Chiếc đòn gánh và đôi gióng quê hương

Ngày đăng: 14/11/2013 10:52:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Tôi không phải là nhà nghiên cứu cho nên tôi không biết xuất xứ của chiếc đòn gánh và đôi gióng gánh có từ đâu và lúc nào (?) Xin các nhà chuyên khảo cứu và quí bạn tha thứ cho. Tôi chỉ viết về hai đối tượng nầy như là một hoài niệm và nỗi nhớ từ khi tôi còn trẻ và lớn lên lúc còn sống nơi quê nhà  tỉnh Trà Vinh. Nhưng một điều chắc chắn là chiếc đòn gánh và đôi gióng phát xuất từ nhu cầu di chuyển hàng hóa của người miền quê trong thời buổi chưa có chiếc xe đạp và sau nầy là các phương tiện khác như xe máy, xe ba bánh hiện đại như ngày nay trên những con đường làng đến các khu đô thị..

       Chiếc đòn gánh thường làm bằng tre. Thường người ta lấy đoạn gần gốc khoảng hơn hai thước vì nơi đây có độ cứng, các mắt tre nhặt hơn, chiếc đòn sẽ cứng và có độ dẻo. Đoạn tre được chẻ đôi ra và được đẻo gọt thành chiếc đòn gánh, dài hay ngắn sao cho khi đặt lên vai là vừa tầm cho đôi tay giữ hai quai gánh. Hai đầu đòn gánh có hai cái mấu để giữ hai đầu gióng. Khác với chiếc đòn gánh là chiếc đòn xóc, hai đầu không có mấu và được dạt nhọn. Người miền quê thường dùng đòn xóc để gánh mạ, lúa hoặc những bó củi. Vì có hai đầu nhọn nên dễ xóc vào hai bó mạ hoặc lúa bó gánh từ đồng ruộng về sân nhà. Người đời thường ví những ai dùng lời lẽ đâm đầu nầy thọc đầu kia cho mọi người gây gổ, giết chóc lẩn nhau là bọn “đòn xóc.” Ôi! nó là cái loại người đâm bị thóc, xóc bị gạo ” thường để nói đến những hạng người như vậy.

         Đôi gióng thường thấy làm bằng mây. Cọng mây được chẻ đôi ra thành những sợi  theo độ dài. Dưới đáy gọi rế gióng thường được đan thành hình vuông, từ bốn gốc xoắn vào nhau đi thẳng lên (độ dài hay ngắn tùy theo dùng cho người lớn, người nhỏ con hoặc cho trẻ em), chụm đầu và đan thành quai gióng.

        Chiếc đòn gánh luôn có mặt khắp các nơi trong mọi sinh hoạt hằng ngày  của người dân. Trong bài Gánh lúa của nhạc sĩ Phạm Duy lời ca có đoạn “Gánh, gánh, gánh..gánh thóc về, gánh thóc về…”Đó là biểu tượng đặc thù của vùng đất mới đồng bằng Nam bộ trù phú nhiều lúa như ngày nay.

       Ở vùng quê tôi, qua các nẻo đường tôi thường thấy các bà mẹ, những cô gái quảy gánh từ sáng sớm từ các vùng hẻo lánh trên những con đường đất ngoằn ngoèo với đôi quảy gánh nào là rau quả, cá, mắm và đủ mọi thứ linh tinh khác mà họ có được đem ra chợ bày bán. Lúc tan chợ về, họ mua gạo, đường, nước mắm hoặc các thứ khác cho nhu cầu  cuộc sống hằng ngày. Khi về các mẹ, các chị không quên mua một ít xôi, chè, bánh đặt ở hai đầu giống về cho các con, các em  đợi ở nhà.

       Kẻo kẹt khắp vùng quê đâu đâu cũng thấy người quảy gánh. Người gánh lúa từ đồng ruộng về, người gánh nước trên các nương rẩy tưới từng luống đất hoa mầu, người quảy gánh hàng rong với tiếng rao lanh lãnh.“Ai ăn bún nước lèo hôn” “Ai ăn chè đậu hủ hôn….”

        Sau  khi đậu  tiểu học tôi lên Trà Vinh, ở nhà chú Năm trọ  học trung học. Cứ mỗi đêm vào khoảng 9 giờ tối tôi thường nghe tiếng rao “Ai ăn chè thưng nước dừa đường cát  hôn” của dì Tám chè thưng. Người ta gọi chết danh dì như vậy. Và suốt thời gian học ở Trà-Vinh, nếu đêm nào dì bị bịnh không đi bán được. Không nghe tiếng rao của dì, tôi thấy thiếu vắng một cái gì đó. Có đêm dì đi ngang nhà tôi hơi trễ, thấy tôi còn thức học bài, dì dừng gánh và réo hỏị “Cháu chưa ngủ hả? có đói bụng không? để dì múc cho cháu chén chè nghe? Ba nay dì đãi cháu đó”. Tôi đang ngần ngại thì dì đã có ngay trên tay chén chè thơm phức. Thật ra tôi cũng đang đói và thèm chè của dì, nhưng vì túi hết tiền nên không dám gọi. Thật chó ngáp phải ruồi, tôi nghĩ bụng như vậy, nhưng miệng vẫn nói cháu sẽ trả tiền….Dì Tám khoa tay nói: dì nói dì đãi mà và quảy gánh đi với tiếng rao lãnh lót xa dần ..xa dần… “Ai ăn chè thưng nước dừa đường cát hôn”… Khi lên Sài Gòn học, tôi không còn có dịp nghe tiếng rao của dì nửa. Tôi nhớ mình còn nợ dì một chén chè thưng và nghĩ  khi nào đi làm có tiền, lúc gặp lại dì tôi sẽ trả tiền chén chè cho dì. Rất lâu sau,  khi  có dịp về Trà-Vinh, tôi ghé thăm  gia đình chú thiếm Năm, tôi hỏi  thiếm về dì Tám chè thưng, thì thiếm cho biết dì chết hồi năm Mậu-Thân. Tôi cay cay đôi mắt. Dì Tám ơi! bao giờ cháu trả được cho dì chén chè ân nghĩa năm xưa đây…!

         Trong thời chiến tranh bốn lăm (1945) khi chạy tản cư thì các bà mẹ bỏ con nhỏ vào một đầu gióng còn đầu kia bỏ nồi nêu xoang chảo và các món cần thiết, chạy tán lọan rời xóm nhà đi lánh nạn. Gia đình tôi chạy theo đoàn người tản cư và sống ở Cồn Cù. Ba tôi dùng đôi quảy gánh, gánh hàng ra chợ bán, má gánh nước từ cái giếng đào ở sau nhà đổ vào khạp, lu chứa nước nấu ăn hoặc giặt giủ. Tôi dùng thanh tre treo lủng lẳng hai cái lon sữa bò gánh nước đỗ vào hang bắt dế. Sau nầy khi hồi cư về Trà Cú có một dạo mới lập nghiệp ba tôi đi xe đò lên Trà Vinh mua thuốc rê về và gánh  thuốc  ra chợ bán. Lúc nầy tôi có thể giúp má gánh mỗi đầu nửa thùng nước từ con sông trước nhà đem đổ vào lu ở sau nhà. Vì còn nhỏ lại chưa quen, tôi bị thùng nước cứa vào  gót nhượng chảy máu. Má lấy dầu cù là thoa vào vết thương và băng bó cho tôi. Má chỉ dạy cho tôi cách gánh để khỏi bị thùng va vào gót chân. Má nói nhớ dùng hai tay giữ hai quai sắt cho chặt thì hai thùng nước không lúc lắc và sẽ không bị cứa vào chân. Từ đó tôi không còn bị thương ở chân nửa.

          Trong ca dao tục ngữ, trong văn chương chữ nghĩa có nhiều bài ca ngợi người đàn bà Việt Nam  tần tảo với đôi quảy gánh trên vai, cho dù cực nhọc đến đâu vẫn một lòng lo cho chồng, cho con. Trong ca dao có đoạn “Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Hoặc ở Nguyễn-Khuyến “Lặn lội thân cò khi quảng vắng/ Eo xèo mặt nước buổi đò đông” đã nói lên sức chịu đựng, chịu khó của người đàn bà Việt Nam thật tuyệt vời.

          Hồi còn nhỏ tôi rất mê bài ca 6 câu  vọng cỗ “Gánh nước đêm trăng” của soạn giả Viễn Châu, do Út Trà Ôn ca. Soạn giả Viễn Châu cũng là dân Trà-Vinh. Thuở chưa nổi danh ông sống ở xã Đôn-Châu nên lấy bút hiệu là Viễn-Châu. Cũng như anh Út ở  quận Trà Ôn nên lấy danh hiệu là Út Trà Ôn. Hồi đó các danh ca thường lấy tên địa phương mình làm tên hiệu như Cô Ba Trà Vinh, Cô Ba Bến-Tre… 

         Bài ca “gánh nước đêm trăng” diễn tả đôi trai gái yêu nhau qua những đêm cùng nhau đi gánh nước trong làng. Khi người con trai từ biệt người yêu đi xa lo làm ăn có đoạn như sau:

       “Đêm hôm sau chờ em ra gánh nước cạnh đầu làng dưới rặng mù u. Tôi gặp em chưa nói được nửa câu vì toan thốt lời từ biệt thì đôi mắt em rưng rưng đôi giọt lệ. Tôi cằm chiếc khăn tay vội lau cho em dòng nước mắt và gánh hộ cho em một đoạn đường gọi là lần cuối cùng giúp đỡ cho nhau. Khăn tay tôi cất đem theo còn in nước mắt bạn nghèo năm xưa, quê người giải nắng dằm mưa làm sao tôi quên được kẽ sớm trưa đợi chờ….

       Trong chuyến về Trà Vinh vừa qua. Đêm nằm trong căn nhà cũ ở Tri-Tân tôi cố tìm lại những âm thanh ngày xưa, của tiếng rao hàng ban đêm, nhưng tôi thao thức mãi mà vẫn không nghe được tiếng rao hàng như những năm nào như lúc còn sống ở quê nhà mà chỉ nghe toàn những âm thanh của xe hơi, xe gắn máy chạy rầm rập suốt đêm. Sáng chạy ra nhà lồng chợ Phú Vinh tìm gánh bún nước lèo mà bọn học trò chúng tôi thường hẹn ra đó ngồi chồm hỗm ăn bún nước lèo thịt heo quay với chén muối hột dầm ớt cay xè. Gánh bún ngày xưa không còn nơi đó!….Tôi buồn nhìn mọi người chen nhau nhốn nháo. Ôi đâu  rồi bóng hình bè bạn năm xưa?. Hởi người muôn năm cũ, hồn bây giờ ở đâu?

        Về Trà-Cú thì cũng chỉ thấy toàn xe Honda. Bây giờ người ta chuyên chở đồ trên chiếc xe Honda chạy vù vù hoặc đẫy đồ vật trên những chiếc xe ba gác. Họa hoằn lắm, đi ra chợ mới thấy một ít quảy gánh bán buôn những mặt hàng cây nhà lá vườn.

        Hình ảnh đôi quảy gánh trên vai người mẹ, người con gái , anh nông dân chắc rồi đây sẽ mất hẳn. Thực ra với đà tiến bộ của xã hội thì phải vậy thôi. Nhưng với những ai sống một thời xa xưa, một thời mua gánh bán bưng, thì không sao khỏi bồi hồi thương tiếc cái hình ảnh đôi quãy gánh bình dị nên thơ. Hình ảnh những cô gái đặt đôi gánh đứng dưới gốc cây trăm bầu nghỉ chân, giở chiếc nón lá khỏi đầu, một tay vuốt tóc, một tay cầm chiếc nón phe phẩy trước ngực áo căng phồng, hát vẫn vơ vài câu hát hò vô tư…Ôi! còn đâu nửa một thời xa xưa!…Buồn ơi! là buồn….

 

                                                                                   Huỳnh Tâm Hoài

 

Có 1 bình luận về Chiếc đòn gánh và đôi gióng quê hương

  1. Một Lúa nói:

    Bi giờ mà Huỳnh Tâm Hoài muốn kiếm 5-7 trai gái làng quê nhờ đóng vai <gánh lúa về> trên đường đê để chộp hình nghệ thuật là một việc khó. Việc khó hơn là làm sao kiếm ra quang gánh, chỉ hoặc may đi thuê tại các công ty cho thuê dụng cụ điện ảnh. Còn cô gái đứng đụt nắng dưới tán lá trâm bầu hồi nẳm, cũng đang hối hả ở một khu công nghiệp nào đó. Chúc bạn viết đều và hay như vậy.

    Một Lúa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác