CÂU ĐỐI TẾT của CAO BÁ QUÁT

Ngày đăng: 30/01/2015 11:03:46 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)
 
0 caoCao Bá Quát, một văn tài thời vua Tự Đức, cùng lúc với Nguyễn Văn Siêu. Ông giỏi đến nỗi vua Tự Đức phải khen : ” Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường. “. Có nghĩa : Viết văn mà được như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì văn đời Tiền Hán coi như không có ( Đời Tiền Hán rất thịnh về văn, ý muốn nói văn của NVS và CBQ còn hay hơn văn của đời Tiền Hán ). Còn làm thơ mà được như Tùng Thiện Vương và Tuy Lúy Vương thì thơ thời Thịnh Đường cũng bị chìm mất luôn.( Ý nói thơ của TTV và TLV làm còn hay hơn cả thơ thời Thịnh Đường ). 
              Đây chỉ là cách NÓI NHẤN để chỉ những nhân vật nêu trên RẤT GIỎI về thơ , văn mà thôi, chớ không phải ” Vô Tiền Hán ” và ” Thất Thịnh Đường ” thật sự !.
                                                             
                                       

              Cao Bá Quát giỏi văn tài, thao lược, có chí lớn, nhưng phải cái tội nghèo, ông rất xót xa đau khổ vì cái nghèo của mình . Xem Tài Tử Đa Cùng phú của ông sẽ rõ ! …. Các câu như….
              Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướt thướt, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con ron chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vầng trăng tỏ.
            Áo Trọng Do bạc phếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.
            Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy;
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ. …
 
              Vì tài giỏi, nên rất cao ngạo, ông từng nói :
Trong thiên hạ có 4 bồ chữ.
Một mình  tôi giữ hết 2 bồ.
Anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn văn Siêu giữ một bồ.
Còn một bồ phân phát cho thiên hạ !
Tương truyền, vì tánh khí cao ngạo nên mọi người đều xa lánh. Một hôm Vua Tự Đức- Ông vua rất giỏi về văn chương – làm được môt đôi câu đối hay, tình cờ Cao Bá Quát lại vào chầu, Vua muốn khoe đôi câu đối mới của mình, nên mời Quát xem câu đối hay, mà không có nói là của mình làm, để thử xem Quát bình phẩm như thế nào ?. Câu đối như thế nầy :

                          THẦN KHẢ BÁO QUÂN ÂN             臣可报君恩
TỬ NĂNG THỪA PHỤ NGHIỆP      子能承父業
Có nghĩa : Bề tôi, có thể báo đáp được ơn của Vua ban
Làm con, có thể kế thừa được sự nghiệp của Cha.
             Ý của Vua Tự Đức là muốn tự hào về mình có thể nối được cơ nghiệp của cha mình mà làm vua một cách thật tốt, và các bề tôi của mình cũng rất trung thành mà báo đáp ơn của mình. Rất tự hào và hay quá ! Định khoe tài với Cao Bá Quát, biết là của Vua làm nhưng cũng giả nai, và không ngờ khi xem xong, Cao Ba Quát lại tâu rằng :
”  Xin Bệ hạ hãy cho chém đầu ngay kẻ nào đã làm ra 2 câu đối nầy ! ”
Nhà Vua ngạc nhiên hỏi : Tại sao ? , thì đáp là : ” Đại nghịch bất đạo “, Hỏi : ” Như thế nào ? ” , thì Quát đáp rằng : ” Chữ THẦN 臣 là bề tôi mà lại để trên chữ QUÂN 君 là Vua ( vì liễn viét đứng ). Chữ TỬ 子 là con mà lại để nằm trên chữ PHỤ 父 là cha, không phải ” Đại nghịch bất đạo ” là gì ?. Hỏi : ” Phải làm sao ? “, thì Quát sửa lại là :
                          Quân ân, thần khả báo                     君恩臣可報
Phụ nghiệp, tử năng thừa                 父業子能承
Có nghĩa : Ơn Vua, bề tôi có thể báo đáp.
Cơ nghiệp của Cha, con có thể thừa kế.
              Vua Tự Đức nghe xong, phải cho là giỏi, định khoe tài, không ngờ bị bẻ mặt. Rất phục tài Cao Bá Quát, nhưng với cái lối phê bình hỗn xược đó, nhà vua cũng không ưa…..
             Khi theo giặc Châu Chấu Lê Duy Cự làm phản, bị bắt rồi bị tru di tam tộc, tan tành mộng làm đế vương, trong gông cùm nhưng vẫn luyến tiếc mộng ĐẾ VƯƠNG của mình, ta nghe ông làm đôi câu đối sau :
                      Mấy bước cùm gông chân có Đế,
Ba vòng xích sắt bước còn Vương.
            Quả là đau khổ và cao ngạo tột cùng !. Ông lại đưa cả những lời văng tục ( chưởi thề ) vào trong câu đối nữa mới là độc đáo chứ !. Các bạn hãy đọc đôi câu đối sau đây , ông làm trước khi bước lên đoạn đầu đài :
                      Ba hồi trống giục…đù cha kiếp,
Một nhát gươm đưa…bỏ mẹ đời !
            Không nói chuyện buồn nữa, ta nói chuyện vui hơn… Lúc đương thời Cao Bá Quát đang nghỉ ở nhà.  Vì nổi tiếng về văn tài, nên nhân dân quanh vùng thường rủ nhau đến xin câu đối về nhà dán, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán .
            Một hôm có hai người láng giềng cùng đến một lúc, chỉ trước sau mấy bước. Người đến trước là một anh làm nghề đóng hòm . Người đến sau là một chị đang có chửa gần ngày sinh. Cao Bá Quát không cần phải nghĩ ngợi lâu, cầm bút viết vào tờ giấy đã được rọc sẵn cho anh thợ đóng hòm như sau  :
                        Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm Thọ,
                             天      添       歲       月        人        添       壽,
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn Ðường.
                            春     滿     乾     坤         福      滿       堂。
Nghĩa là:
                      Trời thêm năm tháng, người thêm thọ,
Xuân khắp càn khôn, phúc  
khắp nhà.
        Ông đã khéo dùng hai chữ “Thọ” và “Ðường” để nói đến cái quan tài  ( cái hòm ), vì ngày xưa dân chúng Miền Bắc quen gọi cái quan tài là Cỗ THỌ ĐƯỜNG .  ( Dân Miền Nam cũng gọi cái Hòm là Cái Hàng, Cái THỌ. Đi mua Hòm gọi là đi Nhắc Cái Hàng )
          Anh thợ nghe giảng rõ, vui mừng vái chào đi ra. Ðến chị bụng chửa. Cao nhìn chị hóm hỉnh cười, rồi lấy mảnh giấy khác, viết ngay:
                       Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm,
                             天      添       歲       月        人        添   
                       Xuân mãn càn khôn, phúc mãn.
                           春     滿       乾      坤      福         滿。
Nghĩa là:
                       Trời thêm năm tháng, người thêm,
Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy.
          Như vậy là Cao Bá Quát đã dùng lại câu đối cho anh thợ đóng hòm hồi nãy, chỉ có bớt ở mỗi vế một chữ cuối. Nhưng như thế vẫn nói lên được rất rõ việc chị phụ nữ sắp đẻ (  thêm người  ) và việc hiện tại trước mắt là chị đang có mang vì chữ “phúc”  福  là ” phúc lộc ” trùng âm với chữ “phúc”  腹  là cái “bụng” ( “phúc mãn” là ” bụng đầy”  tức là bụng đang có chửa).
          Trên đây chỉ là những mẫu chuyện kể theo truyền tụng của dân gian, không có sử liệu chính xác để chứng minh, chỉ đọc chơi tiêu khiển trong lúc trà dư tửu hậu của những ngày đầu xuân Tết đến !…
 
                   Đỗ Chiêu Đức kể.
             

Có 3 bình luận về CÂU ĐỐI TẾT của CAO BÁ QUÁT

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Ông Đỗ Chiêu Đức và các bạn phụ trách trang nhà ơi ! Tui vô cùng khâm phục cách hành văn nầy. Nhưng tui lấy làm lạ, tại sao khi mở trang nhà thì không đọc được những chữ Hán trong các câu đối,  khi coppy ra giấy ngoài thì những dòng chữ Hán lại hiện lên. Lý do ?

  2. Phi Rom nói:

    Bạn nhấp vào ô màu trắng sẽ hiện ra nguyên ” Tập tin: Cao Bá Quát”

  3. Hoành Châu nói:

    Bài viết  hay , hấp dẫn  người đọc  ,    với sự  lý giải  tài tình  chính xác  .Tích cũ   đề cập   đến  một văn tài  nhưng cao ngạo , nhà   thơ   Cao Bá Q uát  …. Hoành Châu  trước học chương trình C , cũng  yêu thích tài nghệ và những nét độc đáo  trong thi ca của  ông và chính bản thân con người  của ông !  Cảm ơn Tác gỉả Đỗ Chiêu Đức   . Kính mến  . Hoành Châu (Gia đình C )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác