Những ngày mới đến Mỹ (kỳ 6)

Ngày đăng: 23/04/2015 11:10:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (20)

Một hôm anh Chánh từ dàn khoan về, chở tôi đến khu bảo trì của hãng trực thăng tìm việc làm. Nhìn trên bảng có rất nhiều việc cần người, nhưng chẳng có việc nào cần tôi, vì tôi chẳng biết việc nào. Tôi nghĩ Hồng Lợi biết rành những việc này. Có lần nghe Hồng Lợi nói, có thể vẽ chính xác một hệ thống nào đó trong chiếc trực thăng. Không biết có phải là hệ thống thoát khói không, tôi không nhớ rõ. Hồi còn bên Phi tôi đã nhận được tin Hồng Lợi đã đến Bidong. Đã gửi thư cho Hồng Lợi nhiều lần, nhưng vẫn chưa nhận được thư hồi âm. Rời hảng trực thăng, anh Chánh chở tôi đi lòng vòng vài nơi, chạy ngang qua một phố bỏ hoang. Anh nói, trước năm 80 nền kinh tế Louisiana rất khá, có nhiều việc làm. Đang làm hảng này, không thích bỏ việc, qua hảng khác có việc làm ngay.

Mấy năm sau này giá dầu thô sụt giảm, kinh tế Louisiana bị ảnh hưởng nặng. Mấy tháng trước một ông Mỹ trắng không tiền đóng tiền nhà, nhà băng sắp bị tịch thu nhà, các anh hùn tiền cứu nguy cho ông Mỹ.

Anh Chánh vừa đưa tôi về nhà, một tí sau chị Rô điện thoại tới, chị hẹn sáng sớm ngày hôm sau đến chở  tôi đi phỏng vấn việc làm mới. Chị Rô giúp thêm một lần nữa. (Sau này về Cali chị Rô vẫn còn quan tâm, điện thoại hỏi thăm. Cả cuộc đời này không quên ơn chị). Chị chở đến tiêm chụp hình khá lớn. Phía trong cũng có phong, có cảnh, có đủ kiểu quần áo, giống như tiệm chụp hình kế nhà tôi ngày xưa ở Cầu Mới. Đợi một tí ông chủ đến, ông dẩn ra khu phía sau. Vào một căn nhà khá lớn, nơi để rọi, rửa hình. Ông chỉ cho tôi đủ loại máy móc, ông nói, “sếp” của phòng rửa hình cũng là người Việt Nam. Hôm nay “sếp” nghỉ, ngày mai “sếp” trở lại làm. Ông nhận cho tôi bắt đầu đi làm vào ngày mai. Chở tôi về, chị Rô chỉ tuyến xe buýt đi làm ngày mai. Hồi nảy đi với chị Rô tôi thấy con đường đến tiệm chụp hình khá nhộn nhịp. Hôm nay còn khá nhiều thì giờ rảnh, tôi muốn đi thử tuyến xe buýt này và nhìn lại sinh hoạt trên con đường đó. Chị Rô vừa về, tôi đi bộ khoảng hai trăm mét đến ngả tư đường, băng qua ngả tư, đợi xe buýt đi về hướng Westbank là tuyến đường chạy đến tiệm chụp hình. Đến ngả tư đường Oak xuống xe, đi bộ về hướng tay phải khoảng bốn trăm mét là đến tiệm. Đoạn đầu con đường này khá náo nhiệt vì có quá nhiều quán rượu (Sau này ông chủ cần tôi ở lại làm đến khoảng tám giờ tối, nhưng ông nhớ lại tôi phải đi bộ trên con đường này để đón xe buýt, nên ông đổi ý không muốn tôi ở lại làm thêm. Ông nói, buổi tối đi bộ trên con đường này rất nguy hiểm. Đàn ông đi một mình cũng bị bắt cóc, hảm hiếp. Lúc trước đến hội USCC, bà Foley cũng đã nói,ở Việt Nam đàn ông chỉ hảm hiếp đàn bà, ở Louisiana đàn ông hảm hiếp cả đàn ông)  Đi ngang tiệm chụp hình, tôi chỉ nhìn chứ không bước vào, đi thêm khoảng vài chục mét đến ngả tư, quẹo trái cũng khoảng vài chuc mét gặp con đường song song với đường Oak. Tôi thấy bên kia đường là con đê đắp cao chạy dài theo con đường. Phía sau con đê chắc là phụ lưu của con sông Mississippi, ở đầu nguồn hôm trước tôi đã đi phà qua sông. Hồi ở Việt Nam nghe nói, con đê đầu làng, đê Hồng Hà. Chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ thấy, qua Mỹ thấy được con đê. (Mặt đất New Orleans thấp hơn mặt nước biển, trận bảo Katrina sau này đánh lở con đê lớn ngoài bờ biển, con đê nhỏ trong này cũng chẳng cản được nước.)

Hôm sau đi làm, gặp “sếp” Việt Nam, “sếp” mang ra một hộp lớn đựng hình, “sếp” dạy cắt. Dạy xong “sếp trở vào phòng tối. Khi “sếp” trở ra, tôi đã cắt xong hộp hình. “Sếp” la lên, ông làm lẹ quá, đâu còn việc làm. (Sau này về Cali, đi theo anh Ba Cư là chủ nhà tôi đang ở trọ, đến hảng may lảnh đồ ủi. Ủi chừng một tiếng đồng hồ đổ mồ hôi hột, bị bà chủ đến la, anh ủi kỷ quá làm sao có tiền, ủi sơ sơ thôi. Bà bước tới, cầm tay tôi, ủi sơ sơ, tới lui thật lẹ, vậy là xong. Tôi thoáng nghĩ, được bà chủ cầm tay, ủi không có tiền cũng không sao. Bổng bà ngước lên hỏi, anh tuổi gì. Tôi nghĩ, ủi đồ cũng phải coi tuổi nữa sao, nhưng cũng trả lời cho bà biết. Bổng bà reo lên, anh Nhâm Thìn, tui Quý Tỵ. Hai đứa mình gặp nhau sớm, chắc giàu lắm. Tôi nói, bà như thế này chưa đủ giàu sao. Bà trả lời giọng buồn buồn, coi vậy chứ tàn mấy hồi anh ơi. Bà tâm sự, ngày xưa ở Đà Nẳng, còn rất trẻ bà từng là triệu phú. Ít lâu sau ông chồng cờ bạc, sự nghiệp tiêu tan, bà khóc đến độ không còn nước mắt để khóc nữa. Bà nói tiếp, bà linh cảm một ngày nào đó, chắc thêm một lần nữa trắng tay. Điều bà linh cảm thật đúng, không đầy năm năm sau, chồng bà lại cờ bạc lần nữa. Lần này bà cũng gần như trắng tay và mãi sau này tôi thấy bà không còn cơ hội gượng lại nổi.)

Vừa gom những mảnh giấy hình vụn bỏ vào thùng rác, vừa nghĩ, làm việc bình thường thôi, chẳng có gì lẹ mà cũng bị la hỉ. Mang thùng rác định ra phía sau đổ vào thùng rác lớn, lại bị “sếp” la tiếp, khỏi! khỏi!, việc dọn dẹp có người khác làm rồi. Chưa biết “sếp” cho việc gì làm tiếp, ông chủ bước vào. Ông kêu tôi theo ông vào một cái phòng kế bên. Ông chỉ cái máy rọi hình điện tử mới mua tuần rồi, giá một trăm ngàn đô. Hiện máy bị một chút trở ngại chưa rọi hình được. Ông bảo tôi phụ ông sửa máy. Ông gọi điện thoại đến hảng sản xuất, nhân viên hảng sản xuất máy chỉ ông cách sửa. Sau khi đã hiểu cách sửa, ông đi đến máy, chỉ con ốc hình lục giác, kêu tôi lấy cái khóa đưa ông mở con ốc đó. Ông  để những cái khóa lộn xộn trong một cái thùng đồ nghề, chẳng theo thứ tự lớp lang. Tôi lựa một cái đến đưa ông. Mở xong, ông chỉ con ốc kế. Tất cả bốn lần lấy khóa đưa ông. Mở xong con ốc thứ tư, ông ngừng tay, hỏi tôi, ở Việt Nam tôi đã xài những loại khóa này hả. Tôi trả lời ông, lần đầu tiên tôi thấy ốc hình lục giác, bên Việt Nam tôi chỉ thấy ốc hình tứ giác. Ông hỏi lại, sao bốn lần tôi đều lấy đúng khóa hết vậy. Tôi chỉ biết nhìn ông cười, chẳng biết trả lời sao. Tôi tự nghĩ, cở của bốn con ốc khác nhau quá xa, lấy đúng bốn chìa khóa, có gì đâu mà lạ. Vậy mà ông cũng để ý, hay là ông nghĩ người Việt Nam tệ lắm?  Mở xong bốn con ốc, ông nhìn tới nhìn lui, chẳng tìm ra máy bị hư chổ nào. Ông nói với tôi, ở trong phần này phải hoàn toàn tối, nhưng tại sao có một chút ánh sáng lọt vào đây, nên rọi ra tấm hình có một vệt đen. Tôi nói với ông, hay là ông thử đóng cửa lại, tắt hết đèn, xem ánh sáng từ những bóng đèn trong máy có bị lọt ra ngoài không. Ông gật gù bảo tôi đóng cửa tắt đèn, và ông tìm ra ngay chổ bị ánh sáng lọt ra. Sửa được máy, ông rọi thử, tấm hình thật hoàn hảo. Trước khi ra về, ông đưa tôi bốn công thức, ông bảo tôi học thuộc, ông sẽ chỉ tôi cách sử dụng máy mới. Buổi chiều ông trở lại làm một ít việc gì đó rồi ra về.Trước khi ra về ông còn đến dặn dò tôi thêm, về nhà hãy ráng học thuộc bốn công thức ông đưa hồi sáng. Tôi lấy tờ giấy, viết ra bốn công thức đưa ông, và nói với ông, người đặt ra bốn công thức này quá hay. Chỉ cần thuộc một công thức có thể suy ra ba công thức còn lại.  Đọc thêm lần nữa sẽ thuộc hết bốn công thức.Ông nhìn tôi, chính ông chủ người Mỹ nói với tôi, nếu người Mỹ đen được như người Việt Nam, nước Mỹ sẽ khá hơn.  Sau này tôi nghe Tổng thống Clinton nói, nước Mỹ giàu là nhờ những “di dân.”  Mới đây nghe hai vị nữ khoa bảng gốc Việt Nam lại nói: “Người Á Châu làm nước Mỹ nghèo.”  Tôi không biết hai vị nữ khoa bảng này dựa vào thống kê nào? Người Á Châu thì ở châu Á, làm sao làm cho nước Mỹ nghèo. Người Á Châu được vào nước Mỹ, phải hội đủ điều kiện nào đó mà bộ Ngoại Giao Mỹ đòi hỏi. Sau khi đến Mỹ đủ thời gian cần thiết mới được thi nhập tịch Mỹ. Nhập tịch xong, trở thành “Công Dân Mỹ”, mới xin được cái này cái kia. Nước Mỹ cho ra cái này, cái kia thì phải có ngân sách. Ngân sách đã được duyệt xét rất gắt gao rồi. Nước Mỹ không bị nghèo vì ba cái lẻ tẻ này đâu, nhị vị nữ khoa bảng hãy yên tâm. Mới đây Thượng Viện Cộng Hòa “muốn lấy điểm” cho thêm 214 tỷ để trả cho chi phí chửa trị của khoảng năm mươi triệu người già. Trước đây chỉ trả tiền cho mỗi lần khám bệnh, bây giờ rộng hơn, tha hồ cho bác sĩ “vẽ.”  Trong số này có rất nhiều người gốc Á. Nhị vị có ý kiến gì không?

 

Một buổi tối đi dự Đại Nhạc Hội có nhiều ca sĩ từ Cali qua, do các anh tổ chức. Tôi mua vé nhưng các anh trả tiền lại. Có nhiều ca sĩ mới nổi ở hải ngoại, hồi ở Việt Nam nghe ca trên đài VOA, bây giờ được thấy mặt. Có cả ca sĩ thượng thặng Khánh Ly, hồi ở Việt Nam đi uống cà phê nghe Khánh Ly chuyên ca nhạc Trịnh công Sơn. Hôm đó tôi hơi ngạc nhiên, Khánh Ly lúc lên ca tự giới thiệu tên Mai, hay tên gì tôi quên rồi, và giới thiệu hai bản nhạc sắp ca, không phải là nhạc Trịnh công Sơn. Tôi hỏi anh ngồi kế bên, sao hôm nay Khánh Ly không ca nhạc Trịnh công Sơn. Anh trả lời, ca nhạc Trịnh công Sơn ở đây, đâu có ai nghe. Tôi cũng không hiểu tại sao ở đây nhiều người không thích nghe nhạc Trịnh, nhưng không dám làm phiền anh, nên không hỏi tiếp. Sau này dự buổi họp măt của hội Đồng Hương Vĩnh Long, anh Lê châu Trí rũ tôi lên họp ca nhạc Trịnh công Sơn. Chưa kịp trả lời anh Trí, tôi không biết ca. Chị Hoa 51 nói nhỏ, Hưng đừng lên ca nghen, Hoa không thích Trịnh công Sơn. Chị Hoa giải thích lý do chị không thích Trịnh công Sơn, thì ra là vậy.

 

Một hôm đang làm chị Rô gọi điện thoại đến, chị cho biết, em Nhân hơn hai mươi tuổi, đến Mỹ ở tiểu bang Florida được hai năm. Bên đó không có việc làm Nhân vừa đến Louisiana, nhờ chị tìm việc làm. Chị hỏi, trong khi chị tìm việc làm cho Nhân, tôi có thể cho Nhân ở tạm với tôi được không. Tôi trả lời chị, nhà rộng lắm, sẳn sàng đón tiếp. Trong lúc Nhân chưa có việc làm, tôi cũng sẳn sàng lo cơm cho Nhân ngày ba bửa, cà phê mấy cử cũng được. Chị có gởi thêm cô nào còn độc thân hay “single mom” dưới ba mươi tuổi cũng nhận luôn. Tôi hẹn chị Rô giờ nghỉ trưa tôi sẽ ra ngoài đón chị và Nhân. Buổi trưa chị chạy xe phía trước, Nhân chạy theo sau, Nhân chạy chiếc Volvo sản xuất từ thời Bảo Đại còn làm vua. Chiếc xe to gần bằng nửa chiếc xe Nhan Nhật, uống xăng như Tây uống la ve, một ga long xăng chỉ chạy được có tám “mai.” Tôi mời em Nhân và chị đi ăn trưa. Chị không đi ăn, mà còn kênh “sì po.” Hỏi chị, sao bửa nay nghiêm vậy. Chị trả lời, không lo làm ăn, bảo lảnh vợ con, còn bày đặt này nọ. Tôi trả lời chị, nói chơi thôi chị ơi, nhưng có thiệt cũng được. Chị gởi Nhân ở lại với tôi, trước khi về, chị còn “kênh” thêm lần nữa.

HungLoi

Buổi trưa thường chỉ nghỉ một tiếng ăn trưa. Tôi trở vào gặp “sếp” Việt Nam.  “Sếp” thường mang theo ổ bánh mì, trưa lên lầu ngồi ăn một mình, ít khi đi tiệm mua đồ ăn như mọi người trong tiệm hình. Tôi nói cho “sếp” biết chuyện của Nhân, và phải đưa Nhân về nhà. Xin phép “sếp” đến trể nửa tiếng. “Sếp” nói, hôm nay ông chủ không đến, “sếp” cho nghỉ nguyên buổi chiều. Lên xe đi với Nhân xuống quán anh Cường. Giờ trưa quán anh Cường rất đông khách, quá nhiều người đang sắp hàng đợi mua thức ăn. Đưa tiền, bảo Nhân vô sắp hàng mua, nói cho Nhân biết, tôi không sắp hàng được, lở anh Cường thấy, anh sẽ không tính tiền. Sau khi mua được cơm, chạy đi làm thêm chìa khóa cho Nhân. Mang cơm về nhà ăn, Nhân tâm sự, Nhân đến Phi cùng với đứa em, mỗi ngày đứa em đi học, suốt khóa Nhân không đi học ngày nào, lẽ ra cuối khóa Nhân không được đi Mỹ, nhưng danh sách ghi lộn tên, Nhân được đi Mỹ, đứa em bị ở lại. Tôi nói với Nhân, không phải vô tình lộn tên, người lập danh sách cố tình lộn tên, vì chỉ có cách đó Nhân mới  được vào Mỹ. Sau khi Nhân đến Mỹ rồi, không cần khiếu nại, họ cũng điều chỉnh lại cho em Nhân đi. Nhân nói, đúng rồi, hỏi lại, sao tôi biết được. Tôi trả lời Nhân, vì đã làm với Cao Ủy rồi, biết một ít cách làm việc của Cao Ủy. Hôm sau tôi đưa tiền cho Nhân ở nhà tự đi ăn trưa, Nhân không chịu, mỗi buổi trưa chạy đến chổ làm, và chiều chạy xuống rước cùng đi ăn chung.

(Còn tiếp)

Hoàng Hưng

 

Có 20 bình luận về Những ngày mới đến Mỹ (kỳ 6)

  1. Phan Lương nói:

    Nhờ sự thông minh và nhạy bén trong mọi công việc , nên việc gì anh cũng hoàn thành rất xuất sắc

    Phải công nhận rằng trí nhớ anh thật là phong phú .Nhiều chi tiết chuyện xảy ra mấy mươi năm mà anh kể rất là rành mạch tưởng chừng như chỉ mới hôm qua

    Chuyện rất đời thường nhưng anh kể nghe rất là hấp dẫn và thú vị vô cùng

  2. vothilai nói:

    Lại được đọc bài “Những ngày mới đến Mỹ  ” kỳ 6, bài nào anh Hưng viết cũng rất hấp  dẩn những chuyện bình thường hằng ngày thôi nhưng đọc  rất thích thú, như chị Phan Lương nói anh có trí nhớ rất phong phú.Sống nơi xứ lạ quê người mà anh Hưng thật giỏi,luôn gặp nhiều may mắn.Tụi em mong đọc tiếp kỳ 7 ,chúc anh vui khỏe.

  3. Neang Phi Rom nói:

    Hoàng Hưng ui! chiện đâu hồi nẫm mà viết thao thao bất tuyệt làm tui đây theo dõi muốn hụt hơi, như truyện dài kiếm hiệp nhiều tập…viết hay, viết phẻ…tui đây…bái phục…bái phục…

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Chị bị cố tật là đọc sách phải đọc cho kỳ hết, mới nhớ,  mà út Hưng mần một hồi ký nhiều tập thế này, chờ đọc,  cái cổ của chị dài ngoằng, đọc khúc sau, quên khúc trước…

  5. Phong Tâm nói:

    Tôi muốn có vài lời ngắn gọn với Hoàng Hưng, Hồng Lợi, Một Lúa và nhiều chị em, hay nói chung ở trang nhà, rằng vì là…không phải không có ý kiến là không đọc bài (như vài bạn nhắc nhở tôi) có đọc hết đấy chứ! Nhưng điều kiện, hoàn cảnh, thời gian…Có ý kiến phải đọc thật kỹ bài trước khi phản hồi, ngặt!…Vậy nên “Đọc xong bài, thiếu luận bàn. Món ngon, thưởng thức vội vàng sao ngon”? Vậy đó, các bạn ơi!

  6. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Phan Lương nhiều, Phan Lương khen cảm thấy mắc cở quá, anh chỉ hên chứ không phải thông minh. Những chuyện anh làm được, những đứa trẻ khoảng mười hai cũng làm được.
     

  7. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Lài nhiều, người già thường hay nhớ chuyện đời xưa, nhưng chuyện ngày hôm qua thì quên hết.

  8. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn lời khen của Phi Rom nhưng không nở mủi nổi Phi Rom ơi, vì biết mình rất tầm thường. Viết cho vui, cho đầu óc bớt lão hóa thôi. Cám ơn trang nhà cho đăng bài. Thơ của Anh Tú trang nào cũng dành đăng, nhưng bài của Hoàng Hưng chỉ có trang này đăng thôi, những trang khác chắc không “welcome”
     

    • NHA nói:

      Tại sao như không kéo “ngu” huynh vào đây? “…trang nào cũng dành đăng …” : hãy chỉ cho huynh trang nào vậy? Làm như anh ngon lắm vậy, nghe mà sượng cả người. HHg không biết đó chứ có người nói rằng ” anh cầu cạnh nên bài mới được đăng ở TPH-VL ” đó. ( có người làm chứng đàng hoàng đấy).

      Anh chỉ viết thơ “cùi bắp” trước là giữ gìn sự quen biết với các em đồng môn mới quen qua mạng sau này, thứ nữa viết như ” thể dục thể thao”‘bộ óc đang thời kỳ lão hoá, chứ anh có ý tranh đua với ai đâu . Trang nhà này, mà em là một trong các em support, anh chỉ lâu lâu viết ” thơ thẩn ” mà được ACE nể tình cựu sinh lớn tuổi ( cở tuổi anh ở ẩn hết rồi, anh chắc cũng sắp )thương tình cho chơi ké thôi là cám ơn không hết. Nhân đây anh nói lời cám ơn với các em đã tạo ra sân chơi  này.

      Ngày nào anh cũng vào trang nhà đọc nhưng vốn không thích viết phản hồi chỉ viết khi rất cần thôi.

      Cám ơn em còn lưu tâm đến tên AT.

      • Luong Minh nói:

        Kính thưa anh Anh Tú
        Thật tình mà nói, không khách sáo, được anh chị em gửi bài đăng là điều vinh hạnh cho trang nhà. Bài nào anh em gửi trước sau gì cung được lên trang (ngoại trừ bài copy hay phạm chính trị). Có nhiều người được đăng bài nhiều không phải vì viết hay hoặc quen thân với SOS mà vì họ gửi bài nhiều. Người ít viết , ít gửi thì không có bài đăng, bởi trang nhà không có người chuyên môn viết hộ.
        Khuyết điểm của trang nhà là không có mục like để động viên người viết, do đó cũng xin một vài dòng phản hồi dù hay hoặc dỡ để tác giả có thêm phấn khởi viết tiếp. (SoS)

  9. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị 11 khuyến khích, chắc viết thêm một kỳ nữa, phải tạm nghỉ chị 11 ơi. Mấy tuần nay đọc nhiều lại bị nhức đầu như mấy tháng trước. Hai ngày không mở máy, không bị nhức đầu. 

  10. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Đại ca Phong Tâm. “Tiểu đệ” cũng đọc thơ của anh, nhưng vì dốt thơ, nên không dám viết phản hồi. Ngày xưa đọc được một câu chuyện vui, một ông phú hộ mua một bức tranh. Sau khi treo, ông làm một buổi tiệc, mời thêm ông họa sĩ  đến dự. Ông họa sĩ  vừa đến, nhìn bức tranh bị treo ngược, giận quá ông bỏ về liền. Nên đọc thơ anh xong, ít dám viết phản hồi vì có lần anh giải thích bài thơ của anh, “tiểu đệ” mới biết mình đã hiểu sai. Phải như nhà thơ nào cũng như thầy đồ Đỗ chiêu Đức, làm thơ xong viết thêm chú thích, đở cho người dốt như “tiểu đệ.” Có nhiều nhà thơ chắc không biết người khác “dốt,” dùng chữ thật “cao siêu.” Hay là chỉ làm thơ cho những người không “dốt” đọc.

    • Phong Tâm nói:

      Cám ơn Hoàng Hưng đã cho tôi một kinh nghiệm (để có làm thơ sau nầy). Nghĩ rằng người đọc, đúng hơn người thích “thơ” chắc không ai “dốt”, có thể họ hiểu theo cách riêng của họ gần hoặc xa ý tác giả, cũng có thể họ hiểu sai lệch với “ẩn ý “sâu xa của tác giả, hoặc vì  tác giả dùng từ không chuẩn chớ không phải họ chẳng hiểu gì đâu. Chỉ trừ những nhà thơ thích ” phô trương từ bí hiểm” đôi khi họ cũng không giải thích nổi ý thơ mình, huống hồ người đọc, người yêu thơ.

  11. Hoành Châu nói:

    Bài viết  hấp dẫn , tính tình rộng rãi  luôn  ân cần tiếp rước những người đi sau mình , thiện chí đó  đã được đền bù xứng đáng , ,,, cuộc đời ÚT Hòang Hưng  đầy may mắn hơn người nhờ vào sự tinh thông thực tế ,,,mà thành  công  hanh thông trong mọi việc , Hay thiệt đấy , Hoành Châu ( Gia đình C )

  12. truong mẫn nói:

    Hoàng Hưng dẫn chuyện đọc thì nhẹ  nhàng, mà thực thì sắc nét, đầy tình người, xem lai rai cũng sướng lắm.

  13. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Hưng ơi, tất cả lời hay ý đẹp về những bài viết của anh, mọi người đã nói hết rồi, em hoàn toàn đồng ý với phản hồi của Phan LƯƠNG, chỉ muốn nói thêm rằng em luôn chờ đọc các bài tiếp theo của anh , khi sức khoẻ cho phép. Em là dân mê đọc truyện từ bé, nên không hề ngán đọc dài, mà hấp dẫn như chuyện anh kể. Chúcanh  mau hết nhức đầu, khoẻ mạnh an vui.

  14. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Đại ca Phong Tâm đã cho điểm tiểu đệ hơi cao. Nếu tiểu đệ hiểu thơ theo “cách riêng” được như năm người mù xem voi, thì cũng còn đúng được một phần trăm, ngàn gì đó. Đàng này hiểu theo “cách riêng” của tiểu đệ sai bét như ông treo tranh ngược. Đôi khi không hiểu thì đừng hiểu, Đọc chữ “chém gió, chụp hình tự sướng . .”  hiểu theo “cách riêng,” chắc là không nên.
    Xưa nay Đại ca làm thơ theo “cách riêng” của Đại ca. Đại ca hiểu, bạn bè của Đại ca hiểu, ai cũng hiểu, chỉ mình tiểu đệ không hiểu, sá gì tiểu đệ mà Đại ca phải quan tâm.
     

  15. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Tỷ Muội 14 có lời khen. Thật ra HHg có chút hên chứ chẳng có gì hay. Chúc Tỷ Muội luôn khỏe.

  16. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn anh Trương Mẫn nhiều, viết bài được anh chịu khó đọc là may lắm rồi. Vĩnh Long không còn người bán bánh lá dạo nữa hả anh. Đất ở Vĩnh Long bây giờ mắc hơn bên Mỹ, không còn chổ nào trống cho dây mơ mọc, nên không còn người bán bánh lá.

  17. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Đức Tính nhiều. Điều buồn là đọc thật ít hay đừng đọc thì không bị nhức đầu. Nói cho bác sĩ nghe chứng bịnh, bác sĩ chỉ cười và khuyên, không đọc không bị nhức đầu vậy thì đừng đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác