Đọc Khiến hoài của Đỗ Mục
Nhắc đến Đỗ Mục là người ta nghĩ ngay đến một chàng thư sinh đẹp trai phóng đãng lạc phách giang hồ, xuất khẩu thành thơ, phong lưu rất mực ” văn chương nết đất, thông minh tính trời “, hợp cùng với Lý Thương Ẩn ( Lý Nghĩa Sơn ) thành một cặp Lý Đỗ tài hoa của buổi Tàn Đường. Sau đây là một trong những bài Thất ngôn Tứ tuyệt nổi tiếng của ông:
遣懷 KHIỂN HOÀI
落魄江湖載酒行, Lạc phách giang hồ tải tửu hành,
楚腰纖細掌中輕. Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.
十年一覺揚州夢, Thập niên nhất giác Dương châu mộng,
贏得青樓薄倖名。 Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh !
杜牧 Đỗ Mục
CHÚ THÍCH :
KHIỂN HOÀI : Khiển là điều động, như điều khiển. Khiển là giải bày. Hoài là lòng dạ. Nên khiển hoài là bày tỏ nổi lòng, là giải bày tâm sự.
LẠC PHÁCH : là Sa cơ thất thế, là lụn bại. Lạc Phách Giang Hồ là thất thểu, lang thang trong chốn giang hồ.
SỞ YÊU : Chỉ chung cái eo rất thon rất nhỏ của phái nữ. Theo điển tích : Sở Linh Vương rất thích những người đẹp có cái eo thon nhỏ, nên tất cả cung nữ trong cung đều thắt eo và nhịn ăn cho có được cái eo thon để được vua thương !
TIÊM TẾ : Nhỏ nhắn gọn gàng dễ thương.
CHƯỞNG TRUNG KHINH : Chưởng là lòng bàn tay. Chưởng Trung Khinh là nhẹ nhàng trong lòng bàn tay. Theo tích : Hoàng hậu của Hán Thành Đế là Triệu Phi Yến có thân hình nhẹ như chim én, có thể ca múa ở trên lòng bàn tay của lực sĩ.
DOANH : là thắng, là lời, là gặt hái được.
BẠC HÃNH : là bạc tình, là … Sở Khanh. Bạc Hãnh Lang là chàng họ Sở !
NGHĨA BÀI THƠ :
GIẢI BÀY TÂM SỰ
Bất đắc chí, lang thang lưu lạc giang hồ với một bầu rượu trong tay. Ta lăn lóc trong đám người đẹp eo thon ẻo lả của thanh lâu. Suốt mười năm trường thoáng qua như một giấc mộng dài chìm đắm trong tửu sắc ở Dương Châu. Kết cuộc, được gì đây ? Chỉ được tiếng là gã bạc tình nổi tiếng nhất lầu xanh mà thôi !
Cảm khái thay lời tâm sự của một thư sinh lạc phách ! Tự mình nhìn lại mình, tự mình đánh giá mình, để thấy được sự tự huỷ hoại mình trong ăn chơi trác táng khi bất đắc chí, khi thất cơ lở vận … cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ làm cho mình càng trụy lạc chìm đắm hơn mà thôi !
Câu cuối của bài thơ đã được cụ Nguyễn Du mượn lời để nói về anh chàng Sở Khanh trong Kiều là …
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
( Một tay chôn biết mấy cành phù dung ! )
DIỄN NÔM :
KHIỂN HOÀI
Bầu rượu lang thang khắp lữ trình,
Eo thon mình nhẹ khéo là xinh.
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng,
Nổi tiếng lầu xanh kẻ bạc tình !
Lục bát :
Đắm chìm tửu sắc lang thang,
Eo thon mình én dạ càng ngẩn ngơ.
Dương Châu giấc mộng ơ hờ,
Mười năm được tiếng ai ngờ Sở Khanh !
Đỗ Chiêu Đức
ĐỖ MỤC ( 803-852 ), tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên Cư Sĩ, người đất Kinh Triệu ( Tây An thiểm Tây ngày nay ). Ông là con của Đỗ Tùng Úc, cháu nội của Tể Tướng Đỗ Hựu, đậu tiến sĩ năm 26 tuổi đời Đường Văn Tông Đại Hòa năm thứ 2.
Đỗ Mục là nhà thơ, nhà tản văn kiệt xuất đương thời. Ông từng giữ các chức vụ Hoằng Văn Quán Hiệu Thư Lang, Giang Tây Quan Sát Sứ Mộ, Hoài Nam Tiết Độ Sứ, Quốc Sử Quán Tu Soạn, Ngự Sử Hoàng Châu, Trì Châu, Mục Châu … Vì cuối đời ông ở Nam Phàn Xuyên Biệt Thự xứ Trường An, nên người đời gọi ông là Đỗ Phàn Xuyên. Ông trứ tác Phàn Xuyên Văn Tập, nổi tiếng với các bài Thất ngôn Tứ tuyệt, người đời gọi ông là Tiểu Đỗ đê phân biệt với Lão Đỗ là Đỗ Phủ của buổi sơ Đường. Đỗ Mục cùng với Lý Thương Ẩn hợp xưng ” Tiểu LÝ ĐỖ ” để phân biệt với ” Lão LÝ ĐỖ ” là Lý Bạch và Đỗ Phủ .