Cậu Ba Minh Hải
Đám cưới của bà Thu Tần và ông Thanh Tùng không đông khách lắm nhưng rất vui vì có một người khách thật đặc biệt. Ba má của bà Tần qua đời từ lâu nên bà xem ông cậu Ba Phi nầy như cha mẹ ruột của mình. Đôi trai tài gái sắc nầy làm giấy tờ bảo lãnh diện du lịch rước ông qua Richmond, Virginia chủ trì hôn lễ. Mục đích của họ là tỏ lòng hiếu để, và tăng phần long trọng cho hôn lễ để kẻ xấu mồm khỏi dị nghị, già rồi mà còn bày đặt cưới hỏi rình rang.
Sau đám cưới ít hôm thì ông bà Tùng gọi mời mình xuống D.C. tháp tùng đi chơi với bộ ba gia đình của họ. Sẵn dịp ngắm vườn hoa anh đào nhân dịp kỷ niệm 100 năm dân Phù tang cơm ghe bè bạn mang hoa gây giống xứ Cờ Hoa.
Cậu Ba Phi nổi tiếng rền trời Nam bộ, có nhiều tác giả đặt chuyện tràn lan rồi ký tên của cậu. Chỉ ít người được đọc bản vìết tay của cậu. Chuyện nầy bởi một cơ duyên, mình hân hạnh đọc tập chuyện dầy cui “Cậu Ba phiêu lưu ký sự” tại ngay công viên Lafayette, đối diện White House. Cậu chỉ cho mình xem một lần bằng mắt. Do thì giờ có giới hạn nên mình chỉ đọc một đoạn ngắn. Và hy vọng mới một lần sao, không đến nổi cho ra bảy bổn.
Ngày 20 tháng 3 năm 2012, tại phòng chờ đợi khu vực khởi hành các chuyến bay quốc tế phi trường Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên đi nước ngoài và nghe người ta nói đi xa nửa vòng trái đất, nhưng cậu Ba đâu biết một vòng trái đất bao xa mà ở đó tính cho ra nửa vòng của nó. Cho dù có hỏi cái vòng bao lớn, cậu thừa hiểu chẳng ai muốn trả lời. Bởi vì có lần cậu cứ hỏi mấy thằng cháu bạn nhậu ở quê, ý nghĩa số đo mấy cái vòng môt hai ba của mấy cô hoa hậu. Tụi nó cười cười mà không thằng nào chịu nói. Hôm nay hình như mấy chú thanh niên ngồi quanh đây cũng đang nói về số đo khoảng cách, nhìn vẻ mặt của họ hình như vô cùng quan trọng.
Một anh chàng rất sang trọng đẹp trai, từ tốn nói rằng :
– Từ ngày ra trường, tôi may mắn làm ở hãng Mercedes- Benz. Hãng nầy lớn lắm, tôi chỉ biết loanh quanh phân xưởng chỗ tôi làm thôi. Vào một buổi chiều thứ sáu, tôi xin nghĩ sớm một tiếng lên văn phòng lãnh cái check cuối tuần. Ngồi trên xe điện nội bộ của hãng, lòng lâng lâng nhĩ đến ngày mai đi chơi với người bạn gái. Bước xuống trạm xe điện ngang parking lot của xưởng, định lấy xe ra về thì gặp mấy người bạn cười to, ông có biết bây giờ là sáng thứ hai hay không mà lái về nhà. Các bạn có biết sự ngạc nhiên của tôi, như vậy tôi ngồi suốt hơn hai ngày đi và về trên xe điện 60 km/ giờ từ phân xưởng đến văn phòng, và chỉ mất nửa giờ chờ cô thơ ký.
Mấy người ngồi kế bên làm thinh lẩm nhẩm cộng trừ nhơn chia gì đó.
Từ hàng ghế phía sau bổng có một âm thanh ồ ề đánh tan bầu không khí nặng nề vẫn còn bao trùm bí ẩn của câu chuyện trước.
– Mấy ông biết không, vé chuyến đi nầy hoàn toàn do hãng sản xuất máy bay siêu hạng Airbus đài thọ. Ngay cả tôi đang ngồi đây, họ cũng trả lương đủ mỗi ngày tám tiếng.
– Vậy ông là “salesman” đi chào hàng cho kiểu mới nhất A-380 ?
– Xeo xéo mốc gì, trước đây tôi là thợ đóng ghe ờ Long Phú, may mắn nhảy theo tàu cá lọt qua Âu châu, tưởng đóng tàu bay na ná giống như tàu cá, sẵn họ đang tuyển người không cần tay nghề kỷ thuật , tôi và mấy thằng bạn nạp đơn đúng lúc. Cái may của tôi, cũng từ tai nạn của người khác. Bửa đó, không biết thắng Tây lái xe nhiên liệu ngủ gục hay sao không biết. Đáng lẽ nó phải bôm nửa bình xăng cho mỗi chiếc máy bay xuất xưởng, cho đủ bay ra bãi đậu kho vựa bên ngoài. Sơ suất của nó làm cho chiếc đó chưa kịp ra cửa xưởng thì rớt ịt xuống nửa chừng. Hai thằng phi công bấm ghế thoát hiểm, một thằng an toàn. Xui cho thằng phi công phụ, cái dù của nó bị máng vào chóa đèn trần cao áp. Nhờ có người cúp điện kip thời nên nó không chết cháy, vậy mà hãng phải dùng trực thăng cứu hỏa hì hục cả ngày mới đem được nó xuống.
– Anh có phải là người cúp đìện nên được ông chủ thưởng công.
– Đâu có đến phần tôi để rờ mấy thứ đó. Lúc tôi nghe tiếng động cơ tắt tị, dòm lên thấy nó lảo đảo, biết có chuyện nên cong lưng chạy. Tới khi nghe rát sau lưng, nhờ người bạn cởi áo dùm, thấy một mảnh kiếng bằng hạt lựu vừa chạm tới da. Một đốm máu không lớn hơn đồng xu, mà giá trị bằng chiếc vé máy bay và sáu tuần nghĩ bệnh.
Bổng một ông sồn sồn mặc chiếc áo thun cao bồi có in mấy chữ như vầy ” I -trái tim đỏ lòm- New York”, đột nhiên đứng dậy.
– Hai chuyện của các anh, tôi nghe muốn điếc con ráy mà chả hiểu bao lớn bao xa. Cái hãng của tôi, chỉ nghe mấy người làm mấy chục năm đồn đải chớ không ai biết đích xác nó bao lớn. Tui chỉ biết hãng mở cửa lúc 7 giờ sáng. Bửa nào cũng vậy, ông quản lý mở cửa lúc sáu giờ rưởi, vội vàng kéo cầu dao mạch điện hệ thống đèn soi sáng. Vậy mà nhiều khi điện chạy nửa tiếng chưa tới những bóng đèn cuối cùng của hãng.
Có ông lên tiếng, “ông vô Google coi một giây điện chạy mấy mét rồi chịu khó nhơn ra, mắc mớ gì hỏi tụi tui”.
Cậu Ba hiểu loáng thoáng rằng mấy cha nầy nổ ngầm, cậu tằng hắng vài tiếng cho thông hơi đang nghẹn ứ nơi cổ họng.
– Quê của tui ở Năm Căn, Minh Hải. Lúc tui còn trẻ như tuổi các em thì biết được tại chợ Năm Căn người ta bắt đầu làm lễ động thổ cũng lớn lắm, nghe nói là xây nhà máy chế biến và đông lạnh thủy hải sản, cũng nghe nói năng suất nhà máy nầy chỉ thua cái ở bên Éc-cu-a-đo gì đó. Họ xây dựng rầm rì không biết bao lâu, tui chỉ nhớ khoảng hơn một tháng hồi tui ăn lục tuần 8 năm trước thì nhà máy khai trương sản xuất dây chuyền số một, kỷ thuật xử lý tôm, cua và ba khía. Lễ khánh thành thiệt là hoành tráng, đêm đó có mấy xe ô-tô-bít chở ca sĩ Sài Gòn đến ca nhạc và mấy đoàn cải lương thay phiên hát sáng đêm. Khai trương mà múa lân và đốt vài phong pháo chỉ là chuyện nhỏ, đêm đó người ta bắn pháo bông sáng rực cả vùng biển vịnh Xiêm-la, bà con đi tới lui coi hát và ăn nhậu tới sáng bét, khỏi cần đốt đuốc như mọi khi. Ôi thôi! Cả đời tui lần đầu tiên mới thấy.
Tui còn nghe thằng cháu là phụ tá hành chánh đội trưởng bảo vệ, nó thuật một chuyện mà tui tưởng chỉ có trong phim nhiều tập Hàn Quốc. Câu chuyện là trước ngày khai trương nhà máy vài tuần, có ông quan to đến nhậm chức Tổng Giám đốc. Việc đầu tiên của ông nầy là tuần tự mời các nhân viên đầu ngành các khối, các vị trưởng ban bệ sản xuất và phục vụ, kỷ sư các phân xưởng, và trưởng phó các dây chuyền, vân…vân. Mỗi người tuần tự đến gặp ông một lần để chào ra mắt chừng 5-10 phút. Cho đến một ngày ông nhìn trong một tép hồ sơ những nhân viên sẽ diện kiến ông hôm đó, trong danh sách dài dằng dặt của phòng Quản trị nhân viên. Ông thích thú khi đọc lướt qua tên người kỷ sư trẻ giống y tên con ông, lạ một điều là tên cha của nó cũng trùng luôn tên ông mới ngộ.
– Em ở cùng quê Gò Đen với qua, tên em cũng trùng với thằng Út của qua.
– Thì con là thằng Út Tí của ba nè.
– Ủa, hồi đó ba nhớ mầy mới học lớp 9 mà.
– Ba nhậm chức chỗ nầy 8 năm rồi. Ba không về thăm nhà, nhưng cũng cho con lớn lên chớ.
Trong lúc mọi người trầm trồ cái hãng đông lạnh ở quê hương Minh Hải của cậu Ba và họ chưa thể hình dung nó bao lớn. Trong sự im lặng tạm thời của khu vực nầy, bỗng mọi người giật mình vì có một chiếc tàu bay kéo hồi còi thật lớn. Vừa dứt tiếng súp-lê thì có một giọng nữ oang oang trong loa phóng thanh:
” Hành khách Korean Airlines, chuyến bay KE 715 đi New York chú ý…”
Một Lúa
Một Lúa Ơi! đọc bài viết của Một Lúa …Tôi cười tủm tĩm …mà no bụng về các nhân vật Nổ…Ơi! là NỔ.Nổ như các Ông Nổ về thành tích của mình…Thật ra chẵng có thành tích gì cả.Một bọn lừa mị …Những con sâu của thế kỷ mới!.Cậu Ba Phi sống lại chắc cũng chào thua các bậc Nổ thời bi giờ…Xin viết thêm cho bạn bè đọc đi Một Lúa.HTH
Chào anh Huỳnh Tâm Hoài
Cám ơn anh cho lời bình luận. Mình viết bài nầy như là những chuyện vui vụn vặt cho cô bác đọc giải trí thôi.
Một Lúa
Anh Lúa ơi…Anh Khiêm nhường đáng khâm phục…Tôi cảm nhận đôi điều rất hay như có lời nhắn gởi thế nhân trong cuộc đời CHÂN -GIÃ hóa mù cuộc sống…Rất mong có mấy chuyện vụn của anh tiếp diển.HTH