Bài viết của một Giáo Sư Vạn Vật
Cách đây không lâu, tôi đọc lại bài “Một vài kỹ niệm khi được về dạy học ở Vĩnh Long” do một giáo sư dạy Vạn Vật viết, thấy hay quá, hôm có dịp gặp lại thầy, tôi hỏi thầy:- Thưa thầy em đọc lại bài viết của thầy hay quá, thầy cho em đăng lại bài này trên trang tongphuochiep-vinhlong cho nhiều anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp được đọc, được không thầy. Thầy cười cười trả lời: – Dạ! Tùy ý em, em muốn sử dụng như thế nào cũng được. (Nguyên văn câu trả lời của thầy, nói chuyện với thầy, thầy thường hay “Dạ”) Bài viết của thầy không có để tên tác giả, chỉ ghi “Bài viết của một Giáo Sư Vạn Vật”, mời anh chị đọc bài viết của thầy (Hoàng Hưng)
Cầu Lộ (hinh Internet)
Đến năm 1961, ngày xưa ấy vừa tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn, tôi được bổ nhiệm là GS đệ nhị cấp ban Vạn Vật về dạy ở trường Trung học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Một tỉnh mà lúc nhỏ xíu ông bà ngoại tôi ở làng Cái Thia thường gọi là xứ Giảng. Ở chợ Cái Thia (làng Mỹ Đức Tây, Mỹ Tho), các tiệm buôn, tiệm thuốc Bắc muốn bổ hàng đều phải qua Giảng. Ông ngoại tôi ất thích ăn cá mè vinh kho với mía, để lửa riu riu cho mía thấm vào cá cho xương nó rục, thì ăn tuyệt vời. Nên cứ mổi năm đến mùa lạnh gần Tết, ông ngoại tôi thường sai các dì tôi qua Giảng để mua cá mè vinh, vì nghe nói cá mè vinh chỉ có ở sông Trà Ôn mà thôi. Ở Cái Thia, tất cả bà con có bệnh nặng đều phải chạy qua nhà thương bên Giảng.
Khi nhận được lệnh về Vĩnh Long, tôi lúng túng không biết làm sao và bằng cách nào để về tỉnh trình diện. May thay gia đình bên vợ tôi, có xe nhà, lại có quen biết thân với gia đình ông Đinh Văn Thiệt, là thanh tra Tiểu Học tỉnh Vĩnh Long. Nên tôi được tài xế nhà chở trực tiếp về gởi ở nhà ông Thiệt. Thế là không nhúc nhít cục cựa gì được hết. Tôi được ông bà Thiệt tận tình chăm sóc ngày ba bửa rất tươm tất. Tôi còn nhớ rõ lúc đó cứ mỗi cuối tuần là có một em học sinh rất phương phi tuấn tú và dể thương đi xe đạp đến nhấn chuông nhà ông Thiệt, lễ phép chắp tay nói: “Dạ ba má con nói đem biếu chú thiếm một chục hột gà tươi ăn lấy thảo.” Nhờ đó mà mỗi thứ bảy tôi được tẩm bổ thêm hột gà lacoque (luộc nửa sống nửa chín) với muối tiêu đúng theo phương pháp dưởng sinh thời đó . Hỏi ra đó là em Lưu vĩnh Khương, lúc đó là học sinh đệ nhị Tống Phước Hiệp. Tôi ăn cơm ở nhà ông Thiệt, nhưng được ở riêng một căn buồng (một phòng lớn) ở nhà thân sinh ông Thiệt. Năm đầu mới ra trường, với 24 tuổi xuân hơ hớ, đầy nhiệt huyết, nhưng phải chờ mỹ nhân, đang học Đại học thêm một năm nửa, nghĩa là còn một năm nửa mới được quyền làm lễ rước dâu, nên tôi rất hăng say dạy học, để chứng tỏ cho học sinh thấy rõ Vạn Vật không phải là môn học buồn ngủ đáng chán, mà là một môn rất thiết thực với đời sống của con người. Nhưng cũng có những lúc mưa rơi rơi làm chạnh lòng chiến sĩ nhớ đến mỹ nhân còn đang học ở Đại Học Sài Gòn, lòng buồn rũ rượi. Trớ trêu thay, cạnh nhà tôi (Đồng Khánh và Nguyễn Thái Học) có chú Chín hớt tóc, mà phía sau là một bụi chuối to với một căn nhà lá nuôi học trò ăn cơm tháng. những lúc trời mưa lã tả, buồn tênh, thì các em này thường vừa đàn guitare, vừa hát:”Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống vô cho rồi.” Rồi một em khác lại ngân nga: “Để mai để mốt rồi sẽ nói. Để mãi rồi đây tan giấc mơ.” Trời ơi, bên này đã buồn tênh một mình, lại còn nghe đàn thơ áo não, bổng nhiên tôi đâm ra phập phòng tự nói: “Nói thì mình đã nói rồi, nhưng không biết cái mộng có thành hay không?” Nên chiều thứ sáu là qua chú Chín nhờ hớt tóc, không quên dặn: “Chú Chín ơi, nhớ hớt đừng cao lắm nghen chú.” Rồi tờ mờ sáng thứ bảy kêu xe lôi gắn máy kéo cho lẹ ra ngã ba Cần Thơ, mua một chỗ tốt nhất của xe đò Nhan Nhựt, để lẹ lẹ về Sài Gòn không quên xịt trên đầu một chút dầu thơm Chanel For Men, rồi đội cái nón vía vừa mua khi mới ra trường. Không đi xe Hiệp Thành, mà chỉ đi Nhan Nhựt vì Nhan Nhựt không câu giờ rước khách, luôn luôn trên một trăm ký lô mét một giờ, an toàn trên xa lộ. Rồi đến Sài Gòn, thăm nhà, vui vẻ quá, ai cũng thương mình, hên quá, hên quá, có phước nhất trên đời. Rồi một năm sau, khi nàng ra trường, được làm lễ rước dâu, rồi vợ chồng hảnh diện sống đời dạy học, hết lòng để tâm dạy dỗ cho từng em của xứ Giảng đến năm 75. Chấm dứt nghiệp lên bảng cầm phấn từ đây. Vật đổi sao dời, thời gian trôi nhanh, bất chợt nhìn lại tuổi đời khá cao. Sau nhiều năm lặn lội ở Đức, ở Canada, nay về đất Cali, lại tìm được một niềm an ủi vô biên cho nghề thầy giáo là có duyên may gặp lại nơi đây các em người xứ Giảng, thuộc nhiều thế hệ của trường Trung Học Tống Phước Hiệp năm xưa. Cái tình thầy trò quý báu, cái tình huynh đệ thương yêu chân tình giửa anh em cùng trường Tống Phước Hiệp, nơi xứ người nầy thật là có một không hai.
Vạn vật sư phụ