NÓI CHO “DZUI” CHUYỆN CÁI LỖ TAI

Ngày đăng: 26/01/2016 07:07:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Truyện Phong Thần* trong kho tàng văn học Trung Quốc, có hai nhân vật “siêu sao” về nghe, nhìn: Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn. Thiên Lý Nhãn có đôi mắt phi thường, nhìn thấy được tất cả sự việc xảy ra ngoài nghìn dặm. Còn Thuận Phong Nhĩ có biệt tài, qua làn gió nghe được những lời nói nhỏ nhất phát ra từ phương trời… vô định.

tru bat gioiQua cái tên hai nhân vật tiểu thuyết nầy, tác giả đã vô tình để sơ hở khi ta suy ra và biết được tài nghe xa của Thuận Phong Nhĩ bị giới hạn, chừng mực. Chỉ nghe theo chiều gió xuôi (thuận phong), nếu lời nói ở ngược đầu gió thì Thuận Phong Nhĩ sẽ “bị điếc”, không nghe được gì cả.

Thiên Lý Nhãn, cao hơn, thấy được khắp nơi, không bị giới hạn gì cả, dù là ở sâu trong lòng đất hay tận đáy đại dương đều bị Thiên Lý Nhãn “thấy” hết.

Đó là truyện, lại là truyện con người mà có quyền “phong Thần, phong Thánh”, tức là loại truyện “Trời ơi! Đất hỡi!” đầy tính hoang đường. Người đọc cứ đọc, muốn hiểu sao thì hiểu, không ai bắt buộc phải có cái nhìn “lếu láo” như tác giả.

Có điều, đa số các Truyện xưa của Trung Quốc đều dựa vào Tích cũ. Tất cả tác giả của loại truyện nầy đều có óc tưởng tượng phong phú, phù phép hóa nhân vật thật trong sách sử thời Trung Quốc cổ rồi thêm thắt nhân vật hư cấu mà hình thành.

Từ những nhân vật lịch sử có thật, các tác giả Trung Quốc sản sinh thêm một số nhân vật chỉ có trong óc tưởng tượng của người viết. Họ dựa vào những sự kiện, nhân vật có thật trong sử sách và đồng hóa những nhân vật hư cấu, giả tưởng thành những “con người thật”. Cho nên, hậu thế mới tồn tại những Thuận Phong Nhĩ, Thiên Lý Nhãn,… (trong Phong Thần); Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới,… (trong Tây Du Ký) với những nhân vật lịch sử như Khương Tử Nha, Trụ Vương, Châu Văn Vương,… (trong Phong Thần); Tam Tạng, Đường Thái Tông,… (trong Tây Du Ký)… Điều đáng buồn cười, có những đền miếu, chùa chiền lại đặt bàn thờ những nhân vật hư cấu ấy.

Điều nầy cho thấy, thời nào cũng có người ngu, kẻ dại, cũng có kẻ “lộng giả thành chân.” Và, do ngu muội mới không phân biệt Chân, Gỉa mới khước từ tôn thờ cái CHÂN (như tiền nhân, anh hùng dân tộc ta,…) để cung phụng, tôn thờ cái GIẢ (như Thuận Phong Nhĩ, Thiên Lý Nhãn,…) Và, chối từ thứ tốt nhất để đổi lấy cái xấu xa nhất (như bỏ Quốc Tổ, bỏ anh hùng và cội nguồn dân tộc để tôn thờ ngoại nhân như thờ Quan Công)

Cái “Lỗ tai” của nhân vật giả tưởng Thuận Phong Nhĩ trong truyện Phong Thần, chẳng biết được “nhà khoa học” (tác giả), sáng tạo cấu trúc đặc biệt như thế nào để có thể “nghe” được các câu nói nhỏ nhất từ bốn phương, tám hướng. Nó trở nên phi thường so với các lỗ tai bình thường của con người.

Trong tướng pháp “Tai” được gọi là Thám Thính Quan. Cơ thể học gọi “Tai” bằng Thính Giác – Một trong ngũ giác quan của con người.

Tai gồm có: Vành tai (quách), vành sụn (luân), trái tai (thùy châu), màn nhĩ (chẳng biết có phải tướng học gọi là Phong Môn chăng?) Màn nhĩ là một bức màn mỏng có tính rung là một thành phần quan trọng để tiếp thu tiếng nói, tiếng động. Ngoài ra, màn nhĩ còn có chức năng làm bức tường cách ly sự thông lưu giữa tai, mắt, mũi và miệng. Khi tiếp thu tiếng nói, màng nhĩ rung lên đánh động các hệ thần kinh của sự nghe và tích tắc chuyển đến não và từ não sinh vật hiểu được sự việc.

Khi màn nhĩ bị thủng, không thể nghe được, hoặc có thể nghe được nhưng rất khó khăn, không rõ ràng. Trường hợp nầy, nếu bịt mũi lại, ngậm miệng, hít sâu, thở ra thật mạnh, hơi sẽ thông qua tai thoát ra ngoài.

Trong cửu khiếu (9 lỗ) ở con người gồm: hai hố mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, miệng, niếu đạo (lỗ đái) và hậu môn. Nhưng nếu, người xưa cho rằng con người có “cửu khiếu” thì nó chỉ đúng với giới tính nam. Vì, giới tính nữ hệ sinh lý ở phần dưới bụng có đến 3 lỗ (trong khi ở nam giới chỉ có hai): Niếu đạo (lỗ đái), âm đạo (cửa mình) và hậu môn.

Nhị khiếu nằm trong hệ sinh dục nữ có hai chức năng hoàn toàn khác biệt: Thông tiểu và sinh sản. Có lẽ người xưa không phân biệt được hoặc khi nghiên cứu cơ thể học đã “bỏ quên niếu đạo (lỗ đái),  trong khi ở nam giới thì họ tính luôn cái lỗ nầy (niếu đạo).

Đấng Tạo Hóa dựng nên con người thật kỳ diệu. Ngài ban cho con người một bản chất thượng đẳng, một tình cảm dạt dào, một bộ óc siêu việt,… Nhờ đó, con người mới đam mê lục dục: Sắc đẹp, dáng vẻ, oai nghi, âm thanh, tế hoạt, tướng mạo và có thất tình: Hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (có khi là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục) để ứng xử với đời. Có thể người xưa sống trong xã hội hòa thuận nên cho bản chất con người chỉ có 7 đức tính chính mà không kể đến tính Ác. Trong khi chính cái ác mới làm cho xã hội điên đảo, đảo điên.

Và, nói cho vui, rằng Đấng Tạo Hóa hay thì có hay, nhưng khi nắn nót ra những sinh vật, trong đó có con người cũng có cái dở, vì đã đặt “khu công viên vui chơi lành mạnh” nằm gần sát “khu vệ sinh”. Ngặt! hiện nay, các quốc gia tân tiến đều rập khuôn theo mô hình nầy. Nơi nào có công viên nơi ấy có Restroom (phòng vệ sinh). Còn ở những quốc gia chậm tiến như ở… đâu đó thì tiến bộ hơn, bất cứ nơi nào cũng nơi bài tiết… gốc cây.

Các nhà cơ thể học cho biết, phần đầu con người có thất khiếu (hai hố mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi và miệng). Có lẽ, họ nghĩ rằng “lưỡng khiếu” ở nam và “tam khiếu” ở nữ, hình thành dưới bụng không quan trọng hoặc là thô tục (?) nên cho rằng con người chỉ có thất khiếu (bảy lỗ) ở phần đầu mà thôi.

Trong Ma Y Thần Tướng – Một quyển sách nói về tướng học, danh tiếng từ trước đến nay, khi luận về tai, viết:

– “Tai quán thông với tâm, liên hệ với thận. Thận khí vượng thì tai tinh thông. Thận khí hư thì tai tối tăm. Tiếng nói thanh trong cùng tính hạnh hậu, tai đóng cao là tướng trường thọ. Luân, quách (vành tai, vành sụn) phân minh, trong (tức là sáng sủa) là tướng thông minh đỉnh ngộ. Thùy châu (dái tai) hướng về miệng: giàu, thọ. Thùy châu to, thòng: trường thọ. Tai có lông dài: thọ, giàu. Tai có nốt ruồi: sanh quý tử, thông minh. Lỗ tai rộng: Trí tuệ, tiến đạt. Tai hồng, nhuần nhã: chủ quan tước. Tai trắng: chủ danh vọng. Đỏ, đen: bần tiện.

Tai mỏng hướng về trước: bán hết ruộng vườn, nghèo. Tai phản, lệch: không còn nhà cửa. Tai lớn tai nhỏ không đều: phương hại. Tai quang minh, nhuận trạch: danh bạt viễn phương. Xác như tro bụi, khô đen: bần bạc, ngu dốt. Trắng như tuyết: Đến già chẳng khóc (có nghĩa sung sướng hạnh phúc cả đời). Tai dài và cao: có lộc. Dày và tròn: có áo cơm,… Tai cao: khởi tiếng nhân gian. Hai tai thòng đến vai: quý không tả được. Tai trắng hơn mặt: danh rền thiên hạ. Tai như quân cờ: thành gia, lập thế. Tai đen: ly tổ, phá gia. Tai mỏng như giấy: chết non. Luân, quách đào hồng (màu đỏ như trái đào): tính tốt lung linh, rất thính tai. Tai nhỏ: bần cùng. Tai chuột: nghèo, chết non. Tai phản (không vành): tổ nghiệp thành bụi. Tai như hạt trai: thừa cơm áo. Tai rỗng, khoát đạt: thông minh tuấn đạt. Dái tai có xương tròn: mạt vận vẫn có tiền dư. Tai cao hơn mắt: làm thầy. Tai cao, đủ luân quách: an lạc. Tai hình chữ đao: ngũ phẩm triều đình. Lỗ tai to: thông minh. Lỗ tai nhỏ: thiếu ăn.”

Đó là những suy niệm về tai. Những suy niệm khoa học hoặc tướng học tất cả đều có thể đúng và có thể sai, nghĩa là không tuyệt đối. Và, thuyết tương đối của Albert Einstein trước nay vẫn tồn tại không phải tương đối mà là tuyệt đối. Cái tương đối trong tuyệt đối tuyệt làm sao!

Khi nói một câu chuyện mà người nghe cảm thấy thích hợp, ưng ý, người ta thường bảo: “Nói nghe khoái cái lỗ nhĩ!” Còn nói với luận điệu tức bực, hằn học với đối tượng thì người nói bảo: “Nói cho thủng cái lỗ tai (hay lỗ nhĩ) của nó mới được.”

“Nói cho thủng cái lỗ tai nó” bởi vì đối tượng có lỗ tai mà không biết nghe hoặc nghe nhưng giả điếc. Vì thế, người nói phải “nói cho thủng cái lỗ… nhĩ của nó”, lời hàm ý vừa ác vừa thiện. Ác là nói cho… đã miệng mình, cho hả căm tức. Thiện là nói để kẻ không hiểu, không nghe, nghe và hiểu. Nghe, hiểu biết được để sửa sai, nghĩ đúng, làm đúng. Tránh được lỗi lầm.

Đối với những kẻ lì lợm, không chịu lắng nghe lời nói phải của mọi người, bị bảo: “Đờn đâu đờn khảy tai trâu.” Đó là lời mắng nặng dành cho những kẻ đã làm sai, không biết sửa sai, làm ngơ, giả điếc trước dư luận (tiếng đàn) quần chúng. Nhưng “cái lỗi” không ở “trâu” mà ở kẻ khảy đàn. Bởi vì “trâu” thì làm sao nghe được tiếng đàn? Đã biết “đàn” “trâu” không nghe được mà cứ đàn, thì chẳng lẩn thẩn lắm sao!

Đối với “trâu” đem đàn ra khảy chỉ tốn công phí sức. Nên có thái độ tích cực hơn, hãy dùng roi đét vào mông, dùng búa nện vào đầu hoặc hãy “đốt” đuôi nó.

Cụm từ khác. “Điếc không sợ súng.” Nói lên hành vi liều mạng của những kẻ không biết rõ, không thông suốt vấn đề mà nhắm mắt làm liều việc khó khăn, nguy hiểm hoặc ở những kẻ “thí mạng cùi”, bất chấp hậu quả.

Trong đời sống, quanh chúng ta, có những kẻ “tai to, mặt bự” – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (nghĩa đen, nói về ngoại hình, mặt to đầy, tai lớn thòng; luân quách phân minh, tươi nhuận,… nghĩa bóng, hạng người có tên tuổi, địa vị trong xã hội,…) Nhưng, những kẻ có ngoại hình tốt, mặt tươi nhuận hay những kẻ có danh phận sáng chói trong xã hội chưa hẳn là những kẻ có “tai tốt” hay “danh tốt”. Trong những kẻ ấy, không thiếu những kẻ chỉ mang hình thể loài người, chứ chưa phải là CON NGƯỜI, một thứ con người mà mỗi khi được nhắc đến tên tuổi họ, người người kính nể, trọng vọng và khi viết sẽ nắn nót viết hoa.

Có những kẻ có lỗ tai, về tướng học được liệt vào hạng “tai tốt”, thực chất nó chỉ tốt về hình thái. Cái tốt mà con người đòi hỏi nơi tai cốt lõi không phải ở chỗ “để nghe” mà phải “biết nghe”. Biết nghe không thuần túy ở từ “thính” (nghe) mà ở “biết lắng nghe” điều hay, việc phải,… để chấn chỉnh, sửa sai, làm lại cho đúng những gì đã sai sót cho thích hợp với lòng ý của đại đa số quần chúng.

Trong cộng đồng Việt Nam xuất hiện khá nhiều những kẻ có “danh”, có “địa vị”, có “tai tốt” nhưng những cái “tốt” ấy đã khoác lên hình thể một thứ Ngợm Người. Tức những kẻ nặng óc bè đảng, phe phái chúng là những kẻ tội phạm đã có hành vi gây ra sự sứt mẻ, tạo thành sự bất mãn, xáo trộn, bực tức, chống đối trong công đồng dân tộc chúng ta.

Vốn dĩ là những kẻ “điếc không sợ súng”, những tên Ngợm người ấy vẫn chưa biết, hoặc biết nhưng không thèm lắng nghe để phục thiện, đáp ứng thích hợp… Do đó, người viết, bắt buộc phải viết bài nầy để “xoáy vào lỗ tai” chúng.

Thái Quốc Mưu (Atlanta, USA)

 

_____________

 

Ghi chú:

 

* Tác giả của Phong thần diễn nghĩa có thuyết nói là Hứa Trọng Lâm (許仲琳; 仲琳), hiệu là Chung Sơn Dật Tẩu (mất 1566), người Phủ Ứng Thiên huyện Trực Lệ biên soạn. Thuyết khác lại cho rằng tác giả rất có thể là Lục Tây Tinh (陸西星; 西星), hiệu Trường Canh (mất 1601), người huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô viết.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác