NHUỜNG ĐƯỜNG ANH ĐI
1 -Trong mớ ký ức tuổi thơ lộn xộn của tôi không có hình ảnh vĩ đại của người cha. Bên cạnh bà ngoại đã già, mẹ tôi một mình chắt chiu nuôi tôi bằng đồng lương khiêm tốn cộng với một ít huê lợi ruộng vườn bà tôi được thừa hưởng của tổ tiên. Đối với mọi người không có cha là điều vô cùng bất hạnh nhưng tôi không cảm nhận nỗi bất hạnh đó quá bi thương bởi mẹ tôi đã chu đáo thương yêu lo lắng cho tôi bằng tình yêu của cả người cha lẫn người mẹ.
Tôi bước vào tuổi mười lăm, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Năm đó nhân ngày giỗ ông ngoại, một vị khách của mẹ vô tình tiết lộ để tôi biết rất nhiều điều mà mười lăm năm qua ngoại và mẹ tôi đều kín tiếng.
Hai mươi năm trước mẹ tôi lập gia đình. Chồng của mẹ là người quen thói trăng hoa, ông tự cho mình được quyền có nhứt thê tam tứ thiếp còn đèo bồng hằng tá nhân tình. Mẹ tôi vốn hiền lành nên chưa bao giờ ầm ĩ phản ứng mà chỉ âm thầm chịu đựng. Chồng của mẹ không phải là ba tôi, chính sự hiện diện của tôi đã làm hôn nhân của mẹ kết thúc và điều làm tôi hụt hẫng đau đớn nhứt là tôi không phải do mẹ tôi sinh ra.
Mười lăm năm trước, tôi là đứa con hoang được bí mật sinh ra trên một con đê ngăn đám mả làng lô nhô ngập trong lau sậy với thửa ruông vắng ngắt mênh mông của gia đình ông Cả Giáo. ( dân làng tôi goị nghĩa địa của làng là “đám mả làng “ ). Ở nơi hoang vắng đó, người sinh ra tôi không phải chỉ một mình mà có mặt của hai người thân ( bà ngoaị và mẹ của Người ).Tôi vừa mở mắt chào đời thì cả ba người ruột thịt của tôi đành tâm chống xuồng ra về quăng tôi ở lại, lăn lóc, trần trụi một mình nằm gần hang chuột, dưới rặng trâm bầu.
Khi tôi bị lũ kiến vàng tấn công là lúc anh Cống phát hiện ra tôi. Anh ở làng bên, theo đoàn thợ gặt đi làm thuê ở làng tôi khi tuổi mới lên mười. Thấy anh mặt mũi khôi ngô, mạnh khoẻ tháo vác laị cần cù siêng năng bà chủ điền nhận anh trước làm con nuôi sau thành đầy tớ. Vào khoảng cuối thập niên bảy mươi, gia đình bà chủ vượt biên sợ chuyện bại lộ nên dẫn “ tên đầy tớ “ theo cùng.
Sau khi cứu tôi khỏi lũ giặc kiến vàng anh Cống túm tôi trong mấy tấm lá môn. Ở nơi không nhà cửa cũng không người qua lại anh không biết cầu cứu ai mà cũng không thể bỏ đàn trâu nhà chủ. Anh đành đặt tôi trên về lục bình, cẩn thận đậy tôi lại cũng bằng mấy tấm lá môn rồi đẩy tôi ra giữa dòng trong lúc mây đen kéo tới giăng kín bầu trời báo hiệu một trận mưa to. Còn ở tuổi trẻ con khờ dại nhưng mang cái tâm nhân ái, anh đứng trên bờ ngó theo về lục bình mà miệng thì lâm râm khấn vái “ em có linh thiêng thì trôi ngang nhà người ta em ráng khóc lớn lên để người ta vớt em “
Chiếc nôi lục bình trôi lênh đênh trên dòng nước mang theo sức sống thoi thóp lụi dần của tôi tấp vào chiếc cầu nhũi nơi mẹ tôi đang ngồi giặt áo. Nhìn đống lá môn xùm xụp trên về lục bình mẹ tò mò giở ra xem rồi la hoảng lên khi thấy tôi xám ngoét nằm trần trụi không một mảnh vải che thân. Bà ngoại đứng trên bờ rút chiếc khăn rằn bọc vội lấy tôi. Trong khi chờ mẹ nhóm lửa để sưởi, bà ngoại đã ủ ấm tôi bằng chính thân nhiệt cuả bà.
Cơn mưa ầm ào trút xuống. Ngoaị và mẹ cứu tôi trong gang tấc tử thần. Và nếu anh Cống xuất hiện không kịp lúc thì chỉ trong chốc lát lũ kiến sẽ bu lại rìa rói tôi đến trơ xưong. Nếu không thì lũ chuột sẽ đánh hơi rủ nhau kéo ra xé tôi thành trăm mảnh. Và nếu như hôm đó ông Trời không thương, nổi cơn giông bão cho con sông dậy sóng thì tôi đã chìm nghỉm xuống tận đáy sâu Cho tới bây giờ vết sẹo khá to trên đỉnh đầu tôi do lũ kiến vàng gây ra hãy còn láng nguyên, không bao giờ mọc tóc.
Ngoại tôi là người già nhà quê dị đoan mê tín nên ngoại đặt tên tôi là Yên Bình ( mẹ tôi là Trần thị Yên, tôi là Trần thị Yên Bình ). Ngoaị hy vọng cái tên sẽ vận vào người để suốt đời tôi được bình yên.
Chồng của mẹ tôi cực lực phản đối tôi, ông muốn mẹ tôi bỏ cả tiền của lẫn công sức ra chăm lo cho đám con nít đông như kiến cỏ được sinh ra từ những người đàn bà kém đức hạnh, từng làm tâm lý mẹ tổn thương. Mẹ chối từ vì mẹ chưa đủ rộng tâm để làm được cái việc mà chồng mẹ cho là cao thượng đó. Ông buộc mẹ phải chọn một trong hai giữa ông và tôi. Cuối cùng thì người mẹ quyết định chối bỏ không phải tôi.
Từ những ngày đó mọi chuyện như òa vỡ ra, tôi trở nên lầm lỳ, tránh né đối diện với tất cả mọi người và bị dè bỉu gán thêm tên.
Tôi bước vào tuổi mười bảy, cái tuổi biết chạnh lòng, phô trương nhan sắc
Một hôm trên đường đi học về, Vạn từ trong vườn nhà xấc lấc gọi tôi
-Lục Bình
Tôi nín nhịn làm ngơ nhưng Vạn vẫn không tha mà dài hơi gọi với theo bằng giọng khiêu khích, phỉ báng.
– Ê, Lục Bình trôi – Lưu giang Bình – Bình lưu giang.
Tôi ngoãnh lại định nói câu gì đó ghê gớm lắm cho hả tức nhưng tôi chưa kịp mở miệng thì anh Ngàn thẳng tay giáng cho Vạn một cái tát thật mạnh mà giọng thì nho nhỏ rời rạc từng tiếng trầm nặng như nghiến giữa hai hàm răng
– Đồ – độc – ác.
Anh còn ấm ứ gì đó trong cổ họng mà tôi không nghe được.Tôi định quay đi thì bà giáo Muôn, mẹ của anh Ngàn và Vạn xuất hiện. Bà hối hả chạy ra không phải vì tiếng tru tréo của Vạn sau cái tát đau điếng của anh Ngàn mà vì ba tiếng “ lục bình trôi “. Bà tát cho Vạn thêm một cái hằn dấu cả bàn tay rồi quát tháo ầm ĩ :
– Đanh ác nanh nọc vừa vừa thôi – con quỷ.
Tôi trân trân nhìn anh Ngàn và không hiểu sao tôi chợt mỉm cười, một nụ cười hàm ý trách móc không thành tiếng. Tôi cảm giác cái cười của tôi vừa xấc xược lạnh lùng vừa thâm độc nham hiểm. Anh ngượng nghịu nhếch môi đáp trả, sau đó tôi quay lưng bỏ đi và phát chạy khi nghe bà giáo ơi ới gọi theo. Được một quãng tôi ngừng lại để thở rồi tất tả bỏ chạy tiếp khi phát hiện anh Ngàn lớ ngớ đứng bên đường ngóng cổ ngó theo tôi.
Tôi biết anh Ngàn rất thích tôi nhưng tôi không chỉ ghét con Vạn thôi mà tôi ghét cả tông chi họ hàng nhà nó. Nếu như đám ruộng cò bay thẳng cánh cuả ông Cả không có những con kênh đào dẫn nước xẻ ngang thì tôi sẽ chọn cách vất vả băng đồng để khỏi phải đi ngang nhà bà giáo. Con đường từ quốc lộ dẫn đến nhà tôi là con đường độc đạo, vắng hoe với hai hàng cây trâm bầu rợp bóng nên thơ
Chiều hôm sau, ngoại không đón tôi ở đầu ngõ như thường lệ mà tôi thấy ngoại thấp thoáng giữa đoạn đường về.Tôi hỏi ngoại sao đi xa ngoại nói không muốn thiên hạ hiếp đáp tôi và hỏi tôi hôm qua con Vạn đã nói gì. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn ngoại
– Sao ngoại biết?
– Sáng nay vợ thầy giáo Muôn tới nhà xin lỗi ngoại. Mà cũng tệ thiệt, nếu người lớn không châm chích nhiều lời thì con nít làm gì đã biết – ngoại níu chặt tay tôi như dắt tay một đứa trẻ con, giọng cứ chậm rãi yêu thương rề rà như muôn thủơ
– Hồi trước sao ngoại không đặt tên con là Lục Bình cho tiện, như vậy thiên hạ đâu còn ý nào xấu hơn để cười cợt chế nhạo con? Mà “ Lục Bình trôi” hay “ Bình lưu giang” hay” Lưu giang Bình” đều mang ý nghĩa trôi sông bồng bềnh thơ mộng giống nhau, ngoại cứ mặc kệ người ta đi – tôi buồn buồn thủ thỉ với ngoại
Ngoại nói, mặc kệ sao được, luc bình là thứ bèo giạt mênh mông lênh đênh không bến đỗ. Tôi cãi, hoa lục bình cũng đẹp, đến mùa cũng ngan ngát tím cả dòng sông.
– Nhưng mong manh, kém sắc, không hương lại sớm nở tối tàn không bao giờ kết trái.
Mấy năm sau, tốt nghiệp trường y tế ra tôi ngấp nghé trở thành người lớn, kiếm tiền phụ mẹ. Kỳ lương đầu tôi chưa kịp mua biếu ngoại tấm bánh thì ngoại qua đời. Mẹ mồ côi, hiu quạnh sống với tôi.
(còn nữa)
Lưu Phương
Chị Lưu Phương ơi, Nt chưa bao giờ đọc được đoạn truyện nào nhập đề vưà hay ,vưà cảm động và vưà thu hút NT đến như vậy. Cái tên Yên Bình hay Bình Yên đều quá thân thương và ấm áp cả.Phải nói là trong cuộc sống con người, chữ Tâm nó quan trọng vô cùng, nó trên cà chữ Tình và chữ Tiền nuã.. phải hong các huynh các tỉ ? NT thấy các huynh trong TPH- VL cuả mình ai ai cũng có cái tâm thiện rất là đáng quí ! Hồi nhỏ, NT thường nghe bà ngoại cuả NT nói. thà là ngheò tiền ,nghèo bạc chớ không thể nghèo nhân và nghèo nghiã. Vì có nhân ,có nghiã ,có cái tâm tốt… thì sẽ có phước hạnh đi theo bên mình , không có nghèo đói được. Con nên nhớ lâý !!! Lúc đó NT cứ nghe thôi chớ đâu có hiểu gì, bây giờ lớn lên , biết chút chút qua những người bạn tốt mà NT gặp trong đời! NT Snow cám ơn chị Lưu Phương đã cho NT đọc được tập 1 cuả truyện thật là hay và nhiều điều quí mà NT phải rỉ tai chồng cần học hỏi thêm nhé !!! NT chờ đón tập 2…. Chúc chị luôn vui khoẻ và ngon giấc .
Nguyễn Tuyết thương,
Sợ em bị ông Chủ Chợ đánh đòn nên suốt mấy ngày chị cố sức ” giũa ” mà không ra câu thơ nào hết. Vì vậy chị năn nỉ ông Chủ Chợ cho chị thay thế bài nầy.
Viết mà có người đọc và khen thì không còn gì vui bằng. Cám ơn em. Chị LP
Mở đầu câu chuyện tác giả đã mang chúng ta đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác .Từ một cô gái mồ côi cha dần dà nhân vật phát hiện ra mình không phải được sinh ra từ Mẹ -là người từng thương yêu ,lo lắng chăm sóc cô bằng tình yêu của người Cha lẫn người Mẹ.Hoàn cảnh chào đời của cô thương tâm quá! Nhưng Yên Bình ơi, Cô đã có một sức sống rất mãnh liệt khi mới vừa cất tiếng khóc oa oa,lũ kiến vàng quái ác,hay lũ chuột háu đói cũng không làm gì được cô,Trời đất cũng động lòng thương cảm nên đã ngăn cơn mưa dông ập đến trong lúc anh Cống ra tay giúp cô tìm một bến bờ bình an để làm chổ nương thân.Khi biết rỏ về thân thế Cô tủi thân và ví mình như cánh lục bình-một loại bèo dạt lênh đênh -… Nhưng theo tôi loài lục bình ấy có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời cô vì chính nó đã mang cô đến với người Mẹ và bà Ngoại rất mực thương yêu cô. Tiếc là người bà kính yêu ấy sớm ra đi khi chưa nhận được sự báo đáp từ cô cháu gái mà bà đã từng hết lòng chở che, bảo vệ. …!
Chị Lưu Phương ơi , Câu chuyện Chị viết đã gây xúc động cho người đọc từ những dòng đầu tiên cho đến những câu cuối …..em chờ đọc tiếp đấy chị a .
Kiều Oanh thương,
Chuyện nầy có thật, xảy ra trong vùng quê hẻo lánh nơi Ba Má chị sống . Tuy nhiên chị cũng hư cấu một chút cho thêm kịch tính. Cám ơn cưng đã khen và lời khen của cưng làm chị nức lòng. Chị LP
Tui cầu mong : nhân vật trong truyện không liên quan gì với người viết dù chỉ 1%.
Cậu Cả thân mến,
Câu viết ngắn của em làm chị cảm động. Cám ơn em. Chị LP
Chị Lưu Phương ơi, em có cuộc sống khá bình yên, những ngày tháng trước năm 75 vẫn được ở thành phố, vẫn được đi học, sau năm 75 vẫn có cuộc sống no đủ với cha mẹ, cuộc đời chưa biết khổ là gì, nên đọc câu chuyện chị kể em không cầm được nước mắt. Không ngờ trên cuộc đời này có một người sinh ra đời có một hoàn cảnh như vậy.
Hoàng Hưng ơi,
Lời bộc bạch chân tình của em làm chị vui. Con người ta sinh ra phải phúc đức lắm mới có được cuộc sống như em. Chị LP
Chị Lưu Phương ơi, bây giờ em mới biết có lẽ huynh Hoàng Hưng ngày xưa được “đẻ bọc điều” hé Chị? nên cuộc sống của anh bình yên và hạnh phúc hơn người. Chứ hông phải như em, bọc điều đâu hổng thấy mà chỉ thấy bọc …nylon ….nên trôi lình bình hoài .hic hic hic !!!!
Bọc ny lon mà trôi lình bình thì là chủ chợ viết tắt (CC)
GRỪM….GRỪM………ông CC này muốn ….kiếm chuyện với tui hay sao ta …???