Thăng trầm “phố tài chính” Sài Gòn
Một khu phố ở đường Nguyễn Công Trứ (quận 1), dài không đầy 400 m, trước năm 2000 là một khu vắng vẻ, nhưng bây giờ người, xe tới lui tấp nập bởi khu phố này đã trở thành khu tài chính ở TP Hồ Chí Minh.
Con đường có lá me bay
Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là con đường một chiều. Trước đây, ở đoạn đầu con đường này, gần bến Chương Dương, là một đoạn đường vắng vẻ, có một tòa nhà văn phòng, một công ty tài chính, một cửa hàng đại lý bạc đạn xe, người ghé lại rất ít, khách bách bộ cũng thưa nếu có chăng là ghé lại dùng một tô phở ở vỉa hè trước tòa nhà số 1. Anh Ðỗ Hữu Phúc, một người sống ở phố này hơn 40 năm cho biết, phố vắng từ khi anh còn ở tuổi học trò, đường lúc đó có nhiều cây to bóng mát. Nhà bạn anh cũng ở gần đấy, mỗi lần rủ rê nhau đi chơi đến đầu đường vỗ tay vài cái, âm thanh vang dội lên lầu cao, thế là cậu học trò kia từ từ xếp sách vở đi theo tiếng gọi của bạn bè.
Phố vắng lúc đó không phải do phố nghèo mà phố này dành riêng cho giới thượng lưu. Tòa nhà số 1 lúc bấy giờ là trụ sở Thượng nghị viện của chính quyền Sài Gòn. Phía trước trụ sở là “Hội trường Diên Hồng”, có mặt tiền ở bến Chương Dương, nơi tụ họp các nghị sĩ. Ðối diện là tòa Office Building tám tầng của nhà tài phiệt Lý Long Thân, một “ông vua” không ngai, kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ gạo, phân bón đến thép. Ông có nhiều thế lực, đến chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng phải nể. Ông Nguyễn Ðức Hoàn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thương mại, từng làm việc tại lầu 6 của Building này cho biết, ở các tầng dưới, họ Lý cho các công ty nước ngoài, công ty xuất – nhập khẩu của người Việt thuê, ở tầng trệt là Hãng phim Tân Kiệt Y Oan, chuyên cung cấp phim nhựa Hồng Công (Trung Quốc), còn ở tầng 7 có một đại sảnh để nhà tài phiệt tổ chức tiệc tùng hoặc nhảy đầm.
Không phải đến ngày nay, các ngân hàng mới tụ tập về khu này mà trước đây đã có nhiều ngân hàng đóng chung quanh như: Ðại Hàn hối đoái Ngân hàng (bây giờ là trụ sở của Công ty Savimex, đường Nguyễn Công Trứ), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (đường Hàm Nghi, bây giờ là Ngân hàng Công thương), Trung Nam Ngân hàng, Tín Nghĩa Ngân hàng, Nông Công Thương Ngân hàng… Nhiều người bảo rằng, xưa kia sở dĩ nhiều ngân hàng đóng ở khu vực này vì ở gần Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tuy nhiên vì con đường này không lớn bằng đường Hàm Nghi cho nên còn một số ngân hàng đã chọn đóng trên đại lộ.
Phố đông nhờ cổ phiếu
Nhìn khu phố Nguyễn Công Trứ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa có thời tập trung nhiều công ty chứng khoán, công ty tài chính làm người ta liên tưởng đến Wall Street ở Manhanttan (New York, Mỹ) dài hơn 500m, là trung tâm tài chính của New York, nơi tập trung nhiều người theo dõi và chơi chứng khoán nhiều nhất thế giới. Ở phố chứng khoán Nguyễn Công Trứ cũng vậy, chỉ khoảng 400 m nhưng sát với Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, sàn giao dịch chứng khoán chính thức đầu tiên tại Việt Nam. Ở tòa nhà cao chín tầng số 134 Nguyễn Công Trứ, tầng trệt là Chi nhánh Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại TP Hồ Chí Minh, trên tầng 9 là Công ty Chứng khoán của BIDV. Ngay ngã tư đường Nguyễn Công Trứ – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chiếm ba góc là Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Eximbank, BIDV. Trên đường Nguyễn Công Trứ, từ đầu đường cho đến Calmette là những ngân hàng như Hàng Hải, Ðông Á, Phương Ðông, ngoài ra còn rất nhiều trụ sở và phòng giao dịch của công ty chứng khoán như: chứng khoán KIS, chứng khoán Phương Ðông, chứng khoán Âu Việt, chứng khoán Bản Việt, chứng khoán MHB, chứng khoán Toàn Cầu, chứng khoán Ngân hàng Ðông Á, Hoàng Gia, Bảo Việt, Quốc tế, FPT, Thăng Long, Sài Gòn (SSI).
Năm 2007 và 2008, khi thị trường chứng khoán “lên hương”, các công ty chứng khoán đua nhau về phố Nguyễn Công Trứ mở văn phòng, mở sàn giao dịch. Nhà phố có diện tích 100 m2 giá lên đến 1.500 cây vàng, cũng có người mua. Tuy nhiên, theo luật định, muốn mở công ty chứng khoán phải có 150 m2 sàn giao dịch cho nhà đầu tư, nên cũng là điều kiện khó với các nhà tài phiệt. Chợ cổ phiếu tự do (OTC) nhóm họp tại Công ty Chứng khoán Ðông Dương, người ra vào tấp nập, trao tay những cổ phiếu chưa lên sàn. Con đường này trở nên sầm uất khi có thêm sàn vàng, các nhà trên phố trước kia làm nghề gì chẳng biết đều đổi qua bán cà-phê, giữ xe máy, bán cơm trưa, thu nhập cao hơn trước.
Phát triển không bền vững
Anh Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán nhiều năm làm việc trên phố này nhận xét, thật ra đây không phải là khu vực tốt để đưa công ty chứng khoán về đây, chẳng qua lúc cao trào người ta cần buôn có bạn bán có phường, nhà đầu tư cần có chỗ để tán gẫu, bàn bạc về cổ phiếu… Chính vì vậy mà công ty anh đã dọn về đây, thuê trên lầu với giá 17 USD/m2, một khoản chi phí lớn nhất của các công ty chứng khoán. Bây giờ thì thị trường ảm đạm, giá cao khiến các công ty không trụ nổi phải chuyển đi nơi khác. Hơn nữa, các nhà đầu tư đều đặt lệnh trực tuyến, những ông già hơn 50 tuổi cũng có thể xách máy tính xách tay đặt lệnh ở quán cà-phê nào đó xa trung tâm thành phố. Chợ OTC sau bao đợt sóng gió, lúc di chuyển về cuối đường Phó Ðức Chính, nay dời sang Công ty Chứng khoán Bản Việt trên đường Hàm Nghi, nhưng cũng không ồn ào như trước. Các nhà giữ xe ít khách hơn, quán xá phần lớn trở về nghề cũ, nhà phố cho công ty du lịch, công ty phong thủy thuê lấp vào chỗ của sàn chứng khoán trước đây.
Theo anh Hồng Trường, một phố tài chính hiện đại cần phải có chỗ đậu xe rộng rãi, các ngân hàng, công ty chứng khoán phải có diện tích lớn mà các con đường trong khu này hiện nay thuộc loại cổ, khó điều chỉnh quy hoạch, ngại nhất là giá đền bù. Thành phố đã có đề án về khu phố tài chính, nhưng còn nhiều yếu tố chưa thể một chiều có thể giải quyết được. Nó cũng như xây dựng một chợ và chợ có đông đúc không là một chuyện khác nữa.
LƯƠNG MINH
Kiều Oanh ơi, Lương Minh mới viết chuyện chùa chiền, xoay qua viết chuyện tiền bạc, kỳ tới sẽ viết chuyện đờn . . gì mà Kiều Oanh nói đó.
Sao anh Hoàng Hưng biết hay quá vậy ta ? Chuyện đờn ……đó là ” truyện dài nhiều tập” anh ơi , không chỉ anh LM có thể viết chuyện mà ai cũng viết cũng được mà , bởi vì …” ai đã chưa 1 lần qua nơi ấy ..? ..” ( dĩ nhiên là có vài người trong dấu ngoặc nhe ) ” Tiền Tình cùng có 1 vần chử T “.
Các chị ơi .mai mốt mình cũng viết về ” đàn ong.”cho mấy ổng biết tay hé , nhất là chị Phương Nga , vì John như chị Phương mai nói , hông biết đọc tiếng Việt , Mà rủi gặp ” dịch giả “như Ko thì ổng đành ..bó tay luôn , !!!! ka ka ka