Mùa Hiếu Hạnh
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 266 – 316 sau Công Nguyên và được người Trung Hoa truyền vào Việt Nam. Trong kinh Vu Lan Bồn có câu chuyện Mục Liên theo lời Phật dạy, lập đàn siêu độ cho vong linh mẹ được siêu thoát, vào ngày rằm tháng 7.
…
Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ
Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần
Tam-công, tể-tướng, bá-quan
Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần
Như chí muốn đền ơn cha mẹ
Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm
Ðến rằm tháng bảy mỗi năm
Sau khi kiết-hạ chư tăng tựu về
Chính ngày ấy Phật đà hoan-hỉ
Phải sắm sanh bá vị cơm canh
Ðựng trong bình-bát tinh-anh
Chờ giờ Tự-tứ chúng tăng cúng-dường
Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ
Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi
Cùng cầu thất-thế đồng thì
Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên
…
(trích đoạn Kinh Vu Lan Bồn được dịch ra tiếng Việt theo dạng thơ)
Đức Phật cũng từng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ, nên làm theo Mục Kiều Liên (Kinh Vu Lan Bồn). Từ đó về sau, ngày rằm tháng 7 hằng năm được gọi là Lễ Vu Lan Ngày Báo Hiếu. Ngoài ra, Vu Lan còn có nhiều tên gọi khác như lễ Xá tội Vong Nhân, Tết Quỷ.
Mùa hiếu hạnh
Như thế chúng ta đã rõ ngày lễ Vu Lan, lễ báo hiếu không chỉ riêng mẹ thôi mà có cả cha nữa. Thế tại sao trong ngày Lễ Vu Lan, lại chỉ có những hoạt động liên quan đến mẹ mà không thấy nói đến cha?
Trước năm 1962, nghi lễ báo hiếu hay nhớ ơn cha mẹ đều diễn ra chung. Đến tháng 8 năm 1962, Thiền Sư Nhất Hạnh viết đoản văn “Bông Hồng Cài Áo” sau khi ở Nhật về.
“…Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương….
...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...”
(Trích Bông Hồng Cài Áo của Thiền Sư Nhất Hạnh).
Tôi còn nhớ đoản văn đó còn được in trên những cánh thiệp, để dễ dàng gởi đến cho mọi người; các hiệu sách cũng bày bán rất nhiều trong mùa Vu Lan. Thời gian sau, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào ý của bài viết này, sáng tác nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo”. Chính nhờ thế Bông Hồng Cài Áo được phổ biến rộng rãi ở Miền Nam. Từ đó, lệ cài bông màu hồng trên áo cho những ai còn mẹ, những bông màu trắng cho những ai mất mẹ.
50 năm qua, cài bông trên áo trong mùa Vu Lan, được người dân Việt hoan hỉ, thành tâm đón nhận và duy trì, Tạo nên một nét đẹp mới trong mùa Vu Lan ở Việt Nam. Nhưng việc này cũng làm lu mờ đi hình bóng của người cha . Tuy vậy, với bản chất hiếu kính đã tồn tại trong huyết quản người Việt bao đời, chúng ta không bao giờ quên đi công đức của cha trong Mùa Báo Hiếu.
Nặng Gánh Đời Ba
Cả đời ba dông ruổi
Tất tả kiếp ngược xuôi
Giọt mồ hôi tuôn rơi
Chắc thêm lớp da Người
Để đàn con thơ dại
Được ấm áo no cơm…
Nước mắt ba từng chảy
Trong ê chề nhẫn nhục
Cho cả nhà hạnh phúc…
Máu ba bao lần đổ
Đổi lấy sự an lành
Trong loạn lạc chiến tranh…
…và các con đã lớn.
Những gánh nặng của Người
Công ơn tựa biển trời
Chúng con khó thể quên
Nay mùa Vu Lan đến
Ngậm ngùi ngồi nhớ ba
Nén nhang với lòng thành
Từ cõi trên vô định
Ba mãi mãi an bình…
Quên Đi
Huỳnh Hữu Đức biên soạn
Mẹ ~ ngôn từ đẹp nhất trần thế! Tình Mẹ ví như bếp lửa hồng sưởi ấm bao vạn vật ,,,,, dù tóc điểm pha sương ,,,, con vẫn mãi là con thơ của Mẹ !
**
Bếp lửa hồng trầm khơi
Vẳng nghe tiếng Me cười
Bâng khuâng mùa tháng Bảy
Buồn sao hoa trắng ơi !! Hoành Châu (Gia đình C )
Sương nắng bao mùa ơn mốc mưa
Công CHA nghĩa MẸ sánh sao vừa !
Con đi học sớm CHA theo bước
Con tối ấm đầu MẸ thức trông ! Hoành Châu (Gia đình C )
Bài biên soạn của anh Huỳnh Hữu Đức đã cho chúng ta rõ thêm sự bắt nguồn của Lễ Vu Lan và ý nghĩa của ngày lễ này. Tôi rất đồng ý với tác giả, Lễ Vu Lan Báo Hiếu không chỉ riêng là của mẹ mà còn là của cha nữa. Tôi nhớ vào năm 2000, trong một chuyến đi Hà Nội, tôi có ghé viếng một ngôi chùa ở miền Trung vào ngày Lễ Vu Lan. Ở chùa này người ta đã chuẩn bị 3 loại bông hồng. Ai còn đủ cha mẹ thì cài bông hồng đỏ. Ai mất đi một trong hai người thì cài bông màu hồng. Ai không còn cả cha lẫn mẹ thì cài bông hồng trắng. Nghi thức này đã cho thấy ngày lễ đó nhằm tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ. Bản thân tôi thấy rất hay…
Xin cảm ơn anh Huỳnh Hữu Đức về bài viết này.
Cám ơn sự đồng tình của My Nguyễn.Thông thường má thường gần gũi với mình hơn, nên trong thi văn thường ưu tiên cho Người.
Có thể em chưa hề để ý
Khi em dần lớn với thời gian
Má thêm vàng võ cùng năm tháng
Em vui khoẻ trưởng thành
Má cằn cỗi mong manh
Nhưng từ tận đáy lòng
Má tràn đầy hạnh phúc
Tình Má thật mênh mông
Biết lấy gì đong đếm
Biết lấy gì so đo…
Quên Đi