Những lớp cuối trung học

Ngày đăng: 10/09/2016 10:55:45 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Khác với thông lệ  của những năm trước , khi tựu học đầu năm nhóm bạn nam nữ của chúng tôi thường rủ nhau đi chơi lòng vòng chung quanh tỉnh lỵ, ăn uống mua sắm , chơi đùa…Năm đó trước ngày khai giảng năm học chúng tôi đã báo tin nhau cùng đi chơi trứơc .Hôm ấy chắc là ngày 31/7 . Trước khi xuống bến đò đi An Bình bọn tôi gồm 10 đứa (có 6 bạn gái )   kéo nhau vào quán Đỗng Hính ăn hủ tiếu mì. Khi bước vào quán, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là anh chàng rất xinh trai đang ngồi ăn ở tận cùng dãy bàn giữa của quán . Biết đây không phải là người ở Vĩnh Long các cô vừa ngồi xuống ghế vừa chú tâm đến anh chàng . Anh mặc áo màu xanh da trời , tay cài măng sét đúp , thắt cà vạt xanh dương chấm trắng , ăn uống từ tốn và có hơi điệu đà . Bên nầy chúng tôi túm tụm nhau vừa ăn vừa bàn tán : Chắc anh chàng ngừời tỉnh khác đến ,mà có khi lại là tài tử xi nê xuống Vĩnh Long đóng phim ( Lúc nầy phim yêu có Chu Tử, ca sĩ Anh Ngọc , Thanh Lan đóng đang quay ở Ao Bà Om; Trà Vinh )…Để kịp chuyến đò chúng tôi ăn nhanh rồi rời quán với nhiều thắc mắc về anh chàng áo xanh kia…

Môn Pháp Văn :

Thế rồi mấy hôm sau trường khai giảng , giờ đầu tiên của lớp là giờ Pháp Văn ( sinh ngữ 2 ) Chuông reo vừa dứt người đi nhanh vào lớp chúng tôi là cái anh chàng xinh trai ờ quán hôm nọ . Hôm nay  ông mặc áo màu vàng nhạt, cũng măng sét đúp tề chỉnh . Chúng tôi khều nhau : Ông ăn hủ tiếu với mình ở Đồng Hính đó ….Thầy tự giới thiệu tên Lê Thượng Hiền dạy Pháp Văn kiêm Giáo sư Hướng dẫn

Chúng tôi không rõ thầy về trường Tống Phước Hiệp lúc nào, nhưng đây là năm đầu thầy về dạy ở Nguyễn Thông , người còn rất trẻ

Thầy dạy rất dễ hiểu , gịong đọc rất chuẩn , chúng tôi rất thích nghe thầy đọc những đọan tiếng Pháp có gịong mũi. Có hôm thầy đứng trước lớp đọc cho chúng tôi nghe một phút không nghỉ hàng lũ khũ từ trong câu văn dài mà cô giáo người Pháp đã bắt thầy đọc không được vấp váp hồi ở Trường Đại học  Sư phạm …Thầy dành nhiều thời gian để giới thiệu về ngôn ngữ văn minh Pháp. Cách nói, cách ăn, cách  uống cả chuyện vào ra nhà cầu thầy đều nói tỉ mĩ cho cả lớp nghe. Đặc biệt thầy say mê nói  về thời trang Pháp –Ý

Những tháng thầy mới về trường , giờ ra chơi các nữ sinh 11và 12 thường hay tụ năm tụ ba nhiều , nghe ra đang bàn tán về cái ông thầy mới dạy Pháp Văn điển trai , có dáng dáng đi như gió . Mà thầy đi như gió thật, từ trường TPH về Nguyễn Thông và ngược lại , thầy đi bộ tất bật như có chuyện gấp . Vào lớp các bạn cười , thầy bảo – Người Tây Âu ra đường không có rề rà như chúng ta , dù có việc hay không cũng vậy . Đã hẹn với ai thì  có mặt  trước 10 phút hoặc hơn . Chính vì thế mà bọn chúng tôi cứ luôn vào lớp sau thầy dù không đi muộn  bao giờ…

Cũng xin nói thêm  một chút về vị trí phòng học của lớp chúng tôi những năm đệ nhị cấp .Ba  năm học nầy lớp được bố trí học ở tầng trệt, học đúng một phòng không thay đổi ( Bây giờ là phòng học trực diện ngay cổng nhìn vào của trường THCS Lê Quý Đôn ) Giới thiệu để nhắc lại chuyện vui như thế nầy : Phía sau các lớp học ở dãy nầy là nhà của bà con lao động . Trường không có rào phía sau , bà con thì chỉ giăng dây kẻm gai treo ván, tol sơ sài để ngăn cách . Rào nầy cách trường chừng 3m, phía dưới là bải cỏ thường trồng nhiều rau. Lớp học thì có nhiều cửa sổ rộng, thấp,ngồi trong lớp có thể nhìn ra thấy các sinh họat nhí nhố bên kia rào.

Học đến giờ thứ tư, thứ năm bụng đói thì bên nhà hàng xóm lại bắt đầu cho bữa  trưa .Đôi khi đang học bỗng nghe tiếng “ xèo ” rõ to. Cả lớp hít hà: Cá rô chiên xù !  Cá rô chiên xù !  hoặc nghe và ngửi được mùi kho mắm: – Lẩu mắm bông súng bà con ơi !

Cứ thế ngày nào cũng vậy , hể đến giờ đó lớp bắt đầu nhao nhao. Sao chưa kho mắm ta ? Sao chưa nấu cà ri ta ?.v..v Lại có lúc cải  nhau :

– Trời ơi mùi canh bầu nêm nước mắm Liên Thành !

– Đâu ? Cái nầy là canh mướp non nấu với tôm càng !

Lớp cải nhau lọan xị , thầy cô đang có mặt cũng cười theo vì biết năm ba phút thôi đâu lại vào đấy ,ai cũng im re vì đói bụng .

 

  7- Lớp Mười Hai :

 Môn Triết học : Thầy dạy chúng tôi môn học mới nhất của những năm học trung học là thầy Võ Văn Khỏe. Ngày đầu đến với chúng tôi đã tạo được nhiều tình cảm  gần gũi thầy trò . Thầy có khuôn mặt sáng và sang, trán cao, tóc mềm, miệng lúc nào cũng cười cười thân thiện .Thầy thường đến lớp với áo KT trắng ngắn tay, lọai vải có hoa chìm thịnh hành lúc bấy giờ .Ngày trước không có qui định cấm giáo viên hút thuốc trong lớp nên thỉnh thỏang trong lúc giảng bài thầy bập bập ống vố trên miệng, cách hút và cử chỉ vô cùng sang trọng trong mắt học sinh thời ấy .Giảng dạy đến phần tâm đắc, được học trò hồ hởi nhất trí cao thầy đút tay vào túi quần đi đi lại lại trên bục miệng cười “ hề hề “ thành tiếng, dưới lớp bọn chúng tôi cũng hưởng ứng cười hề hề theo.

Khi còn học lớp 7, lớp 8, chúng tôi đã nghe nhắc nhiều về thầy bởi các anh chị học sinh lớp lớn mỗi khi chuẩn bị cho mít ting, tưởng niệm , đấu tranh ( cụ thể qua đấu tranh chính quyền LonNol tàn sát Việt Kiều ..) ,các anh chị đều tìm ý kiến cố vấn của thầy, có người đồn thầy ” thân Cộng”

Trong lúc các thầy cô giảng dạy khẩn trương, đôi khi có phần lụp chụp vì phải bù trừ thì thầy rất ung dung đĩnh đạc, “ Không có chuyện gì phải gấp “. Nhiều hôm thầy mang vào lớp máy cattset mở cho chúng tôi nghe lại bài thầy giảng trước ở nhà, thầy thì lim dim nhìn theo khói thuốc . Thầy nói ngòai giờ chính thức dạy ở Tống Phước Hiệp , thời gian còn lại thầy đều có giờ các trường khác . Do đó, trưa về ăn cơm xong thầy nằm nghe cuộn băng nhạc  C60. Hết sáu mươi phút, cuộn băng bật ra, thầy giật mình đi tắm rữa chuẩn bị cho buổi dạy chiều cách sau đó 30 phút ..Theo truyền miệng của các thầy cô trong trường, thấy thầy chậm chạp rề rề như vậy nhưng dạy rất trọng tâm. Năm nào học sinh lớp 12 đổ tú tài II cũng cao điểm ở môn Triết học.

Đầu năm 1975 thầy xin chuyển về Mỹ Tho- Định Tường, tuy không còn giảng dạy ở TPH nữa nhưng các lớp thầy phụ trách ở THBC Nguyễn Thông thầy vẫn qua dạy .Bóng gío có người cho rằng thầy đã  được “ chuyển địa bàn họat động”, với bọn học sinh chúng tôi thì rất vô tư, chỉ sợ một điều chiến cuộc tràn lan, không định được tương lai của mình .

Một hôm , đâu cuối tháng 3/1975, nhân lúc thầy vui nói chuyện bên lề thì anh Vũ trong lớp hỏi thầy : -Sao mà ngộ, hôm nào thầy qua Vĩnh Long dạy thì Việt Cộng pháo kích ở Mỹ Tho, hôm nào thầy từ đây về bên Mỹ Tho thì Việt Cộng pháo kích vô Vĩnh Long , thầy có biết sao không ?!

Thầy bậm môi trợn mắt rồi nói gằng từng tiếng ( nét mặt mất tự nhiên) :- Mầy hỏi cái câu độc, chết như chơi …Thôi không nói cái vụ nầy nữa nghe !. Nói xong thầy quay lên bảng, lớp cười ồ.

( Anh Phan Anh Vũ lúc ấy đã họat động công tác nội thành .Nguyên là Phó Chủ Tịch UBND Tỉnh Vĩnh Long mới nghỉ hưu)

Sau 1975 chúng tôi không còn được tin tức thầy.  Nghe đâu thầy có tham gia vào chính quyền mới ở Mỹ Tho được tín nhiệm và tin cậy . Tin tức về Thầy chỉ nghe nói lại . Nhưng trong niềm kính trọng và hòai niệm thầy cô xưa, tôi nghĩ dù ở đâu, làm gì, ở cương vị nào các thầy cô vẫn là người đã gieo vào lòng chúng tôi lối sống tốt đẹp và hòan thiện nhất .

Môn Tóan :

Thầy dạy tóan cho lớp chúng tôi là giáo sư Hùynh Hữu Trí , từ trường Tống Phước Hiệp sang. Thầy được xếp vào tốp Giáo sư trẻ tuy đã có mặt ở Vĩnh Long nhiều năm qua. Thầy có dáng người tầm thước, đẹp, ăn mặc đẹp, lì lì bùi bụi nhưng giảng bài thì hay cười ( giới thiệu thầy nhiều quá cũng bằng thừa, vì những ai  từng là học sinh  Tống Phước Hiệp  cũng phải tự hào trường mình có một giáo sư như thế )

Nhớ có lần thầy vào lớp , cả lớp đứng dậy chào, duy chỉ có bạn Th ( nam sinh) còn ngồi thờ ơ núp lưng các bạn ( tôi nhớ hôm ấy chiều thứ ba, có lẽ thua đề nhiều quá nên lo ra chăng ?, anh Th nầy đánh số đề dữ lắm!) Phát hiện , thầy tức tốc chen bàn đi xuống cuối lớp ( bàn 6,7 chỗ ngồi, đầu bàn  gần khít nhau ) Thầy quát – Tôi không xứng đáng để em chào tôi sao ? !Bạn Th lí nhí phân bua xin lỗi, thầy bật cười : – Trời ơi, cái chuyện như vậy mà cũng phải ngồi để giải quỵết, sau phải rút kinh nghiệm ! ( Hết giờ bọn tôi mới biết bạn Th đ  W.C vào chưa kéo Phéc –mơ – tuya)

Một hôm chiều đi học về trễ cơm, tôi đến quán hủ tiếu bà Tổng Bình ( cách không xa kho dầu cũ) ăn đở. Quán đông, chỉ còn chỗ bàn thầy đang ăn trống một bên , thấy tôi, biết tôi ngại, thầy đứng dậy kéo ghế bảo tôi ngồi, hỏi lý do, rồi thầy gọi cho tôi dĩa hủ tiếu mì xào to. Nhìn lên bàn , thấy mấy võ chai bia 33 còn dở dang thầy giải thích, chơi thể thao về chạy luôn vào đây, nhâm nhi vài chai, mai thầy không dạy sáng. Như chợt nhớ, thầy hỏi tôi uống gì và gọi luôn cô ca cho tôi.

Trong suốt bửa ăn, chuyện ai nấy biết, thỉnh thỏang hỏi qua lại vài câu. Ăn xong thầy bảo tôi về sớm . Tôi đứng dậy ngần ngừ. Đúng là quan hệ thầy trò ngày xưa có chừng mực rõ ràng . Phải sau nầy chắc hai thầy trò dám chơi “ không say không về” lắm.

Bẳng đến năm 2012 , qua số điện thọai của anh Minh Khách nêu lên trang TPH-VL tôi điện hỏi thăm thầy . Chỉ qua mấy câu giới thiệu sơ sơ về ngày xưa thầy mừng quá hỏi thăm đủ thứ chuyện Vĩnh Long , có lần thầy điện cho tôi 55 phút nhăc người Vĩnh Long để thương để nhớ. Lâu lâu thầy có viết thư “ Kiểu truyền thống “ gởi về trường tôi ( vì tôi bảo chưa sử dụng CNTT thuần thục ) . Biết thầy bệnh tôi cũng viết thư thăm hỏi, có một tờ thư ngắn gọn nói về thầy , đọc và cảm động thầy đã đem bức thư nầy gởi lên trang . Tống PhuocHiep.com

Trong thư viết cho thầy tôi cũng hứa sẽ ghé thăm thầy bệnh, nhưng xe mỗi lần đi lại chạy đường Cao tốc, khó khăn lắm khi ghé LA tôi lại không được khỏe. Cuối tháng 6/2013 tôi lại nằm viện Chợ Rẫy , anh giáo viên LA nuôi bệnh cho con nằm kế giường cho hay, Anh Trí lần nầy trở bệnh hơi nhiều, chẳng biết   đang ở nhà hay nằm ở tầng dưới của BV.   Tuần lễ sau tôi về, khỏe người, tìm lên trang mạng thì hay tin thầy đã đi xa….

img_0098-1                                             Nguyễn Gương

 * Môn Quốc Văn

Năm lớp 12 chúng tôi học Quốc Văn là môn học không mới mẽ gì nhưng được xem là môn học mới của lớpcuối cấp bậc Trung học bởi trước kia môn văn chỉ học đến lớp 11, lớp 12 thay vào đó là môn triết .Từ năm học 74 -75  Bộ Giáo dục đã ban hành qui định  dạy gíao vịên ở lớp 12 và đặc biệt trong chương trình có học “ Thơ  Say” của Vũ Hòang Chương

Thầy Võ Văn Lạt , đương kiêm Hiệu trưởng phụ trách giảng dạy lớp chúng tôi . Thầy gốc là Giáo sư của trường Tống Phước Hiệp . Giọng nói của thầy khá đặt biệt vừa có hơi Bắc vừa có giọng Trung nên chúng tôi không biết đích xác thầy người miền nào .

Thầy dạy chúng tôi rất từ tốn nhưng không kém phần hấp dẫn . Người Thầy cao to , mắt sáng, miệng rộng, môi đàn ông nhưng lúc nào cũng đỏ như có phớt chút son hồng, tóc thầy hơi xoăn.Trong cách nói chuyện trên lớp và các nhận xét trong bài giảng chúng tôi thấy thầy có thiện cảm với CNXH ( mà hồi đó gọi là thân Nga, Trung Cộng) Thầy thường đánh giá cao xã hội Trung Quốc , nghèo nhưng không có ăn xin , đường phố sạch đẹp trật tự , bảo quản tốt di tích ngàn xưa v.v..Thầy cũng khâm phục cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Hồng Quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức

Khi Thầy Lạt về làm Hiệu  trưởng , Trường THBC  Nguyễn Thông có nhiều đổi mới  quan trọng ( một phần cũng nhờ cơ sở vật chất được cất mới và trang bị đầy đủ hơn ) Đổi mới quan trọng nhất là tổ chức Ngày truyền thống nhà trường với đầy đủ nghi thức  của một ngày đại lễ, cùng lúc đã đưa trường Bán công bước đầu trở thành một trường Công Lập của Tỉnh ( dành cho cả nam và nữ )

Mặc dù đảm nhận chức vụ Hiệu Trưởng khá bề bộn nhưng mỗi khi đến lớp thầy Lạt vẫn trang bị đầy đủ  kiến thức và tính hấp dẫn để truyền đạt cho chúng tôi , phần lớn học sinh đều thích thú học giờ thầy cũng như rất thích nghe thầy nói chuyện thời sự

Có lần qua việc làm của thầy ở vai trò hiệu trưởng , thầy đã dạy tôi một bài học ở đời , đến mãi sau nầy khi làm quản lý trường học tôi càng  thấm thía hơn .

Năm ấy để chào xuân Giáp Dần  1974 , các trường Trung học ở Vĩnh Long đã tổ chức “ Hội xuân liên trường “ đặt tại khuôn viên trường Tống Phước Hiệp .Trường THBC Nguyễn Thông về tham dự với đầy đủ các gian hàng . Để góp phần trang trí , tôi và các bạn cấp tốc vẽ bức tranh màu, khổ to mang tên Ứơc Vọng ( Chim bồ câu bay trên đôi bàn tay giữa vòng dây kẻm gai máu lửa ). .

Đến chiều khai mạc Hội xuân , ông Nguyễn Sanh Tiền, Phó Tỉnh trưởng đến dự . Khi ông đến gian hàng chúng tôi, anh Hùng Việt phụ trách họat náo viên sôi nổi giới thiệu về bức tranh và mời gọi ông phó Tỉnh trưởng mua tranh ( Đây là việc ngòai dự kiến , vì tranh treo chỉ nhằm trang trí mà thôi ) Quá bất ngờ lại có mặt đầy đủ các quan chức cấp tỉnh , ông phó Tỉnh trưởng buộc lòng gật đầu đồng ý với giá tranh cao ngất ( đặt mua ,lấy sau )

Từ lúc nầy đến hết thời gian  Hội xuân, anh Việt luôn mồm giới thiệu ra rả về bức tranh trên hệ thống phát thanh . Nhờ thế , khách đến gian hàng  cũng thêm phần đông đảo

Xong Hội xuân thi chúng tôi mang bức tranh về, xin ý kiến thầy Hiệu trửơng Lạt để chúng tôi đem qua văn phòng ông Phó Tỉnh trưởng  lấy tiền .Ôi sao tuổi học trò vô tư và dễ thương đến vậy ? đơn giản quá như vậy. Thầy bảo chúng tôi đi mua giấy bóng về gói tranh lại thật đẹp, sau đó thầy cho cô Kế tóan của trường xuất tiền trả ngay cho chúng tôi rồi bảo : – Phần các em đã xong , việc tiếp theo có người khác lo , chớ bận tâm !

Tết đến nơi, chúng tôi nhận tiền rồi chia nhau đi  mua sắm , chẳng cần hiểu thêm số phận bức tranh. Anh chàng Việt cứ đòi chia thêm tiền vì “ sự thông minh đột xuất “

Sau nầy lớn lên, đi làm việc, những kỷ niệm về Hội xuân năm nào luôn làm tôi nhớ mãi. Tôi nghiệm ra rằng – Không có con đường nào bằng phẳng và tốt đẹp có sẳn cả. Ngay cả đi đường cao tốc mà có lúc còn phải đi qua , chui qua cầu vuợt và phải theo khúc quanh uốn lượn  cho tròn

Ngày vui chẳng được  tày gang . Học với thầy chỉ được mấy tháng thôi, thầy bị đình chỉ công tác quản lý và giảng dạy với lý do chỉ nội bộ biết ( Thầy Nguyễn Ngọc Long từ Sở Học Chánh về XLTV Hiệu trưởng ) Sau đó chúng tôi có đến thăm thầy tại nhà riêng ( cư xá công chức phường 2 ) Với tuổi trẻ vô tư , chúng tôi vẫn kính trọng thầy như bình thường và thầy không nhắc gì đến việc riêng của thầy

Thế rồi qua tết Ất Mão 1975, chiến cuộc ngày càng ác liệt và lan rộng , người người hối hả lo cho chuyện riêng tư trựớc mắt, chúng tôi cũng sợ thi rớt ( rớt hay đậu cũng đều phải đi lính theo qui định mới nhất ) ,và ngày giải phóng miền Nam về đến….

Đến năm 1977, tôi học SP và ra làm việc ở trường nầy . Thầy Lạt cùng vợ và  các con cũng đến bán nước mía ở ngang cổng trường . Thầy dạy BTVH ở F2( Tiểu học Nguyễn Huệ bây giờ ). Hàng đêm, thầy dạy hết giờ thì đi bộ đến chỗ vợ thầy bán để phụ dọn dẹp. Thi thỏang tôi sang chỗ thầy bán ngồi nói chuyện cùng thầy khi thầy rãnh việc .Gặp lúc có bạn cùng sang uống nước, chính tay chúng tôi tự bưng bê nước cho mình . Phận làm học trò cho dù đến lúc nào hòan cảnh ra sao , để thầy bưng nước cho mình tôi thấy bức rứt và không an tâm được .

Tháng 8/1978 , được nhà trường THSP điều đi công tác ở TP Hồ Chí Minh một tuần tôi về.  Tối hôm sau nhìn sang chỗ thầy bán đèn đuốc tối om. Hỏi ra mới biết , cách đó mấy hôm trên đường từ chỗ dạy về đi bộ đến phụ vợ ( chừng 500m) thầy đã bị một anh say xỉn chạy hon da 67 tông vào lưng .Sự việc xảy ra chớp nhóang làm vợ con thầy đang mua bán chưa kịp hay . Thầy qua đời ở bệnh viện vì chấn thương quá nặng

Nhân mùa tựu trường , tôi vừa vui, vừa ngậm ngùi viết những dòng nầy . Đối với thầy cô đã dạy tôi còn khỏe mạnh xin nhận nơi đây lời biết ơn và kính chúc thầy cô sức khỏe , trường thọ . Đối với thầy cô đã quá cố xin nhận ở lòng tôi  nén hương lòng tôn kính của người  trò nhỏ năm xưa

      bài và ảnh Nguyễn Gương

Cầu Mới, Mùa tựu trường 2016

 

 

 

 

Có 5 bình luận về Những lớp cuối trung học

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những Thầy Cô tài hoa mẫu mực của một thời không tìm lại được.

    Bài viết có đủ vui buồn, thương cảm, ngậm ngùi.

  2. My Nguyen nói:

    Bài viết của anh Nguyễn Gương rất súc tích với thật nhiều cảm xúc, những kỷ niệm vui buồn, những ngậm ngùi, lắng đọng…

    Kỷ niệm của tuổi học trò với Thầy Cô yêu kính thì ai cũng có nhưng hồi tưởng và ghi lại thành một bài viết thế này, là một chuyện không đơn giản. Anh Gương đã làm được điều đó.

    Cảm ơn anh về một bài viết thật hay.

  3. Thu Cúc nói:

    Cám ơn những hồi ức thật thú vị về những năm cuôi thời trung học của anh Nguyễ Gương . Đọc bài viết , tôi xúc động và nhớ lại những hình ảnh kính yêu về thầy cô cũ . Tôi cũng có học thầy Võ văn Lạt ( dạy Văn lớp 8 ) thầy Lê Thượng Hiền( dạy Pháp Văn lớp 10 -sinh ngũ 2), thầy Huỳnh Hữu Trí (dạy Toán lớp 12). Thầy cô hồi xưa cũng như ca sĩ xưa , mỗi người một giọng hát , một phong cách riêng , rất ấn tượng .

  4. VOTHILAI nói:

    Nguyễn Gương ,em có trí nhớ rất tốt,ngày xưa tình cảm thầy trò rất chừng mực như em đã nói.Chúng ta lúc nào cũng tôn trọng thầy cô như thần tượng .Thầy Trí mất thì chị biết,nhưng  thầy Lạt mất  thi bây giờ chị mới biết thật tội cho thầy không biết giờ vợ con thầy ở đâu và ra sao.? Qua bài viết của em gợi nhớ trong tâm trí của mỗi người những kỹ niêm vui buồn của  thuở học trò .Cámơn em  đã cho biết nhiều  về quí thầy cô cũ .

  5. Trương Minh Khach́ nói:

    Cảm ơn anh Gương có nhăć đêń tên, nhân đây nhờ anh và cać anh chị trang nhà cho biêt́ tin về Thâỳ Lê Hoang̀ Lâm trươć là giaó sư Anh văn ở trưưng̀ Tônǵ Phươć Hiệp minh̀.

    Xin cảm ơn anh và tât́ cả.

    Trưưng Minh Khach́

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác