” LẤY CON MẮT CHÚNG SANH NHÌN CHÚNG SANH “
Anh Một Lúa kính mến, Rất hân hạnh nhận được ý kiến của anh trong phản hồi bài thơ ” Mộ” của Hồng Băng. Và hoàn toàn đồng ý với anh, được ” lấy con mắt chúng sanh nhìn chúng sanh ” là quý lắm rồi.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta biết mình là chúng sanh và cái bị chúng ta nhìn cũng là chúng sanh. Đây là một chuyện hết sức lý thú nên xin phép nói dông dài thêm một chút, sẵn dịp làm trò vui với anh chị em trang nhà.
Như chúng ta biết, khái niệm chúng sanh trong Phật học mênh mông, bao gồm tất cả vạn vật và chư pháp, GIẢ CHÚNG DUYÊN NHI SANH, tất cả những gì đã có, đang có và sẽ có trong vũ trụ bao la vô tận nầy. Chúng sanh không chỉ loài người và động vật. Có 10 loại chúng sanh ( thập loại chúng sanh ) và chia làm hai nhóm: hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh. Từ hai nhóm căn bản nầy do vận động duyên khởi mà nên bốn loại hình thái. Ba hình thái vật thể là: động vật, thực vật, khoáng vật. Một hình thái phi vật thể như là: thanh, hương, vị, xúc, pháp… ( nghĩa là âm thanh, mùi, vị… cũng là chúng sanh)
Rõ ràng là một tình huống hết sức lý thú khi biết mình là một âm thanh và mình đang dòm ngó quan sát tìm hiểu lân la với một cây đàn. Nhưng cầu Trời, đó là một cây đàn !
Và cũng hết sức hấp dẫn khi biết mình là vị ớt cay và nơi mình sắp dầm mình vào là một chén nước mắm Phú Quốc. Nhưng vái Trời, đó là chén nước mắm hoặc là nước tương!
Thành ra biết mình là chúng sanh đã khó nhưng không khó bằng biết được cái đang bị mình nhìn cũng là chúng sanh!
Và chúng ta chắc cũng nhớ, trong kinh Kim Cang mà Hồng Băng vừa nhắc có câu: Chúng sanh giả Như Lai thuyết tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh.
Chúc Anh Một Lúa sức khỏe. Thân mến,
Quách Đào.
Chào huynh Quách Đào,
Trong phản hồi, Lúa chỉ suy nghĩ một điều rất đơn giản. Rất hân hạnh được huynh giải thích sâu rộng. Lúa sẽ giữ đây như là một điều trân quý và nhấm nháp từ từ. Cám ơn huynh và các đại huynh.
Chúc các huynh vui khỏe
Một Lúa