Móc Bọc Cuối Năm

Ngày đăng: 18/02/2015 07:07:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)
Ở khía cạnh văn chương nào đó, hoặc một ngóc ngách đời thật của người bình thường, thì hình như hai tiếng móc bọc có một nghĩa không được thịnh vượng và vui vẻ cho lắm. Nhưng vì tết nhất đã áp sát hai bên be sườn, nên nhất cử nhất động nhất lời, nhất nhất đều phải kiêng cữ cẩn trọng. Vì vậy mà giá nào tôi cũng phải cố gắng hiểu thành ngữ nầy một cách mới mẻ thông thoáng. Và bắt buộc nó phải chuyển hóa sung túc hơn, để giúp cho thời vận cả năm men theo cái đường rầy chuẩn mà từ từ bò lên phía trước.

Thiệt tình thì lương bỗng cho hai tay làm chỉ vừa đủ nuôi hàm của một mình tui nhai nhóp nhép, thì cũng không có gì để mà chưng diện, nói chi là dám chảnh chẹ khoe khoang, nổ năng lốp bốp. Nhưng dù được xếp hạng ở bến nước thứ mấy trên bậc thang xã hội, tui vẫn là ông xã của bà xã Lụa đáng yêu. Một trong nhiều cái đáng yêu nhất của Lụa là không bao giờ chú ý đến tiền bạc còm cỏi của tôi. Để bù với sự đáng yêu hiếm thấy trên hạ giới nầy, rất nhiều lần tôi phải đóng vai là một chàng trai không đáng ghét lắm.

Không biết từ lúc nào, hay không là từ lúc nào cả, Tám Lúa tui không dùng bóp hay có nơi còn gọi cái là cái ví để đựng giấy tờ tùy thân và tiền bạc, nếu có.  Mà lại thích dùng cái bọc phình giữa túm nhỏ 2 đầu, quay đeo quàng siết ngang thắt lưng. Tất cả may bằng vải nylon dầu thật dầy, khó mà dùng lưỡi lam rọc rạch. Túi có zipper kéo ngang, dung tích ước độ chứa khoảng 1 trái cam và 2 trái quýt. Ngoài chức năng dùng để đựng bằng lái xe, chiếc bọc nầy chứa thêm một số linh tinh như cell phone, chùm chìa khóa xe, chìa khóa nhà mình, nhà các con cháu. Đôi khi còn chứa  thêm vài cái bánh tây hai một hai trứng gà luộc với gói muối tiêu để móc ra nhai nhóp nhép khi ngồi chờ ai đó huốt cả giờ cơm. Và nếu có ai phì cười khi thấy một người mang cả giày và đội mũ lưỡi trai khi ngủ, thì cũng không làm lạ nếu tình cờ thấy tui đeo cái túi nầy 24/24 thoi thóp theo từng nhịp thở, ngay cả lúc miên man chìm trong mộng đẹp.

Mới đầu, thì hình tướng một người mang cái túi phè phè trước bụng có lẽ cũng không suông mắt lắm. Nhưng sống trên đất nước tự do, thì không ai có quyền phàn nàn hay kêu ai dẹp cái chướng mủi gay mắt vô hại. Nhưng để đì cái bọc và ông chủ vô duyên của nó. Bà xã Lụa của tôi thường xuyên gài độ những lần dẫn tui theo shopping với nhiệm vụ xách túi và dùng người lắng nghe câu hỏi : “Cái nầy đẹp không?”, mà hình như không cần sự trả lời hay trả treo gì ráo. Lấy công tà tà theo chân vợ vòng vòng mấy cái mall để mong làm lời làm lãi thì rất ít khi được mừng hết lớn. Mà lại thường nghe một câu quen thuộc thân thương trước khi ra xe:

– Móc bọc ra trả tiền cho em đi bé Tám cưng. Hồi nảy đi gấp, em quên cái thẻ Visa ở nhà.

Thế là cái bọc lại thêm một phen xót xa nhót ruột. Nhưng thôi, lá rụng cũng rớt tại nhà mình, chứ đâu bay qua nhà hàng xóm mà tiếc những chiếc lá xanh xanh có in hình nổi hình chìm ngài Phrăng-kờ-lin sói sọi.

***

Tết cổ truyền Việt Nam thường rơi vào tháng lạnh nhất vùng đông bắc nầy. Còn nghe TV nói thêm, mùa đông năm nay, có chỗ có ngày độ lạnh hạ xuống -25° C hay thấp nữa, chạm hay qua huốt con số kỷ lục trong vòng 20 năm đổ lại. Nhưng dù thời tiết và ngoài đường khắc nghiệt thế nào, người ta vẫn phải sống, vẫn phải ho hen và sổ mủi khi bước ra ngoài, vẫn phải đi làm và đi mua sắm chuẩn bị mâm cỗ cúng bái ông bà về hưởng xuân với con cháu ba ngày tết nhất.

Hôm nay thứ hai, ngày 16/2/2015, nhằm ngày 28 tháng chạp. Dịp tùng dịp mấy cháu học trò nghỉ ngày “Presidents Day”. Gia đình mình tổ chức rước ông bà sớm hơn thường lệ.

Nước Mỹ có cả trăm sắc dân khắp nơi hội tụ, dân thường đầu tắt mặt tối đâu ai rảnh rổi mà tìm hiểu tết Lèo hay tết Congo. Chỉ được cái là mạnh ai muốn múa lân múa địa, khỏ chiêng đánh trồng, đốt pháo đì đùng, miễn là không lấn đường hay làm tắt nghẻn giao thông công cộng. Mạnh ai tùy tình hình của mỗi gia đình mà ăn tết sớm, đúng ngày, hay trể. Tết ngày nào cũng đều vui và hạnh phúc như nhau.

Sáng sớm hôm qua, tôi có nhiệm vụ rước bà chị đến chơi. Nói là đến chơi cho lịch sự, chứ nhờ chị phụ giúp một tay cho công việc bếp núc. Chị gọt vỏ xong mấy củ cải trắng và đỏ để chuẩn bị đưa chúng vào dụng cụ bào nhỏ xắc cọng mịn cho món gỏi ngó sen hải sản. Chị ngó qua lại tìm thùng rác để trút đi đám vỏ. Tôi hiểu ý mang cái thùng giấy đựng cả trăm bọc nylon shopping khô sạch:

– Nhà em không có thùng rác trong bếp như nhà người ta. Bà xã em dùng những bọc nhỏ nầy đựng rác, đầy bọc thì chịu khó mang ra ngoài bỏ vào thùng nhưa lớn vựa ngoài sân. Nhằm tránh rác hôi nằm chờ đầy thùng lớn trong nhà một hai ngày.

– Bọc ở đâu mà em có nhiều vậy.

Lúc nầy tôi chợt nhớ màn tranh cải cò kè vụ gởi tiền tết cho thân nhân mấy ngày trước, nên phân bua trếu tráo:

– Tụi em tuy không tiền, nhưng bọc đi chợ nầy nhiều lắm.

Đứa cháu nội gái ngồi chơi game nắn hình bột dẽo với thằng em gần đó.

– Tại sao không tiền thì lấy gì đi chợ, để có được nhiều bọc.

Tám Lúa tui cứng họng, trong khi bà xã Lụa cười tủm tỉm, nháy nháy ngầm nói: “Chết ông chưa”. Đứa cháu đang học lớp 2 tuy không viết và đọc chữ Việt, nhưng lắc léo di truyền. Nó  không vừa ý cho sự yên lặng:

– Có ai nói cho con biết tại sao.
Tôi định nói: “Ông nội đi móc bọc mới có nhiều như vậy”, nhưng chợt ngừng kịp vì không thể tiếp tục dùng gian đểu của người lớn để lừa gạt tâm hồn thơ dại.
– Thôi để ông nội hỏi face book, nhờ người ta trả lời câu hỏi của con.
Dĩ nhiên đứa cháu quên liền câu hỏi đó, nó là con nít mới 8 tuổi mà.
Nhưng tôi sẽ không quên lỗi mình.
      Một Lúa
Những chiếc bọc “shopping bags” nầy được giữ lại dùng đựng rác làm bếp. Đầy lưng lững thì cột túm 2 quay mang ra sân cho vô thùng chứa. Tránh tình trạng đầu tôm xương tép, lá hành ủ, cùi cải bắp, gốc rau muống… oxýt hóa dậy ổ trong nhà mình.0 lua 2

Dưa hấu Guatemala
Chở lên tới Mỹ mất ba ngày đường
Cũng đỏ cũng ngọt cũng ngon
Chớ không cần phải sơn son phết vàng

 0 lua 1

 

Có 4 bình luận về Móc Bọc Cuối Năm

  1. truong mẫn nói:

    Xem bài cuối năm như được lì xì. Cám ơn Lúa nghen. Chúc Lúa cùng gia đình vạn sự như ý.

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Móc bọc ở xứ người có khác. Ở xứ mình, đi móc bọc phải có cái cù móc sắt và cái bao bự chảng mang theo kè kè, nhưng không vô shopping móc bọc được đâu nhé ! Nghe 2 tiếng ” móc bọc”, tui nhớ thuở tụi mình không có tiền uống cà phê, bạn bè có hỏi lý do, thì câu trả lời gọn và đủ nghĩa nhất ” Hôm nay móc bọc” !

  3. Luong Minh nói:

    Móc bọc là cụm từ dường như mới có sau 75. Một người không có cơ sở sản xuất, không nghề nghiệp thì chỉ còn có nước móc bọc để kiếm sống. nghề móc bọc dù sao cũng lương thiện và đáng quý hơn nghề ăn xin vì họ dùng công lao động đổi lấy tiền. Hiện nay nghề móc bọc phát triển khá, cứ nhìn trên đường vào buổi sáng là thấy có người chạy xe đạp đến các thùng rác bươi móc bọc để tìm những vật  còn  xài được như lon bia, bọc ny lon và các đồ vật khác còn dùng được nhưng chủ nhà đã bỏ.

    Cái hay của tác giả là tráo đi khái niệm. Đi với bà xã móc bóp ra trả tiền cũng gọi là móc bọc. Người bị móc bọc hãnh diện vì mình là người có tiền, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hài lòng bà xã. Ông cậu tôi ngày xưa thường nói rằng: người được tặng huy chương không ngon bằng người gắn huy chương cho người khác. Ở đây, người móc bọc ngon hơn người được hiện vật. Nhưng ngẫm cho cùng thì người ra lệnh cho người khác móc bọc thì còn ngon hơn nữa: Nó biểu hiện một quyền uy của người chủ gia đình.

     

  4. Một Lúa nói:

    Kính chào quý thầy cô, quý sư huynh sư tỷ, quý bạn viết và bạn đọc trang tph-vl.com,

    Một Lúa chân thành cám ơn mọi sự để mắt quan tâm, những chia sẽ vui buồn trong tinh thần văn bút, tinh thần bè bạn trên trang, trên mail, trên phone với Một Lúa năm vừa qua.

    Trước thềm Xuân, trước những khoảnh khắc sắp bước sang Năm Mới Ất Dậu, Một Lúa kính chúc quý vị và gia đình hưởng xuân vui tết bình an sum họp. Năm Mới  2015 luôn an khang thịnh vượng và hạnh phúc.

    Những ngày cuối năm, Một Lúa đóng góp trang nhà bằng bài viết “Móc Bọc”. Ai cũng hiểu những từ nầy không thanh bai cho lắm, nhất là trong không khí rực rỡ những ngày xuân. Lời lẽ ML nhằm giới thiệu những ngóc ngách đời thường. Tự thân mình suy xét những lối mòn xưa cũ.

    Hy vọng bài viết mang đến quý vị một ít nụ cười bên cạnh chén trà rảnh rổi.

    Thành thật cám ơn.

    Nguyễn Thế Điển

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác