Thờ Chồng (13)

Ngày đăng: 18/05/2016 08:25:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Bà Mười và đứa cháu nhỏ ngồi hong nắng sáng trước hiên nhà, bà ngạc nhiên nhìn những người trang phục sang trọng từ bến sông đi hàng dọc lên nhà. Bà nhận ra thằng Mẫn, như vậy thì hai người mặc áo dài đi phía sau, có thể là bà Tư Son và cô ba Thảo.

Thằng Mẫn đi trước 3 người kia một khoảng, nó mở cửa rào và nhanh miệng:

– Chào bác Mười, hôm qua anh Thuận nói bác không khoẻ, bác không đến đám giỗ ông nội cháu. Hôm nay bác Tư của cháu xin phép đến thăm bác.

Bà Tư Son bước vượt lên:

– Chào chị Mười, tôi là mẹ thằng Thuận, đây là con gái thứ ba của tôi, đây là thằng Út. Còn thằng Mẫn con của chú Sáu thì chị đã biết nó rồi.

Bà Mười biết sắp có chuyện, nhưng cố gắng vui vẻ:

– Chào chị Tư và các cháu. Mời chị và mấy cháu vô nhà uống trà.

Út Tâm đặt gói quà ngay ngắn trên bàn rồi bước lẹ ra sân với thằng Mẫn.
– Tôi có chút trà bánh biếu chị Mười dùng lấy thảo. Hôm nay chị khoẻ không. Nhà chị gọn đẹp sạch sẽ quá. Chúng tôi không muốn làm phiền chị. Xin chị cho phép tôi gặp con dâu của chị một chút.
– Thưa chị Tư, con dâu mới đạp xe đưa con gái đi học, sẵn ghé chợ mua thức ăn. Nếu không có ai kêu bán buôn cam quýt, thường là hơn chín giờ, nó sẽ có mặt ở nhà. Xin hỏi chị Tư muốn gặp con dâu của tôi có việc gì.
– Có hai việc. Việc thứ nhất, tôi thành thật xin lỗi cháu là gia đình chúng tôi không đồng ý tác hợp cho thằng Thuận với cô Ngọc. Vì vậy mà hôm qua vợ chồng chúng tôi tuyên bố cầu thân cô giáo Bích Lam trước mặt bà con. Việc thứ hai, là muốn thương lượng để sang lại nửa phần hùn của cháu Như Ngọc.
– Rất tiếc là nó không có ở nhà. Trong vấn đề thứ nhất: Về mặt pháp lý hay đạo lý, con dâu Như Ngọc có quyền tự do lấy chồng. Vì chính tôi đã nhờ thầy tụng niệm xả tang chế cho nó trong năm đầu tiên. Việc nó quen biết cháu Thuận là do làm ăn chung lâu ngày mà sanh tình cảm. Một phần là do cháu Thuận và thằng Hậu vắn số nhà tôi quen biết hồi đi lính ở Cần Thơ. Tôi không cấm đoán hai đứa vì không thấy phạm thuần phong cổ tục. Tôi không xúi tụi nó xáp vô vì tôi cũng muốn con dâu ở vậy nuôi con, để sớm hôm hủ hỉ mẹ con, bà cháu. Vấn đề thứ nhì, thì để con dâu của tôi trả lời. Nhưng tôi nghĩ bà cũng khó thương lượng, vì nó và 2 anh con bác Bảy Đâu có nghề mua bán cam quýt. Vì vậy tụi nó cần chủ động ghe cộ, cũng lý do nầy mà con dâu của tôi không đắn đo ra vốn hùn hạp với cháu Thuận mua ghe của cháu Mẫn.
– Tôi không chờ cháu Như Ngọc. Để khi cháu rảnh, chúng tôi sẽ đến thăm.
Hình như cô Ba Thanh Thảo cố ý mở cuộc tấn công Như Ngọc lúc Hai Thuận còn đi theo ghe. Mà Như Ngọc cũng muốn chứng tỏ khả năng tự chủ. Thế nên trưa hôm sau, Như Ngọc rất bình thản khi nghe bà Mười cho biết có cô ba Thảo và cậu Út đến chơi.

– Má nói với cô Thảo là con đang lỡ tay làm cá, chút xíu con vô liền.

Như Ngọc rửa tay 2 lần bằng xà bông, cô vói bẻ mấy đọt ổi non vò trong hai lòng bàn tay để khử mùi tanh cá.

– Chào cô Thảo và cậu Út. Hai người đến chơi mà nhà không có món gì đãi. Cô và cậu ngồi chờ tôi chút xíu nhé.

Bây giờ bà Mười mới thầm phục con dâu. Hôm qua đi chợ về biết tin bà Tư qua đây muốn gặp, Như Ngọc qua vườn kế bên năn nỉ người ta bán nguyên buồng loại dừa nhỏ trái rất sai, nước ngọt gắt, dân vùng nầy gọi là dừa Tam Quan.
Trưa nay, Như Ngọc lẹ làng vạt vỏ tới gáo và tề bằng chỗ cuống 6 trái dừa vàng nhạt. Hai trái cô mời bà Mười và cho hai đứa nhỏ. Bốn trái bưng đặt lên bàn mời khách. Cô chìa túi đựng ống hút.

– Mời cô Thảo và cậu Út tự nhiên dùng.

– Xin lỗi cô Ngọc, chúng ta không bà con, vì vậy nên xưng hô theo tuổi. Tôi sinh năm 1952.

Như Ngọc cười rất tự nhiên:

– Vậy tôi phải gọi Thanh Thảo là chị. Xin chị đừng hiểu lầm. Tôi gọi những phụ nữ trẻ bằng cô là do thói quen. Tôi hoàn toàn không có ý muốn làm lớn. Trưa nóng quá, chị Thảo và cậu Út uống nhiều nước một chút. Tôi chặt thêm hai trái để sẵn.

– Tụi tôi qua đây là muốn nói chuyện với cô, chứ đâu huỡn đãi mà ăn uống.

– Hôm kia tôi hưởng thức ăn ngon tại nhà chị. Hôm nay đáp lại hai trái dừa mà thấm gì.

– Chắc là bác Mười đã nói lại với cô là ba má tôi đã tuyên bố kết thân cho  anh Thuận và Bích Lam.

– Dạ, tôi có nghe má tôi nói.

– Cô có cảm tưởng gì về việc đó?

– Không có cảm giác. Tôi không là vợ, cũng chưa là bạn gái anh Thuận. Nói trắng ra là chúng tôi đang ở những bước đầu của đoạn đường tình cảm mà nếu kết hôn thì phải bước đúng 100 bước. Chúng tôi đi nhanh hay chậm trên con đường 100 bước nầy là do xã hội tạo ra tâm lý bất ổn hay dồn ép truy đuổi.

– Gia đình Thảo nói ra việc nầy là muốn cho cô biết giữa cô và anh Thuận sẽ không có kết quả tốt. Mong cô nên chấm dứt mối quan hệ nầy.

– Xin hỏi chị, lý do gì mà chúng tôi sẽ không có kết quả tốt?

– Bởi vì dòng họ chúng tôi chưa có tiền lệ trai tân cưới gái goá.

– Chị Thảo tốt nghiệp đại học, chắc chị từng biết người xưa tin mù quáng vào những “quan niệm tiền lệ” mà xử tử những người không tin hay chống lại. Dù đời sau có phục hồi danh dự cho những người từng bị xã hội phong kiến miệt thị là ma quỷ, chứ đâu thể trả lại nụ cười mãn nguyện trên mặt cho những người có niềm tin khác.
– Nhưng ít ra cô phải giữ đạo thờ chồng để tạo thiện cảm và lòng kính phục của người đời.

– Chị thử xem việc goá phụ lấy chồng sớm sau ngày chồng chết. Và việc cặm sừng, hung hỗn hiếp đáp chồng, coi thường nhà chồng lúc chồng còn sống nhăn. Trường hợp nào là không giữ đạo thờ chồng, trường hợp nào chấp nhận được  Còn việc tôi có trọn đạo thờ chồng hay không, chỉ có má chồng và cha mẹ ruột của tôi mới có quyền rầy dạy hay khuyên nhủ phải làm sao. Người đời có quyền đánh giá tôi xấu xa hay thế nầy thế nọ, bụng của họ tôi làm sao cấm được. Chỉ mong đừng ai  lợi dụng đạo đức và luật lệ có lợi một chiều.

Im lặng đến khó thở. Út Tâm đinh ninh là hôm nay chị Ba Thảo của nó dập te tua chị Như Ngọc đến phải khóc ròng. Mà bây giờ nó uống nước còn bị nghẹn. Dừa Tam Quan thơm ngọt mà chị ba Thảo cũng nuốt không trôi.

Cô ba Thanh Thảo giảm giọng:

– Tôi hy vọng cô Như Ngọc biết rõ giá trị chân thật của mình mà hành xử.

– Nếu là vật dụng thì ai đặt đâu, nó ngồi yên đó. Con người tầm thường thì không tránh khỏi khi vui khi buồn, tâm viên ý mã, tham sân vô chừng.

– Còn thêm một việc là tôi muốn thương lượng mua lại phần hùn của cô Như Ngọc.

– Việc làm ăn nầy còn dính líu tới hai người anh chồng của tôi, chúng tôi phải bàn tính lại.

– Tôi đã hội ý với thằng Mẫn, thời giá của chiếc ghe là 6 lượng vàng. Một là cô cho tôi mua hết, tôi hoàn nửa vốn cho cô là 3 cây. Hai là cô thối vốn cũng 3 cây cho tôi, để làm chủ tron vẹn. Cô làm chủ ghe thì ba má tôi kêu anh Thuận về làm cho Thằng Mẫn. Ba má tôi quyết định chấm dứt mọi việc làm ăn của anh Thuận và cô.  Chuyện chiếc ghe, cô có quyền chọn một trong hai. Cô Ngọc bàn với anh em, rồi  cô cho tôi biết sớm.

– Mới nghe chị nói thì ngỡ rất công bằng. Nhưng người nghèo như chúng tôi mà muốn giữ nguyên trạng làm ăn như trước thì làm sao xoay trở.

(Còn tiếp)

Một Lúa 

0 nha xuaH

Có 8 bình luận về Thờ Chồng (13)

  1. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Phải công nhận cô Như Ngọc rất có bãn lĩnh và có vốn sống rất cao .Cô đối đáp với cô Thảo ” bên tám lạng người nửa cân”

    Khoái cái nho chùm ….

  2. HOA ĐĂNG nói:

    Gay cấn rồi đây, nhưng câu chuyện có vẻ hơi thiên vị, tôn vinh quá về nhân vật Như Ngọc, cũng đúng thôi, cốt cách của thần tượng là nhân vật chính của truyện mà. Chả trách Như Ngọc quá khôn khéo bản lĩnh có thừa, đối đáp thông minh . Viết nhanh lên còn đi tưới rau nghen Lúa đệ.

  3. Hoành Châu nói:

    Còn tiếp đoạn tức cuộc tình Thuận~ Ngọc  chưa đi đến đoạn kết ,,, hy   vọng sau    mọi bất trắc  sẽ đến hồi  tốt đẹp hơn .Hihi             Hoành Châu  (Gia đình  C  )

  4. My Nguyen nói:

    Bà Mười đối đáp rất hay, “không cấm đoán cũng không xúi xáp vô”. Như Ngọc thì khỏi chê rồi. Nhưng điều kiện cô ba Thảo đưa ra thật khó cho người đang thiếu vốn như Ngọc. Nhưng không sao, rồi sẽ có cách giải quyết; có khi sẽ có sự “bức phá ngoạn mục” cũng nên. Phải không anh Một Lúa?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác