Trường cấp 3 tôi dạy khá lớn, mỗi khối có khoảng 15 lớp.
Vì là trường nhằm phục vụ đối tượng con em lao động vùng ven nên sở Giáo Dục chỉ đạo trường phải nhận tối đa học sinh: Lớp 10 hơn 60 em/lớp, lớp 11 và 12 sĩ số lớp cũng hơn 50. Lớp 11P4 là lớp chót khối 11 Pháp văn nên sĩ số có hơi ít, khoảng hơn 40 em. Do tôi là giáo viên trẻ, còn nhiều “nhiệt huyết”, chưa có gia đình để bận bịu nên ban giám hiệuưu ái giao lớp này cho tôi xây dựng, biến lớp thành một tập thể xã hội chủ nghĩa. Đó là lời động viên của thầy hiệu phó học vụ khi giao lớp 11P4 cho tôi làm chủ nhiệm dù lúc ấy mới gần hết học kỳ 1. Cô chủ nhiệm hứa với tôi, “Thầy cứ nhận làm chủ nhiệm, mọi hồ sơ, danh sách… liên quan đến lớp tôi đã làm hết. Còn việc ghi điểm vào sổ và vào học bạ học kỳ 1 nầy tôi cũng sẽ làm hết cho. Thầy chỉ việc lên sinh hoạt với lớp!” Một chuyển giao, thoạt nhìn, rất chu đáo về phía người giao còn công việc của người nhận sẽ rất đơn giản. Nhưng tại sao lại có việc “thay ngựa giữa đường”, khi chưa hết học kỳ, một việc rất lạ trong trường cấp 3? Sau đó tôi mới biết đây là một lớp “tai tiếng”. Trước đó tôi nghe loáng thoáng trường có lớp “11 Phê bình và mắng vốn”. Tôi còn nhớ hình như cũng đã nghe có người bàn, “Để lớp 11P4 học gần những lớp khác sẽ lây quậy, phá. Tống lên lầu 2 khu A, cách ly một mình một cõi cho khỏi phá!” Do trường xây chưa hoàn chỉnh, khối nhà A mỗi tầng có 6 phòng nhưng lầu 2 mới xây xong 2 phòng, và phòng cạnh lớp 11P4 bỏ trống nên học sinh lớp nầy rất “thoải mái” trong học tập và vui chơi vì ít ai chịu khó leo 2 tầng cầu thang để quan sát lớp, và vào thời đó trường học chưa có biên chế giám thị. Tôi xin ban giám hiệu cho gác thi học kỳ 1 (HK1) tại lớp 11P4 một buổi để thấy bộ mặt thật của lớp. Những gì tôi thấy được không có gì khích lệ: Có những học sinh chịu khó dùng mảnh chai cạo sạch mặt bàn để dễ ghi bài lên, hay ngồi tỉ mỉ chép bài với chữ thật nhỏ lên giấy (vì thời đó chưa có máy photocopy có khả năng phóng to, thu nhỏ) làm “bùa” thay vì dùng thời gian đó để học bài, liên kết nhau cóp và quay bài.
Kết quả HK1 cho thấy trình độ học tập của học sinh lớp nói chung là “yếu đều”. Xem hồ sơ, học bạ tôi được biết một số học sinh lớp từng bị lưu ban (ở lại) và thi lại, nhiều học sinh cá biệt, còn học sinh có đạo đức yếu và trung bình khá nhiều. Việc đầu tiên tôi làm là nắm tình hình, cũng cố ban cán sự lớp và tìm hiểu những học sinh cá biệt. Việc làm nầy mất thời gian vì đây là lớp có HS từ “tứ xứ hợp lại”. Tôi tìm đủ cách, truyền thống và phi truyền thống, để nâng cao việc học tập của học sinh.
– Tôi nói “ngọt” trước lớp: “Kết quả thi HK1 vừa rồi của các em không được tốt.
Nhưng HK1 chỉ có hệ số 1, HK2 có hệ số 2. Như vậy nếu học tốt HK2 và dư được 1 điểm sẽ cứu HK1 được 2 điểm, sẽ lên lớp 12 dễ dàng thôi. Nghề của thầy là dạy học, các em là đối tượng dạy của thầy. Cho các em điểm thấp để phải thi lại, học lại thầy thật sự đâu có muốn. Nếu các em phải học lại 1 năm, việc ấy sẽ làm gia đình của các em và xã hội tốn kém vì em choáng hết một chỗ trong trường, mất cơ hội của một bạn khác. Mà mất mát quan trọng nhất là 1 năm tuổi trẻ của em.” Các em chỉ nghe, không em nào có ý kiến. Tôi tự hỏi bài moral của tôi không biết thấm đến đâu? Để thêm ép phê tôi dỗ ngọt: “Bây giờ các em nghe và làm theo lời thầy là chịu học cho đàng hoàng thì cuối năm thầy mới nghe lờiem nói. Thế mới là công bằng, phải không?”
– Khi thì hù dọa: “Không chịu học hành, phá phách trường, lớp, quay cóp bị bắt…tất cả những việc này sẽ khiến đạo đức của em bị đánh giá yếu. Mà khi có chữ “Yếu” về mặt đạo đức trong học bạ thì người chủ tuyển dụng em sau này sẽ nghĩ gì?”
– Tôi dùng phương pháp chia để trị, tiếp cận với HS theo từng nhóm:
-Với học sinh có học bạ từng bị ghi đạo đức yếu, tôi dùng chiêu ‘cây gậy và củ cà rốt’ nói khích: “Hè người ta đi Nha Trang, Đà Lạt chơi, còn em thì hè vàotrường lao động! Công việc của trường đã có công nhân viên trường làm, đâu cần đến em. Cố gắng lo mà học đi. Lớp mình tai tiếng, thế nào nhà trường cũng xếp giáo viên thật gắc gác thi. Mà em biết rồi đó, vi phạm nội quy thi là bị xếp đạo đức yếu.”
– Với học sinh đã từng thi lại tôi nói: “Ráng học đi để được nghỉ hè 3 tháng với người ta. Thi lại mất công như thế nào em biết rồi?”
– Với học sinh từng lưu ban tôi nói: “Bạn cùng học lớp 10 với em giờ người ta lo thi tốt nghiệp, lo thi đại học. Còn em thì lẹt đẹt ở đây, thế có thua thiệt không?Sao em không cố gắng học để được như bạn? Mà cứ cái đà nầy thì sortie lateral là chắc suất!”
-Tôi lôi kéo các em vào công tác Đoàn, Hội… Xem báo thấy có mẫu chữ dễ cắt để dán khẩu hiệu, chỉ cần cắt thật nhiều 2 mẫu nét cong và 1 mẫu nét dọc là có thể ráp lại và dán thành chữ rất nhanh, rất dễ. Tôi mời một số HS có thiện chí một buổi sáng Chủ nhật cùng tôi đến lớp cắt và dán các câu khẩu hiệu cũng như trang trí cho lớp. Người mua bột khuấy hồ, người đo chiều dài và ghi dấu nơi dán khẩu hiệu, người cắt chữ…. Thầy trò làm việc thật vui. Sáng Thứ hai sinh hoạt dưới cờ xong thầy trò kéo lên lớp và tôi đã không tin vào mắt mình. Câu khẩu hiệu mới dán phía trên bảng trước lớp hôm qua có 9 chữ giờ chỉ còn: “KHÔNGCÓ GÌ QUÝ HƠN ĐÔ LA”. Miệng tôi đắng như ăn phải mật cá éc. Tôi chỉ còn có nước bảo các em gỡ câu khẩu hiệu xuống ngay. Dĩ nhiên tuần đó điểm thi đua lớp 11P4 rất thấp, và sẽ là đề tài cho buổi sinh hoạt dưới cờ toàn trường tuần sau.
Tôi tự an ủi, chắc là có em nào lớp khác vào phá.
Tôi cho HS đổi chỗ ngồi, phân chia học sinh kềm cặp: em học khá kèm em học yếu…Vẫn không chuyển biến nhiều. Có mặt tôi các em ngồi đúng chỗ, ít quậy phá, không có tôi mọi việc trở về điểm xuất phát. Tôi càng nghĩ ra nhiều biện pháp, làm nhiều việc, học sinh của tôi chủ nhiệm càng vi phạm nhiều. Đến một lúc tôi không dám ghi vào sổ tất cả những vi phạm của các em trong giờ tôi dạy vì làm như thế là “thầy chủ nhiệm hại trò”,nên âm thầm đóng cửa dạy nhau, “xử lý nội bộ”, tốt khoe xấu che. Ông bà ta có nói:“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” quả là đúng. Tôi vì không được gần đèn nên cách hành xử giờ không được quang minh, chính đại! Tôi cảm thấy thương hại cho các em. Các em như những con chim từng bị tên, những năm trước bị gia đình, nhà trường chê trách, kỷ luật, và những việc này xảy đến với các em quá nhiều, trong thời gian quá dài.
Dài và nhiều đến nỗi các em mất tự tin vào khả năng làm việc, học tập của bản thân; do “kinh cung chi điểu” nên những suy nghĩ và hành động tiêu cực được các em ưu tiên tìm đến vì đó là giải pháp trong tầm tay, và cũng là hành động chống đối, phản kháng lại “cả một hệ thống đang áp chế”, theo sự suy nghĩ tự ti của các em. Mà thầy chủ nhiệm mới lại “o ép”, bày ra nhiều trò quá. Cây kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra, những chuyện phải đến đã đến.
Lúc ấy trong trường đang có đoàn giáo sinh về thực tập giảng dạy và chủ nhiệm trong 2 tháng. Vì là lớp tai tiếng nên ban giám hiệu cho cô giáo chủ nhiệm tiền nhiệm của tôi được miễn nhận giáo sinh thực tập. Nhưng đâu đã yên! Thấy các em giáo sinh còn trẻ, vui tính thế là học sinh lân la làm quen, khen phù hiệu kim loại của trường Đại học Sư phạm đẹp, mượn xem rồi chuyền tay nhau dấu biệt. Lúc ấy phụ trách môn địa lý cho lớp là một cô giáo trẻ trường khác mới chuyển về. Đến giờ dạy cô nghe một số học sinh ngồi bàn đầu xì xào, “Hôm nay lớp có giáo sinh dự giờ.” Cô nhìn xuống cuối lớp thì thấy có một giáo sinh nam ngồi ở đó tự bao giờ. Đã học trường sư phạm, từng đi thực tập giảng dạy nhưng cô chưa thấy giáo sinh nào dự giờ mà bất lịch sự như thế, không hỏi han, xin phép mà tự tiện vào lớp ngồi và còn dự giờ một mình. Còn học sinh trong lớp cứ cười cười trong suốt tiết dạy của cô. Cô tức lắm nhưng phải cắn răng chịu. Tiết kế môn địa lýlớp vẫn có “giáo sinh dự giờ”, và theo cảm nhận của cô kết quả tiết dạy này cũng giống như lần trước. Không chịu được, cô bèn hỏi tìm chủ nhiệm mắng vốn. Tôi thắc mắc, “Làm gì có việc giáo sinh đến dự giờ ở cái lớp tai tiếng của mình?” Thì ra đám học sinh phá cô giáo trẻ mới chuyển về. Các em chọn một cậu học sinh lớp có vóc dáng cao, lớn, bắt mặc quấn áo lịch sự, cài phù hiệu sư phạm trên ngực thay vì phù hiệu vải của trường, và ngồi ở cuối lớp “học như bình thường”.
Việc bị mắng vốn như thế, với tôi, dần trở nên quen. Tôi trở thành “người nổi tiếng” vì là chủ nhiệm lớp 11 Phê (bình và mắng) Vốn, được nhiều giáo viên biết đến. Tôi mất thói quen chào hỏi bạn đồng nghiệp, và khi có ai đến gần, câu nói cửa miệng của tôi là, “Có gì không anh/chị?” Vào trường tôi đi thẳng đến bảng “Vi Phạm Kỷ Luật” vốn ít khi thiếu chữ 11P4. Thời gian ổn định lớp mỗi tiết dạy của tôi cũng kéo dài vì tôi còn bận dò tìm trong quyển Sổ ghi Đầu bài. Sau vài lần bị học sinh gạt (nhờ hay mướn người giả làm phụ huynh), ban Giám Hiệu đặc cách cho tôi được tiếp phụ huynh tại phòng ban giám
hiệu, hoặc giúp tôi tiếp phụ huynh. Các bạn đồng nghiệp nói tôi, “Mầy bây giờ chỉ ngồi phòng ban giám hiệu, không thèm ngồi phòng giáo viên!” Nghe nói như vậy miệng tôi cười mà như mếu. Lúc ấy tôi khổ lắm. Chủ nhật phải đạp xe đến nhà học sinh để liên hệ tìm hiểu, trao đổi, góp ý với phụ huynh về con em. Buổi nào lớp 11P4 có học là thế nào tôi cũng có mặt ở trường, leo tận lầu 2, đi ngang lớp mấy lần cốt để “nhìn mặt học sinh thân yêu”. Buổi nào không có mặt ở trường là buổi ấy tôi ăn cơm không ngon. Đến lúc nầy phải nói là tôi bắt đầu cảm thấy bế tắc. Tôi không biết nói gì thêm vì đã nói, đã phân tích lợi hại đủ điều. Và tôi nghĩ không nên nói thêm vì nói thêm chỉ càng làm các em thêm rối, mà “giáo đa thành oán”.
Ngày thành lập Đoàn, lớp tôi chủ nhiệm có 2 em được kết nạp Đoàn. Một trong 2 học
sinh vừa được kết nạp Đoàn là nữ, có sức học khá, ngoan, chữ viết đẹp. Tôi chọn em làm thư ký ghi sổ, ghi danh sách cho lớp. Hai tuần trước khi thi học kỳ 2 tôi soạn sơ đồ chỗ ngồi thi rất “hắc” để các em khó quay, cóp bài nhau rồi phổ biến sơ đồ nầy cho học sinhvới hy vọng các em sẽ sợ để tự học bài ở nhà. Tôi đã lầm. Phổ biến sớm đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian để các em nghĩ ra cách đối phó. Yên tâm với sáng kiến tuyệt diệu của mình, tôi không xin xỏ mà chịu sự điều động của ban giám hiệu khi gác thi. Sau 2 buổi thi đầu tiên tốt đẹp, không thấy tên học sinh lớp 11P4 bị nêu lên vì vi phạm nội quy thi, buổi thi cuối của lớp tôi cảm thấy vui, muốn tận mắt chứng kiến nên dù không có nhiệm vụ gác thi tôi vẫn vào trường, leo 2 tầng lầu đến lớp chủ nhiệm thân yêu. Tôi xin phép cô giáo đang gác thi để vào phòng “nhìn mặt học sinh thân yêu” và xem các em thi.
Vì tôi là người nổi tiếng nên cô giáo gác thi vui vẻ mời tôi vào. Các em học sinh trong phòng đang ngồi túm tụm làm bài giật nẩy người khi thấy tôi vào lớp. Các em đang ngồi đúng theo sơ đồ đặt trên bàn GV, mà sơ đồ nầy rất lạ, khác sơ đồ chỗ ngồi thi tôi đã cho lập. Thảo nào hai buổi thi vừa qua không có học sinh nào của lớp 11P4 bị ghi tên vì vi phạm nội quy thi! Công tác chủ nhiệm lớp 11P4 của tôi năm đó là một thất bại hoàn toàn.
Bó tay.
VĂN HOÀNG
H
Từ xưa nay, ai cũng biết câu ” nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, vậy mà tác giả Văn Hoàng lại gặp ngay một lớp phá phách nhất trường khi mới bắt đầu vào nghề gõ đầu trẻ. Cũng không lấy làm lạ khi câu kết đã được viết “Công tác chủ nhiệm của lớp 11p4 của tôi năm đó là một thất bại hoàn toàn “. Tuy vậy đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của những người mang nghiệp giáo.
Baì viết của bạn làm tôi nhớ một thời đi dạy. Cám ơn bạn. HHT