Những ngày đầu lên tỉnh học (Kỳ 2)
Một hôm trong sân trường, tôi nghe một anh nói: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao. Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh. Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Trúc xinh trúc mọc lộn đầu. Em xinh em đứng trên lầu cũng xinh.” Tôi mắc cười và sực nhớ lại Ngọc Ân và Hồng Hoa. Lâu lắm rồi không gặp Ngọc Ân và Hồng Hoa. Tôi ngước lên lầu, thấy Ngọc Ân và Hồng Hoa đang đứng tựa vào lang cang nhìn xuống. Sao mà mầu nhiệm vậy. Ngọc Ân và Hồng Hoa có biết? Có người trộm nhìn Ngọc Ân và Hồng Hoa, tìm lại hình ảnh Ngọc Ân và Hồng Hoa năm đệ thất.
Thi vào đệ thất Tống phước Hiệp rất gian nan, nhưng học đệ thất không vui bằng lớp nhất hay tiếp liên thời tiểu học. Ở tiểu học suốt năm chỉ học với một thầy một cô. Thầy cô biết tên từng đứa. Lên trung học mổi môn một học với một thầy hay một cô. Có môn mỗi tuần chỉ học một giờ. Hết giờ thầy, cô nhanh chóng rời lớp này đến lớp khác, đôi khi lớp khác nằm ở trường lớn. Thầy cô rất vội vã, đôi khi suốt năm học cũng không nhớ hết tên các học trò.
Cũng có lúc tạm vui, khi rũ được mấy đứa bạn trong nhóm ốc tiêu tụi tôi chọi đáo. Danh từ ốc tiêu là do Cô Phạm Hồng Huợt đặt cho mấy đứa ngồi bàn đầu tụi tôi. Một hôm đang chọi đáo, một bạn bên lớp đệ thất tám đi ngang qua, đá đồng tiền của tôi văng đi. Anh Hương cùng lớp, chúng tôi thường gọi là ông già Hương, phóng tới xô mạnh anh bạn bên lớp đệ thất tám. Anh bạn bên đệ thất tám không cự lại, đi thẳng vào lớp. Tôi không nhớ anh bạn bên lớp đệ thất tám là anh nào. Có phải là Đặng Công Tạo? Chắc chắn không phải là Nhị Thiên Đường. Sau năm 75 gặp lại anh Hương chạy xe đạp ôm ở chợ Vĩnh Long. Mỗi lần gặp anh, tôi không mời anh đi uống cà phê. Ngại mất thì giờ của anh, rồi ngại một điều “tế nhị.” Tôi nhờ anh chở lên Ngã ba Cần Thơ, anh chạy chầm chậm, vừa chạy vừa ôn lại chuyện cũ. Đến Ngã ba Cần Thơ tôi trả tiền cho anh vừa đúng giá. Đợi anh chạy khuất rồi, tôi đón xe khác trở lại chợ Vĩnh Long.
Sau lần chọi đáo bị phá, tụi tôi không chọi đáo nữa. Giờ ra chơi thật buồn, một hôm tình cờ nhìn hai người con gái cùng cấp đệ thất đi chung với nhau. Hôm sau, hôm sau và những ngày sau cũng thấy hai người đi chung với nhau. Mỗi giờ chơi tôi thường nhìn hai người con gái đi chung với nhau. Sau đó tôi hỏi Hồng Lợi học chung lớp, tên hai người con gái. Hồng Lợi cho biết cô đi chậm là Ngọc Ân và cô kia là Hồng Hoa.
Sang năm đệ lục tôi vẫn học ở trường nhỏ, lớp học nằm trong góc gần Miễu Bảy Bà, sát bên văn phòng trường. Không có dịp nhìn lại Ngọc Ân và Hồng Hoa. Năm đệ ngũ về trường lớn, lớp học gần ngôi mộ, sát góc lầu, lớp học trên lầu, phía sau nhìn xuống con đường hủ lô. Cũng không có dịp gặp lại Ngọc Ân và Hồng Hoa, mãi đến năm đệ tứ.
Nhờ trang Tống Phước Hiệp-vinhlong gặp lại Ngọc Thúy, nhờ Ngọc Thúy biết được Lê Thanh Thủy. Nhắc về Ngọc Ân, Lê Thanh Thủy cho biết, Ngọc Ân là con của cô mụ Mười ở cầu Lầu. Tôi gọi cô mụ Mười là má Mười, nhiều lần xuống căn nhà sàn của má Mười, nhưng chưa bao giờ gặp được Ngọc Ân và cũng không biết Ngọc Ân là con của má Mười.
Sau này gặp lại một chị học cùng cấp, cũng nhắc về Ngọc Ân. Chị ấy nói, “Ngọc Ân học chung với chị thời tiểu học, đi chậm, điệu lắm.” Tôi không thấy điệu, tôi thấy thích. Nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên và Nguyễn nhược Pháp. “Ngoài đường em bước chậm. Trong quán chiều anh ngóng cổ cao..” và “Em không dám đi mau. Ngại chàng chê hấp tấp..”
Sau khi Hồng Lợi về Việt Nam gặp lại Hồng Hoa. Tôi nhắc lại chuyện Hồng Hoa và Ngọc Ân hồi đệ thất. Hồng Lợi nói, hồi đệ thất Hồng Lợi chưa biết Hồng Hoa. Hồng Lợi đã quên nhiều chuyện xưa. Không biết Hồng Lợi còn nhớ, hồi đệ thất Hồng Lợi làm bài luận tả cây dừa. Hồng Lợi viết “uống nước dừa ngon như nước xá xị” Tôi mắc cười, chắc không ai không uống được nước dừa, nhưng rất có nhiều người không uống được xá xị. Không biết Hồng Lợi còn nhớ, trong giờ học, Hồng Lợi đọc quyển Ba mũi tên thù, bị cô Huợt phạt viết năm câu “Không được đọc tiểu thuyết trong giờ học.”
Tuy nghĩ Hồng Lợi đã quên nhiều, nhưng tôi cũng chẳng nhớ được bao nhiêu. Nhớ năm đệ thất học công dân với thầy Nguyễn Trọng Văn, không nhớ nguyên nhân như thế nào. Thầy Văn thách tôi, qua đứng làm trò hề trước cửa lớp nữ thất 3 hay thất 4. Tôi đứng dậy ra cửa, bước được vài bước tôi quay trở vô. Thầy nói, nếu tôi bước thêm mấy bước nữa, thầy chịu thua. Sau này tôi chứng kiến hai người uống đua, người uống coca cola và người kia uống bia. Sau khi hai người uống số lượng coca cola và bia bằng nhau. Người uống coca cola khui thêm năm chai coca cola, người uống bia đầu hàng. Người uống coca cola nói, nếu người uống bia cũng khui năm chai bia, không cần uống, người uống coca cola sẽ đầu hàng.
Năm đệ thất học vẽ với thầy Giai, một hôm thầy cho đề về nhà vẽ và tô màu. Tôi vẽ và tô màu đen. Thầy cho không điểm, thầy nói đen không phải là màu. Tôi nói với thầy, tôi lấy cây viết chì đen trong hộp viết chì màu, thầy vẫn quyết định cho không điểm. Suốt thời gian học vẽ ở Tống Phước Hiệp, tôi không được học với thầy Tô Quang Vĩnh, chữ ký của thầy dài như một hàng rào. Sau năm 75 Tô thị Nguyệt Ánh, con gái thầy xuống Cầu Mới dạy học. Một hôm tôi thấy Ánh từ trường về trên tay cầm một tờ giấy. Tôi lấy tờ giấy coi. Hiệu phó Tô Thị Nguyệt Ánh ký cho giáo viên Tô Thị Nguyệt Ánh đi công tác Vũng Liêm. Câu tự mình vẽ bùa cho mình đeo, giống vậy không?
Cô Lâm Thị Ngọc Hương cho những bài giảng văn về nhà làm. Mang vào lớp cô kiểm, tôi cố tình giải nghĩa sai cho cô sửa. Một bức tranh Tàu, tôi cố tình viết là tranh tàu, giải nghĩa là nhiều người tranh giành một chiếc tàu.
Học nhạc với thầy Ngôn, sau này nghe chị Ngọc Thu nói, thầy Ngôn cũng có dạy ở trường Chợ Lách. Thầy Ngôn dạy bản Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh. Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. . . Sau này tôi cũng thích bản Tha La xóm Đạo của Dzũng Chinh. Tôi thích tựa Tha La xóm đạo hơn là tựa Hận Tha La của nhạc sĩ kia, nhưng vẫn thích cả hai bản nhạc. Năm 68 hay 69 có một bản nhạc mới ra đời: “Hôm qua tôi đọc báo. Thấy tin anh gục ngã. Phía trang sau chia buồn. Lòng mình bổng lạnh căm. Xúc động đến dị thường. .” Đó là bản nhạc của Thanh Sơn dành riêng cho Dzủng Chinh. Có người kể Dzủng Chinh chết vì xe bị mìn ở miền Hậu Giang. Người khác kể ly kỳ hơn. Dzủng Chinh mang lon chuẩn úy, đơn vị ở tận Quy Nhơn. Một đêm Dzủng chinh cắt một tiểu đội đi tuần tiểu. Một chút sau có một toán quân xuất hiện và nói: “Luận về đây.” Dzủng Chinh bước ra hỏi, sao về sớm vậy Luận. Tức thì Dzủng Chinh nhận trọn một tràng Aka. Tiểu đội trưởng đi tuần tiểu là trung sĩ Luận. Mật khẩu của toán quân bên kia là “Luận về đây.” Sự trùng hợp ngộ nghỉnh, đưa đến cái chết của một người tài hoa.
Năm đệ lục học Việt văn với cô Lê thị Liêm. Cuối năm cô phê trong học bạ của tôi, học khá nhưng hơi cứng đầu. Ba tôi thấy và nói, cô phê như vầy còn nhẹ, phải phê là quá cứng đầu.
Những ngày bải trường hay ngày nghỉ về quê, mỗi sáng bạn bè của ba tôi thường đến nhà tôi uống cà phê. Ba tôi chỉ tôi cách pha cà phê cho các chú các bác uống. Pha xong cà phê, tôi vẫn ngồi gần, coi ba có cần gì thêm. Rồi nghe những câu chuyện thời sự của các chú bác bàn bạc. Nghe một chú tánh rất “sôi nổi,” luôn miệng chửi chánh quyền. Trước thời Ngô, ngay thời Ngô, sau thời Ngô chú đều chửi. Chú không phải là người ngồi thường, chợt đến chợt đi. Chú đến để chửi, các chú khác yên lặng. Chưởi xong chú đi, có một bác, thường thì bác rất ôn hòa, bác nói, thế này cũng không được, thế khác cũng không, chắc là muốn lên núi. Một chú hỏi, muốn bắt chước Bá Di, Thúc Tề hả. Đói rau rừng, trả lại thóc Chu, hay trả cả rau rừng, thà chết trên núi, núi vẫn của nhà Chu. Bác nói câu “lên núi” lắc đầu, không phải vậy. Lúc đó tôi không hiểu lên núi là gì, sau này tôi hiểu ý bác nói. Tôi cũng không biết câu chuyện Bá Di, Thúc Tề như thế nào. Đến năm đệ tứ, thầy Vĩnh giảng bài Tài tử đa cùng phú. Đến câu: “Đói rau rừng, thấy thóc Chu mà trả, đá Thú Dương chơm chởm, xanh mắt Di nằm tót gáy o o.” Thầy giảng về điển tích Bá Di, Thúc Tề. Lúc đó tôi mới hiểu câu chuyện Bá Di và Thúc Tề. Rồi thời gian cũng quên đi, chỉ nhớ mang máng. Hỏi lại bạn Đỗ chiêu Đức, bạn giảng lại thật rõ ràng. May mắn tôi có được một kho sách sống. Thành thật cám ơn bạn.
Chú hay chửi chánh quyền lại là người áp dụng kỹ luật thép trong gia đình. Chú thường nói, “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.” Cũng đợi chú “sôi nổi” đi rồi, bác “ôn hòa” nói, Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” có từ thời Tống Nho. Tôi chỉ nhớ mang máng thế thôi, bác giải thích thêm, tôi không nhớ, sau này cũng nhờ bạn Đỗ Chiêu Đức giải thích rõ ràng câu này.
Những thời điểm rối ren của những năm sáu tư, sáu lăm, bác “ôn hòa” thường nhẹ nhàng bày tỏ tâm trạng hoài Ngô. Bác thu lượm được tin tức của những người đáng tin cậy. Bác nói Tổng Thống bị đánh đập dã man, gần chết hay đã chết, để khảo kho tàng, sự thực kho tàng chẳng có. Ném đá muốn dấu tay, người ta cho một trung úy bắn vào một người đã nằm yên. Bác nói chuyện quá khéo cũng ảnh hưởng đến lòng tôi. Tôi nhớ lại, năm lớp nhì tôi tự tập vẽ chân dung. Người ngồi mẫu cho tôi vẽ là Ngô Tổng Thống. Những phút thầy đang chấm bài, cả lớp ngồi yên đợi. Tôi lật ngược cuốn tập, mở ra trang sau, vẽ hình Ngô Tổng Thống. Đến lúc thầy giảng bài thì ngưng. Hôm sau hay những ngày sau có giờ rảnh, vẽ tiếp. Ngô Tổng Thống vẫn ngồi yên làm mẫu, phía sau lưng thầy, treo cao trên nơi tấm vách.
Người tôi rất mềm yếu. Năm học lớp ba với thầy Thế, nhà vợ lớn của thầy ở đường Trưng Nữ Vương. Thầy dạy ở Cầu Mới vì có người vợ kế, hay thầy xuống Cầu Mới dạy mới gặp người vợ kế, tôi không rõ. Một hôm thầy kể về vụ án Thị Lộ. Thầy kể xong tôi ngồi khóc. Thầy bước xuống ôm tôi vào lòng vỗ về.
Một hôm cô Liêm giảng bài Thăng Long thành hoài cổ.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Đồng bệnh tương lân, tôi càng thương cảm lòng hoài cổ của bà Huyện Thanh Quan. Tôi không biết làm thơ bày tỏ nổi lòng, lòng tôi muốn nổi loạn.
Những môn khác chẳng có gì để nổi loạn, chỉ có giờ văn. Với trí quá non nớt, tôi dám bày tỏ quan điểm ngược với quan điểm của những nhà văn lớn. Tôi không nhớ những gì đã cải với cô Liêm. Chỉ nhớ một hôm cô Liêm giảng câu: “vợ chồng phải tương kính như tân.” Lúc đó tôi chẳng hiểu nổi ý nghĩa “tế nhị” của câu đó. Tôi nói, câu đó là một câu hão huyền. Thực tế chẳng có vợ chồng nào tương kính như tân. Cải lộn chí chóe mỗi ngày. Chắc làm cô Liêm buồn lắm. Thành thật xin lỗi cô. Sau này một anh cựu học sinh Tống Phước Hiệp, đã tốt nghiệp cao học, vợ anh là giáo sư dạy trường Hoàng Diệu, Sóc Trăng ngày xưa. Anh tâm sự, nếu thời gian có đi ngược, anh không bao giờ cưới vợ. Tôi lại nhớ đến câu giảng của cô Liêm. Nếu vợ chồng “tương kính như tân” cuộc đời này đở một phần khổ rồi.
Năm đệ lục thầy Liêm dạy bản nhạc “Những ngày xưa thân ái” của Phạm thế Mỹ. Sau năm 75 tôi đọc được một bài thơ của một thi sĩ miền Bắc cũng họ Phạm, cũng có tựa là Những ngày xưa thân ái. Trong bài thơ có câu: “Sương mai đáp trắng cỏ đường. Hai đứa tôi, sách vỡ cặp chung, áo quần nhàu giấc ngủ. Khá giống với một câu trong bản nhạc: “Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa. Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ.
Đến năm đệ ngũ thì khác đi. Học văn với thầy Tôn, một hôm thầy giảng về Lục tổ Huệ Năng. Tôi chăm chú nghe, bài giảng đó đã gieo mầm Thiền vào lòng tôi. Tôi nhớ mãi hai bài kệ của Thần Tú và Lục Tổ:
Thân tự bồ đề thọ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời thường phất thức,
Vật sử nhạ trần ai!
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh kính diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?!
Một lần họp mặt hội Ái hữu Tống Phước Hiệp. Vừa thấy thầy Nguyễn Bá Nguyên dạy lý hóa năm đệ ngũ bước vô. Tôi sực nhớ đến một bài học bảo toàn năng lượng, thầy giảng, có thể cân khói thuốc. Tôi bước tới nói với MC Nguyễn Thị Ly. Chương trình có một khoảng thời gian nào có thể, cho tôi xin mấy phút nhắc một lại kỹ niệm thời học với thầy Nguyên. Ly trả lời, Ly chỉ là MC, cần gì phải đến xin anh Nguyễn Quang Trung trưởng ban tổ chức. Tôi đến gặp anh Trung, anh Trung trả lời, không thể được, muốn gì phải nói trước, bây giờ thì không thể. Tôi quá ngạc nhiên. Ngày xưa phòng tôi làm việc kế ban văn nghệ. Mỗi khi có tổ chức văn nghệ, thường đến phụ với ban văn nghệ. Trong chương trình bao giờ cũng có một khoảng thời gian du di và một vài tiết mục dự phòng. Trong giờ trình diễn có một anh lính nào nổi hứng xin lên ca, vẫn có thể đáp ứng. Văn nghệ có kéo dài vẫn có tiết mục dự phòng. Có một đêm văn nghệ, chưa tới phiên ca sĩ Túy Phượng trình diễn. Chị đã xuất hiện phía sau sân khấu. Thấy chị đứng khá lâu, tôi mang ghế lại mời chị ngồi. Chị cám ơn không ngồi. Tôi mời lần nữa, chị lắc đầu giải thích, chị không thể ngồi. Chị ngồi sẽ bị nhăn chiếc áo. Chị hỏi lại có điều gì cần chị giúp không. Chộp ngay thời cơ. Tôi nói với chị. Tý nữa ca, chị làm ơn tặng dùm bài ca cho ông Trung tá Đức, người mang kiếng cận ngồi hàng ghế đầu. Chị xin Trung tá ngày mai xả trại. Chị Túy Phượng giúp như lời tôi nói. Trung tá Đức vẫn ngồi yên. Chị gở micro đi xuống dưới ca. Ca lại điệp khúc nhiều lần, cho đến khi Trung tá Đức đứng lên tuyên bố xả trại. Thời gian chị ca gấp hai lần bình thường, ban tổ chức vẫn sắp xếp xong. Những bạn trẻ sau này chắc không biết xả trại là gì. Nếu nghe Hùng Cường, Mai Lệ Huyền ca: “Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Người yêu anh ơi giờ đây lại cắm trại rồi. Chắc cũng không hiểu Cắm trại là gì?
Hồi tôi còn ở trong quân trường, thấy một người con gái đi qua. Bước chân trái phía trước, tôi đếm một. Chân phải phía trước đếm hai. Chân trái phía trước đếm ba. Chân phải phía trước đếm bốn. Cứ thế tiếp tục, một hai ba bốn, một hai ba bốn. Tôi bị phạt, người con gái quay trở lại xin. Người phạt cương quyết phạt. Người xin kiên nhẩn xin. Cuối cùng lệnh phạt được hũy bỏ. Tôi tìm hiểu, người xin cho tôi là một ca sĩ.
Năm đệ tứ học nhạc với thầy Hùng. Thầy ca bản nhạc dài lê thê: “Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá. Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà. Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.” Giọng cao của thầy ca nghe đã hơn nghe Thái Thanh ca bản này. Hình như đó là bản nhạc ruột của thầy. Mỗi một ca sĩ đều có một bản nhạc ruột. Không ai ca bản Ông lái đò hay hơn Hùng Cường. Không ai ca bản Phượng Hồng nghe thích bằng Vũ Khanh. Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám.Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu. Mối tình đầu của tôi. Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp. Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ. Là bài thơ còn hoài trong vở. Giửa giờ chơi mang đến lại mang về. Cánh phượng hồng ngẩn ngơ. Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây. Và mùa sau biết có còn gặp lại. Ngày khai trường áo lụa gió thu bay. Mối tình đầu của tôi. Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi. Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu. Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ. . Người ca và cả bài ca đều tuyệt vời. Còn bài ca nào hay hơn nữa. Chuyên chở được tuổi sáu mươi ngược thời gian trở về thuở học trò mười tám. Mối tình đầu của tôi. Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp. Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ. .
Kim Loan nổi tiếng với bài Căn nhà ngoại ô. Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền. Gần kề lối xóm, có cô bạn thân, sớm hôm lo sách đèn. . Nghe kể lại, bài này được phổ nhạc từ một bài thơ của chị Thu Hà học sinh Tống phước Hiệp. Chị làm bài thơ này năm chị học đệ nhị. Kim Loan còn làm điêu đứng một người với lời ca. Nếu có lần Loan gõ cửa ghé thăm. Gác vắng buồn thiu khung cảnh âm thầm. . Sau đó thì Kim Loan biến mất. Có lần Kim Loan ghé California. Luật sư Nguyễn Sơn Hà có vợ người Tam Bình phỏng vấn Kim Loan. Hỏi chị có phải là người tình của Tổng Thống Thiệu hay không. Chị trả lời rất khéo, hiểu có cũng được, hiểu không cũng được.
Một kỳ thi nhạc, bạn QCT lên ca: “Tiên sư cha nhà bây sao dám lấy chồng bà. .”. Thầy Hùng vẫn cho bạn T ca hết bản. Thầy Hùng chấm điểm “không.” Sau khi tôi rời Việt Nam khoảng mười ngày bạn QCT đến cho cô 9 hay. Tôi đã bị bắt ở Bến Giá, kêu cô 9 đưa cho bạn ba lượng vàng, bạn sẽ lo cho tôi ra. Dễ dầu gì gạt được cô 9, khi cô chưa biết rõ câu chuyện. Sáng hôm sau cô 9 đón xe đò Trà Vinh, dự định đến Bến Giá tìm hiểu sự thật. Cô ngồi ở quán cô năm Tường chờ xe. Cô năm coi cô 9 như con dâu, hỏi cô 9 đi Trà Vinh làm gì. Xe từ Vĩnh Long xuống tới, ngừng rước khách, cô 9 bước lên xe. Hôm đó bạn hàng chở nhiều cần xé xoài xuống Trà Vinh bán, xe ngừng hơi lâu. Ba tôi từ Vĩnh Long cũng vừa về tới. Từ Vĩnh Long về hay từ Cầu Mới ra đi, ba tôi thường ghé quán cô năm Tường. Cô năm và ba tôi là bạn thâm niên từ lâu đời, hồi tôi còn thật nhỏ, mỗi khi cô năm đi vô chợ thường ghé nhà cho tôi một đồng. Ba tôi nói nhỏ với cô năm, tôi vừa gởi thơ về, chỉ ba ngày đêm đã đến Bidong bình an. Xe Trà Vinh sắp chạy, cô năm đưa tay ngoắc lơ xe, đa số lơ xe đều biết cô năm. Xe vẫn chưa chạy cô năm gọi cô 9 xuống xe. Lúc đó thơ từ Bidong gởi về Việt Nam khoảng hai hay ba tháng. Từ Bidong gởi qua Thái Lan chỉ hai hôm. Từ Thái Lan gởi về Việt Nam khoảng một tuần. Tôi nhờ cô bạn đi cùng tàu gởi cho người thân của cô bên Thái Lan và nhờ gởi về Vĩnh long.
Nguyễn Hoàng Hưng
(Còn tiếp)
Thời học sinh của anh Hoàng Hưng có quá nhiều kỹ niệm, được anh kể lại bằng một trí nhớ thật tuyệt vời! Khi lớn tuổi, người ta hay nhớ về quá khứ. MN cũng vậy, cũng hay nhớ về những chuyện đã qua nhưng không thể hệ thống các chi tiết một cách mạch lạc như anh HH. Thật là ngưỡng mộ! Xin chờ đọc phần “còn tiếp” của anh HH nhé!
Anh Hưng hay thật,thời học sinh của anh có rất nhiều kỹ niệm thật phong phú và anh lại nhớ tỉ mỉ từng chi tiết.Qua bài viết của anh em nhớ lại rất nhiều chuyện,nhiều thầy cô,anh Hưng nói anh Hương có phải anh Hương có học trường Võ Bị Đà Lạt khóa 24 khoảng năm 71-72.Tụi em đang chờ đọc tiếp,anh Hưng nhớ viết tiếp nhé.
Em vô cùng bái phục trí nhớ siêu phàm của anh Hưng, nhớ những chuyện từ hồi Tiểu học , từng chi tiết. Dù anh viết khá dài nhưng do quá hắp dẫn , chuyện thực người. thực , gợi nhớ bao kỷ niệm xưa, em cũng đoc miên man khong thở luôn. Anh ơi, chị Hồng Hoa anh nhắc có phải nhà ở trên đường Trung Nu. Vuong khg. Mong đoc phằn tiếp theo sớm, nha anh.
Cám ơn MN. Đúng như MN nói, người già hay nhớ về chuyện ngày xưa. Chuyện gì xảy ra ngày hôm qua đã quên hết. Nhất là thiếu tiền ai, càng quên lẹ. Nợ tình càng trốn lẹ.
Cám ơn Lài. Gặp anh Hương chỉ nói chuyện ngày xưa thời còn đi học, không có hỏi chuyện sau khi rời trường. Hình như khi có khóa 24, cở tuổi anh còn nhỏ. Có lần hù cô bạn, sẽ xin vào khóa 28. Cô bạn phán một câu: “Anh có điên không? Sao mà khờ dại!”
Cám ơn Đức Tính. Hồng Hoa thường đi chung với Ngọc Ân, vì nhà Hoa và Ân ở gần nhau. Nhà Ngọc Ân ở dưới dốc cầu Lầu, trên đường Văn Thánh, vậy là nhà Hồng Hoa cũng ở trên đường Văn Thánh. Hồng Hoa có ngày sinh rất đặc biệt, không biết có phải để kỹ niêm sinh nhật của Hồng Hoa không, năm 73 có cuộc diển hành ở Sài Gòn vô cùng “hoành tráng”