Kỳ 1: Thời thơ ấu nhiều kỷ niệm
Cám ơn chị Thanh Thủy đã viết “Ngoại Ơi”. Gợi lại trong tôi những kỷ niệm thời thơ ấu mà chị em chúng tôi không thể nào quên . Bài chị viết là cả một tấm lòng của đứa cháu gái gởi tới bà ngoại yêu dấu nay đã khuất xa. Nay tôi, đứa cháu trai tha phương viễn xứ, xin tiếp bút với chị Hai, chị Thanh Thủy, một vài kỷ niệm thân thiết gắn bó quê hương và bà ngoại của chúng tôi.
Cù lao An Bình ngày nay (ảnh SOS)
Đò từ từ rời bến, bỏ lại phía sau, một không gian ồn ào tấp nập của người dân Vĩnh Long sinh sống tại bến đò chợ cá tỉnh khi xưa. Nhẹ nhàng rẽ sóng, đò tiến về vùng đất đang trên đà phồn thịnh, cù lao An Bình, xã Bình Hòa Phước, Phú Phụng , Đồng Phú, những địa danh mãi sống trong tâm khảm của tôi. Dòng sông Tiền Giang bao la, quen thuộc mà hằng năm, mỗi hè gia đình tôi đều về quê thăm ngoại. Rời chợ Vĩnh Long, tôi đã cảm giác được khí hậu mát mẻ dịu dàng. Ra đến giữa dòng, đò chạy yên tỉnh hơn, ngồi trong khoang, tôi cảm thấy vài đợt sóng nhấp nhô thân thiết như vẫy chào đón. Vừa vào cửa sông của xã Bình Hòa Phước, đã nghe được tiếng chim hót, tiếng ve kêu sầu râm ran giữa trưa hè oi bức. Khuất lấp xa xa, những vườn nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng…sai hoằng nhánh. Ven sông, hàng dừa lã bóng như muốn van xin chút mát mẻ của dòng nước đầy phù sa. Con đò tiếp tục “ tành tạch,tành tạch”, đôi lúc tạm dừng , cập bến tiển khách, tạm biệt một ngày cùng chuyến di hành.
Đến xã Phú Phụng, xã Đồng Phú, đò rẻ qua một nhánh sông lớn hơn. Đi về hướng trái là thị trấn Cái Bè ; rẻ phải vô cửa sông nhỏ là cù lao Tân Phong. Với tôi, hai chữ “Tân Phong” thật dễ thương, vì có lẽ nó gợi lên trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, từ thơ ấu cho đến tuổi tập tểnh trưởng thành. Nhánh sông Tiền Giang, lớn nhất nhì sông Cửu Long, còn nhớ khi đò chạy qua con sông này phải mất khoảng 45 phút đến 1 giờ, vài đợt sóng lớn con đò tròng trành khi đưa lên, khi xuống nhưng vẫn là những ngọn sóng hiền hòa của quê ngoại. Từng vạt lục bình xanh tươi trôi theo từng cơn sóng. Lác đác xa xa, vài nhánh lục bình héo hon, lạc lỏng, cố gắng xuôi theo dòng nước để hòa nhập với nhóm lục bình xanh tươi một cách vô vọng.
Đến cửa sông nhỏ là vào tới cù lao Tân Phong. Lòng tôi rạo rực, nôn nao, hiện rõ trên khuôn mặt là nỗi tự hào nghênh ngang có lẽ vì nhà ngoại tôi là ngôi nhà đặc biệt đầu tiên ở cù lao này. Đến cù lao Tân Phong hỏi ai, ai cũng biết, có lẽ vì thế mà tôi ngông nghênh? Động cơ từ từ giảm dần, đò chầm chậm ghé bến. Vừa bước lên cầu xi măng, một hàng dừa chen lẫn hàng cau xanh tươi, thẳng hàng như chào đón chúng tôi sau những tháng ngày xa cách. Ngoại tôi trồng cạnh cổng rào sắt, hàng kiểng đủ mọi màu xanh, đỏ, tím, vàng…Ngoài kiểng, ngoại có dậm thêm hoa huệ trắng thơm ngát, loài hoa mà ngoại rất thích. Hàng kiểng cao khoe sắc, lè tè khóm huệ trắng tinh khôi, làm tôi liên tưởng đến các cô thôn nữ mặc những chiếc áo bà ba đủ sắc màu mang guốc trắng đang vẫy tay chào đón mọi người.
Nói đến ngoại, bản thân tôi có nhiều hồi ức không thể quên được dù trăm nghìn năm vẫn mãi mãi trong lòng tôi. Ngoại tôi hiền lắm, giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi. Cả một đời bà chịu thương, chịu khổ mà tuyệt nhiên không than van, hờn trách. Lúc sanh tiền, bà sống rất giản dị , người làm công với chủ không cách biệt, thương người nghèo khổ, một tình thương vô bờ bến với con với cháu… còn nhiều … nhiều nữa… Ngoại đã một lần cứu sống tôi ( lúc đó tôi khoảng 8 tuổi ) trước cái chết trong gang tất vì bệnh, cũng chỉ vì không chịu về Vĩnh Long, đòi ở lại với ngoại thêm trong kỳ nghỉ hè. Cho đến ngày hôm nay chính tôi cũng không hiểu được tại sao? tại sao?.. Hè đến! ngày về chuẩn bị cho ngày khai trường, tôi tìm đủ mọi cách trốn lại để được ở lại bên Ngoại ( chui xuống tủ thờ, gầm bàn, gầm giường…) chuyến đò khởi hành về Vĩnh Long 4 giờ sáng, tiếng còi báo của con đò nghe thật não nùng, buồn thảm. Biết chủ đò không chờ được tôi… khi nghe tiếng còi dần dần xa, lúc đó tôi mới chui ra thế là được ở lại thêm với ngoại nữa. Có lẽ ở với ngoại được thương yêu, chìều chuộng, mỗi sáng được đi chợ, ngủ vời ngoại, phá phách không bị ai la rầy….( như những lời kể trong bài “ Ngoại ơi “ của chị Thủy đã viết. ) còn nhiều, nhiều nữa mà tôi không thể kể hết nơi đây. Lúc học cấp hai, mỗi kỳ nghỉ hè cũng tiếp tục “ về với ngoại “dù không còn phải trốn để được ở với ngoại nữa, và không còn phá phách như xưa, mà giờ thì phá làng phá xóm! Để hàng xóm gặp ngoại mắng vốn mấy trò nghịch ngợm của đàn cháu. Chúng tôi lấy đất, đá chọi những đàn vịt con của hàng xóm, mỗi đứa đếm chọi chết bao nhiêu con, đứa nào chọi chết được nhiều thì thắng cuộc. Chưa bao giờ chúng tôi biết ai thắng, ai thua vì lúc nào cũng bị người chủ vịt rượt đuổi chạy muốn tuột cả quần. Vậy mà lần sau gặp đàn vịt cũng tiếp tục chơi như thế. Trốn qua vườn hàng xóm, hái trộm trái cây ăn, chứ không hái ở vườn của ngoại, cũng bị rượt đuổi, chạy thục mạng. Cây cầu khỉ khó đi, có tay vịn, chúng tôi tháo lỏng tay vịn ngay giữa nhịp cầu, để khi ai đi qua bị té xuống ao, may mà tất cả các ao này đều cạn. Có chuyện này không bao giờ quên được, lúc đó rất khoái chí, tuy giờ nhớ lại thấy hối hận quá! Ngay cổng vào nhà ngoại phía tay trái có cây cầu bằng cây gòn dài khoảng 30m – 40m, trên cầu ngay nhịp giữa có một nhánh cây sầu riêng trong phần đất ngoại, trên nhánh cây có một tổ ong vò vẻ to gấp đôi trái bóng tròn, từ tổ ong cách nhịp cầu khoảng 10m, chúng tôi thường núp trong phần đất của ngoại chờ ai đó đi qua cầu gần tới giữa cầu là dùng đá chọi vào tổ ong , những con ong trong tổ vừa bay ra, chúng tôi đã chạy mất dạng bất cần biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra với người đó. Sau này biết có người bơi được thì nhảy xuống sông , không bơi được đành chịu… Đến nay không biết có khám phá chính cháu ngoại của Ông Bà Hai làm ra. Hy vọng ai là “nạn nhân” nếu biết được, xin tha thứ cho chúng tôi.
Cũng thời gian này, tôi học hỏi nhiều nơi quê ngoại, như bắt chuột trên cây dừa (thịt chuột ăn nghe nói rất ngon tôi chưa thử) , tối đi cắm câu, bắt ốc, hến, quậy ao bắt tôm, tát ao bắt cá, trời mưa thì đi bắt ếch. Leo dừa, leo cao, trồng cây, bón phân…. thời gian này được ngoại giao cho việc làm mà tôi xem là oai hùng, rất hãnh diện đó là được đi ra vườn, việc làm mỗi ngày là đến giờ cơm trưa kêu những cô chú làm công nghỉ trưa và vào dùng cơm ( khoảng chừng 10 người) tất cả họ làm ở mỗi khu vực khác nhau, nên phải biết rõ từng vị trí ( những vị trí này có tên gọi thật ngộ nghỉnh, có khi nghe đến cũng phải rùng mình như : Miếu thổ thần – cầu đúc – gò ngói – gò mả – ranh tám quận – bụi tre – măng cụt….) sợ nhất là đi khu “ gò mả ” mỗi lần đi ngang khu này là chạy thục mạng ,vở sống, vở chết, nếu từ chối không đi thì đâu còn oai hùng nữa nên phải ráng thôi , sau này tôi có hỏi ngoại tại sao đất ngoại có nhiều mồ mả quá vậy? Ngoại giải thích vì gia đình người ta nghèo, không có đất chôn, nên ngoại dành khu đất này cho những gia đình gặp khó khăn, khu này có tên là “ gò mả “ . Hàng năm tết đến hoặc lễ Thanh Minh, ngoại cho người dọn, hoặc sửa chửa lại những ngôi mộ vô chủ (có lẽ vì cuộc sống khó khăn thân nhân những ngôi mộ này đã di chuyển đi nơi khác )
(còn nữa)
Oregon, April, 2013
Võ Anh Tuấn ( 12C5, NK79)
Đi đò về ngoại phải qua sông Cổ Chiên (SOS)
Nhà ngoại (ảnh minh họa của SOS)
Ghi chú, nhà này ở xã Bình hòa Phước, tôi chụp trong chuyến đi khảo sát du lịch do Bùi Mỹ Châu (NK81) hướng dẫn.
Theo toi nghi, anh chang Vo Anh Tuan nay da co mot “tuoi tho rat du doi”, co the, khong can viet ra, moi nguoi o Vinh Long, nhat la truong Cap 3 Luu Van Liet, deu biet ro!
Va hon the nua, toi chac rang cu lao Tan Phong dao ay, chac cung co vai cai dam ma, chon nguoi bi chet duoi ( bi sap cau!), va it nhieu, cung vai nguoi phai di benh vien chua tri vi bi ong danh!
Anh chang Vo Anh Tuan oi, cu lao Tan Phong da dan hinh ong treo day duong (lenh truy na), ong co “khon hon” thi dung co ben mang tro ve nhe! Hihi!
P.Thảo à, “tuổi thơ quá lưu manh” cũng “xem xem” với “tuổi thơ dữ dội”. Không chừng cả hai đều có hình treo chung cùng một lúc và cùng một chỗ đó, hehe!
Trần Phương Thảo, Tuấn còn “dử dội hơn nhiều” một ngày nào đó rãnh kể cho PT nghe quê Ngoại của chúng ta.
Tuổi thơ quậy quá chừng , mà vui thiệt hé , vì vậy mới nhớ đời đời , khó mà quên , bây giờ bạn nhớ lại , kể rành mạch ,Chuyện về tổ ong , thiệt là chơi ác quá hà , tuổi thơ khủng long , hay khủng khiếp !!! sau này bạn có tìm hiểu ai là nạn nhân qua cầu để thăm họ hong . Anh Tuấn nhớ tặng họ chai dầu xanh hay dầu cù là… dù là muộn … để tạ lỗi với người ta , nếu không thì coi chừng bị truy nã tìm thủ phạm như PT nói cho mà coi !!!
Chị Tuyết, sợ bị truy nã nên phải trốn chạy định cư ở đây nè! sợ về lại quê nhà tốn dầu xanh hay dầu cù là,thôi thì trốn luôn cho chắc ăn, hoặc nếu có dịp trở về thì đi tìm chị để nhìn bà con,nếu có chuyện gì có chị đở dùm! điều này chị hứa không? trang web này của chung nên không có thời gian hỏi thăm, kể lễ, để nhận bà con với chị, sợ anh SOS lắm. Có dịp sẽ gặp lại chị ( không có hứa như hứa với Ngoại… )
Anh SOS coi vậy mà hiền khô và dễ thương lắm , hỏi Phương Nga đi , à hỏi chị PRom cho chắc ăn ! hi hi . Hẹn gặp tại quê nhà khi có thể !!hi hi , à không chịu mua dầu thì mua chó có lát đi , lưạ loại đen và đắng 86 phần dầu cho bổ khoẻ , thì NT mời cùng đi xoá tội sống , bắt tột chết bỏ qua ! Chịu thì ký hợp đồng , anh SOS làm chứng !!?? hi hi