ĂN TẾT VIỆT NAM TẠI ĐỨC QUỐC XƯA VÀ NAY

Ngày đăng: 11/02/2015 09:41:20 Sáng/ ý kiến phản hồi (11)

Chẳng còn bao lâu nữa là tôi sẽ ăn cái Tết thứ 40 ở xứ người. Những năm đầu tiên xa xứ vì bận rộn học hành, vì biến động thời cuộc, vì bận mưu sinh, thêm vào mối lo âu cho những người thân còn ở lại nên tôi không còn có thì giờ và tâm trí để nghĩ đến Tết chứ đừng nói đến chuyện ăn Tết. Khi có gia đình và định cư tại Tây Đức, tôi mới bắt đầu nhớ đến chuyện Tết nhất. Trước kia người Việt Nam ở Tây Đức hầu như chỉ toàn là sinh viên đi du học, khoảng chừng vài trăm, học rải rác ở các đại học trên nước Đức, nhà tôi có kể lại là vào dịp Tết các sinh viên thường được mời tụ họp tại toà Đại Sứ để cùng đón xuân để đỡ phải cô đơn và nhớ nhà khi Tết đến.

Sau năm 1975 số người Việt càng ngày càng nhiều hơn và cũng được chia rải rác khắp nơi trên nước Đức, riêng thành phố nơi tôi ở có chừng 300 người kể cả người Campuchia và người Lào.
Những năm tháng đầu tiên mới xa nhà, người Việt ở đâu cũng hay tìm đến nhau để chia sẻ nỗi sầu ly hương và để tìm lại không khí của quê nhà, vì vậy những dịp lễ như Trung Thu hay nhất là Tết Nguyên Đán là những dịp họp mặt quan trọng được tổ chức trong các hội trường lớn hay nhỏ tuỳ theo con số người Việt cư ngụ tại đó.
Tiếc là những ngày Tết lại thường rơi vào những ngày làm việc trong tuần nên các buổi họp mặt mừng xuân phải dời lại vào những ngày cuối tuần khi mọi người không bị bận rộn vì công việc.
Ở tỉnh nhỏ ít người thì mọi người gặp nhau, uống trà, ăn bánh và trao đổi chuyện trò. Thành phố lớn như Hamburg (bắc Đức) hay Munich (nam Đức) tổ chức linh đình hơn, có chương trình ca nhạc và có bán thức ăn thuần tuý Việt Nam như bánh chưng, bánh tét v..v..
Mọi người tới tham dự mục đích chính là để tìm lại chút hương vị ngày Tết , để được gặp lại bạn bè, có nhiều khi ở cùng một tỉnh mà cũng ít có dịp để gặp nhau, để chúc nhau một câu như đã từng làm từ mấy chục năm về trước mỗi khi Tết đến ở quê nhà.
Dạo đó cả nước Đức chỉ có một ngôi chùa duy nhất là chùa Viên Giác, tương đối khang trang, nằm tại thành phố Hannover thuộc phía bắc của nước Đức và cũng không xa thành phố Hamburg. Trong dịp Tết, chùa cũng tổ chức ca nhạc để mừng xuân và mừng Phật tử từ các nơi trên nước Đức về chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm, chùa cũng thu xếp để cho các Phật tử từ xa đến có nơi nghỉ qua đêm. Năm nào cũng có rất đông người tới dự, có những người phải đi cả 500, 700km mà cũng không quản ngại, thế mới biết lòng hoài hương và gìn giữ phong tục của những người phải xa quê nhà mạnh như thế nào.
Thời gian trôi qua, vì bận rộn sinh kế, vì đã hội nhập được một phần nào nơi mình sinh sống, vì tuổi cũng càng ngày càng cao nên những dịp gặp gỡ cũng không còn nhiều như trước nữa và số người tham dự cũng giảm bớt. Vào dịp Tết, phần lớn mọi người tổ chức đón xuân trong vòng gia đình, hoặc cùng chung với một số bạn thân thiết. Cũng có những Đại nhạc hội do tư nhân tổ chức với mục đích thương mại, bán vé vào cửa giá cao và mời ca sỹ nổi tiếng từ Hoa Kỳ sang. Những đại nhạc hội này thường thu hút được nhiều giới trẻ vì sau chương trình ca nhạc thường có Disco kéo dài cho tới sáng.
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhất, số người Việt tại Đức càng ngày càng tăng vì có rất nhiều người Việt từ Đông Âu như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc đổ tới sinh sống phần lớn ở các thành phố ở miền đông nước Đức, cộng đồng này tương đối đông, tôi không có dịp tiếp xúc nên không có thông tin nhiều về hoạt động của họ và cũng không được biết rõ họ ăn Tết ra sao.
Riêng tại Tây Đức, đến nay vào dịp Tết cũng có một số hội đoàn tổ chức đón xuân cho người đồng hương, nhưng tiếc thay họ có nhiều mục đích khác hơn là chỉ tổ chức gặp gỡ để cho mọi người được hưởng hương vị ngày Tết nơi xứ người nên số người tham dự chỉ có hạn.
Chúng tôi, những người Việt tại Đức Quốc đón xuân trong cái lạnh giá của mùa đông, không có không khí nhộn nhịp, vui tươi của Giáng Sinh hoặc Tết Tây nhưng những người Việt tha hương ở lứa tuổi trung niên, hoặc lớn tuổi vẫn cố gắng duy trì những tập tục ngày Tết. Ngày 23 tháng chạp chúng tôi cũng cúng để đưa ông Táo về trời, phải hối lộ để ông Táo tâu với Ngọc Hoàng toàn là chuyện tốt về gia đình mình, cũng làm bánh tét hoặc bánh chưng, cũng mua hoa, trái cây để chưng trên bàn thờ gia tiên. Dĩa trái cây thay vì ngũ quả, cầu, dừa, đu đủ, soài được thay thế bằng cam, lê, nho, táo trông khá đẹp mắt, cũng có những món ăn đặc biệt của ba ngày Tết, thịt kho dưa giá hoặc thịt mỡ dưa món vì dưa hành ở bên này không làm được nên đành thay bằng dưa món dễ làm.
Chỉ có một điều đáng buồn là ý nghĩa chính của ngày Tết lại khó mà thực hiện được vì con cháu phần lớn đi học hoặc đi làm xa nên trong dịp Tết ít có cơ hội để về xum họp gia đình.
Riêng gia đình chúng tôi thì năm nào cũng vậy, đúng 12 giờ đêm ngày 30 ở Việt Nam tức là 6 giờ chiều ở Đức, chúng tôi cúng Giao Thừa, sau đó nhà tôi tự động xông đất lấy, các con ở xa không về được nên chỉ còn hai vợ chồng già cùng nâng ly chúc nhau câu ” CUNG CHÚC TÂN XUÂN ” hoặc chúc nhau như dân bản xứ ” FROHES NEUES JAHR ” để nhớ lại những cái Tết thật vui và đầm ấm nơi quê nhà.
Lê -Thân Hồng-Khanh
h1H1
h2h2 thức ăn ngày tết
h3h3
h4h4
h5

Có 11 bình luận về ĂN TẾT VIỆT NAM TẠI ĐỨC QUỐC XƯA VÀ NAY

  1. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý , đọc bài viết ‘ Ăn Tết Việt Nam tại Đức Quốc  xưa và nay ” làm em nhớ cô nhiều thêm , có đoạn đọc  tới cảm thấy bùi ngùi cho những ai xa xứ  khi nghĩ về cái Tết xa xưa ở quê nhà ,,,Hình 1 :thấy được cái Tết Truyền thống  có chưn đèn vàng óng ánh cùng bộ lư hương , bông hoa trà quả , những ánh nến lung linh lòng  tràn ngập  tin yêu ,khát khao cuộc sống hòa bình
    ,,Hình 2 :Các món ăn dân gian  trữ lâu trong dịp Tết
    ,,Hình 3 và 4 : chỉ dịp Tết mới tổ chức nấu Bánh ,Tét , bánh dày , bành  chưng , bánh ú ,,,hình ảnh gần gũi khiến em buồn  muốn khóc , nhớ lại nhiều người thân không còn nữa cô ơi !
    Cô kính quý , nhớ tập tục xa xưa là cái quý , thực hiện cái Tết Việt Nam trên xứ người  là quý  hơn thế nữa ! Cô ơi 28 Tết em mới có hình gửi cô , cô chờ nghe , Hoành thương nhớ cô hoài , cô ơi ! Cô giữ gìn sức khỏe , Em Hoành Châu (Gia đình C )

  2. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô kính yêu của em, đọc bài cô viết về ăn Tết ở xứ người thật cảm động, khi thấy người Viêt nam mình dù đi đến đâu, ở phương trời nào cũng không hề quên những tập tục cổ truyền đáng trân trọng của quê hương. Cô của em cũng thật dí dỏm vì muốn hối lộ ông Táo nưa. chứ. Hôm nay , em cũng vừa cúng tiễn Ông Bà Táo Quân xong và sắm hẳn 3 chiếc phi thuyền cá chép sống để Ông Bà tiện bay về trời. Nhìn bánh chưng cô gói khéo quá. Em kính chúc Cô và gia quyến những ngày đầu năm mới thật vui tươi và cả năm tràn đầy hạnh phúc an khang.

  3. Lyhuong nói:

    Cô kính yêu,dù ở xa xứ nhưng khi dọn  bàn thờ ngày TẾT  Thầy ,Cô cũng thấy lòng ấm áp lắm chứ ạ,và cũng thật hạnh phúc khi cùng hai em đón giao thừa,là dịp Thầy,Cô kể cho các em nghe về phong tục ,nét đẹp của người Việt mình,cả những kỷ niệm khi còn sống chung trong gia đình ở V.N  ha Cô.Cô ơi,những ngày này ở SG  mua bán náo nhiệt lắm ,cho đến tối giao thừa vẫn còn tục đi chùa hái lộc rất đông Cô ạ.Em Lý hương kính chúc Thầy ,Cô được nhiều sức khỏe  ,hạnh phúc.

  4. vothilai nói:

    Cô kính yêu !đọc bài cô viết em nhớ cô nhiều lắm,40 mươi  năm cô sống ở xứ người mà cô  vẩn giữ được tết truyền thống của quê nhà.Trên bàn thờ y như  bên VN,người Việt mình sống ở nước ngoài vất vả quá .Những năm đầu nghe cô kể về cuộc sống ,em thấy thương cô quá.Nhumg bây giờ thì thầy và cô sống rất đầm ấm  và hạnh phúc,cô nói 2 em lập gia đình  rồi cô sẽ có cháu,chừng có cháu rồi cô sẽ thấy hạnh phúc hơn .Cô ơi ! có cháu mình  thương cháu hơn con  nửa cô ơi,người ta nói con thương  6 cháu thương 10,bây giờ có cháu em mới cảm nhận được là đúng.Vài hàng phản hồi cho cô,em kính chúc côcùng gia đình nhiều sức khỏe,hạnh phúc ,an khang ,thịnh vượng.

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cô ạ,

    40 năm ăn Tết xứ người

    Đủ sắc thái vui buồn dâu bể…

    …Mong thân tộc Cô luôn VUI KHOẺ

    Cùng TRANG NHÀ kết nối YÊU THƯƠNG…

    Em Hạnh.

  6. nguyenthikieutrinh nói:

    Cô kính yêu,

    Xa quê mình luôn sống hoài niệm, nhất là mấy ngày Tết!

    Ở nơi em, mọi người đều về quê ăn Tết, chỉ riêng em tha hồ nhớ Tết xa xưa!

  7. Nguyễn Văn Lần nói:

    Thưa cô ! Đọc bài viết của cô, em nghĩ, dù ăn Tết xứ người, cô vẫn giữ được sự ấm áp của gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Hôm nay, 24 tháng Chạp, con gái em ở Vĩnh Long ( trường cháu được nghỉ từ hôm nay ), cháu về chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, mua về 1 số đồ ăn “để ba ăn mấy ngày Tết”.

  8. Neang Phi Rom nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến! nhìn hình ảnh đón xuân của gia đình, thật tuyệt vời, thật tươm tất chu đáo…em thật khâm phục cô. Năm mới kính chúc cô cùng gia đình hưởng một tết thật đầm ấm, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Kính

  9. Hoàng hưng nói:

    Kính thưa cô. Tết đến em kính chúc cô thầy sức khỏe an khang, phước lộc tràn đầy.
    Năm nay nơi em ở không thấy bán mãng cầu, nên em mua tạm cho cô 9 chôm chôm, dừa, đu đủ, soài.
    Em đoán chùa Viên Giác không ở thành phố Hamburg vì (cũng đoán) thành phố này là nơi sản sinh ra bánh Hamburger.
    Em nghe nói, khi mới thành lập nước Mỹ. Có cuộc bầu cử để chọn giửa hai ngôn ngữ Anh và Đức. Số người chọn ngôn ngữ Anh chỉ hơn ngôn ngữ Đức một phiếu. Nếu ngược lại, bây giờ ở Mỹ năm mới cũng chúc câu Frohes Neues Jahr

  10. Pham Trung Hai nói:

    Kính chúc cô và gia đình NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

     

  11. Hoành Châu nói:

    HÔM  NAY   LÀ    SÁNG     MỒNG  MỘT   TÊT, CHÚC    CÔ   VÀ  GIA   ĐÌNH  VUI  TẾT,  Em Hoành Châu         ( Gia đình C )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác