Cư Trần Lạc Đạo
Nhân ngày Lễ Mẹ đọc lại bài Cư Trần Lạc Đạo của Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) để thấy rằng Thiền hay không thiền, tu hay không tu gì… cũng không thể không nhận chân cuộc sống thực tế trước mắt : Cha Mẹ, Anh em, Bè bạn… Nhất là đối với Cha Mẹ, phải sống cho tròn Đạo con rồi mới nói đến những tu tập khác được !
Cư Trần Lạc Đạo
Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên 居塵樂道且隨緣
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên 饑則餐兮困則眠
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch 家中有寶休尋覓
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền 對景無心莫問禅
Chú Thích :
CƯ TRẦN : là Sống ở trên cỏi trần nầy, trên đời nầy.
LẠC ĐẠO : là Vui với Đạo. Đạo gì cũng được. Đạo làm người, đạo Phật, đạo Khổng, đạo Thiên Chúa… cũng được !
THẢ TÙY DUYÊN : Nên tùy theo duyên phận. Tức là phải biết sống theo hoàn cảnh của mình, không cầu kì đòi hỏi quá đáng.
CƠ là Đói, SAN là bửa Ăn, KHỖN là Mệt mõi, buồn ngủ. MIÊN là ngủ.
GIA TRUNG HỮU BẢO : là Trong nhà có sẵn báu vật. Ý chỉ : Những cái có sẵn trong nhà, hoặc trong lòng ta đều là báu vật cả.
HƯU TẦM MỊCH : TẦM MỊCH là Tìm Kiếm. HƯU là Đừng, là Khỏi phải.
ĐỐI CẢNH VÔ TÂM : Đối diện với cảnh trí, hoặc Hoàn cảnh mà lòng không bị lay động ảnh hưởng.
MẠC VẤN THIỀN : Đừng hỏi tới thiền nữa, Khỏi phải hỏi tới thiền nữa.
Dịch nghĩa :
Sống Đời Vui Đạo
Sống trong cõi trần thế này, hãy tùy duyên mà vui với đạo,
Đói thì hãy ăn cơm, còn mệt, buồn ngủ thì hãy đi ngủ.
Báu vật có ở trong nhà rồi, đừng tìm ở đâu khác nữa,
Đối diện với ngoại cảnh đổi thay mà vẫn giữ được cái tâm không động thì còn cần chi hỏi đến thiền nữa !
Diễn nôm :
Cỏi trần vui đạo hãy tùy duyên,
Buồn ngủ, đói ăn, cứ thế liền.
Bảo vật trong nhà, tìm đâu nữa ?!
An nhiên tự tại, hỏi chi thiền !?
Đỗ Chiêu Đức
Hai câu thơ cuối trong bài ” Cư Trần Lạc Đạo ” là :
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền !
……..làm cho tôi nhớ đến hai câu thơ trong ” Khuyến hiếu ca ” của dân gian là :
家中自有堂前佛 Gia trung tự hữu đường tiền Phật
何必靈山見世尊? Hà tất Linh sơn kiến Thế Tôn ?
Có nghĩa :
Trong phòng khách trong nhà, đã có sẵn Phật ở đó rồi ! ( chỉ Cha Mẹ hằng ngày ngồi ở đó ! ).
Sao lại còn phải đến Linh sơn để gặp đức Thế Tôn mà chi ? ( Đức Thế Tôn : chỉ Phật Thích Ca.).
Nếu ở nhà không có hiếu với cha mẹ, không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ cho đàng hoàng, thì dù cho có vượt đường xa muôn dặm đến tận Linh Sơn để cầu lạy đức Thế Tôn, thì chắc Ngài cũng không chứng cho đâu !
Diễn nôm :
Trên kham có sẵn Phật nhà ,
Sao còn diệu vợi đường xa đi tìm ?
………..và hai câu trên lại nhắc nhớ đến câu cuối trong bài ca 6 câu vọng cổ ” Tu là cỗi phúc ” của soạn giả Viễn Châu, mà nghệ sĩ Minh Cảnh đã hát sau khi đã xuống Xề là :
…… ” Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ… còn hơn là… đi tu ! “.
…… và lại gợi nhớ đến bài kệ, là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt như sau :
佛在靈山莫遠求, Phật tại Linh sơn mạc viễn cầu,
靈山只在汝心頭。 Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
人人有個靈山塔, Nhơn nhơn hữu cá Linh sơn tháp,
好向靈山塔下修。 Hảo hướng Linh sơn tháp hạ tu.
Dịch nghĩa :
Phật ở tại Linh Sơn, khỏi phải cầu cạnh đâu cho xa xôi. Nhưng Linh Sơn ở đâu ?
Linh Sơn ở ngay trong trái tim của ta đây. Tâm tức Phật, Phật tức tâm.
Mỗi người đều có một cái tháp Linh Sơn cả !
Hãy cố gắng mà tu dưới cái tháp Linh Sơn của mình ( là đủ rồi ! ).
Diễn nôm :
Phật ở Linh Sơn chẳng đâu xa,
Linh Sơn ở tại trái tim ta !
Mỗi người đều có Linh Sơn Tháp,
Cứ gắng mà tu dưới tháp nhà !
Đỗ Chiêu Đức
Bài viết là một lời khuyên thực tế cho những ai còn viễn vông duy lý , chưa chịu nhìn thẳng vào sự thât cứ tưởng mình tu nhiều hơn kẻ khác ,, siêng đi chùa , năng bố thí , cúng dường , quá coi trọng bạn bè , bằng hữu nhưng ngược lại ở nhà không chu tròn bổn phận làm con đối với cha mẹ ( lúc còn sinh tiền ) thì cũng bằng không , xin góp vài câu thơ nhân ngày MẸ vậy , Thầy Đỗ Chiêu Đức ạ !
**
Phật ngự nơi ta chớ chẳng xa
Như Lai chân chất thật như ta
Phật tâm nằm sẵn lòng con Phật
Thờ MẸ kính CHA rạng cửa nhà !
**
Hoành Châu (Gia đình C )
(11/ 5 /2015 )